Kinh nghiệm vòng thi viết các Ngân Hàng – Bài do anh Hoàng chia sẻ sau khi anh đã đỗ kho bạc nhà nước. Anh Hoàng cũng chia sẻ rất nhiều tài liệu nên mình sẽ update dần cho các bạn luôn đợt thi ngân hàng Nhà Nước
1. Đánh giá chung.
– Khá khó khăn, đặc biệt là các phần thi về nghiệp vụ. Tôi vẫn hay nghe các bạn nói rằng, học kiến thức trong trường toàn là lý thuyết suông, quan trọng là áp dụng thực tế. Tôi nhận thấy đây là một quan điểm rất sai lầm, nếu bạn học không kỹ các kiến thức trong trường đại học, đặc biệt là các môn học chuyên ngành, bạn sẽ rất khó có thể vượt qua được vòng thi viết này. Đây cũng là một phần lý giải lý do tại sao, sinh viên Ngoại Thương khi đi phỏng vấn thường nổi bật hơn các sinh viên trường khác nhưng đến vòng thi viết thì kém hơn hẳn Kinh tế quốc dân và Học viện ngân hàng.
– Thông thường, vòng thi viết sẽ bao gồm 3 phần nhỏ là Nghiệp vụ, Tiếng Anh, IQ và logic. Trong đó, phần dễ ăn điểm nhất có thể là IQ logic và khó nhất là thi nghiệp vụ đặc biệt là đề thi vào khối các ngân hàng quốc doanh. Đôi khi, môn thi tiếng Anh có thể thay thế bằng tin học (NH Bưu điện Liên Việt là một ví dụ)
– Vòng thi viết là cơ hội để bạn hiểu hơn về vị trí ứng tuyển. Nếu may mắn được bước tiếp đến vòng phỏng vấn, đừng quên xem lại những câu hỏi ở vòng thi viết.
2. Kinh nghiệm của bản thân.
2.1 Tài liệu nên dùng là gì?
Tôi chia tài liệu ôn thi ra làm hai phần
(1) Phần kiến thức tổng quan chung
– Tôi nghĩ rằng, để thi được vào ngân hàng, ít nhất, bạn cần phải có kiến thức tổng quan về ngành ngân hàng, đừng cố gắng chăm chăm làm các đề thi vào các ngân hàng sưu tập được, làm theo kiểu ăn sổi như vậy sẽ không bền vững đâu, kể cả khi bạn trúng tuyển vào ngân hàng rồi, bạn cũng khó có cơ hội để chuyển sang các phòng ban khác mình thích hoặc khó có cơ hội để thăng tiến.
Đầu tiên, tôi khuyến nghị các bạn nên đọc cuốn sách “Quản trị Ngân hàng Thương mại” của Peter Rose, cuốn này được mệnh danh là sách gối đầu giường của dân ngân hàng đấy. Khi được vào làm ngân hàng rồi, cuốn sách này cũng sẽ giúp đỡ bạn rất nhiều trong công việc. Nếu không có điều kiện mua được (ngày trước tôi mua ở trước cổng trường KTQD nhưng ko biết bây giờ còn không), bạn có thể dùng cuốn sách “Nghiệp vụ ngân hàng thương mại” của thày Nguyễn Văn Tiến – HVNH viết đọc cũng được.
– Thứ hai, bạn cần phải đọc luật và các văn bản dưới luật tương ứng với vị trí mình đang ứng tuyển. Tôi nhận thấy 1 điều, một định nghĩa có thể mỗi nơi một khác, giáo sư này định nghĩa thế này, trường này lại định nghĩa kiểu khác, vậy lấy đâu ra là chuẩn mực, chỉ có LUẬT. Hãy đọc đầu tiên là Luật các tổ chức tín dụng 2010, đây cũng là văn bản quy định khá chi tiết và các bạn cũng sẽ gặp rất nhiều các câu hỏi có liên quan trong phòng thi (đặc biệt là phần liên quan đến các con số)
(2) Phần riêng (kiến thức về vị trí và ngân hàng)
– Báo cáo thường niên của ngân hàng đó vào năm gần nhất. Cái này rất sẵn có trên mạng (thông thường bạn vào mục Nhà đầu tư) sẽ download được bản PDF của báo cáo thường niên này. Sau khi đọc xong báo cáo thường niên, nên tóm tắt các chỉ số quan trọng của ngân hàng đó như Tổng tài sản, vốn điều lệ, huy động, dư nợ cho vay, ROA, ROE,…, các mục tiêu, thành tích, giải thưởng mà ngân hàng đó đạt được.
– Tiếp theo, nếu có người quen làm việc trong ngân hàng mình đang mong muốn ứng tuyển, bạn hãy cố gắng xin được bản chức năng nhiệm vụ của phòng ban đó hoặc ít ra cũng biết được, công việc phải làm của phòng ban đó là gì. Thực sự, tài liệu này không quá là bí mật đâu, mình khéo léo xin xỏ một chút là người ta cho ngay. Tài liệu này rất quan trọng bởi vì đôi khi công việc bạn làm thực sự sẽ không giống như những điều mà nhà tuyển dụng nói trên bản mô tả công việc.
– Cuối cùng, hãy nhìn ra thế giới bằng cách đọc thêm các tài liệu tiếng Anh bạn sưu tập được hoặc nếu không thì hãy tìm hiểu các vị trí tương tự ở các ngân hàng khác. Khi đi thi vị trí Chuyên viên kinh doanh giấy tờ có giá ở Ngân hàng An Bình, tôi đã sử dụng tài liệu CFA level 1 bộ môn Fixed income để tham khảo thêm và đã “trúng tủ” được câu hỏi là những rủi ro gì khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp (Phần này trong sách CFA nói rất kỹ).
Các ngân hàng bây giờ rất có nhu cầu muốn thay đổi hướng đến chuẩn mực quốc tế, vì vậy, nếu bạn có những kiến thức và kinh nghiệm quốc tế như vậy sẽ làm tăng cơ hội của các bạn trước những nhà tuyển dụng.
2.2 Bài học của bản thân đã trải nghiệm ở vòng thi viết
Bài học 1: Đừng nghĩ rằng các câu hỏi trong đề thi sẽ chỉ chú trọng vào phạm vi của lĩnh vực mình ứng tuyển.
Có thể nhiều bạn sẽ băn khoăn với tựa đề này, tuy nhiên, đó lại là sự thật. Tôi đã tham dự vòng thi viết của Ngân hàng An Bình (ABB) vị trí Chuyên viên kinh doanh giấy tờ có giá. Tôi cũng cố gắng chuẩn bị tất cả các tài liệu ôn thi có liên quan và đọc gần như hết như bộ môn Fixed income trong CFA, đọc luật các tổ chức tín dụng,… Tôi còn chuẩn bị một số câu hỏi liên quan đến việc bán hàng và kỹ năng giao tiếp với mọi người, bởi vì tôi nghĩ rằng, đây là vị trí thuộc khối kinh doanh (Front Office). Nhưng khi vào đến phòng thi, tôi thực sự bất ngờ bởi những câu hỏi của ABB đưa ra, (tôi chỉ liệt kê những câu hỏi mà tôi cảm thấy bất ngờ, bạn nào mong muốn tìm hiểu sâu hơn về đề thi của ABB vị trí này, xin liên lạc với tôi qua email nhé)
– Giá xăng RON 92 hiện tại có giá là bao nhiêu tiền? Tôi hơi sốc với câu hỏi này, đang thi vị trí chuyên viên kinh doanh giấy tờ có giá, tại sao lại liên quan đến giá xăng, hay là mới có sản phẩm phái sinh mới nào có liên quan đến sự lên xuống của xăng dầu hay sao thế này. Tôi nhớ mang máng rằng, hình như tuần trước giá xăng là 22,800 VNĐ/ lít. Buổi chiều đi về đổ xăng, nhìn lên bảng giá mới thấy, 23,300 VNĐ/ lít. Hóa ra là mấy ngày hôm trước, giá xăng đã được điều chỉnh tăng 500 VNĐ/ lít. Thế là mất điểm câu hỏi trắc nghiệm đó rồi.
– Hội sở của ngân hàng An Bình nằm ở đâu? Câu này cũng khiến nhiều người nhầm là hội sở của ngân hàng nằm ở chính chỗ 36 Hoàng Cầu – địa điểm diễn ra buổi thi viết hôm đó. Nhưng lên mạng tra cứu thì hội sở của họ nằm ở 170 Hai Bà Trưng, P. Đa Kao, Q.1, Tp.HCM. Tôi nghĩ rằng, câu này cũng khiến không ít bạn mất điểm.
– Công văn 7459 – NHNN quy đinh về hạch toán loại chứng khoán gì? Đáp án phải là cả chứng khoán nợ và chứng khoán vốn. Tuy nhiên, nhiều bạn (trong đó có tôi) suy luận rất logic rằng, mình đang thi vị trí chuyên viên kinh doanh giấy tờ có giá ở ngân hàng, mà ngân hàng làm gì được phép tự doanh cổ phiếu là chứng khoán vốn, vì vậy phải là chứng khoán nợ rồi. Ở đây, tôi không muốn bàn nhiều đến đáp án, tôi chỉ muốn chỉ ră cho các bạn rằng, thực tế cho thấy rằng các chuyên viên của Front Office (FO) thường ít khi quan tâm đến các công việc của Back office (BO), mà những công văn, thông tư, nghị định đặc biệt về hạch toán kế toán, thì chỉ có BO là quan tâm thôi. Nhưng trong đề thi hoàn toàn có thể có những câu hỏi hơi trái ngành của bạn như vậy.
– Bên cạnh đó, tôi cũng gặp những câu hỏi như: Lãi suất cơ bản hiện tại đang được NHNN duy trì là bao nhiêu? (9%), tăng trưởng kinh tế năm 2011 là bao nhiêu (5.89%) và một số câu hỏi ở Luật các tổ chức tín dụng có liên quan đến các con số.
=> Lời khuyên của tôi cho các bạn là:
– Phải cập nhật tin tức hằng ngày qua các phương tiện thông tin đại chúng và luật pháp, đặc biệt phải nhớ các con số có liên quan, đặc biệt về ngành ngân hàng và kinh tế vĩ mô như % nợ xấu, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ lạm phát năm vừa qua,…
– Phải chuẩn bị các kiến thức có liên quan (Around the concept) đến các phần mình sắp thi tuyển. Như tình huống tôi kể là một ví dụ, mặc dù thi ở khối FO nhưng đề thi vẫn hỏi các kiến thức của BO.
– Bạn có kiến thức xã hội tốt, kiến thức chuyên ngành tốt, nhưng bên cạnh đó cũng cần phải hiểu về chính ngân hàng mình đang dự tuyển nữa. Vì vậy, trong phần tài liệu, tôi cũng đề cập đến việc, bạn phải đọc báo cáo thường niên của ngân hàng.
Bài học 2: Kinh nghiệm học với các phần thi IQ và tiếng Anh
2.1 Đối với các phần thi tiếng Anh
– Lời khuyên đầu tiên và duy nhất của mình cho các bạn ở phần thi này đó là cố gắng rèn luyện, cày nhiều bài tập theo các sách có sẵn. Hãy tưởng tượng như các bạn đang ôn thi đại học vậy, mình tinh rằng, nếu làm được như vậy, bạn sẽ thành công.
– Thực sự không quá khó, đặc biệt là các bạn khối D, đề thi chủ yếu về các dạng bài tập về ngữ pháp, điền từ, đọc hiểu, viết lại câu,… Nhưng có một điều các bạn phải lưu ý đó là các bài này hầu hết từ vựng liên quan đến chủ đề về tài chính ngân hàng. Vì vậy, nếu trường của các bạn có dạy môn tiếng Anh chuyên ngành (như FTU chẳng hạn), thì nên lấy sách đó ra, xem lại và làm lại bài tập trong các cuốn sách đó. Mình thấy, các dạng bài của các thày cô giao trong đó phải đến 90% giống với đề thi tieegns Anh của ngân hàng.
– Các bạn có thể tham khảo để thi tiếng Anh vào ngân hàng tại một số link sau LINK http://www.mediafire.com/?wh52sfwv93r32vn
2.2 Đối với phần thi IQ và logic
– Phần này cũng không khó, nhưng khá giới hạn về thời gian (ví dụ như ở Vietinbank là 25 câu IQ làm trong 20 phút). Một điều khó khăn nữa đó là, một số ngân hàng không cho phép bạn sử dụng máy tính trong phần thi này.
– Giải pháp của mình trong tình huống này như sau
– Đọc và làm nhiều bài thi về IQ và logic, cố gắng đọc sách tiếng Anh luôn, bởi vì, một số ngân hàng ra đề thi bằng cách photo trực tiếp từ những cuốn sách IQ bằng tiếng Anh đó.
– Khi tham gia vòng thi viết, nên mang theo máy tính và hỏi các anh chị trông thi rằng có được phép sử dụng máy tính trong phần thi này hay không.
– Các bạn tham khảo thêm một số tài liệu để rèn luyện IQ theo link sau http://www.mediafire.com/?g6ukcv65ekpfuci
Bài học 3: Hạn chế trao đổi, bình luận các kiến thức có liên quan đến nội dung thi cử với những ứng viên thi cùng.
– Nhiều bạn cho rằng, đây là một sự ích kỷ, ky bo, nhiều bạn còn nói với tôi rằng, nếu mình chia sẻ cho người ta, thì kiểu gì người ta chẳng chia sẻ lại với mình. Ý của tôi ở đây không phải là bảo bạn phải ích kỷ trong mọi tình huống, nhưng phải biết giữ bí kíp cho mình một cách đúng lúc. Tôi cảm nhận rằng, tuyển dụng vào bất cứ một tổ chức nào cũng giống như kì thi đại học vậy, thậm chí còn khắc nghiệt hơn trong thời kì khủng hoảng kinh tế hiện nay, vì vậy, hiếm khi có được sự Win-Win. Nhiều vị trí trong ngân hàng chỉ tuyển từ 1-2 người mà thôi, vì vậy sự cạnh tranh là rất lớn, bạn trúng tuyển có nghĩa là tôi bị loại. Đó là chuyện bình thường.
– Lời khuyên của tôi là, bạn vẫn nên trò chuyện với họ, nhưng phải biết kiềm chế những lời nói của mình.
– Tôi muốn kể về một câu chuyện của tôi, tôi đã gặp một người bạn học cùng trường đại học, bạn ấy đã đối mặt với tôi ít nhất trong 2 kì tuyển dụng đó là thi tuyển vào vị trí Chuyên viên phân tích kinh tế và nghiên cứu chiến lược tại SHB và vị trí Cán bộ Treasury của Vietinbank. Thực sự 2 lần đó, chúng tôi chẳng nói chuyện với nhau điều gì, chỉ có những câu chào xã giao mà thôi. Tuy nhiên, sau khi tôi đã trúng tuyển vào Vietinbank rồi, chúng tôi đã trở thành những người bạn khá thân thiết, ngay khi bạn ấy đang chuẩn bị thi tuyển vào vị trí Chuyên viên phát triển khách hàng và định chế tài chính của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, tôi đã tư vấn và chia sẻ kinh nghiệm cho bạn ấy một cách nhiệt tình và đẩy đủ nhất có thể. Đến bây giờ, chúng tôi vẫn duy trì mối quan hệ tốt đẹp.
Qua câu chuyện của mình, tôi muốn nói với các bạn rằng, nếu người mình gặp có thể trở thành bạn tốt của mình thì đó chỉ phụ thuộc vào thời gian, không sớm thì muộn mà thôi.
Bài học 4: Sau khi thi viết xong, bạn nên làm gì?
Nhiều bạn sẽ trả lời rằng, đơn giản thôi, chờ đợi kết quả. Đúng như vậy, tuy nhiên, chờ đợi không có nghĩa là ngồi im như kiểu há miệng chờ sung. Bạn nên làm các công việc:
– Ngay buổi chiều hoặc buổi tối ngày hôm đó, bạn cần tổng kết lại câu hỏi và chữa lại đề thi vào ngân hàng. Do đây là thời điểm mình nhớ đề thi nhất, cái này không chỉ tốt cho bạn khi đi thi ở ngân hàng khác mà còn là tài liệu để các bạn truyền thụ cho các hậu bối về kinh nghiệm thi tuyển (giống như tôi đang làm vậy)
– Đánh giá mức độ khả thi của bài thi viết, bạn hãy : Viết lại tất cả các câu hỏi, đánh giá câu hỏi nào của mình chắc chắn đúng, câu nào chắc chắn sai, câu nào còn nghi ngờ và đánh giá tổng thể chung rằng cơ hội đi tiếp của mình là bao nhiêu %.
Tôi đã từng làm như vậy với cả vòng phỏng vấn nữa. Lần tôi thi tuyển xong ở Vietinbank, tôi đã đưa ra bảng nhận xét của mình như sau
1. Phần thi nghiệp vụ (60%)
– Các câu hỏi chú trọng vào các kế toán giao dịch kinh doanh ngoại tệ, Derivative và Fixed income. Các câu tự luận làm khá tự tin và chắc chắn (dạng bài FRA 3×12, dạng bài trái phiếu có liên quan đến công văn 7459 của NHNN, nghiệp vụ Back office của Treasury là gì, tại sao lại phải tách biệt giữa hai khối Front office và Back office)
2. Phần thi tiếng Anh (70%)
– Các dạng bài
+ Phần trắc nghiệm: 60%
+ Phần tìm từ đồng nghĩa: 90%
+ Phần đọc hiểu: 90%
+ Phần điền từ: 60%
+ Phần viết lại câu: 50%
3. Phần thi IQ và logic (90%)
– Đánh giá chung phần IQ làm khá tốt, hiểu và tính toán được đáp án của 23/25 câu và chỉ có 2 câu là đánh bừa có cơ sở.
Tổng kết chung: 70% vượt qua vòng thi viết.
Sau khi tôi tính trung bình số điểm đánh giá của mình và xem xét mình sẽ có bao nhiêu % được đi tiếp, thực sự sau khi làm xong những bước đánh giá này, tôi cảm thấy rất tự tin về kết quả của mình. Các lần thi khác ở các ngân hàng khác tôi cũng làm tương tự. Thực sự, các bạn nên ứng dụng phương pháp này để có nhiều cơ hội chiến thắng,
Điều cuối cùng tôi muốn gửi đến các bạn đó là một câu nói tôi rất ưa thích ” Thành công là khi mình đạt được đến mục tiêu còn thất bại chỉ khi mình bỏ cuộc”.
Bài viết khác cùng mục: