Tổng hợp Đề thi học kì 1 Văn 12 năm 2021 – 2022 các trường THPT

Tổng hợp Đề thi học kì 1 Văn 12 năm 2021 – 2022 các trường THPT. Đề thi bám sát chương trình học sẽ giúp các em học sinh lớp 12 luyện thêm đề môn Ngữ văn có đáp án.

Tổng hợp Đề thi học kì 1 Văn 12 năm 2021 - 2022
Tổng hợp Đề thi học kì 1 Văn 12 năm 2021 – 2022

Đề 1 – Đề thi học kì 1 Văn 12

Đọc hiểu: (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

“Kim Woo Chung, người sáng lập nên tập đoàn Deawoo từng viết trong quyển sách Thế giới quả là rộng lớn và có rất nhiều việc phải làm rằng:“Lịch sử thuộc về những người biết ước mơ. Ước mơ là động lực thay đổi thế giới. Tôi cam đoan rằng tất cả những người đang làm nên lịch sử thế giới ngày hôm nay đều có những ước mơ lớn khi còn trẻ”. Dù thay đổi bản thân mình hay thay đổi thế giới, thì người ta cũng bắt đầu bằng ước mơ.

Con đường theo đuổi ước mơ là con đường không bao giờ an toàn, cũng không phải là con đường dễ dàng. Đôi khi ta phải chấp nhận đi đường vòng, làm việc mình không thích để nuôi dưỡng ước mơ. Đôi khi ta phải đứng lên chống lại định kiến xã hội để đi theo con đường của mình. Nhiều khi ta phải đối mặt với cô đơn, thất vọng. Dù làm gì, dù thế nào đi nữa, đừng bỏ cuộc. Hãy luyện tập mài giũa hàng ngày. Trái ngọt có được sau những chặng đường dài thực sự rất xứng đáng. Hãy tin tưởng.

Khi ta làm điều mà ta yêu thích, không phải ai cũng có thể hiểu được. Nhưng mỗi người chúng ta được sinh ra trên đời với một mục đích. Và nếu không làm được điều đó, sao ta có thể yên lòng khi nhắm mắt xuôi tay?”.

(Trích “Khi đã may mắn tìm thấy ước mơ”, Sách Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?

– Roise Nguyễn – NXB Hội Nhà Văn, năm 2017, trang 217)

 

Câu 1 (0.5 điểm). Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích. Câu 2 (0.5 điểm). Theo tác giả, ước mơ có giá trị, ý nghĩa như thế nào?

Câu 3 (1.0 điểm). Anh chị hiểu như thế nào về ý nghĩa của câu văn trong đoạn trích:

Trái ngọt có được sau những chặng đường dài thực sự rất xứng đáng”?

Câu 4 (1.0 điểm). Anh/chị có đồng tình với ý kiến: “Con đường theo đuổi ước mơ là con đường không bao giờ an toàn, cũng không phải là con đường dễ dàng” không? Vì sao?

Làm văn (7.0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ sau:

Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi

Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…”

mẹ thường hay kể.

Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn

Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc Tóc mẹ thì bới sau đầu

Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn Cái kèo, cái cột thành tên

Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng Đất Nước có từ ngày đó…

(Trích “Đất Nước”, Nguyễn Khoa Điềm, Ngữ Văn 12, Tập Một, NXB Giáo dục Việt Nam, tr.118)

Đề 2 

ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích:

Nếu tôi dành thời gian để hoàn thiện tâm hồn, tình cảm và trí tuệ của mình, thay vì chỉ chăm chắm trau chuốt hình thể bên ngoài, thì tôi sẽ đẹp hơn lên mỗi ngày.

Nếu không ai nhận tôi làm việc, tôi sẽ làm những việc mà mình thích – trên đời này liệu có gì sánh được với sự tự do thể hiện mình?

Nếu vì tàn tật mà tôi không thể dạy con cách đá bóng, thì tôi sẽ có nhiều thời gian hơn để hướng dẫn nó cách xử trí những đường bóng hiểm hóc của cuộc đời. Điều này có ích cho chúng hơn.

Còn nếu như tuổi tác lấy đi sức khỏe, khả năng nhạy bén và thể lực của tôi, tôi sẽ trao tặng những người quanh mình sức mạnh của niềm tin, sự sâu sắc của tình yêu, và sự trẻ trung của một tâm hồn đã được định hình bởi bao chông gai cuộc đời.

          (Trích Không việc gì phải lo,Tuyển tập Hạt giống tâm hồn, NXB Tổng hợp, 2012. Tr 135)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Trong đoạn trích, “tôi sẽ đẹp hơn lên mỗi ngày” nhờ vào điều gì?

Câu 2. Xác định câu hỏi tu từ trong đoạn trích.

Câu 3. Nêu tác dụng của phép liệt kê trong câu trích: “…tôi sẽ trao tặng những người quanh mình sức mạnh của niềm tin, sự sâu sắc của tình yêu, và sự trẻ trung của một tâm hồn đã được định hình bởi bao chông gai cuộc đời.”

Câu 4. Trình bày một bài học có ý nghĩa nhất với anh/ chị sau khi đọc đoạn trích.

LÀM VĂN

Câu 1 (2,0 điểm)

Anh/ Chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 150 chữ) bày tỏ suy nghĩ về ý nghĩa của những suy nghĩ lạc quan của con người được gợi ra từ văn bản Đọc hiểu.

Câu 2 (5,0 điểm

[…] Từ đây, như đã tìm đúng đường về, sông Hương vui tươi hẳn lên giữa những biền bãi xanh biếc của vùng ngoại ô Kim Long, kéo một nét thẳng thực yên tâm theo hướng tây nam – đông bắc, phía đó, nơi cuối đường, nó đã nhìn thấy chiếc cầu trắng của thành phố in ngần trên nền trời, nhỏ nhắn như những vành trăng non. Giáp mặt thành phố ở Cồn Giã Viên, sông Hương uốn một cánh cung rất nhẹ sang đến Cồn Hến; đường cong ấy làm cho dòng sông mềm hẳn đi, như một tiếng “vâng” không nói ra của tình yêu. Và như vậy, giống như sông Xen của Pa-ri, sông Đa-nuýp của Bu-đa-pét, sông Hương nằm ngay giữa lòng thành phố yêu quý của mình; Huế trong tổng thể vẫn giữ nguyên dạng một đô thị cổ, trải dọc hai bờ sông. Đầu và cuối ngõ thành phố, những nhánh sông đào mang nước sông Hương tỏa đi khắp phố phường với những cây đa, cây cừa cổ thụ tỏa vầng lá u sầm xuống xóm thuyền xúm xít; từ những nơi ấy, vẫn lập lòe trong đêm sương những ánh lửa thuyền chài của một linh hồn mô tê xưa cũ mà không một thành phố hiện đại nào còn nhìn thấy được. Những chi lưu ấy, cùng với hai hòn đảo nhỏ trên sông đã làm giảm hẳn lưu tốc của dòng nước, khiến cho sông Hương khi đi qua thành phố đã trôi đi chậm, thực chậm, cơ hồ chỉ còn là một mặt hồ yên tĩnh. Tôi đã đến Lê-nin-grat, có lúc đứng nhìn sông Nê-va cuốn trôi những đám băng lô xô, nhấp nháy trăm màu dưới ánh sáng mặt trời mùa xuân, mỗi phiến băng chở một con hải âu nghịch ngợm đứng co lên một chân, thích thú với chiếc thuyền xinh đẹp của chúng và đoàn tàu tốc hành lạ lùng ấy với những hành khách tí hon của nó băng băng lướt qua trước cung điện Pê-téc-bua cũ để ra bể Ban-tích. […] Hai nghìn năm trước, có một người Hi Lạp tên là Hê-ra-clít, đã khóc suốt đời vì những dòng sông trôi đi quá nhanh, thế vậy! Lúc ấy, tôi nhớ lại con sông Hương của tôi, chợt thấy quý điệu chảy lặng lờ của nó khi ngang qua thành phố… Đấy là điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế, có thể cảm nhận được bằng thị giác qua trăm nghìn ánh hoa đăng bồng bềnh vào những đêm hội rằm tháng Bảy từ điện Hòn Chén trôi về, qua Huế bỗng ngập ngừng như muốn đi muốn ở, chao nhẹ trên mặt nước như những vấn vương của một nỗi lòng.

(Trích Ai đã đặt tên cho dòng sông?, Hoàng Phủ Ngọc Tường,

Ngữ văn 12, Tập một, Nxb Giáo dục Việt Nam, tr.199-200, 2014).

Phân tích hình tượng sông Hương trong đoạn trích trên. Từ đó nhận xét về tính trữ tình của bút kí Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Đề 3

PHẦN ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

  Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi ở bên dưới:

Nếu giờ đây ai viết một chiến ca

Việt Nam tôi là bài ca bất hủ

Đánh giặc này chưa từng trong lịch sử

Nhưng vẫn tự tin như tự thuở nào.

 

Khi chống dịch thấy đậm nghĩa đồng bào

Con cá, mớ rau gửi vào khóm phố

Chắc bị cách ly, đâu thể còn đi chợ

Gói đồ này gửi người chẳng hề quen.

 

Ngành Y ta lại hát bản quân hành

Chiến sỹ tuyến đầu trong bộ blouse trắng

Gian khó hiểm nguy hy sinh thầm lặng

Cứu sống mạng người đẹp nhất khúc vỹ thanh.

 

Tổ Quốc mình mãi là mảnh đất lành

Giang rộng cánh tay đón Con về với Mẹ

Bộ đội nhường Con nơi nằm tử tế

Còn các anh với lán trại phong sương.

 

Là chiến binh ở nơi chốn thương trường

Khó khăn bội phần khi kinh doanh tụt dốc

Anh vẫn sẻ chia vẫn góp công góp sức

Số tiền này đỡ gánh nặng tiền phương

(Trích Niềm tin ơi, Đỗ Minh Phú, Hà Nội, Nguồn https://baodautu.vn)

Câu 1. Xác định phong cách chức năng ngôn ngữ của văn bản trên?

Câu 2. Tác giả nhắc đến “Đánh giặc này chưa từng trong lịch sử”. Vậy, đó là đánh “giặc” gì?

Câu 3. Trong đoạn trích, tác giả cho thấy nghành Y và Bộ đội có những phẩm chất tốt đẹp gì?

Câu 4. Thông điệp mà anh/chị tâm đắc nhất từ đoạn trích là gì? Vì sao?

PHẦN LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa niềm tin vào sức mạnh Việt Nam.

Câu 2 (5.0 điểm)

Trình bày cảm nhận của anh/chị về hình tượng Sông Đà trong đoạn trích sau:

Con Sông Đà gợi cảm. Đối với mỗi người, Sông Đà lại gợi một cách. Đã có lần tôi nhìn Sông Đà như một cố nhân. Chuyến ấy ở rừng đi núi cũng đã hơi lâu đã thấy thèm chỗ thoáng. Mải bám gót anh liên lạc, quên đi mất là mình sắp đổ ra Sông Đà. Xuống một cái dốc núi, trước mắt thấy loang loáng như trẻ con nghịch chiếu gương vào mắt mình rồi bỏ chạy. Tôi nhìn cái miếng sáng lóe lên một màu nắng tháng ba Đường thi “Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu”. Bờ sông Đà, bãi Sông Đà, chuồn chuồn bươm bướm trên Sông Đà. Chao ôi, trông con sông, vui như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng. Đi rừng dài ngày rồi lại bắt ra Sông Đà, đúng thế, nó đằm đằm ấm ấm như gặp lại cố nhân, mặc dầu người cố nhân ấy mình biết là lắm bệnh mà chứng, chốc dịu dàng đấy, rồi lại bản tính và gắt gỏng thác lũ ngay đấy.

Thuyền tôi trôi trên Sông Đà. Cảnh ven sông ở đây lặng tờ. Hình như từ đời Trần đời Lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi. Thuyền tôi trôi qua một nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa. Mà tinh không một bóng người. Cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp. Một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm. Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa.

(Trích Người lái đò sông Đà – Nguyễn Tuân, SGK Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục, 2019, tr.191).

Tải đề thi và đáp án

Đề 1

Đề 2

Đề 3

Like share và ủng hộ chúng mình nhé: