Các vấn đề bài tập thi hành án dân sự cần nắm chắc:
Bài 1: Những vấn đề chung về pháp luật thi hành án dân sự;
Bài 2: Trình tự, thủ tục thi hành án
Bài 3: Thi hành án dân sự trong một số trường hợp đặc biệt
Bài 4: Kiểm tra, giám sát hoạt động thi hành án dân sự và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kháng nghị, xử lý vi phạm trong thi hành án dân sự;
Bài 5: Biện pháp đảm bảo và biện pháp cưỡng chế thi hành án;
Điểm khác biệt giữa tha tù trước thời hạn có điều kiện và đặc xá
Theo tôi được biết, tha tù trước thời hạn có điều kiện là một chế định mới, chuyển từ hình thức chấp hành án tại các cơ sở giam giữ sang chấp hành tại cộng đồng đã thể hiện rõ nguyên tắc nhân đạo và chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước đối với người phạm tội. Vậy, Bộ Công an cho tôi hỏi, điểm khác biệt giữa tha tù trước thời hạn có điều kiện và đặc xá là gì?
Câu trả lời
Tha tù trước thời hạn có điều kiện và đặc xá có những điểm khác biệt sau:
– Về thẩm quyền: Tha tù trước thời hạn có điều kiện do Tòa án nhân dân cấp Tỉnh quyết định theo đề nghị của các trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi quản lý phạm nhân. Đặc xá do Chủ tịch nước quyết định trên cơ sở đề nghị của Hội đồng tư vấn đặc xá do Chủ tịch nước quyết định thành lập.
– Về đối tượng: Đối tượng được tha tù trước thời hạn có điều kiện là phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 66, Điều 106 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Đối tượng được đặc xá là phạm nhân đang chấp hành án tại các trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có đủ điều kiện theo quy định của Luật Đặc xá và Quyết định của Chủ tịch nước đối với từng đợt đặc xá. Ngoài phạm nhân đang chấp hành án thì người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù cũng có thể được đặc xá trong trường hợp đặc biệt.
– Về hậu quả pháp lý: Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện chưa chấp hành xong bản án, chỉ thay đổi hình thức chấp hành án từ trong các cơ sở giam giữ sang quản lý tại cộng đồng dân cư trong thời gian còn lại của bản án (gọi là thời gian thử thách). Sau khi được tha ra khỏi cơ sở giam giữ, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện phải chịu sự quản lý, giám sát, giáo dục của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật (cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã…) cho đến khi hết thời hạn chấp hành thời gian thử thách, họ sẽ được cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù.
Người được đặc xá đã chấp hành xong bản án (giống như người chấp hành xong án phạt tù) và chỉ phải chấp hành tiếp các hình phạt bổ sung theo bản án, quyết định thi hành án (nếu có).
Các trường hợp không áp dụng tha tù trước thời hạn có điều kiện
Tôi muốn hỏi, người bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia; các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của con người; các tội phạm về ma túy có được tha tù trước thời hạn có điều kiện hay không và quy định tại văn bản nào?
Câu trả lời
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 66 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì không áp dụng tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với các trường hợp sau:
– Người bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh; tội khủng bố.
– Người bị kết án tử hình được ân giảm hoặc thuộc trường hợp không phải thi hành án tử hình theo Khoản 3 Điều 40 của Bộ luật Hình sự.
– Người bị kết án 10 năm tù trở lên về các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người quy định tại Chương XIV của Bộ luật Hình sự do cố ý.
– Người bị kết án tù từ 07 năm tù trở lên đối với một trong các tội: Cướp tài sản; bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; sản xuất trái phép chất ma túy; mua bán trái phép chất ma túy; chiếm đoạt trái phép chất ma túy.
Như vậy, không áp dụng tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với người bị kết án tù về tội xâm phạm an ninh quốc gia; hạn chế áp dụng tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với người phạm các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của con người và một số tội về ma túy.
Ngoài quy định tại Bộ luật Hình sự, điều kiện về tha tù trước thời hạn có điều kiện đã được hướng dẫn cụ thể tại Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP ngày 24/4/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Quy định về tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù
Bác tôi đang chấp hành hình phạt tù về tội gây rối trật tự công cộng. Hiện nay bác tôi bị bệnh nặng, bác sĩ yêu cầu phải nằm viện điều trị. Bộ Công an cho tôi hỏi, bác tôi có thể xin hoãn chấp hành hình phạt tù để chữa bệnh không? Nếu được hoãn chấp hành hình phạt tù thì cần phải chuẩn bị thủ tục như thế nào?
Câu trả lời
Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch số 03/2013/TTLT-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BQP-BYT ngày 15/5/2013 của Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế hướng dẫn thi hành quy định về tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân, những phạm nhân đang chấp hành án phạt tù bị bệnh nặng đến mức không thể tiếp tục chấp hành án phạt tù và nếu phải chấp hành án phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ thì có thể được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù để có điều kiện chữa bệnh, trừ những phạm nhân không có thân nhân hoặc không có nơi cư trú rõ ràng.
Người bị bệnh nặng quy định tại Thông tư liên tịch số 03 nêu trên là người mắc một trong các bệnh hiểm nghèo như: Ung thư giai đoạn cuối, liệt, lao nặng kháng thuốc, xơ gan cổ chướng, suy tim độ III trở lên, suy thận độ IV, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS đang có nhiễm trùng cơ hội, không có khả năng tự phục vụ bản thân và có tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao hoặc mắc một trong các bệnh khác được Hội đồng y khoa, bệnh viện cấp tỉnh hoặc cấp quân khu trở lên kết luận bằng văn bản là bệnh hiểm nghèo, nguy hiểm đến tính mạng.
Do đó, nếu bác của bạn đọc Phạm Quang Tuấn có đủ điều kiện như trên thì có thể được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.
Về thủ tục, gia đình bạn đọc Phạm Quang Tuấn cần có đơn đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù cho phạm nhân đó, có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú và gửi đến Giám thị trại giam, trại tạm giam hoặc Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi bác của bạn đang chấp hành án để xem xét, đề xuất giải quyết theo quy định của pháp luật.
Hỏi về việc thăm gặp phạm nhân vi phạm kỷ luật
Anh tôi đang chấp hành án phạt tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khi tôi đến thăm anh thì được cán bộ trại giam cho biết, tôi không thể thăm gặp vì anh tôi đang bị giam ở buồng kỷ luật do vi phạm quy chế trại giam. Tôi muốn hỏi, trại giam kỷ luật anh tôi như vậy có đúng không? Việc tôi không được thăm gặp phạm nhân quy định ở văn bản pháp luật nào?
Câu trả lời
Tại Khoản 1 Điều 38 Luật Thi hành án hình sự quy định: “Trong thời gian chấp hành án phạt tù, phạm nhân vi phạm nội quy, quy chế trại giam hoặc có hành vi vi phạm pháp luật thì bị kỷ luật bằng một trong những hình thức sau:
a) Khiển trách;
b) Cảnh cáo;
c) Giam tại buồng kỷ luật đến 10 ngày;
Trong thời gian bị giam tại buồng kỷ luật, phạm nhân không được gặp thân nhân và có thể bị cùm chân. Không áp dụng cùm chân đối với phạm nhân nữ, phạm nhân là người chưa thành niên, phạm nhân là người già yếu”.
Tại Khoản 3 Điều 3 Thông tư số 46/2011/TT-BCA ngày 30/6/2011 quy định việc phạm nhân gặp thân nhân; nhận, gửi thư; nhận tiền, quà và liên lạc điện thoại với thân nhân, quy định: “Phạm nhân được gặp thân nhân một lần trong 01 tháng (trừ trường hợp vi phạm Nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ đang bị giam tại buồng kỷ luật)…”
Căn cứ các quy định trên, việc thân nhân của anh Nguyễn Văn Phương vi phạm Nội quy trại giam đang bị giam tại buồng kỷ luật. Vì vậy, trại giam không giải quyết cho thăm gặp phạm nhân là đúng quy định của pháp luật.
Bài viết khác cùng mục: