24 câu hỏi và đáp án môn kiến thức chung ôn thi công chức viên chức có đáp án

Câu hỏi và đáp án ngạch chuyên viên . 24 câu hỏi và đáp án môn kiến thức chung ôn thi công chức viên chức có đáp án. Ôn thi công chức 2020.

câu hỏi và đáp án ngạch chuyên viên
Câu hỏi và đáp án ngạch chuyên viên✅

Nội dung chính:

Câu 1. Anh chị hãy trình bày khái niệm nền hành chính✅; các yếu tố cấu thành nền  hành chính nhà nước.

Đáp án
1. Khái niệm: Nền hành chính nhà nước (HCNN) là khái niệm để chỉ sự tổng hợp của bốn yếu tố: Thể chế hành chính; Tổ chức bộ máy hành chính; Công chức, công vụ và Tài chính công. Giữa các yếu tố có mối quan hệ quy định, tác động ảnh hưởng chi phối lẫn nhau, đóng vai trò không thể thiếu đảm bảo cho hoạt động của nền HCNN.

2. Các yếu tố cấu thành nền hành chính nhà nước gồm:
– Thứ nhất: Thể chế hành chính là một hệ thống gồm luật, các văn bản pháp quy dưới luật, tạo khuôn khổ pháp lý cho các cơ quan HCNN hoạt động, quản lý nhà nước một cách hiệu quả
– Thứ hai: Bộ máy HCNN là một tập hợp các cơ quan HCNN liên kết với nhau thành một hệ thống thống nhất, được sắp xếp theo cấp và theo phân hệ trong một trật tự, có mối quan hệ qua lại, ràng buộc chặt chẽ với nhau, chịu sự chỉ đạo, điều hành chung từ một trung tâm là Chính phủ.

– Thứ ba: Đội ngũ cán bộ, công chức hành chính là những người có thẩm quyền lãnh đạo, quản lý, điều hành nền hành chính và thực thi các công vụ trong nền HCNN. Đây là chủ thể mang quyền lực nhà nước, trực tiếp thực thi các thẩm quyền hành pháp nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của hệ thống cơ quan HCNN để quản lý xã hội.
– Thứ tư: Tài chính công là tổng thể các hoạt động thu, chi bằng tiền do Nhà nước tiến hành, nó phản ánh các quan hệ kinh tế nảy sinh trong quá trình tạo lập và sử dụng các quỹ tiền tệ công nhằm phục vụ thực hiện các chức năng của Nhà nước và đáp ứng các nhu cầu, lợi ích của toàn xã hội./.

Câu 2: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có vị trí, vai trò như thế nào trong hệ thống chính trị?

Đáp án

Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Quyền lực nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Nhà nước ban hành pháp luật; tổ chức, quản lý xã hội bằng pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Nhà nước phục vụ nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân; có cơ chế và biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa và trừng trị tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vô trách nhiệm, lạm quyền, xâm phạm quyền dân chủ của công dân; giữ nghiêm kỷ cương xã hội, nghiêm trị mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và của nhân dân.

Tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước theo nguyên tắc tập trung dân chủ, có sự phân công, phân cấp, đồng thời bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của Trung ương.

Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là tổ chức trung tâm thực hiện quyền lực chính trị, là trụ cột của hệ thống chính trị, là bộ máy tổ chức quản lý kinh tế, văn hoá, xã hội, thực hiện chức năng đối nội và đối ngoại./.

Câu 4: Theo anh (chị) để tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, có năng lực đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới cần phải làm gì?

1. Để tiếp tục đổi mới tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương cần phải:
– Nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp, bảo đảm quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc quyết định và tổ chức thực hiện những chính sách trong phạm vi được phân cấp.
– Nghiên cứu tổ chức, thẩm quyền của chính quyền ở nông thôn, đô thị, hải đảo.
– Tiếp tục thực hiện thí điểm chủ trương không tổ chức Hội đồng nhân dân
huyện, quận, phường.
2. Để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, có năng lực đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới:
– Rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy chế quản lý cán bộ, công chức; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và thẩm quyền của mỗi cán bộ, công chức; tăng cường tính công khai, minh bạch, trách nhiệm của hoạt động công vụ.

– Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cả về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý Nhà nước.
– Có chính sách đãi ngộ, động viên, khuyến khích cán bộ, công chức hoàn thành nhiệm vụ và có cơ chế loại bỏ, bãi miễn những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, mất uy tín với nhân dân.
– Tổng kết việc thực hiện “nhất thể hoá” một số chức vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước để có chủ trương phù hợp. Thực hiện bầu cử, bổ nhiệm lại chức vụ lãnh đạo theo hướng cấp trưởng giới thiệu cấp phó để cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định./.

Câu 5. Anh (chị) hãy trình bày khái niệm và đặc trưng của hệ thống chính trị? Liên hệ những đặc điểm của hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay?

Đáp án
– Khái niệm: HTCT được hiểu là hệ thống các tổ chức, các thiết chế chính trị – xã hội và mối quan hệ giữa chúng với nhau hợp thành cơ chế chính trị của một chế độ xã hội. Cơ chế đó bảo đảm thực hiện quyền lực chính trị của giai cấp thống trị trong quan hệ với các giai cấp, tầng lớp và các nhóm xã hội khác.
– Đặc trưng của hệ thống chính trị (HTCT).
+ Bao gồm các tổ chức, các thiết chế với tư cách là chủ thể của các quyết định
chính trị, nghĩa là các chủ thể có tính vật chất, có bộ máy.
+ Bao gồm các tổ chức, các thiết chế hợp pháp, có nghĩa là được Hiến pháp, pháp luật quy định, được nhà nước thừa nhận.
+ Bao gồm các tổ chức, các thiết chế có mục đích, có chức năng thực hiện hoặc tham gia thực hiện quyền lực chính trị.
+ Đó là một hệ thống, một chỉnh thể bao gồm các bộ phận cấu thành, có quan hệ mật thiết với nhau nhưng có vị trí, vai trò khác nhau trong sự vận hành của các quá trình chính trị.
+ Cấu trúc HTCT rất đa dạng, ở mỗi quốc gia lại có đặc thù khác nhau, nhưng cơ bản bao gồm: các chính đảng, nhà nước, các tổ chức chính trị.
– Liên hệ những đặc điểm của hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay

– HTCT Việt Nam do duy nhất một Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Tính đặc thù thể hiện ở chỗ, chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng chung của hệ thống; CNXH là mục tiêu chung; không chấp nhận các khuynh hướng chính trị trái với chủ nghĩa Mác-Lênin và tưởng Hồ Chí Minh, trái với mục tiêu XHCN.
– Các thành viên của HTCT do Đảng Cộng sản Việt Nam lập ra có lịch sử đấu
tranh vẻ vang, có vai trò to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước theo con đường XHCN.
– HTCT nước ta là HTCT được xây dựng theo mô hình Xôviết, đang trong quá trình đổi mới toàn diện.
– HTCT mang tính nhân dân sâu sắc. Tính nhân dân của HTCT thể hiện: quyền lực thuộc về nhân dân, mục đích vì nhân dân, lực lượng do nhân dân. Ở nước ta tất cả các tổ chức trong HTCT đều gắn bó với nhân dân.
– HTCT được tổ chức rộng khắp, chặt chẽ theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Các tổ chức trong HTCT ở nước ta được tổ chức theo hệ thống từ trên xuống dưới, có mặt ở mọi cấp từ trung ương đến cơ sở. Ở mỗi cấp, tất cả các tổ chức trong HTCT đều chịu sự lãnh đạo của tổ chức đảng.
– Các thành viên của HTCT có vị trí pháp lý vững chắc. Vị trí, vai trò của mỗi tổ chức trong HTCT ở nước ta đều được Hiến pháp, pháp luật khẳng định. Xu hướng pháp luật hóa vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các thành viên của HTCT ngày càng rõ. /.

Câu 6: Anh (chị) hiểu thế nào là công chức? Những căn cứ để phân loại công chức?

Đáp án
– Khái niệm công chức:
+ Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức
vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt

Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội (sau đây gọi chung là đơn vị sự nghiệp cônglập), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước; đối với công chức trong bộmáy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
+ Công chức cấp xã là công dân Việt Nam được tuyển dụng giữ một chức danh
chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã, trong biên chế và hưởng lương từ
ngân sách nhà nước.
– Những căn cứ để phân loại công chức
* Căn cứ vào ngạch được bổ nhiệm, công chức được phân loại như sau:
– Loại A gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên cao cấp hoặc
tương đương;
– Loại B gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên chính hoặc
tương đương;
– Loại C gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên hoặc tương
đương;
– Loại D gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch cán sự hoặc tương đương và
ngạch nhân viên.
* Căn cứ vào vị trí công tác, công chức được phân loại như sau:
– Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý;
– Công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý./.

Câu 7: Văn bản quy phạm pháp luật là gì và gồm những tên loại văn bản cụ thể nào? Lấy ví dụ cụ thể để minh họa cho một số loại văn bản kể trên?

Đáp án
– Khái niệm: Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản có chứa quy phạm pháp luật,được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật
Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
– Kể tên những loại văn bản quy phạm pháp luật và ví dụ minh họa:
+ Hiến pháp Ví dụ: Hiến pháp Việt Nam năm 2013
+ Bộ luật, luật (sau đây gọi chung là luật), nghị quyết của Quốc hội. Ví dụ: Bộ
luật Dân sự 2015;
+ Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; nghị quyết liên tịch giữa
Ủy ban thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam. Ví dụ: Pháp lệnh về tín ngưỡng, tôn giáo.
+ Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội – Chính phủ – Đoàn Chủ
tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận – Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước. Ví dụ: Quyết
định về việc cho nhập quốc tịch Việt Nam
+ Nghị định của Chính phủ; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ
tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ví dụ: Nghị định quy định chi tiết
một số điều của Luật Doanh nghiệp
+ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Ví dụ: Quyết định của Thủ tướng
+ Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Ví dụ: Nghị quyết
hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Tố tụng hành chính
+ Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; thông tư của Viện trưởng Viện
kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Ví dụ:
Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tư Pháp
+ Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang
bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Ví
dụ: Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện
kiểm sát nhân dân tối cao
+ Quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước. Ví dụ: Quyết định ban hành quy trình kiểm toán nhà nước
– Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh). Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
– Văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.
– Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh,
thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện).
Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
– Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp
xã). Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã

Câu 8: Anh (chị) hãy trình bày khái quát về cấu trúc của hệ thống chính trị Việt Nam? Đảng Cộng sản Việt Nam có vị trí, vai trò, trách nhiệm như thế nào trong hệ thống chính trị?

Đáp án
1. HTCT xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay bao gồm Đảng cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận như: Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam…
– Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản. Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhà nước và xã hội, là hạt nhân của HTCT.
– Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là tổ chức trung tâm thực
hiện quyền lực chính trị, là trụ cột của hệ thống chính trị, là bộ máy tổ chức quản lý kinh
tế, văn hoá, xã hội, thực hiện chức năng đối nội và đối ngoại.
– Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có vai
trò rất quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, chăm lo lợi
ích của các đoàn viên, hội viên; thực hiện dân chủ và xây dựng xã hội lành mạnh; tham
gia xây dựng Đảng, Nhà nước; giáo dục lý tưởng và đạo đức cách mạng, quyền và nghĩa
vụ công dân, tăng cường mối liên hệ giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước.

2. Vị trí, vai trò, trách nhiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam trong HTCT.

– Trong HTCT Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhà nước và xã hội,
là hạt nhân của HTCT.
– Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là
đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi
ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy
tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản.
– Vị trí, vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của Đảng đối với HTCT xuất phát từ sứ
mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, từ sự thống nhất cơ bản lợi ích giữa giai cấp công
nhân, nhân dân lao động và dân tộc.
– Sự lãnh đạo của Đảng đối với HTCT là sự lãnh đạo toàn diện. Phương thức lãnh
đạo của Đảng: Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách
và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra,
giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên…
– Đảng thường xuyên nâng cao năng lực và hiệu quả lãnh đạo, đồng thời phát huy
mạnh mẽ vai trò, tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các tổ chức khác trong hệ
thống chính trị./.

Câu 9: Anh (chị) hãy trình bày tổ chức bộ máy hành chính nhà nước?

Đáp án
– Bộ máy HCNN là một tập hợp các cơ quan HCNN liên kết với nhau thành một hệ thống thống nhất, được sắp xếp theo cấp và theo phân hệ trong một trật tự, có mối quan hệ qua lại, ràng buộc chặt chẽ với nhau, chịu sự chỉ đạo, điều hành chung từ một trung tâm là Chính phủ.
– Bộ máy HCNN ta được tổ chức theo cấp và phân hệ. Theo Hiến pháp 2013 gồm
bộ máy HCNN Trung ương và bộ máy HCNN địa phương.
Bộ máy HCNN TW là Chính Phủ. Cơ cấu tổ chức của Chính phủ gồm có Bộ và
cơ quan ngang Bộ.
Bộ máy HCNN địa phương là hệ thống UBND các cấp, gồm 03 cấp:

+ Cấp tỉnh: UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW. Cơ cấu tổ chức bao gồm các
sở, ban ngành cấp tỉnh.
+ Cấp huyện: UBND huyện, quận, thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh. Cơ cấu tổ
chức bao gồm các phòng, ban cấp huyện.
+ Cấp xã: UBND xã, phường, thị trấn
– Bộ máy HCNN thực thi quyền hành pháp, là cầu nối trực tiếp nhất đưa đường lối, chính sách, pháp luật vào cuộc sống. Hệ thống cơ quan HCNN được phân cấp, phân hệ đảm bảo tính tập trung, bao quát, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý.
Bộ máy HCNN ở trung ương đưa ra các văn bản pháp quy, Chính phủ thực hiện chức năng quản lý, điều hành chung; các Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý đối với ngành, lĩnh vực trong phạm vi cả nước. Bộ máy HCNN ở địa phương có trách nhiệm quản lý về mặt nhà nước đối với tất cả các lĩnh vực, các mặt hoạt động ở địa phương./.

Câu 10: Theo anh (chị) để tích cực thực hành tiết kiệm, phòng ngừa và kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí trong tình hình hiện nay cần phải làm gì?

Đáp án
– Mọi cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân từ trung ương đến cơ sở và từng đảng viên, trước hết là người đứng đầu phải gương mẫu thực hiện và trực tiếp tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
– Tiếp tục hoàn thiện thể chế và đẩy mạnh CCHC phục vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tập trung vào các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí.
– Nghiên cứu phân cấp, quy định rõ chức năng cho các ngành, các cấp trong phòng, chống tham nhũng. Chú trọng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí.
Thực hiện chế độ công khai, minh bạch về kinh tế, tài chính trong các cơ quan hành chính, đơn vị cung ứng dịch vụ công, doanh nghiệp Nhà nước. Công khai, minh bạch về cơ chế, chính sách, các dự án đầu tư, xây dựng cơ bản, mua sắm từ ngân sách Nhà nước, huy động đóng góp của nhân dân, quản lý và sử dụng đất đai, tài sản công, công tác tiếp nhận, bổ nhiệm cán bộ.
– Thực hiện có hiệu quả việc kê khai và công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức theo quy định

– Cải cách chính sách tiền lương, thu nhập, chính sách nhà ở bảo đảm cuộc sống cho cán bộ, công chức để góp phần phòng, chống tham nhũng. Hoàn thiện các quy định trách nhiệm của người đứng đầu khi để cơ quan, tổ chức, đơn vị xảy ra tham nhũng, lãng phí

– Xử lý đúng pháp luật, kịp thời, công khai cán bộ tham nhũng; tịch thu, sung công tài sản tham nhũng, tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng. Xây dựng chế tài xử lý hững tổ chức, cá nhân gây thất thoát, lãng phí lớn tài sản của Nhà nước và nhân dân

– Tăng cường công tác kiểm toán, thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng. Có cơ chế khuyến khích và bảo vệ những người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đồng thời kỷ luật nghiêm những người bao che, cố tình ngăn cản việc chống tham nhũng, lãng phí hoặc lợi dụng việc tố cáo tham nhũng để vu khống, làm hại người khác, gây mất đoàn kết nội bộ. Tôn vinh những tấm gương liêm chính.
– Coi trọng và nâng cao vai trò của các cơ quan dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, các
đoàn thể nhân dân, các phương tiện thông tin đại chúng và của nhân dân trong việc giám
sát cán bộ, công chức, phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí; cổ vũ, động
viên phong trào tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng./.

Câu 11: Theo anh (chị) làm gì để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức và hiện đại hóa nền hành chính nhà nước ?

Đáp án
1. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.
– Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị, có năng lực, có tính chuyên nghiệp cao, tận tụy phục vụ nhân dân. Quy định rõ và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu.
– Tiếp tục đổi mới chế độ tuyển dụng công chức. Đổi mới cơ chế quản lý, phương pháp đánh giá cán bộ, công chức, đồng thời cơ cấu lại đội ngũ công chức hành chính.
– Thực hiện các chế độ, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ, công chức. Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nhân tài, tạo động lực khuyến khích cán bộ, công chức nâng cao trách nhiệm và hiệu quả công tác.
– Tiếp tục đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.
– Tăng cường thanh tra công vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước, đặc biệt là những nơi có nhiều mối quan hệ đến quyền, lợi ích của công dân và doanh nghiệp.
2. Hiện đại hoá nền hành chính
– Chuẩn hoá theo tiêu chuẩn, từng bước hiện đại hóa trụ sở làm việc của các cơ qua, tổ chức nhà nước các cấp. Hoàn chỉnh các mẫu quy hoạch, thiết kế trụ sở từ cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh và bộ, ngành Trung ương theo hướng tổ chức các trung tâm hành chính, tạo thuận lợi cho người dân tới giải quyết công việc, lấy vị trí giao dịch thuận lợi với dân làm trung tâm của các trụ sở – tập trung vào nơi tổ chức giao dịch”một cửa liên thông – hiện đại”.
– Áp dụng triệt để việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hành chính các cấp làm cơ sở cho việc tổ chức, chỉ đạo, điều hành kịp thời, chính xác các nhiệm vụ giữa các cấp chính quyền từ trung ương tới cơ sở và được xử lý một cách hệ thống. Mặt khác, ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện công khai, minh bạch các chính sách, pháp luật và quy định hành chính với người dân, tổ chức, doanh nghiệp, tạo điều kiện nhanh nhất trong việc giải quyết các công việc của dân, tránh các biểu hiện sách nhiễu, phiền hà và tham nhũng./.

Câu 12: Công chức, ngạch công chức ở nước ta được phân loại như thế nào? Việc điều động, luân chuyển công chức được hiểu là gì và thực hiện trong những trường hợp nào?
Đáp án
1. Trình bày cách phân loại công chức và ngạch công chức
* Phân loại công chức
Căn cứ vào ngạch được bổ nhiệm, công chức được phân loại như sau:
– Loại A gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên cao cấp hoặc
tương đương;

– Loại B gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên chính hoặc
tương đương;
– Loại C gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên hoặc tương
đương;
– Loại D gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch cán sự hoặc tương đương và
ngạch nhân viên.
Căn cứ vào vị trí công tác, công chức được phân loại như sau: Công chức giữ chức
vụ lãnh đạo, quản lý; Công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
* Phân loại ngạch công chức: Theo quy định của Luật Cán bộ, công chức năm
2008, ngạch công chức bao gồm: Chuyên viên cao cấp và tương đương; Chuyên viên
chính và tương đương; Chuyên viên và tương đương; Cán sự và tương đương; Nhân viên.
2. Trình bày khái niệm điều động, luân chuyển công chức
– Điều động là việc cán bộ, công chức được cơ quan có thẩm quyền quyết định chuyển từ cơ
quan, tổ chức, đơn vị này đến làm việc ở cơ quan, tổ chức, đơn vị khác
– Luân chuyển là việc cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý được cử hoặc bổ nhiệm giữ
một chức danh lãnh đạo, quản lý khác trong một thời hạn nhất định để tiếp tục được đào
tạo, bồi dưỡng và rèn luyện theo yêu cầu nhiệm vụ.
3. Nêu các trường hợp thực hiện điều động, luân chuyển công chức
* Các trường hợp thực hiện điều động công chức
– Theo yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể;
– Chuyển đổi vị trí công tác theo quy định của pháp luật;
– Theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và giữa các cơ
quan, tổ chức, đơn vị theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
* Các trường hợp thực hiện luân chuyển công chức
– Việc luân chuyển công chức chỉ thực hiện đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản
lý và trong quy hoạch vào các chức vụ lãnh đạo, quản lý cao hơn.
– Theo yêu cầu nhiệm vụ, quy hoạch, kế hoạch sử dụng công chức của cơ quan, tổ chức,
đơn vị;
– Luân chuyển giữa TW và địa phương, giữa các ngành, các lĩnh vực theo quy hoạch nhằm tiếp
tục rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng công chức lãnh đạo, quản lý./.

Câu 13: Anh (chị) hãy trình bày khái quát quy định về thể thức văn bản quản lý nhà nước ở nước ta hiện nay?

Đáp án
1. Thể thức văn bản quản lý nhà nước là toàn bộ các bộ phận cấu thành văn bản do nhà nước quy định. Bao gồm những thành phần chung áp dụng đối với các loại văn bản và các thành phần bổ sung trong những trường hợp cụ thể hoặc đối với một số loại văn bản nhất định.
2. Trình bày khái quát thể thức văn bản quản lý nhà nước
a. Trình bày khái quát thể thức văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hành
chính
Các yếu tố thể thức văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hành chính được quy
định tại Nghị định số 110/2004/NĐ-CP ngày 08/4/2004 và Nghị định số 09/2010/NĐCP ngày 08/02/2010 của Chính phủ, cụ thể tại Thông tư liên tịch số 55/2005/TTLTBNV-VPCP và Thông tư số 01/2011/TT-BNV ngày 19/01/2011.
* Các yếu tố thể thức bắt buộc gồm:
– Quốc hiệu
– Tên cơ quan ban hành văn bản
– Số và ký hiệu văn bản
– Địa danh, ngày tháng năm ban hành văn bản
– Tên loại và trích yếu nội dung văn bản
– Nội dung văn bản
– Quyền hạn, chức vụ, họ tên và chữ ký của người có thẩm quyền
– Dấu của cơ quan, tổ chức
– Nơi nhận văn bản
* Ngoài các yếu tố thể thức trên còn có các yếu tố thể thức có thể có như:
– Các yếu tố chỉ dẫn phạm vi lưu hành;
– Địa chỉ cơ quan, tổ chức, email, số điện thoại, số Fax, Website… (đối với công
văn)
– Dấu mức độ khẩn, mật;
– Tên viết tắt người đánh máy và số lượng bản phát hành.

b. Thể thức văn bản chuyên ngành: Thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản
chuyên ngành do Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan quản lý ngành quy định sau khi thỏa
thuận thống nhất với Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
c. Thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản trao đổi với các cơ quan, tổ chức
hoặc cá nhân nước ngoài : Thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản trao đổi với các cơ
quan, tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài được thực hiện theo thông lệ quốc tế../.

Câu 14 Anh (chị) hãy trình bày vị trí, vai trò của Nhà nước CHXH Chủ nghĩa Việt Nam trong hệ thống chính trị? Những định hướng xây dựng và hoàn thiện nhà nước trong đổi mới hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay?

Đáp án
1. Trình bày vị trí, vai trò của Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam
trong hệ thống chính trị.
– Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.
– Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là tổ chức trung tâm thực hiện
quyền lực chính trị, là trụ cột của hệ thống chính trị, là bộ máy tổ chức quản lý kinh tế,
văn hoá, xã hội, thực hiện chức năng đối nội và đối ngoại.
– Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội
chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh
đạo. Quyền lực Nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa
các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Nhà nước ban
hành pháp luật; tổ chức, quản lý xã hội bằng pháp luật và không ngừng tăng cường pháp
chế xã hội chủ nghĩa.
– Nhà nước phục vụ nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, thực hiện đầy đủ
quyền dân chủ của nhân dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân và chịu sự giám
sát của nhân dân; có cơ chế và biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa và trừng trị tệ quan liêu,
tham nhũng, lãng phí, vô trách nhiệm, lạm quyền, xâm phạm quyền dân chủ của công dân; giữ nghiêm kỷ cương xã hội, nghiêm trị mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ
quốc và của nhân dân.
– Tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước theo nguyên tắc tập trung dân chủ,
có sự phân công, phân cấp, đồng thời bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của Trung ương.
2. Trình bày những định hướng xây dựng và hoàn thiện nhà nước trong đổi
mới hệ thống chính trị ở nước ta
– Thực hiện dân chủ, tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền trong tổ chức và hoạt động
của Nhà nước. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp và pháp luật.
– Hoàn thiện thể chế, chức năng, nhiệm vụ, phương thức và cơ chế vận hành,
nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước.
– Hoàn thiện tổ chức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà
nước./.

Câu 15: Anh (chị) hãy trình bày khái niệm hoạt động công vụ những đặc trưng cơ bản của hoạt động công vụ; nêu những việc công chức không được làm?

Đáp án
1. Hoạt động công vụ của công chức là việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của
công chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và các quy định pháp luật khác có
liên quan.
* Những đặc trưng cơ bản của công vụ:
– Công vụ là hoạt động có tính phục vụ.
– Hoạt động công vụ của cán bộ, công chức có tính chuyên nghiệp.
– Hoạt động công vụ của công chức là những hoạt động không trực tiếp tạo ra của
cải vật chất cho xã hội nhưng đó là hoạt động bảo đảm các điều kiện, hỗ trợ, tổ chức
quản lý hoạt động sản xuất các giá trị vật chất và các giá trị tinh thần trong xã hội.
– Hoạt động công vụ được bảo đảm bằng ngân sách nhà nước.
– Hoạt động công vụ nhà nước được điều chỉnh bằng pháp luật, chủ yếu là các
quy phạm của luật hành chính.
2. Những việc công chức không được làm

– Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn
kết; tự ý bỏ việc hoặc tham gia đình công.
– Sử dụng tài sản của Nhà nước và của nhân dân trái pháp luật.
– Lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ, quyền hạn; sử dụng thông tin liên quan đến công
vụ để vụ lợi.
– Phân biệt đối xử dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo dưới
mọi hình thức.
– Không được tiết lộ thông tin liên quan đến bí mật nhà nước dưới mọi hình thức.
– Ngoài những việc không được làm quy định trên, công chức còn không được
làm những việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh, công tác nhân sự quy định tại Luật
phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và những việc khác
theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền./.

Câu 16 Hệ thống chính trị là gì? Trình bày khái quát cấu trúc hệ thống chính
trị ở Việt Nam?
Đáp án
1. Trình bày khái niệm hệ thống chính trị: HTCT được hiểu là hệ thống các tổ
chức, các thiết chế chính trị – xã hội và mối quan hệ giữa chúng với nhau hợp thành cơ
chế chính trị của một chế độ xã hội. Cơ chế đó bảo đảm thực hiện quyền lực chính trị của
giai cấp thống trị trong quan hệ với các giai cấp, tầng lớp và các nhóm xã hội khác.
2. Trình bày khái quát cấu trúc hệ thống chính trị ở Việt Nam
– HTCT xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay bao gồm Đảng cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận như: Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Hội
cựu chiến binh Việt Nam …
– HTCT xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay bao gồm Đảng cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận như: Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Đoàn thanh niên

Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Hội
cựu chiến binh Việt Nam…
– Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhà nước và xã hội, là hạt nhân của HTCT.
Vị trí, vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của Đảng đối với HTCT xuất phát từ sứ mệnh lịch sử
của giai cấp công nhân, từ sự thống nhất cơ bản lợi ích giữa giai cấp công nhân, nhân dân
lao động và dân tộc. Sự lãnh đạo của Đảng đối với HTCT là sự lãnh đạo toàn diện.
– Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là tổ chức trung tâm thực hiện
quyền lực chính trị, là trụ cột của hệ thống chính trị, là bộ máy tổ chức quản lý kinh tế,
văn hoá, xã hội, thực hiện chức năng đối nội và đối ngoại.
– Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có vai
trò rất quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;
đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, chăm lo lợi ích của
các đoàn viên, hội viên; thực hiện dân chủ và xây dựng xã hội lành mạnh; tham gia xây
dựng Đảng, Nhà nước; giáo dục lý tưởng và đạo đức cách mạng, quyền và nghĩa vụ công
dân, tăng cường mối liên hệ giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước.
– Đảng tôn trọng tính tự chủ, ủng hộ mọi hoạt động tự nguyện, tích cực, sáng tạo
và chân thành lắng nghe ý kiến đóng góp của Mặt trận và các tổ chức thành viên của Mặt
trận. Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để Mặt trận và các tổ chức
thành viên hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội./.

Câu 17: Anh (chị) hãy trình bày nhiệm vụ cải cách thể chế hành chính nhà nước ở nước ta hiện nay?

Đáp án
1. Khái niệm thể chế hành chính nhà nước.
Thể chế hành chính là một hệ thống gồm luật, các văn bản pháp quy dưới luật,
tạo khuôn khổ pháp lý cho các cơ quan HCNN hoạt động, quản lý nhà nước một cách
hiệu quả.
2. Nhiệm vụ cải cách thể chế hành chính nhà nước

Cải cách thể chế hành chính nhà nước nhằm tạo ra hệ thống hành lang pháp lý cho
hoạt động hành chính nhà nước đầy đủ, chính xác, rõ ràng. Những nhiệm vụ chủ yếu của
cải cách thể chế hành chính nhà nước bao gồm:
– Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật trên cơ sở Hiến pháp.
– Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật….
– Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách, trước hết
là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa,…
– Hoàn thiện thể chế về sở hữu, trong đó khẳng định rõ sự tồn tại khách quan, lâu
dài của các hình thức sở hữu, …..
– Tiếp tục đổi mới thể chế về doanh nghiệp nhà nước …
– Sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về xã hội hóa …
– Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế về tổ chức và hoạt động của
các cơ quan hành chính nhà nước; …..
– Xây dựng, hoàn thiện quy định của pháp luật về mối quan hệ giữa Nhà nước và
nhân dân…../.

Câu 18 Anh (chị) trình bày bản chất của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam? Chứng minh ở nước ta, nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước?

Đáp án
1. Bản chất của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
* Bản chất giai cấp công nhân của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
– Nhà nước ta đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam.
– Từ pháp luật, cơ chế, chính sách đến tổ chức và hoạt động của nhà nước luôn
quán triệt tư tưởng, quan điểm của giai cấp công nhân mà cụ thể là quán triệt chủ nghĩa
Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh được thể hiện trong đường lối, chính sách của
Đảng Cộng sản Việt Nam.
* Bản chất nhân dân

– Nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước: Nhân dân thực hiện quyền
lực nhà nước bằng hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện.
– Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của tất cả các dân tộc
trên lãnh thổ Việt Nam, là biểu hiện tập trung của khối đại đoàn kết dân tộc.
– Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức và hoạt động trên
cơ sở nguyên tắc bình đẳng trong mối quan hệ giữa nhà nước và công dân.
– Tính chất dân chủ rộng rãi của Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam.
* Tính thời đại
– Nhà nước CHXHCN Việt Nam thực hiện chính sách hòa bình, hữu nghị mở rộng
hợp tác, giao lưu với tất cả các nước trên thế giới…
– Nhà nước tích cực ủng hộ và góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân
thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
2. Chứng minh nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước
– Điều 2, Hiến pháp 2013 xác định: “…Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên
minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức…”.
– Nhân dân với tư cách là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước thực hiện quyền
lực nhà nước với nhiều hình thức khác nhau. Điều 6 Hiến pháp 2013 ghi: “Nhân dân thực
hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc
hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”.
– Nhân dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp thông qua các hoạt động như: Ứng
cử, bầu cử Quốc hội, HĐND; thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, trưng cầu dân ý, các cuộc
đối thoại trực tiếp của nhân dân với cơ quan Nhà nước…
– Nhân dân thực hiện quyền dân chủ đại diện thông qua các cơ quan nhà nước, các
cá nhân được Nhân dân ủy quyền để thực hiện ý chí của Nhân dân./.

Câu 19Anh (chị) hảy cho biết văn bản hành chính là gì? Gồm những tên loại văn bản nào? Lấy ví dụ cụ thể minh họa?

Đáp án

1. Khái niệm VB hành chính:
Văn bản hành chính được ban hành để giải quyết các vụ việc cụ thể liên quan đến
quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; để
chuyển đạt thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước.
2. Nêu cụ thể những tên loại văn bản hành chính và lấy ví dụ cụ thể minh họa
* Văn bản hành chính cá biệt (Văn bản áp dụng pháp luật)
– Văn bản hành chính cá biệt là những quyết định quản lý hành chính thành văn
mang tính áp dụng pháp luật do cơ quan, công chức nhà nước có thẩm quyền ban hành
theo trình tự, thủ tục nhất định nhằm cá biệt hoá các quy phạm pháp luật, đưa ra quy tắc
xử sự riêng được áp dụng môt lần đối với một hoặc một nhóm đối tượng cụ thể.
– Tên loại văn bản gồm: Nghị quyết, Quyết định, Chỉ thị. Ví dụ: Quyết định nâng
lương cho công chức.
* Văn bản hành chính thông thường
– Văn bản hành chính thông thường là những văn bản mang tính thông tin điều
hành dùng để giao dịch, trao đổi, phản ánh tình hình, ghi chép công việc trong các cơ
quan, tổ chức… .
– Văn bản hành chính thông thường gồm các tên loại văn bản cụ thể sau:
+ Quy chế, quy định,
+ Thông cáo, thông báo, hướng dẫn,
+ Chương trình, kế hoạch,
+ Phương án, đề án, dự án,
+ Báo cáo, biên bản, tờ trình,
+ Hợp đồng, công văn, công điện,
+ Bản ghi nhớ bản cam kết, bản thoả thuận,
+ Giấy chứng nhận, giấy uỷ quyền, giấy mời, giấy giới thiệu, giấy nghỉ phép, giấy
đi đường, giấy biên nhận hồ sơ,
+ Phiếu gửi, phiếu chuyển, thư công.
Ví dụ: Báo cáo tổng kết hoạt động năm 2015./.

Câu 20: Theo anh (chị) quy định pháp luật hiện hành, việc đánh giá công chức cần tuân thủ những nguyên tắc và theo những nội dung nào? Kết quả đánh giá công chức được sử dụng ra sao?

Đáp án
1. Trình bày các nguyên tắc đánh giá công chức
– Bảo đảm đúng thẩm quyền: công chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn
vị đánh giá.
– Việc đánh giá phải căn cứ vào chức trách, nhiệm vụ được giao và kết quả thực
hiện nhiệm vụ. Việc đánh giá cần làm rõ ưu điểm, khuyết điểm, tồn tại, hạn chế về phẩm
chất, năng lực, trình độ của công chức.
– Bảo đảm khách quan, công bằng, chính xác và không nể nang, trù dập, thiên vị,
hình thức.
– Việc đánh giá công chức lãnh đạo, quản lý phải dựa vào kết quả hoạt động của
cơ quan, tổ chức được giao lãnh đạo, quản lý. Mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người
đứng đầu không được cao hơn mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
– Trường hợp công chức không hoàn thành nhiệm vụ do yếu tố khách quan, bất
khả kháng thì được xem xét trong quá trình đánh giá, phân loại.
2. Trình bày những nội dung đánh giá công chức
– Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà
nước.
– Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc.
– Năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
– Tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ.
– Tinh thần trách nhiệm và phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ.
– Thái độ phục vụ nhân dân.
3. Trình bày việc sử dụng kết quả đánh giá công chức

– Kết quả đánh giá là căn cứ quan trọng để bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng,
nâng ngạch, quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ
luật và thực hiện các chính sách khác đối với công chức.
– Công chức 02 năm liên tiếp hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực
hoặc có 02 năm liên tiếp, trong đó 01 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về
năng lực và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm
quyền bố trí công tác khác.
– Công chức 02 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức,
đơn vị có thẩm quyền giải quyết thôi việc./.

Câu 21 Anh (chị) hãy trình bày kết cấu nội dung và phương pháp trình bày nội dung văn bản quản lý nhà nước?

Đáp án
1. Khái niệm văn bản quản lý nhà nước:
Văn bản quản lý nhà nước là những quyết định và thông tin quản lý thành văn do
các cơ quan quản lý nhà nước ban hành theo thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hình thức nhất
định và được nhà nước bảo đảm thi hành bằng những biện pháp khác nhau, nhằm điều
chỉnh các mối quan hệ nội bộ quản lý nhà nước hoặc giữa các cơ quan nhà nước với các
tổ chức và công dân.
2. Trình bày kết cấu nội dung văn bản quản lý nhà nước
* Loại văn bản viết theo kiểu văn điều khoản: Những văn bản viết theo kiểu văn
điều khoản chỉ có một cách kết cấu nội dung: chia văn bản làm 02 phần, phần viện dẫn
(đưa ra các căn cứ) và phần nội dung (thường được diễn đạt bằng các, khoản, mục…)
* Loại văn bản viết theo kiểu văn xuôi pháp luật:
– Kết cấu chủ đề: Khi văn bản chỉ có một chủ đề thuần nhất, cách kết cấu này, mọi
chi tiết luôn xoay quanh chủ đề để làm rõ nó.
– Kết cấu dàn bài: Chia nội dung thành nhiều phần, mỗi phần lại được chia thành
nhiều phần nhỏ hơn…và mỗi phần đều có tên gọi riêng để dễ nhận biết, dễ nhớ.

– Kết cấu dàn bài – chủ đề (hay còn gọi là kết cấu ý tứ, lôgic): Đây là kiểu kết cấu
kết hợp 02 kiểu trên, chia nội dung văn bản ra thành nhiều phần và mỗi phần có một nội
dung thuần nhất.
3. Trình bày phương pháp trình bày nội dung văn bản quản lý nhà nước
– Luận chứng về nội dung: Một văn bản thường phải kết hợp một cách khéo léo cả
hai loại luận chứng sau:
+ Luận chứng bằng lý lẽ: Dùng lý lẽ để tác động vào tình cảm người đọc, làm cho
họ hiểu.
+ Luận chứng bằng số liệu, sự kiện, sự việc: Dùng số liệu, sự kiện, sự việc tác
động vào ý chí người đọc, làm cho họ tin.
– Các phương pháp diễn đạt nội dung: Phương pháp diễn dịch và phương pháp
quy nạp. Trong một văn bản có thể sử dụng thuần túy một phương pháp diễn đạt hoặc có
thể kết hợp cả hai phương pháp./.

Câu 22: Anh (chị) hãy cho biết nền hành chính nhà nước là gì? Nêu các yếu tố cấu thành nền hành chính nhà nước? Đội ngũ cán bộ, công chức hành chính và tài chính công có vai trò như thế nào trong nền hành chính?

Đáp án
1. Khái niệm nền hành chính nhà nước:
– Nền hành chính nhà nước (HCNN) là khái niệm để chỉ sự tổng hợp của bốn yếu tố: Thể chế hành chính; Tổ chức bộ máy hành chính; Công chức, công vụ và Tài chính công. (Theo “Từ điển hành chính” – Tô Tử Hạ).
– Giữa các yếu tố có mối quan hệ quy định, tác động ảnh hưởng chi phối lẫn nhau, đóng vai trò không thể thiếu đảm bảo cho hoạt động của nền HCNN.
2. Các yếu tố cấu thành nền hành chính nhà nước
– Thể chế hành chính nhà nước: Là một hệ thống gồm luật, các văn bản pháp quy dưới luật, tạo khuôn khổ pháp lý cho các cơ quan HCNN hoạt động, quản lý nhà nước một cách hiệu quả.

– Tổ chức bộ máy hành chính nhà nước: Bộ máy HCNN là một tập hợp các cơ quan HCNN liên kết với nhau thành một hệ thống thống nhất, được sắp xếp theo cấp và theo phân hệ trong một trật tự, có mối quan hệ qua lại, ràng buộc chặt chẽ với nhau, chịu sự chỉ đạo, điều hành chung từ một trung tâm là Chính phủ.
– Đội ngũ cán bộ, công chức hành chính và hoạt động công vụ: là những người có thẩm quyền lãnh đạo, quản lý, điều hành nền hành chính và thực thi các công vụ trong nền HCNN.
– Tài chính công: là tổng thể các hoạt động thu, chi bằng tiền do Nhà nước tiến hành, nó phản ánh các quan hệ kinh tế nảy sinh trong quá trình tạo lập và sử dụng các quỹ tiền tệ công nhằm phục vụ thực hiện các chức năng của Nhà nước và đáp ứng các nhu cầu, lợi ích của toàn xã hội.
3. Vai trò của đội ngũ cán bộ, công chức và tài chính công trong nền hành chính

– Công chức hành chính ở Việt Nam là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh nhất định, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
– Đội ngũ cán bộ, công chức hành chính là những người có thẩm quyền lãnh đạo, quản lý, điều hành nền hành chính và thực thi các công vụ trong nền HCNN.
– Đây là chủ thể mang quyền lực nhà nước, trực tiếp thực thi các thẩm quyền hành pháp nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của hệ thống cơ quan HCNN để quản lý xã hội.
– Cơ cấu tài chính công gồm: Ngân sách nhà nước; Tài chính các cơ quan HCNN;
Tài chính các đơn vị sự nghiệp nhà nước; Tài chính trong các doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích; Các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước.
– Tài chính công là cơ sở, nguồn lực vật chất quan trọng để bộ máy HCNN vận hành thực hiện được các chức năng của mình, đáp ứng các nhu cầu và lợi ích của toàn xã hội;
– Tài chính công là yếu tố để nhà nước giữ vai trò chủ đạo, lãnh đạo, điều hành các quá trình phát triển xã hội theo đúng định hướng đề ra./.

Câu 23 Trình bày khái niệm cải cách hành chính nhà nước, mục tiêu cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020 ở nước ta?

Đáp án
1. Khái niệm cải cách hành chính nhà nước: Cải cách hành chính nhà nước (CCHC) là tạo ra những thay đổi trong các yếu tố cấu thành của nền hành chính nhằm làm cho các cơ quan HCNN hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội tốt hơn.
2. Trình bày mục tiêu cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020
Ngày 08/11/2011, Chính phủ ra Nghị Quyết số 30c/NQ-CP ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020. Chương trình đã xác định những mục tiêu CCHC trong giai đoạn 2011-2020 bao gồm:
– Xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm giải phóng lực lượng sản xuất, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển đất nước.
– Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch nhằm giảm thiểu chi phí về thời gian và kinh phí của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong việc tuân thủ thủ tục hành chính.
– Xây dựng hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương tới cơ sở thông suốt, trong sạch, vững mạnh, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, tăng tính dân chủ và pháp quyền trong hoạt động điều hành của Chính phủ và của các cơ quan hành chính nhà nước.
– Bảo đảm thực hiện trên thực tếquyền dân chủ của nhân dân, bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, của đất nước.
– Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực và trình độ, đáp ứng yêu cầu phục vụnhân dân và sự phát triển của đất nước.
– Trọng tâm cải cách hành chính trong giai đoạn 10 năm tới là: Cải cách thể chế; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chú trọng cải cách chính sách tiền lương nhằm tạo động lực thực sự để cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ có chất lượng và hiệu quả cao; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công./.

#Chú_ý đăng kí email nhận tài liệu

B1- Vào website ngolongnd.net
B2: Trên di động: Kéo xuống dưới, trên desktop: nhìn sang cột phải có nút đăng kí nhận bài
B3: Vào email check thư xác nhận và bấm vào link confirm để nhận tài liệu công chức và tin tuyển dụng qua email
Chú ý: Sau khi đăng kí xong nhớ vào mail của bạn để xác nhận lại, có thể email xác nhận trong mục SPAM hoặc QUẢNG CÁO!

Like share và ủng hộ chúng mình nhé: