Câu 1: Những Bản án, quyết định nào được thi hành theo quy định của Luật Thi hành án Dân sự?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 2, thì những bản án, quyết định được thi hành theo Luật Thi hành Dân sự (sau đây gọi là Luật Thi hành án) gồm:
1. Bản án, quyết định quy định tại Điều 1 của Luật Thi hành án đã có hiệu lực pháp luật:
– Bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm;
– Bản án, quyết định của Toà án cấp phúc thẩm;
– Quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Toà án;
– Bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài đã được Toà án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam;
– Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh mà sau 30 ngày kể từ ngày có hiệu lực pháp luật đương sự không tự nguyện thi hành, không khởi kiện tại Toà án;
– Quyết định của Trọng tài thương mại.
2. Những bản án, quyết định sau đây của Toà án cấp sơ thẩm được thi hành ngay, mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị:
– Bản án, quyết định về cấp dưỡng, trả lương, trả công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tổn thất về tinh thần, nhận người lao động trở lại làm việc;
– Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Câu 2: Luật Thi hành án quy định chế định thoả thuận trong thi hành án được hiện như thế nào? Những người nào được quyền yêu cầu thi hành án?
Trả lời:
– Điều 6, Luật Thi hành án quy định về thoả thuận thi hành án như sau:
+ Đương sự có quyền thoả thuận về việc thi hành án, nếu thoả thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Kết quả thi hành án theo thoả thuận được công nhận.
Theo yêu cầu của đương sự, Chấp hành viên có trách nhiệm chứng kiến việc thoả thuận về thi hành án.
+ Trường hợp đương sự không thực hiện đúng thoả thuận thì có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thi hành phần nghĩa vụ chưa được thi hành theo nội dung bản án, quyết định.
– Theo quy định tại Điều 7, Luật Thi hành án, thì người được thi hành án, người phải thi hành án căn cứ vào bản án, quyết định có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án.
Câu 3: Những việc nào Chấp hành viên không được làm?
Trả lời:
Điều 21, Luật Thi hành án quy định những việc Chấp hành viên không được làm gồm:
1. Những việc mà pháp luật quy định công chức không được làm.
2. Tư vấn cho đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan dẫn đến việc thi hành án trái pháp luật.
3. Can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết vụ việc thi hành án hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người có trách nhiệm thi hành án.
4. Sử dụng trái phép vật chứng, tiền, tài sản thi hành án.
5. Thực hiện việc thi hành án liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người sau đây: Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của Chấp hành viên, của vợ hoặc chồng của Chấp hành viên; cháu ruột mà Chấp hành viên là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì.
6. Sử dụng thẻ Chấp hành viên, trang phục, phù hiệu thi hành án, công cụ hỗ trợ để làm những việc không thuộc nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
7. Sách nhiễu, gây phiền hà cho cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thi hành án.
8. Cố ý thi hành trái nội dung bản án, quyết định; trì hoãn hoặc kéo dài thời gian giải quyết việc thi hành án được giao không có căn cứ pháp luật.
Câu 4: Luật Thi hành án quy định về thời hiệu yêu cầu thi hành án như thế nào? Đơn yêu cầu thi hành án? Thủ tục gửi đơn yêu cầu thi hành án?
Trả lời:
– Điều 30, Luật Thi hành án quy định về thời hiệu yêu cầu thi hành án như sau:
+ Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án.
Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 05 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn.
Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ thì thời hạn 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn.
+ Đối với các trường hợp hoãn, tạm đình chỉ thi hành án theo quy định của Luật này thì thời gian hoãn, tạm đình chỉ không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án, trừ trường hợp người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án.
+ Trường hợp người yêu cầu thi hành án chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án.
– Về đơn yêu cầu thi hành án, Điều 31 Luật thi hành án quy định như sau:
+ Đơn yêu cầu thi hành án có các nội dung chính sau đây: Họ, tên, địa chỉ của người yêu cầu; Tên cơ quan thi hành án dân sự nơi yêu cầu; Họ, tên, địa chỉ của người được thi hành án; người phải thi hành án; nội dung yêu cầu thi hành án; thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.
+ Người làm đơn yêu cầu thi hành án phải ghi rõ ngày, tháng, năm và ký tên hoặc điểm chỉ; trường hợp là pháp nhân thì phải có chữ ký của người đại diện hợp pháp và đóng dấu của pháp nhân.
Trường hợp người yêu cầu thi hành án trực tiếp trình bày bằng lời nói tại cơ quan thi hành án dân sự thì phải lập biên bản ghi rõ các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người yêu cầu và chữ ký của người lập biên bản. Biên bản có giá trị như đơn yêu cầu thi hành án.
Kèm theo đơn yêu cầu thi hành án, phải có bản án, quyết định được yêu cầu thi hành và tài liệu khác có liên quan, nếu có.
+ Người yêu cầu thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án quy định tại Điều 66 của Luật Thi hành án Dân sự.
– Điều 32, Luật Thi hành án quy định về thủ tục gửi đơn yêu cầu thi hành án như sau:
+ Người yêu cầu thi hành án tự mình hoặc uỷ quyền cho người khác yêu cầu thi hành án bằng một trong các hình thức sau:Nộp đơn hoặc trực tiếp trình bày bằng lời nói tại cơ quan thi hành án dân sự; gửi đơn qua bưu điện.
+ Ngày gửi đơn yêu cầu thi hành án được tính từ ngày người yêu cầu thi hành án nộp đơn hoặc trình bày trực tiếp tại cơ quan thi hành án dân sự hoặc ngày có dấu bưu điện nơi gửi.
Câu 5: Thẩm quyền thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện, cấp tỉnh?
Trả lời:
– Theo quy định tại khoản 1, Điều 35, thì cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện có thẩm quyền thi hành các bản án, quyết định sau:
+ Bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án cấp huyện nơi cơ quan thi hành án dân sự có trụ sở;
+ Bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án cấp tỉnh đối với bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án cấp huyện nơi cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện có trụ sở;
+ Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án cấp tỉnh đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án cấp huyện nơi cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện có trụ sở;
+ Bản án, quyết định do cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện nơi khác, cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh hoặc cơ quan thi hành án cấp quân khu ủy thác.
– Theo quy định tại khoản 2, Điều 35, thì cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh có thẩm quyền thi hành các bản án, quyết định sau đây:
+ Bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án cấp tỉnh trên cùng địa bàn;
+ Bản án, quyết định của Toà án nhân dân tối cao chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh;
+ Bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài được Toà án công nhận và cho thi hành tại Việt Nam;
+ Quyết định của Trọng tài thương mại;
+ Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh;
+ Bản án, quyết định do cơ quan thi hành án dân sự nơi khác hoặc cơ quan thi hành án cấp quân khu ủy thác;
+ Bản án, quyết định thuộc thẩm quyền thi hành của cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện quy định tại khoản 1 Điều 35, Luật Thi hành án mà thấy cần thiết lấy lên để thi hành;
+ Bản án, quyết định quy định tại khoản 1 Điều 35, Luật Thi hành án mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải uỷ thác tư pháp về thi hành án.
Nguồn: Sở Tư pháp
Các tài liệu nên xem:
Tài liệu ôn thi kế toán tòa án- Hướng dẫn kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự
Tổng hợp đề thi công chức môn kiến thức chung
Ôn thi công chức tòa án: Các nhiệm vụ chung của thư ký tòa án
Nhiệm vụ, kỹ năng của Thư ký Tòa án trong vụ án dân sự, hành chính
Đề thi Nghiệp vụ thư ký tòa án- ôn thi công chức tòa án 2018
Câu hỏi và đáp án ôn thi Luật thi hành án dân sự
Tài liệu ôn thi công chức thi hành án- giới hạn, nội dung đã thi
Tài liệu ôn thi tổng cục thi hành án – các môn thi và giới hạn
Kinh nghiệm thi công chức cho dân luật, Kinh nghiệm thi Viện kiểm sát nhân dân (BÀI RẤT HAY- CẦN ĐỌC)
Bài viết khác cùng mục: