[3 bài] Diễn biến tâm trạng của Mị trong đêm tình mùa xuân
Bài phân tích số 1 : Diễn biến tâm trạng của Mị trong đêm tình mùa xuân
Tô Hoài được biết đến không chỉ là cây bút của những câu chuyện loài vật mà ông còn được biết đến là nhà văn của những người nông dân nghèo khổ, đặc biệt là sau cách mạng ngòi bút của ông tập trung nhiều hơn vào số phận của những người nông dân Tây Bắc. Với tài năng, sự cần mẫn của mình ông đã tạo nên những tác phẩm để đời và một trong những số đó là truyện Vợ chồng A Phủ. Tác phẩm sáng lên là nhân vật Mị với sức sống tiềm tàng, mãnh liệt, luôn khát khao hạnh phúc, được thể hiện rõ nhất trong đêm tình mùa xuân.
Mị vốn là cô gái xinh đẹp, giàu sức sống và yêu lao động. Gia đình nợ món tiền lớn của nhà thống lí Pá Tra, nhưng cô vẫn một mực xin cha cho làm nương, làm rẫy để trả nợ dần. Nhưng số phận bất hạnh, Mị bị A Sử bắt đi và chính thức trở thành con dâu gạt nợ với chuỗi ngày kinh hoàng bị bóp nghẹt, mài mòn cả về thể xác và tinh thần. Người ta không còn thấy một người con gái nhanh nhẹn, yêu lao động, yêu cuộc sống mà thay vào đó là một người phụ nữ tàn tạ, héo úa, “như con rùa lùi lũi trong xó cửa”. Cuộc sống của Mị bị cầm tù chẳng khác nào cái buồng cô sống chỉ có một cái cửa ô vuông bằng bàn tay, nhìn ra ngoài chỉ thấy mờ mờ, trăng trắng không biết là sương hay là nằng. Tưởng rằng cuộc đời cô sẽ cứ lầm lũi như vậy cho đến lúc chết, nhưng không, tất cả đã thay đổi trong đêm tình mùa xuân ấy.
Xuất phát điểm, Mị là cô gái giàu sức sống, nhưng do sự tàn độc của gia đình thống Lí đã bào mòn, bẻ gãy gần như tất cả khát vọng sống của cô. Bằng tài năng bậc thầy trong miêu tả tâm lí nhân vật, Tô Hoài đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo cho sự trỗi dậy mạnh mẽ của Mị trong đêm tình mùa xuân.
Tác giả đặt quá trình trỗi dậy của Mị trong không khí mùa xuân. Mùa xuân Tây Bắc với âm thanh náo nhiệt, rộn rã với màu sắc tươi vui đã làm bừng lên sức sống trong vạn vật và con người. Dù những chi tiết Tô Hoài đưa vào để miêu tả không khí mùa xuân Tây Bắc có phần khác lạ và mới mẻ, nhưng chính nó đã tạo nên nét riêng biệt cho tác phẩm. Đông thời không khí mùa xuân bao giờ cũng gắn liền với tuổi trẻ, tình yêu và hạnh phúc, bởi vậy không khí ấy cũng có tác động ít nhiều đến tâm lí Mị. Thứ hai đó là sự tác động của men rượu. Mị uống rượu vào ngày tết cũng như biết bao người khác, nhưng cái cách mà cô uống lại rất khác. Cô uống ừng ực từng bát, uống như trút giận, cho vơi đi những đau đớn, tủi hờn. Và cuối cùng là sự xuất hiện của tiếng sáo. Tiếng sáo vừa gợi lên không khí mùa xuân vui tươi, náo nức, vừa gợi nhắc về quá khứ đẹp đẽ, đồng thời đây cũng là tác nhân quan trọng làm bừng lên khát vọng hạnh phúc của Mị trong đêm tình mùa xuân.
Tiếng sáo dù mới chỉ lấp ló ở đầu núi nhưng đã hiến Mị tha thiết, bồi hồi, nó không chỉ là tiếng sáo gọi bạn tình mà còn là tiếng của sự sống đang cựa quậy hồi sinh trong tâm hồn Mị. Bởi vậy, nếu như trước đây Mị chối từ phương tiện giao tiếp của con người là ngôn ngữ để tồn tại một cách câm lặng thì giờ đây ngôn ngữ đã trở lại dù đó mới chỉ là tiếng nói thầm: “Mị ngồi nhẩm thầm bài hát của người đang thổi: Mày có con trai con gái rồi/…/Ta đi tìm người yêu”. Nội dung bốn câu hát chính là viết về tình yêu nên nó thôi thúc Mị càng mạnh mẽ hơn, thúc Mị hãy thoát khỏi địa ngục trần gian.
Sự tác động của mùa xuân và hơi men đã khiến Mị chối bỏ thực tại, tìm về với quá khứ. Mị lịm đi và nhớ về những ngày trước, lúc này chỉ có thể xác của Mị thuộc về hiện tại khổ đau còn tầm hồn, tư tưởng đã quay trở về quá khứ đẹp đẽ. Những kí ức tươi đẹp sống lại trong lòng Mị, thổi bùng trong Mị khát vọng hạnh phúc và mong muốn đoạn tuyệt với hiện tại. Nhưng dù Mị đã chối bỏ thực tài, khát vọng hạnh phúc đã được thắp lên nhưng “Mị không bước ra đường chơi, mà từ từ bước vào buồng”. Hành động này như một quán tính, một thói quen của cô. Bởi vậy, chỉ có một tiếng sáo, một chút men rượu vẫn chưa đủ để cô cắt đứt hoàn toàn với thực tại. Trong vô thức Mị vẫn bị cuộc sống đó cầm tù, giam hãm. Mị nhìn ô cửa sổ và nó đã đánh động Mị về chuỗi ngày sống mỏi mòn trong nhà thống lí Pá Tra, chính điều ấy đã đưa cô đi đến quyết định đoạn tuyệt, nếu có nắm lá ngón lúc này, cô sẽ quyết ăn mà chết ngay mới thôi. Sự sống và cái chết trong Mị không còn nhạt nhòa mà đã được phân định rõ ràng, Mị dám chết để chối từ thực tại đau khổ, bất hạnh.
Ngay khi khát vọng sống bùng lên mạnh mẽ, Mị dám chấp nhận cái chết để từ bỏ cuộc sống đau khổ, thì tiếng sáo lại xuất hiện đầy hữu ý, tiếng sáo đã khiến cuộc nổi loạn trong Mị không dừng lại ở tư tưởng mà biến thành hành động. Mị đến góc nhà lấy ống mỡ, bỏ vào đĩa đèn cho sáng. Nó không chỉ thắp lên ánh sáng vật lí xua tan cái tối tăm của căn phòng, mà con mang ý nghĩa biểu tượng, thắp lên niềm mơ ước, hi vọng về hạnh phúc. Không chỉ vậy, Mị còn búi lại tóc, lấy váy để chuẩn bị đi chơi. Những hành động này cho thấy sự bùng nổ mạnh mẽ, dữ dội trong tâm lí Mị, gắn với sự trỗi dậy của khát vọng hạnh phúc. Nhưng chính lúc đấy, A Sử xuất hiện, chặn đứng cuộc vượt thoát của Mị. Nhưng cường quyền lúc này chỉ trói buộc được thể xác của Mị còn khát vọng hạnh phúc, sống đã mạnh liệt đến mức Mị vượt ngục tinh thần. Bởi vậy, dù chân tay không cựa quậy được, nhưng Mị vẫn nghe thấy tiếng sáo, tiếng sáo đưa Mị lên những cuộc chơi, đám chơi và đêm đó Mị sống giữa hai cõi mơ và thực: thực cô ý thức được mình không bằng con ngựa nhưng mơ lại giúp Mị vượt thoát khỏi thực tại khổ đau để sống trọn vẹn với quá khứ đẹp đẽ của mình.
Với diễn biến tâm trạng vừa phức tạp, vừa hợp lí, Mị đã thực hiện cuộc nổi loạn đầu tiên, thể hiện sự phản kháng mạnh mẽ. Mặc dù chưa thành công, ty khát vọng hạnh phúc chưa thành hiện thực, nhưng cuộc vượt thoát trong đêm tình mùa xuân vẫn có ý nghĩa hết sức quan trọng, nó cho thấy ẩn đằng sau người phụ nữ bị nô lệ hóa, tưởng như chai sạn vẫn tiềm tàng sức sống mãnh liệt. Đồng thời khát vọng hạnh phúc bị chặn đứng cũng mang giá trị tố cáo, phê phán sâu sắc.
Diễn biến tâm trạng nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân bài số 2
Phân tích, miêu tả tâm lí nhân vật luôn là một thử thách đối với bất cứ tác giả nào. Không phải ai cũng có cái biệt tài đi miêu tả tâm lí nhân vật một cách tường tận và chân thực. Và Tô Hoài chính là một trong số ít những tác giả có biệt tài phân tích, miêu tả tâm lí nhân vật với sự phát triển tâm lý hết sức logic, tự nhiên. Sự phát triển tâm lí của Mị trong đêm tình mùa xuân chính là một ví dụ điển hình.
Mị là cô gái trẻ, sinh ra trong một gia đình nghèo khó, cha mẹ vì không có tiền cưới nhau nên phải vay tiền thống lí Pá Tra. Tiền chưa trả hết, món nợ đó đổ dồn lên Mị. Nhưng Mị không lấy đó làm gánh nặng, mà vẫn xin cha cho mình lao động để trả nợ dần. Rõ ràng trong cô gái này có một tình yêu lao động, yêu cuộc sống hết sức mãnh liệt. Khi bị biến thành con dâu gạt nợ, Mị phản kháng vô cùng quyết liệt, cô còn có quyết định ăn lá ngón để chấm dứt cuộc sống mất tự do này. Nhưng vì thương cha mà cô đã gắng gượng sống. Nhưng càng gắng gượng bao nhiêu thì tâm hồn cô lại càng bị bào mòn, chai sạn bấy nhiêu cho đến mức “ở lâu trong cái khổ Mị quen khổ rồi”, Mị “như con rùa lùi lũi nơi xó cửa”, Mị dường như quên đi cả khát vọng tự do, khát vọng hạnh phúc của mình, chỉ chờ đến ngày mình chết đi mà thôi.
Đẩy nhân vật vào sự cùng khổ đến tận cùng chính là một dụng ý nghệ thuật của Tô Hoài, bởi chỉ khi con người ta bị đẩy vào bước đường cùng thì khát khao mới được bùng lên quyết liệt và mạnh mẽ ấy. Và cái khao khát ấy đã được thể hiện rõ nét trong đêm tình mùa xuân ấy.
Để tạo tiền đề cho sự đột phá của Mị, Tô Hoài đã dụng công chuẩn bị những yếu tố khác đặc biệt là những yếu tố về thiên nhiên, về cảnh sắc cuộc sống của những người miền núi. Mùa xuân về trên vùng cao quả thực vô cùng rực rỡ, đẹp đẽ. Những đồi cỏ ranh vàng ửng nhưng những vệt lửa thổi dưới thung khô, càng rét càng trở nên dữ dội hơn. Trên những mỏm đá mèo là những chiếc váy sắc màu rực rỡ, rồi cùng với đó tiếng cười của trẻ con. Không khí mùa xuân thật náo nhiệt, tràn đầy sức sống. Chính những tác nhân bên ngoài này đã phần nào gợi lên lòng yêu cuộc sống, giúp Mị từ cõi quên trở về cõi nhớ.
Trong những yếu tố được Tô Hoài chuẩn bị thì đắt giá nhất là chi tiết tiếng sáo. Tiếng sáo xuất hiện từ xa đến gần, từ đỉnh núi, đến đầu làng rồi quanh quẩn trong tâm trí Mị. Tiếng sáo ấy đã tác động mạnh mẽ đến tâm lí Mị. Cùng với đó là sự kết hợp của hơi men, “ngày tết, Mị cũng uống rượu như ai” , nhưng Mị uống như để quên đi đau đớn, Mị uống ừng ực từng bát, rồi say lịm đi. Trong mơ màng Mị thấy tiếng sáo gọi bạn tình văng vẳng. Tiếng sáo ấy đã làm Mị động tâm, là cô bổi hổi nhớ lại những kỉ niệm đẹp trước đây. Lòng cô phơi phới trở nên, niềm vui sướng trào dâng. Và cô nhận thấy “Mị trẻ lắm, Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi…”. Sau bao năm làm con rùa lùi lũi trong xó cửa, dường như ý thức về bản thân mình đã dần dần quay trở lại. Dường như đoạn văn này ta thấy như chính lời Mị nói ra, Tô Hoài đã xuất sắc hóa thân để thấu hiểu những suy nghĩ, tâm trạng của nhân vật. Đồng thời điều đó cũng giúp Tô Hoài thấy được những giằng xé, mâu thuẫn trong tâm lí Mị giữa quá khứ và hiện tại. Và khi tiếng sáo vang lên, khi Mị như bừng tỉnh, và khát khao: “Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không muốn nhớ lại nữa”. Đây là sự phản kháng hết sức quyết liệt, đối với Mị phải sống mất tự do, còn đau đớn, tủi cực hơn cả cái chết. Điều đó đã cho thấy khát khao mãnh liệt của Mị.
Thì ra đằng sau con những tưởng như đã chết hoàn toàn ấy lại vẫn tiềm tàng sức sống mãnh liệt đến như vậy. Mị không cam chịu ở nhà, Mị muốn đi chơi như mọi người, muốn được hòa nhập, muốn được sống thực sự. Cô đã hiện thực hóa bằng hàng loạt các hành động: cô vào khêu đèn, quấn tóc và lấy váy để chuẩn bị đi chơi… Nếu như với những người con gái khác đó là điều rất bình thường, nhưng đối với Mị là cả một quá trình thức tỉnh và đấu tranh không ngừng.
Nhưng chính lúc ấy, ý định của cô lại bị kẻ độc ác – A Sử chặn đựng bằng hành động bạo ngược, trói đứng ở cột. Dù A Phủ có giam giữ được thân thể nhưng cũng không thể giữ nổi tâm hồn của cô bởi tâm hồn cô theo tiếng sáo, nhớ về những ngày trước.
Chỉ với duy nhất phần miêu tả tâm lí của Mị trong đêm tình mùa xuân, đã có thể khẳng định tài năng nghệ thuật của Tô Hoài trong cách xử lý, sắp xếp sự kiện để miêu tả tâm lí nhân vật. Qua đó càng khẳng định hơn nữa tài năng của ông. Đồng thời cũng thấy được vẻ đẹp trong sức sống của Mị.
Diễn biến tâm trạng nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân bài số 3
Trong nền văn học Việt Nam hiện đại, nhà văn Tô Hoài được độc giả biết đến là một trong những cây bút rất tiêu biểu. Đến với đoạn trích Vợ chồng A Phủ, độc giả lại càng thêm ấn tượng bởi cách xây dựng hình tượng nhân vật mang cá tính độc đáo, tiêu biểu. Đặc biệt, tác giả đã để lại dấu ấn mạnh trong lòng người đọc bởi cá tính, sức sống bền bỉ, mạnh mẽ của nhân vật Mị. Tô Hoài đã khắc họa thành công và chân thực diễn biến tâm lí nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài.
Nhân vật Mị được tác giả khắc họa nổi bật và chân thực xuyên suốt tác phẩm. Đó là một cô gái xinh đẹp, mang vẻ đẹp rất riêng của những cô gái vùng cao Tây Bắc. Vẻ đẹp ấy đã làm cho bao chàng trai trong vùng đắm say mà nguyện thổi sáo đi theo Mị. Cô gái trẻ ấy, mang trong mình những sức sống tươi trẻ nhất, với bao tình yêu và hy vọng để bước vào quãng thời gian tươi đẹp mang tên thanh xuân. Nhưng, những hủ tục bởi một xã hội vẫn còn ngang trái nhiều bất công đã xô đẩy cuộc đời Mị vào những ngã rẽ cay đắng nhất. Món nợ truyền kiếp của gia đình đã biến số phận một cô gái đáng lẽ ra phải có được cuộc sống hạnh phúc, lại rơi vào sự bế tắc. Lối thoát nào cho Mị khi bị bắt trở thành con dâu nhà Thống lí Pá Tra. Mang danh con dâu, nhưng cuộc sống hàng ngày của Mị chẳng khác gì thân trâu ngựa. Mị phải làm việc lùi lũi, không chuyện trò, không giao tiếp, làm việc như một cỗ máy, như một cái xác không hồn. Những tưởng, những tháng ngày Mị sống trong sự vô cảm đó sẽ kéo dài mãi. Nhưng không, thực ra sức sống tiềm tàng trong Mị vẫn luôn tồn tại, như một đốm lửa vẫn nhen nhóm tận sâu ở dưới, chỉ chực có cơ hội là cháy bùng lên mạnh mẽ.
Người ta luôn nói rằng, yếu tố ngoại cảnh có ảnh hưởng rất nhiều đến tâm trạng cũng như hành động của con người. Quả thực như vậy. Khung cảnh mùa xuân ở Hồng Ngài đã đem những sức sống tiềm tàng trong Mị bấy lâu nay bị đè nén sống dậy một cách mạnh mẽ. Mùa xuân vùng cao đến, những màu sắc sặc sỡ của những chiếc váy hoa phơi trên những mỏm đá như những cánh bướm, tiếng sáo gọi bạn tình của những chàng trai cô gái chớm yêu… Tất cả mang đến một không khí mùa xuân rạo rực, làm lòng Mị cũng dâng trào bao cảm xúc.
Đêm tình mùa xuân, Mị bắt đầu uống rượu. Tâm hồn Mị bắt đầu trở về với những kỉ niệm ngày trước. Hơi rượu nồng nàn và tiếng sáo xung quanh đã làm Mị nhớ lại những ngày tháng còn được tự do, được sống với đúng ý nghĩa một con người. Mị nhớ lại ngày trước, mình thổi lá hay hơn thổi sáo. Những kí ức về những tháng ngày tươi đẹp tưởng chừng như bị quên lãng giờ đây đang sống dậy, như một thước phim quay chậm đưa Mị trở về với quá khứ. Sự thức tỉnh ấy đang làm trỗi dậy sức sống của một tâm hồn đã bị số phận làm cho chai sạn. Kỉ niệm ùa về, cảm xúc ùa về. Trong những ngày làm dâu nhà thống lí Pá Tra, Mị sống với cảm xúc trơ lì như một tảng đá. Nhưng giờ đây, trong khung cảnh đêm tình mùa xuân đang rạo rực, Mị đã có những luồng cảm xúc mạnh. Mị ước nếu như có nắm lá ngón trong tay, Mị sẽ ăn luôn mà không cần suy nghĩ. Ý nghĩ đầy táo bạo này chính là một sự nhen nhóm của tinh thần phản kháng lại số phận. Thực tại đau khổ đã làm người con gái căng tràn sức sống ngày nào chai lì cảm xúc. Nhưng khung cảnh đêm tình mùa xuân đã làm cho người con gái ấy nhen nhóm lên ý thức đấu tranh để có thể thoát khỏi cuộc sống vô nghĩa đang bủa vây, ngay cả khi cách phải chọn là tìm đến cái chết.
Tuy nhiên, những cảm xúc mạnh ấy của lòng Mị lại không biểu hiện ngay trong những hành động. Tác giả Tô Hoài đã cho nhân vật của mình có sự đấu tranh quyết liệt trong tư tưởng: một bên là khát khao tự do cháy bỏng, một bên là sự chai lì cảm xúc, mặc cảm về số phận. Mị đã có những hành động liên tiếp nhau. Hành động đầu tiên, Mị sắn thêm mỡ bỏ vào đèn. Đó là hành động tuy nhỏ nhưng mang nhiều ý nghĩa. Đó có thể là mong muốn của nhân vật muốn căn phòng sáng lên, hay cuộc đời mình có thể tươi sáng và nhiều hy vọng hơn. Tiếp theo, Mị bắt đầu quấn lại tóc và chuẩn bị váy áo đi chơi. “Mị còn trẻ, Mị muốn đi chơi”. Vậy là, khát khao được sống với những cảm xúc chân thực nhất của đời mình đã chiến thắng trong ý nghĩ, hành động của Mị. Mị đang sống, nhưng là sống với những kỉ niệm của quá khứ, cảm xúc của quá khứ. Mị đang quên đi thực tại đau khổ, mà sống đúng với bản chất con người yêu tự do trong mình. Trớ trêu thay A Sử về, và trói đứng Mị lên cột nhà. Nhưng, thân xác Mị bị trói buộc tại đấy, còn tâm hồn Mị vẫn đang lơ lửng và đi theo những tiếng sáo gọi bạn tình. Khát vọng sống vừa mới bùng lên trong Mị, đã bị trói buộc bởi thực tại đau khổ, đó mới là điều cay đắng nhất. Khi Mị dần tỉnh chính là lúc các cơn đau thể xác bắt đầu ập đến, những cảm xúc mạnh mẽ trỗi dậy trong đêm tình mùa xuân cũng dần mất theo cơn say đang dần biến mất. Nhưng, đó lại chính là ngọn nguồn của ánh lửa yêu tự do, vẫn hàng ngày hàng giờ cháy âm ỉ trong lòng cô gái H’mông xinh đẹp ngày nào.
Nhà văn Tô Hoài đã rất thành công khi có những trang văn miêu tả chân thực, cảm động diễn biến tâm lí nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân. Cảm xúc và hành động của nhân vật đã dần bộc lộ cá tính và nét tính cách, sức sống tiềm tàng vẫn ẩn sâu trong người con gái ấy. Đó chính là minh chứng cho khát vọng sống, sức sống mạnh mẽ tiềm tàng biểu trưng cho những con người ý chí vùng cao Tây Bắc.
Bài viết khác cùng mục: