Mở bài người lái đò sông đà nâng cao – Trực tiếp gián tiếp

Mở bài người lái đò sông đà nâng cao. Bài viết dưới đây bao gồm các mẫu mở bài “Người lái đò sông Đà” cách trực tiếp, gián tiếp và các mẫu mở bài nâng cao dành cho HSG. Cùng tham khảo để có thêm những cảm hứng cho cách dẫn dắt vào bài viết của mình.
Mở bài người lái đò sông đà
Mở bài người lái đò sông đà

1. Các mẫu Mở bài người lái đò sông đà trực tiếp

Mở bài Người lái đò sông Đà trực tiếp mẫu số 1

Nói đến Nguyễn Tuân người ta nghĩ ngay đến một nhà văn của cái đẹp, bởi suốt cuộc đời của ông là hành trình đi tìm tòi, khám phá ra cái đẹp. Cái đẹp trong các tác phẩm văn học của ông phải là cái đẹp mà đạt đến độ hoàn thiện, hoàn mỹ. Trong sự nghiệp cầm bút sáng tác của Nguyễn Tuân, ông đã đạt được rất nhiều thành tựu kể cả trước và sau cách mạng. Và tùy bút “Người lái đò sông Đà” trích từ tập “Sông Đà” là một trong những sáng tác tiêu biểu nhất của nhà văn sau cách mạng tháng Tám.
 

Mẫu số 2 – mở bài phân tích hình tượng người lái đò

“Người lái đò sông Đà” là thiên tùy bút nổi tiếng của Nguyễn Tuân. Đây là thành quả nghệ thuật đẹp đẽ, là trái ngọt được thu về trong chuyến đi thực tế đến Tây Bắc năm 1958 của nhà văn. Trong chuyến đi này, Nguyễn Tuân đã có cơ hội sống với những khoảnh khắc thân thuộc, gần gũi và hào hứng nhất của người nghệ sĩ trong ông. Ông cảm nhận được cái “thứ vàng mười đã qua thử lửa” toát ra từ những người lao động bình dị trên miền sông nước hùng vĩ và thơ mộng. Thật đúng khi cho rằng “Người lái đò sông Đà” là bài ca về vẻ đẹp của người lao động trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, mà điển hình, dưới ngòi bút tài hoa, uyên bác của Nguyễn Tuân, người lái đò hiện lên với những vẻ đẹp của người anh hùng, của  người nghệ sĩ tài ba trong công việc của mình.
 

Mở bài Người lái đò sông Đà học sinh giỏi  Mẫu số 3

“Người lái đò Sông Đà” là thành quả của chuyến đi đến với Tây Bắc xa xôi của nhà văn Nguyễn Tuân năm 1958. Đây là một trong số 15 bài tùy bút đặc sắc nhất của Nguyễn Tuân được in trong tập Sông Đà xuất bản năm 1960. Lần xuất bản đầu tiên, bài tùy bút này có tên là Sông Đà, đến năm 1982 tác giả đã sửa đổi tên bài thành “Người lái đò Sông Đà”. Đây là bài ca ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ và nét đẹp của con người trong lao động qua ngòi bút tài hoa, uyên bác của Nguyên Tuân đã cho ta thấy được những nét mới mẻ, độc đáo mà chưa từng thấy ở bất kỳ một tác phẩm văn học nào.
 

Mở bài của Người lái đò sông Đà trực tiếp mẫu số 4

Tùy bút “Người lái đò sông Đà” là một trong những tác phẩm văn học xuất sắc nhất trong sự nghiệp của Nguyễn Tuân cũng như trong tập tùy bút “Sông Đà” . Nó cũng đánh dấu sự chuyển biến lớn trong tư tưởng, tình cảm cũng như phong cách của Nguyễn Tuân so với giai đoạn trước cách mạng. Trong “Người lái đò sông Đà” không chỉ nổi bật một vẻ đẹp của thiên nhiên hay cụ thể hơn đó là con sông Đà mang trong mình hai vẻ đẹp đối lập là vẻ đẹp hung bạo và vẻ đẹp trữ tình mà còn nổi bật với hình ảnh của người lao động kiên cường dũng cảm, gan dạ. Hai vẻ đẹp này như hòa quyện với nhau, tạo lên bức tranh hoàn chỉnh cho  vùng đất Tây bắc này.

Mở bài trực tiếp Người lái đò sông Đà hay nhất mẫu số 5

Nguyễn Tuân được biết đến là một trong những cây bút thành công nhất của nền văn xuôi hiện đại Việt Nam. Những sáng tác của ông hầu hết đều có chiều sâu về sự tìm tòi, khám phá và chiêm nghiệm sâu sắc. “Người lái đò sông Đà” chính là trái ngọt của chuyến thực tế rong ruổi khắp miền núi rừng Tây Bắc để tìm kiếm thứ vàng mười trong thiên nhiên cũng như con người lao động nơi đây. Có thể nói ngoài hình tượng sông Đà hung bạo, dữ dằn nhưng cũng thơ mộng trữ tình thì tác giả còn làm nổi bật lên hình ảnh của người lái đò dũng cảm tài hoa, gan dạ, bất khuất mà đạp lên từng lớp sóng cuộn.
 

2. Các mẫu mở bài gián tiếp Người lái đò sông Đà

Mẫu số 1 (Phân tích hình tượng người lái đò)

Nguyễn Tuân một nhà văn tiêu biểu với những tác phẩm đặc sắc của văn xuôi hiện đại Việt Nam. Mỗi tác phẩm của ông là một bài ca viết về cái đẹp của cuộc sống, của con người, với tư tưởng và tình cảm gắn bó với quê hương đất nước. Bằng ngòi bút độc đáo, tài hoa, uyên bác, cùng lòng yêu thiên nhiên sâu sắc và những khám phá đầy mới mẻ của mình trong chuyến đi trải nghiệm thực tế ngược dòng lên Tây Bắc, Nguyễn Tuân đã viết lên những trang bút ký đặc sắc, phác họa một cách độc đáo vẻ đẹp kỳ vĩ, đầy thơ mộng của sông Đà qua tuỳ bút “Người lái đò sông Đà”. Giữa vẻ đẹp kỳ vĩ, hung tợn và đầy trữ tình của dòng sông ấy, nối bật lên đó là hình ảnh người lái đò sông Đà gan dạ, dũng cảm, độc hành đưa con đò mưu sinh chiến đấu với con sông Đà, nó càng được làm rõ hơn trong cảnh vượt thác, chiến đấu với dòng sông quái ác.

Mẫu số 2 (phân tích hình tượng con sông Đà).

Với phong cách nghệ thuật độc đáo, cùng tài năng uyên bác, không ngại nhọc nhằn, vất vả để cố gắng khai thác, tìm ra những cái đẹp, có khả năng lay động người đọc nhiều nhất, Nguyễn Tuân đã để lại rất nhiều tác phẩm có giá trị lớn, trong đó có “Người lái đò sông Đà” – một thành quả nghệ thuật đẹp đẽ mà ông đã thu hoạch được trong chuyến đi tới miền Tây Bắc xa xôi, rộng lớn của Tổ quốc. Ở đây ông đã tìm được cái chất vàng của thiên nhiên cũng như cái thứ vàng mười đã qua thử lửa của con người lao động trong chính công việc của họ. Trong thiên tùy bút này con sông Đà hiện lên với vẻ hung bạo, trữ tình và người lái đò hiện lên với vẻ đẹp bình dị, can trường trong cuộc chiến một mất một còn với con sông Đà ấy.
 

Mẫu số 3 (cảm nhận hình tượng người lái đò trong cảnh vượt thác).

Nguyễn Tuân – một nhà văn nổi tiếng với  “chủ nghĩa xê dịch”. Những cái gì gây nên cảm giác mạnh chính là nguồn sống trong văn chương của ông. Ông đến với Sông Đà như đến với một người bạn, một cố nhân, sự dữ dội, mãnh liệt và đầy thơ mộng tuyệt vời của nó đã thu hút ông hết sức mạnh mẽ. Không phải ngẫu nhiên mà ông lại dốc toàn bộ tài hoa ngôn ngữ của mình ra để viết lên tùy bút “Người lái đò sông Đà”. Trong tác phẩm này, người lái đò hiện lên trước hết là một người lao động có nhiều kinh nghiệm trong việc vượt thác, có sự can trường, dũng cảm , mưu trí, nhanh nhẹn và cả sự quyết đoán nữa. Nguyễn Tuân đã đưa nhân vật của mình vào hoàn cảnh khốc liệt nhất đó là một cuộc chiến đấu gian lao của người lái đò với con thủy quái đầy mưu mô, xảo quyệt, để từ đó tất cả những phẩm chất tốt đẹp ấy được bộc lộ. 

Mở bài Người lái đò sông Đà bằng lí luận văn học mẫu số 4

Nguyễn Tuân là một trong những nhà văn tiêu biểu nhất của nền văn học Việt Nam hiện đại. Mỗi một tác phẩm của ông là một bài ca ca ngợi về cái đẹp của con người, của cuộc sống với tư tưởng, tình cảm gắn bó với quê hương, đất nước. Nguyễn Tuân được độc giả đặc biệt chú ý về phong cách nghệ thuật rất độc đáo và mang nét rất riêng của ông. “Người lái đò Sông Đà” là một bài tùy bút được cho là một tuyệt tác, cũng là một bài thơ bằng văn xuôi thể hiện rõ nét nhất những nét tiêu biểu về phong cách đó.
 

Mẫu số 5 Mở bài Người lái đò sông Đà gián tiếp

Nguyễn Tuân – một cây bút nổi lên như một vì sao tinh tú trên thi đàn văn học Việt Nam hiện đại, được biết đến với phong cách sáng tác có sức sáng tạo dồi dào bậc nhất với những tác phẩm xuất sắc ở cả hai giai đoạn trước và sau cách mạng. Ông là một người nghệ sĩ tài hoa, uyên bác và có cá tính độc đáo. Một nghệ sĩ suốt đời luôn đi tìm cái đẹp, viết về cái đẹp và say đắm trong cái đẹp. Nguyễn Tuân thường khám phá thế giới ở phương diện văn hóa thẩm mỹ, miêu tả bất kỳ một sự vật hay sự việc nào dưới vẻ đẹp tài hoa của người nghệ sĩ. Ông sáng tác nhiều thể loại, nhưng thành công nhất ở thể loại tùy bút. Và “Người lái đò sông Đà” là phẩm tiêu biểu nhất của Nguyễn Tuân ở thể loại này. 

3. Các mẫu mở bài Người lái đò sông Đà học sinh giỏi

Mở bài Người lái đò sông Đà học sinh giỏi mẫu số 1

Nguyễn Tuân là một cây bút của văn học hiện đại Việt Nam trong thế kỉ XX. Trước cách mạng tháng 8 tên tuổi của ông được gắn liền với tác phẩm “Vang bóng một thời”, hay “Một chuyến đi”,…Sau cách mạng tháng 8, ông có sự chuyển minh trong phong cách, giai đoạn này ông chuyển sang thể loại tùy bút và thành công nhất ở là tùy bút “Người lái đò sông Đà”. Tác phẩm đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả không chỉ ở hình tượng con sông Đà “hung bạo mà trữ tình nên thơ” mà còn bởi hình tượng người lái đò hiên ngang, quật cường trên thác dữ.
 
Thiên tùy bút “Người lái đò sông Đà” được in trong tập Sông Đà (1960) của Nguyễn Tuân. Đó là thành quả của chuyến đi về miền Tây Bắc – nơi địa đầu của Tổ quốc trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Đây là một tác phẩm mang đậm phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân. Người nghệ sĩ tài hoa đã dùng cây bút của mình để tìm tòi, khám phá, ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước và của con người lao động Việt Nam.

Mở bài Người lái đò sông Đà học sinh giỏi mẫu số 2

Nói về các tác giả lớn trong văn học Việt Nam, đọng lại trong bạn đó là những ai? Phải chăng bạn ấn tượng, say mê với những dòng thơ tình ngọt ngào của ông hoàng thơ tình Xuân Diệu, hay xúc động trước ngòi bút có cái gai góc, lạnh lùng của nhà văn Nam Cao khi viết về người nông dân. Các nghệ sĩ luôn chọn cho mình một đề tài để sáng tác mà ta gọi đó là sở trường và nó sẽ trở thành dấu ấn của riêng của mổi tác giả. Trên thi đàn văn học Việt Nam, hiếm có cây bút nào “tham lam” như Nguyễn Tuân. Dẫu có đọc bao nhiêu lần đi chăng nữa thì những tác phẩm của ông vẫn khiến người ta phải ồ lên trước sức sáng tạo độc đáo của ông. Đặc biệt bút kí “Người lái đò Sông Đà” đã để lại tiếng ồ ngân vang trong lòng bạn đọc.
 

Liên hệ mở rộng bài Người lái đò sông Đà mẫu số 3

Nhà văn Tô Hoài đã từng thổ lộ rằng “ Đất nước và người miền Tây đã để thương để nhớ cho tôi nhiều quá, tôi không bao giờ có thể quên…Hình ảnh Tây Bắc đầy đau thương và dũng cảm lúc nào cũng thành hình, thành nét, thành lười, thành việc trong tâm trí của tôi.”. Mảnh đất Tây Bắc rực lửa ấy luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho nhà văn, nhà thơ và Nguyễn Tuân cũng không ngoại lệ. Là một cây bút có sức sống mãnh  liệt, một người nghệ sĩ tài hoa, uyên bác, một nhà văn dành cả đời để tìm tòi ra cái đẹp và ông đã đến Tây Bắc để tìm cái vàng mười đã qua thử lửa trong con người nơi đây. Với tình yêu quê hương đất nước sâu đậm và lòng nhiệt huyết sôi nổi ấy, Nguyễn Tuân đã sử dụng ngòi bút uyển chuyển, vốn từ ngữ phong phú của mình để viết lên những trang văn nở hoa về thiên nhiên và con người nơi miền sông núi này và ông đã thật sự thành công với tùy bút “Người lái đò Sông Đà”.
Like share và ủng hộ chúng mình nhé: