Phân tích Mạch cảm xúc trong các bài thơ hiện đại lớp 9

Mạch cảm xúc trong các bài thơ hiện đại lớp 9

Mạch cảm xúc bài thơ đồng chí

Cảm xúc của bài thơ bắt nguồn tự niềm xúc động được gợi ra từ cơ sở hình thành tình đỗng chí. Cảm xúc được đẩy cao, được dồn tụ lại trong lời khẳng định kết tinh tình cảm giữa những người lính.
Mạch cảm xúc tiếp tục khơi mở trong những hình ảnh, chi tiết biểu hiện tình đồng chí và sức mạnh của tình đồng chí. Bài thơ khép lại với cảm xúc lắng đọng trước biểu tượng đẹp về tình đồng chí.
Mạch cảm xúc trong các bài thơ hiện đại lớp 9
Mạch cảm xúc trong các bài thơ hiện đại lớp 9
 

Mạch cảm xúc bài thơ về tiểu đội xe không kính

Bài thơ được viết theo mạch cảm xúc của tác giả về những chiếc xe không kính và người lính lái xe Trường Sơn trong thời kì kháng chiến chống Mĩ.
Mở đầu bài thơ là cảm xúc về những chiếc xe không kính bị tàn phá bởi bom đạn, cảm xúc được phát triển trước hình ảnh người lính lái xe trẻ trung, lạc quan, giàu tình cảm đồng đội và giàu ý chí giải phóng MN. Cảm xúc khép lại trong hình ảnh chiếc xe không kính một lần nữa xuất hiện, nhưng dù xe bị biến dạng bao nhiêu thì trong chiếc xe vẫn còn một trái tim kiên cường tiến về MN.
 

Mạch cảm xúc bài thơ Bếp lửa

Bài thơ mở ra là hìn ảnh bếp lửa, từ đó gợi về những hình ảnh tuổi thơ sống bên bà, được bà yêu thương, chăm sóc với bao lo toan, vất vả. Từ kỉ niệm, đứa cháu nay đã trưởng thành suy ngẫm, thấu hiểu về bà với bao cảm phục, biết ơn. Cuối cùng người cháu gửi niềm nhớ mong về với bà. Mạch cảm xúc của bài thơ đi từ hồi tưởng đến hiện tại, từ hiện tại đến suy ngẫm. Bài thơ là lời tâm tình của đứa cháu hiếu thảo với bà, từ nơi xa nhớ về bà.
 

Mạch cảm xúc bài thơ Ánh trăng

Bài thơ là câu chuyện nhỏ được kể theo trình tự thời gian từ quá khứ đến hiện tại với các mốc sự kiện trong cuộc đời con người. Dòng cảm xúc của nhà thơ cũng được bộc lộ theo mạch tự sự. Theo dòng tự sự ấy mạch cảm xúc đi từ quá khứ đến hiện tại và lắng kết trong cái “giật mình” cuối bài thơ.
 

Mạch cảm xúc mùa xuân nho nhỏ

Mạch cảm xúc xuyên suốt trong bài thơ là sự ngây ngất mê say của nhà thơ trước mùa xuân tười đẹp trong trẻo của “dòng sông xanh, bông hoa tím và tiếng chim vang lừng,..”. Từ cảm xúc với mùa xuân của thiên nhiên được tác giả mở rộng ra là mùa xuân của đất nước, của dân tộc thông qua hình ảnh người lính cầm súng nơi chiến trường và người nông dân trên đồng ruộng. Từ sự đi lên của đất nước nhà thơ ước nguyện đóng góp sức lực nhỏ bé của mình để dựng xây đất nước ngày càng tươi đẹp hơn.
 

Mạch cảm xúc Viếng lăng bác

– Mạch vận động cảm xúc bài thơ đi theo trình tự không gian, thời gian vào lăng viếng Bác. Cảm xúc đầu tiên là cảnh xung quanh lăng Bác (nhìn từ xa), ấn tượng nhất là hàng tre bát ngát trong sương. Tiếp theo là cảnh trước lăng và hình ảnh đoàn người nối nhau như bất tận, ngày ngày vào thăm viếng Bác (khổ 2). Tiếp (khổ 3), cảm xúc khi vào trong lăng, hình ảnh di hài của Bác gợi ra những hình ảnh đẹp mang ý nghĩa biểu tượng: mặt trời, trời xanh. Cuối cùng (khổ cuối) là cảm xúc khi sắp phải rời xa Bác trở về miền Nam. Mạch cảm xúc đã tạo nên bố cục bài thơ rất rõ ràng, mạch lạc, hợp lí.
 

Mạch cảm xúc bài thơ Sang Thu

Sang thu là bức thông điệp lúc giao mùa. Mùa thu đang tới xâm lấn dần mùa hạ, khoảnh khắc ấy được diễn tả bằng sự rung cảm tinh tế, sâu sắc về những biến đổi trong không gian, thiên nhiên lúc sang thu: bắt đầu từ hương ổi qua vận động của gió, sương, dòng sông, cánh chim, đám mây, nắng, mưa, tiếng sấm, hàng cây. Từ cảm nhận về thiên nhiên lúc sang thu, nhà thơ suy ngẫm về đời người khi đứng tuổi (tuổi trung niên).
 

Mạch cảm xúc Nói với con

Mượn lời nói với con, Y Phương gợi về cội nguồn sinh dưỡng mỗi con người, bộc lộ niềm tự hào về sức sống bền bỉ của quê hương mình.
Bài thơ đi từ tình cảm gia đình và mở rộng ra là tình cảm quê hương, từ những kỉ niệm gần gũi, tha thiết mà nâng lên thành lẽ sống. Cảm xúc, chủ đề bài thơ được bộc lộ, dẫn dắt một cách tự nhiên, có tầm khái quát nhưng vẫn thấm thía.

Mạch cảm xúc bài thơ Con cò

Mạch cảm xúc được phát triển theo ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh con cò, bắt đầu từ hình ảnh con cò trong ca dao theo lời ru của mẹ đi vào tiềm thức trẻ thơ, rồi đến hình ảnh con cò mang ý nghĩa biểu tượng cho sự nâng niu chăm chút của mẹ dành cho con suốt cả cuộc đời, và cuối cùng là những cảm nhận sâu sắc về tình mẫu tử và ý nghĩa lời ru qua hình ảnh con cò
Like share và ủng hộ chúng mình nhé: