I. QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng
1. Kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự là việc thu thập, xử lý, kiểm tra, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế dưới hình thức giá trị, hiện vật của hoạt động thi hành án dân sự bao gồm: tiền, tài sản phải thi hành án, đã thi hành án và còn phải thi hành án theo từng quyết định thi hành án; tình hình quản lý tiền, tài sản, tang vật; tình hình thanh toán trong nội bộ và bên ngoài của các đơn vị thi hành án dân sự.
2. Kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự áp dụng cho các đơn vị gồm: Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp; Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh (sau đây gọi tắt là Cục Thi hành án dân sự); Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện (sau đây gọi tắt là Chi cục Thi hành án dân sự).
Điều 2. Nhiệm vụ kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự
1. Nhiệm vụ kế toán tại Chi cục Thi hành án dân sự:
1.1. Thu thập, xử lý thông tin, số liệu kế toán của hoạt động thi hành án dân sự và tình hình quản lý tiền, tài sản, tang vật trong quá trình thi hành án của đơn vị;
1.2. Kiểm tra, giám sát các khoản phải thu, đã thu của đối tượng phải thi hành án và chi trả cho các đối tượng được thi hành án, các khoản nộp ngân sách nhà nước, tình hình nhập xuất quỹ, tình hình quản lý tài sản tạm giữ, tài sản kê biên trong quá trình thi hành án, phát hiện và ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật về tài chính kế toán trong thi hành án dân sự;
1.3. Theo dõi, giám sát và quản lý các khoản thu về thi hành án đối với các trại giam, trại tạm giam có liên quan;
1.4. Định kỳ hàng quý, năm lập báo cáo đối chiếu chi tiết số thu – chi, nhập – xuất tiền và tài sản giữa sổ kế toán với từng Hồ sơ thi hành án của Chấp hành viên để có biện pháp xử lý kịp thời, dứt điểm những tồn đọng hoặc chênh lệch phát sinh theo đúng quy định của pháp luật về kế toán, tài chính và thi hành án. Đối với hồ sơ thi hành án xong phải lập ngay báo cáo đối chiếu trước khi duyệt đưa hồ sơ vào lưu trữ;
1.5. Lập, nộp đúng hạn, đầy đủ các báo cáo tài chính; báo cáo kế toán quản trị thi hành án, cung cấp thông tin số liệu kế toán về tình hình thi hành án cho công tác thống kê và lên cơ quan quản lý cấp trên;
1.6. Phân tích thông tin, số liệu kế toán về thi hành án nhằm giúp cho Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự và cơ quan quản lý cấp trên nắm được tình hình thu, chi cũng như hoạt động thi hành án của đơn vị.
2. Nhiệm vụ kế toán tại Cục Thi hành án dân sự:
2.1. Thu thập, xử lý thông tin, số liệu kế toán của hoạt động thi hành án dân sự và tình hình quản lý tiền, tài sản, tang vật trong quá trình thi hành án của đơn vị;
2.2. Kiểm tra, giám sát các khoản phải thu, đã thu của đối tượng phải thi hành án và chi trả cho các đối tượng được thi hành án, các khoản nộp ngân sách nhà nước, tình hình nhập xuất quỹ, tình hình quản lý tài sản tạm giữ, tài sản kê biên trong quá trình thi hành án, phát hiện và ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật về tài chính kế toán trong thi hành án dân sự;
2.3. Theo dõi, giám sát và quản lý các khoản thu về thi hành án đối với các trại giam, trại tạm giam có liên quan;
2.4. Định kỳ hàng quý, năm lập báo cáo đối chiếu chi tiết số thu – chi, nhập – xuất tiền và tài sản giữa sổ kế toán với từng Hồ sơ thi hành án của Chấp hành viên để có biện pháp xử lý kịp thời, dứt điểm những tồn đọng hoặc chênh lệch phát sinh theo đúng quy định của pháp luật về kế toán, tài chính và thi hành án dân sự. Đối với hồ sơ thi hành án xong phải lập ngay báo cáo đối chiếu trước khi duyệt đưa hồ sơ vào lưu trữ;
2.5. Lập, nộp đúng hạn, đầy đủ các báo cáo tài chính, báo cáo quản trị thi hành án của đơn vị, báo cáo tổng hợp của các Chi cục Thi hành án dân sự, cung cấp thông tin số liệu kế toán về tình hình thi hành án dân sự cho công tác thống kê và cơ quan quản lý cấp trên thuộc Bộ Tư pháp;
2.6. Phân tích thông tin, số liệu kế toán về thi hành án dân sự nhằm giúp cho Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự và cơ quan quản lý cấp trên nắm được tình hình thu, chi cũng như hoạt động thi hành án của đơn vị;
2.7. Hướng dẫn, kiểm tra tình hình thực hiện chế độ tài chính, kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự ở các Chi cục Thi hành án dân sự.
3. Nhiệm vụ của kế toán tại Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp:
3.1. Hướng dẫn, kiểm tra tình hình thực hiện kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự đối với các cơ quan thi hành án dân sự cấp dưới;
3.2. Tổng hợp báo cáo tài chính và báo cáo kế toán quản trị về thu – chi thi hành án của các Cục Thi hành án dân sự để báo cáo Lãnh đạo Bộ Tư pháp;
3.3. Phân tích thông tin, số liệu kế toán về thi hành án nhằm giúp cho Lãnh đạo Bộ Tư pháp nắm được tình hình hoạt động và kết quả hoạt động thu – chi thi hành án dân sự trong toàn hệ thống.
Điều 3. Phương pháp kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự
Các đơn vị thi hành án khi thực hiện kế toán nghiệp vụ thi hành án phải thực hiện phương pháp “kế toán Kép” nhằm đảm bảo sự cân đối giữa thu với chi, giữa vốn với nguồn. Riêng các loại tài sản kê biên để thi hành án trong thời gian chưa xử lý hoặc chưa bán đấu giá thực hiện phương pháp “kế toán Đơn” trên các tài khoản ở ngoài bảng cân đối tài khoản.
Điều 4. Chữ viết, chữ số và đơn vị tính
4.1. Chữ viết và chữ số: Kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự phải dùng chữ viết bằng chữ Việt và chữ số Ảrập (1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 và 0).
4.2. Đơn vị tính sử dụng trong kế toán:
Kế toán giá trị phải dùng đồng Việt Nam làm đơn vị tiền tệ để tính và ghi sổ kế toán. Trường hợp thu – chi bằng ngoại tệ phải ghi sổ theo nguyên tệ và quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá hạch toán.
Đối với vàng, bạc, đá quý khi thu vào, xuất ra để tạm giữ hay thanh toán thì phải theo dõi số lượng, trọng lượng và quy ra tiền theo đơn giá hạch toán, đồng thời theo dõi chi tiết số lượng, trọng lượng, phẩm cấp và giá trị vàng, bạc, đá quý theo từng quyết định thi hành án.
Trường hợp phải thanh toán bằng ngoại tệ hoặc vàng, bạc, đá quý thì căn cứ vào quyết định thi hành án dân sự thanh toán bằng ngoại tệ hoặc vàng, bạc, đá quý.
Trường hợp một trong các bên có yêu cầu xin thanh toán bằng các phương thức khác so với quyết định thi hành án thì do các bên trực tiếp thoả thuận trên cơ sở số lượng ghi trong quyết định thi hành án.
Trường hợp vàng, bạc, đá quý, ngoại tệ, tài sản khác là tang vật tạm giữ của các vụ án trong thời gian chờ xử lý được bảo quản trong các túi hoặc kiện niêm phong hoặc để trong kho tạm giữ của Cơ quan Thi hành án dân sự được tính theo giá hạch toán để ghi sổ kế toán.
Giá để hạch toán việc quy đổi tài sản, tang vật ra đồng Việt Nam để ghi sổ do Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên, Kế toán tự xác định giá sát với giá UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành, giá hạch toán của Bộ Tài chính thông báo hoặc giá của thị trường tại thời điểm ghi sổ.
Giá hạch toán được phép tính tròn số và sử dụng trong suốt quá trình thi hành án của mỗi quyết định thi hành án cụ thể, nhưng không được sử dụng làm căn cứ bán đấu giá, trao đổi, thanh toán bằng tiền thay ngoại tệ, vàng, bạc, đá quý và tài sản khác hoặc làm căn cứ thu phí. Trường hợp có căn cứ xác định giá hạch toán (tăng hoặc giảm) thì đơn vị phải ghi sổ bổ sung (tăng hoặc giảm) giá hạch toán phần chênh lệch so với số đã ghi sổ trước đó.
Kế toán hiện vật phải dùng đơn vị đo lường chính thức của Nhà nước Việt Nam (như cái, chiếc, kg, hộp, chai, m…). Trường hợp cần thiết có thể dùng đơn vị đo lường phụ để kiểm tra, đối chiếu hoặc phục vụ cho kế toán chi tiết nhưng sau đó phải quy đổi ra đơn vị đo lường chính thức.
Điều 5. Kỳ kế toán
1.Kỳ kế toán năm: Tính tròn 12 tháng theo năm dương lịch, bắt đầu từ ngày 01 tháng 10 năm trước đến hết ngày 30 tháng 09 năm nay;
2. Kỳ kế toán quý: Tính từ ngày 01 tháng đầu quý đến hết ngày cuối cùng của tháng cuối quý;
3. Kỳ kế toán tháng: Tính từ ngày 01 đến hết ngày cuối cùng của tháng.
Điều 6. Kiểm kê tài sản
1. Kiểm kê tài sản là việc cân, đo, đong, đếm số lượng tài sản hiện có tại thời điểm kiểm kê để kiểm tra đối chiếu với số liệu trong sổ kế toán.
2. Các đơn vị kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự phải kiểm kê định kỳ và kiểm kê bất thường để xác định tại chỗ số tiền quỹ có trong két, tài sản, vật chứng bảo quản trong kho tại thời điểm kiểm kê để kiểm tra đối chiếu với số liệu trong sổ kế toán.
3. Kiểm kê định kỳ: Cuối niên độ kế toán, trước khi lập báo cáo tài chính năm, các đơn vị kế toán nghiệp vụ thi hành án phải kiểm kê quỹ tiền mặt trong két và tài sản, vật chứng của các vụ án bảo quản trong kho. Nếu kết quả kiểm kê có chênh lệch với sổ kế toán thì phải xử lý số chênh lệch đó; nếu thiếu thì phải quy trách nhiệm vật chất để xử lý. Căn cứ vào ý kiến xử lý chênh lệch kết quả kiểm kê, kế toán tiến hành điều chỉnh lại sổ kế toán để đảm bảo cho số liệu trên sổ kế toán khớp đúng với số thực tế.
4. Kiểm kê bất thường:Đơn vị phải tiến hành kiểm kê bất thường trong các trường hợp xảy ra thiên tai, hoả hoạn, bàn giao, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách đơn vị, các sự cố bất thường khác và theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Điều 7. Kiểm tra kế toán
Các đơn vị kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự phải chịu sự kiểm tra kế toán định kỳ của cơ quan thi hành án dân sự cấp trên và của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Nội dung kiểm tra kế toán là kiểm tra việc ghi chép trên chứng từ kế toán, sổ kế toán và báo cáo tài chính; kiểm tra việc chấp hành các quy định về tài chính và kế toán, kiểm tra tổ chức bộ máy kế toán và người làm kế toán.
Thủ trưởng và kế toán các cơ quan thi hành án dân sự phải chấp hành các quyết định kiểm tra tài chính, kế toán của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Điều 8. Nội dung kế toán ở các đơn vị thi hành án dân sự
1. Kế toán tiền: Phản ánh số hiện có và tình hình tăng, giảm các khoản tiền thu chi trong quá trình thực hiện thi hành án của đơn vị gồm: Tiền mặt, chứng chỉ có giá tại quỹ, tiền gửi tại Ngân hàng, Kho bạc và vàng, bạc, đá quý thanh toán như tiền trong quá trình thi hành án.
2. Kế toán tài sản: Phản ánh đầy đủ, kịp thời số lượng, giá trị và tình hình xử lý tài sản thi hành án của các đối tượng phải thi hành án và các vật chứng, tài sản tạm giữ của các vụ án do các Cơ quan hữu quan chuyển cho Cơ quan thi hành án.
3. Kế toán thanh toán:
3.1. Phản ánh các khoản phải thu của người phải thi hành án để trả cho người được thi hành án hoặc nộp ngân sách nhà nước;
3.2. Phản ánh số đã thu về thi hành án phải trả cho người được thi hành án, số đã trả, số đã thu còn chưa trả;
3.3. Phản ánh các khoản đã thu phải nộp ngân sách trong quá trình thực hiện thi hành án;
3.4. Phản ánh các khoản tiền, ngoại tệ, chứng chỉ có giá, vàng bạc, đá quý tạm giữ chờ xử lý trong quá trình thi hành án và việc xử lý các khoản tạm giữ trên;
3.5. Phản ánh quan hệ thanh toán giữa đơn vị kế toán nghiệp vụ thi hành án với đơn vị kế toán dự toán về các khoản kinh phí ngân sách nhà nước cấp, về số kinh phí tạm ứng để chi phí cưỡng chế thi hành án,… của các vụ án không có nguồn thu phải đề nghị ngân sách nhà nước cấp và tình hình thu, chi quyết toán các khoản phí thi hành án đã thu được.
3.6. Kế toán thu: Phản ánh các khoản tiền và giá trị tài sản mà Cơ quan thi hành án phải thu của đối tượng phải thi hành án theo quyết định thi hành án để trả cho đối tượng được thi hành án.
3.7. Kế toán chi: Phản ánh các khoản chi trong quá trình thực hiện thi hành án như chi cưỡng chế, chi phí bán đấu giá tài sản, chi phí cho việc xử lý tài sản sung công… theo quyết định của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3.8. Lập các báo cáo tài chính và báo cáo kế toán quản trị về nghiệp vụ thi hành án theo quy định để gửi cơ quan quản lý cấp trên và cơ quan có thẩm quyền.
Điều 9. Tổ chức bộ máy kế toán và người làm kế toán
1. Mỗi đơn vị kế toán nghiệp vụ thi hành án phải tổ chức bộ máy kế toán theo quy định về cơ cấu tổ chức của Cơ quan Thi hành án dân sự. Trong trường hợp không tổ chức bộ máy kế toán thì phải bố trí người làm kế toán.
2. Đối với đơn vị kế toán nghiệp vụ thi hành án cấp Chi cục, nếu khối lượng công việc kế toán không nhiều thì người làm kế toán nghiệp vụ thi hành án có thể kiêm nhiệm công việc kế toán của đơn vị kế toán dự toán hoặc ngược lại.
3. Người làm kế toán nghiệp vụ thi hành án phải có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật của nhà nước, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ về kế toán.
4. Người làm kế toán nghiệp vụ thi hành án được đảm bảo quyền độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật.
5. Thủ trưởng đơn vị không được bố trí người làm kế toán nghiệp vụ thi hành án có quan hệ gia đình ruột thịt với các Chấp hành viên trong cùng đơn vị thi hành án. Người làm kế toán không được kiêm nhiệm làm Thủ kho, Thủ quỹ, mua bán vật tư, tài sản và các công tác vật chất khác. Người có trách nhiệm quản lý, điều hành cơ quan thi hành án không được kiêm nhiệm làm kế toán.
6. Thủ trưởng Cơ quan thi hành án không được bố trí những người thân trong gia đình như: bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột làm công tác kế toán, Thủ kho, Thủ quỹ tại đơn vị mình.
7. Khi thay đổi Kế toán trưởng, Thủ trưởng Cơ quan thi hành án phải tổ chức việc bàn giao giữa kế toán cũ với kế toán mới. Kết thúc bàn giao phải lập biên bản bàn giao. Trong biên bản bàn giao phải ghi đầy đủ tình hình tài chính của hoạt động nghiệp vụ thi hành án gồm các khoản tiền mặt còn tồn quỹ, tiền còn gửi tại Ngân hàng, Kho bạc, tài sản kê biên để đảm bảo thi hành án, tiền, tài sản, vật chứng tạm giữ chưa giải quyết; Số tiền đã thu, còn phải thu của người phải thi hành án; Số tiền đã thu phải trả, đã trả, còn phải trả cho người được thi hành án theo từng quyết định thi hành án; Số tiền đã nộp ngân sách, các khoản đã thu, đã chi về thi hành án theo từng quyết định thi hành án; bàn giao những công việc kế toán còn phải giải quyết tiếp và toàn bộ tài liệu kế toán liên quan đến nghiệp vụ thu, chi thi hành án của từng quyết định thi hành án. Thủ trưởng Cơ quan thi hành án phải ký xác nhận vào biên bản bàn giao. Kế toán trưởng mới chịu trách nhiệm về công việc của mình kể từ ngày nhận bàn giao. Kế toán trưởng cũ phải chịu trách nhiệm về công việc của mình trong thời gian mình phụ trách.
Điều 10. Kế toán trưởng, Phụ trách kế toán
1. Kế toán trưởng:
1.1. Kế toán trưởng là người đứng đầu bộ máy kế toán ở đơn vị. Chức danh Kế toán trưởng đặt tại các đơn vị kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự tại Chi cục, Cục Thi hành án dân sự.
1.2. Kế toán trưởng đơn vị kế toán nghiệp vụ thi hành án giúp Thủ trưởng đơn vị:
– Tổ chức công tác kế toán và tổ chức bộ máy kế toán phù hợp với đặc điểm hoạt động nghiệp vụ thi hành án để thực hiện các nhiệm vụ của kế toán quy định trong Thông tư này;
– Thực hiện kiểm tra, kiểm soát việc quản lý các các loại tài sản và các khoản thu, chi thi hành án;
– Thực hiện lưu trữ tài liệu kế toán nghiệp vụ thi hành án và hướng dẫn chính sách, chế độ, tài chính, kế toán trong đơn vị;
– Thực hiện việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát hoạt động kế toán, tài chính ở đơn vị cấp dưới.
1.3. Kế toán trưởng chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ trưởng đơn vị, đồng thời chịu sự chỉ đạo và kiểm tra về mặt nghiệp vụ tài chính, kế toán của các cơ quan quản lý cấp trên theo quy định của pháp luật.
1.4. Chịu trách nhiệm về những thiệt hại do những hành vi trái pháp luật mà mình gây ra.
1.5. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, thuyên chuyển công tác hay xử lý kỷ luật Kế toán trưởng theo quy định của pháp luật.
2. Phụ trách kế toán:
Các đơn vị kế toán nghiệp vụ thi hành án nếu khuyết người làm kế toán trưởng thì phải bố trí ngay người làm kế toán trưởng. Trường hợp chưa có người đủ tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định để bố trí làm kế toán trưởng thì được phép bố trí người làm phụ trách kế toán. Chỉ được bố trí người làm phụ trách kế toán trong thời hạn tối đa giữ chức là một năm tài chính, sau đó phải bố trí người làm kế toán trưởng. Trường hợp sau một năm bố trí người làm phụ trách kế toán mà người phụ trách kế toán đó vẫn chưa đủ tiêu chuẩn và điều kiện để bổ nhiệm kế toán trưởng thì phải tìm người khác đủ tiêu chuẩn, điều kiện để bổ nhiệm làm kế toán trưởng hoặc thuê người làm kế toán trưởng.
Riêng đối với các đơn vị kế toán thuộc vùng sâu, vùng xa hoặc đơn vị có khối lượng công việc kế toán không lớn theo qui định của pháp luật hoặc của Bộ quản lý thì bố trí người làm phụ trách kế toán, trường hợp này không bị hạn chế về thời gian.
Điều 11. Trách nhiệm của Chấp hành viên
1. Phải thực hiện nghiêm chỉnh các nguyên tắc, chế độ, thủ tục và các nghiệp vụ kế toán tài chính trong hoạt động thu, chi, nhập, xuất tiền và tài sản thi hành án. Lập và cung cấp đầy đủ, kịp thời những chứng từ kế toán quy định trong Thông tư này và toàn bộ các tài liệu liên quan đến việc thu, chi, xử lý tiền, tài sản trong quá trình thi hành án với người được thi hành án, người phải thi hành án và các đối tượng khác có liên quan cho kế toán và chịu trách nhiệm về sự chính xác, trung thực, hợp pháp, hợp lệ của các chứng từ, tài liệu liên quan đó; số liệu ghi trên chứng từ chuyển cho kế toán ghi sổ là căn cứ pháp lý để Chấp hành viên lập báo cáo thống kê kết quả thi hành án theo quy định của pháp luật.
2. Nộp đầy đủ, kịp thời các khoản tiền, tài sản thu được của từng quyết định thi hành án vào quỹ hay nộp Kho bạc hoặc kho cơ quan; yêu cầu kế toán thực hiện chi trả cho những đối tượng được thi hành án theo đúng quy định của pháp luật và phải kịp thời đề xuất biện pháp xử lý các khoản tiền, tài sản tồn đọng theo quy định của pháp luật trước Thủ trưởng đơn vị.
3. Định kỳ theo quy định hoặc hàng quý, năm phải lập các báo cáo về thu, chi trong hoạt động thi hành án có liên quan và có trách nhiệm đối chiếu với kế toán về số tiền, tài sản thu, chi, tồn quỹ hoặc nhập, xuất, tồn kho của từng quyết định thi hành án, trên cơ sở đó đối chiếu với báo cáo thống kê kết quả thi hành án để thống nhất về số liệu báo cáo kết quả hoạt động thi hành án. Trường hợp có chênh lệch về số liệu giữa các báo cáo phải tìm nguyên nhân và có biện pháp giải quyết số chênh lệch đó theo quy định của pháp luật.
4. Thực hiện đúng những quy định của Thông tư này và chịu trách nhiệm về những thiệt hại do hành vi trái pháp luật mà mình gây ra.
Điều 12. Trách nhiệm của Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự
1. Tổ chức bộ máy kế toán, bố trí người làm kế toán trong đơn vị kế toán nghiệp vụ thi hành án theo quy định của pháp luật về kế toán và quy định trong Thông tư này.
2. Tổ chức và chỉ đạo thực hiện công tác kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự và chịu trách nhiệm về những thiệt hại do hành vi trái pháp luật mà mình gây ra.
Điều 13. Trách nhiệm của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự
1. Tổ chức bộ máy kế toán, bố trí người làm kế toán, người làm Kế toán trưởng trong đơn vị kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật về kế toán và quy định trong Thông tư này.
2. Tổ chức và chỉ đạo thực hiện công tác kế toán nghiệp vụ thi hành án và chịu trách nhiệm về những thiệt hại do hành vi trái pháp luật mà mình gây ra.
3. Tổ chức, thực hiện việc kiểm tra kế toán nghiệp vụ thi hành án theo đúng nội dung, trình tự và phương pháp kiểm tra kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán đối với các đơn vị kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự cấp dưới.
4. Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự thuộc Cục và các Chi cục trực thuộc.
5. Theo dõi, đôn đốc các đơn vị kế toán thi hành án thực hiện thu, nộp kịp thời các khoản thu thi hành án vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
Điều 14. Trách nhiệm của Tổng cục Thi hành án dân sự
1. Tổ chức triển khai thực hiện công tác kế toán nghiệp vụ thi hành án theo đúng quy định pháp luật về kế toán và quy định của Thông tư này.
2. Tổ chức, thực hiện việc kiểm tra kế toán nghiệp vụ thi hành án theo đúng nội dung, trình tự và phương pháp kiểm tra kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán.
3. Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự trong toàn hệ thống cơ quan thi hành án dân sự.
4. Theo dõi, đôn đốc các đơn vị kế toán thi hành án thực hiện thu, nộp kịp thời các khoản thu thi hành án vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
Điều 15. Trách nhiệm của Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ Tư pháp
1. Phối hợp với Tổng cục thi hành án dân sự, tổ chức triển khai thực hiện công tác kế toán nghiệp vụ thi hành án theo đúng quy định pháp luật về kế toán và quy định của Thông tư này, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự.
2. Kiểm tra việc chấp hành các quy định về công tác kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự tại các cơ quan thi hành án dân sự các cấp.
Điều 16. Xử lý vi phạm
1. Mọi hành vi vi phạm Luật Kế toán và các quy định trong Thông tư này, tuỳ theo tính chất, nội dung và mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán.
2. Nếu hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật, trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Các tài liệu nên xem:
Tài liệu ôn thi kế toán tòa án- Hướng dẫn kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự
Tổng hợp đề thi công chức môn kiến thức chung
Ôn thi công chức tòa án: Các nhiệm vụ chung của thư ký tòa án
Nhiệm vụ, kỹ năng của Thư ký Tòa án trong vụ án dân sự, hành chính
Đề thi Nghiệp vụ thư ký tòa án- ôn thi công chức tòa án 2018
Câu hỏi và đáp án ôn thi Luật thi hành án dân sự
Tài liệu ôn thi công chức thi hành án- giới hạn, nội dung đã thi
Tài liệu ôn thi tổng cục thi hành án – các môn thi và giới hạn
Kinh nghiệm thi công chức cho dân luật, Kinh nghiệm thi Viện kiểm sát nhân dân (BÀI RẤT HAY- CẦN ĐỌC)
Bài viết khác cùng mục: