Chuẩn bị những gì khi sắp trở thành công chức thuế


Bài viết được chia sẻ trên MXH của @Phuong Mai dựa trên kinh nghiệm của bản thân thôi nhé các bạn!

Đầu tiên, thành thật chúc mừng các bạn đã chắc chắn 1 vé về với “gia đình thuế” (“gia đình thuế” = “gdt” cho các bạn chưa biết ^^); những bạn đang mấp mé thì cứ tiếp tục hy vọng; còn những bạn không đậu thì cũng không có gì phải quá tiếc nhé, có thể việc công tác trong Ngành Thuế không như những gì bạn đã nghĩ, bạn cứ tiếp tục với công việc hiện tại có đôi lúc lại là con đường chạm đến thành công nhanh hơn

Tiếp theo, bạn nên chuẩn bị:

– Điều quan trọng nhất cần chuẩn bị là tinh thần và hiểu biết về Ngành. Như mình đã nói ở trên, có thể công việc sẽ không như các bạn đã tưởng tượng. Chuyện đi làm xa, đi sớm về trễ, làm việc cả cuối tuần, văn bản thì cập nhật liên tục (bla bla) là câu chuyện hết sức bình thường nhé; nói nôm na là việc bao la, bạn có muốn làm hay không thôi. Ở đâu thì mình không biết chứ ở HCM, Ngành Thuế không hề “nhàn” và “dễ” như nhiều người vẫn tưởng tượng trước khi đặt chân vào. Mình thì nghĩ công việc nào nó cũng có những cái vất vả riêng, miễn mình còn yêu thích nó thì không vấn đề gì. 

– Việc quan trọng nữa là các bạn cần chuẩn bị là hồ sơ:

1. Khi bạn trúng tuyển, bạn sẽ phải nộp hồ sơ đầu vào. Hồ sơ thì thường gồm: lý lịch; giấy khám sức khỏe; phiếu lý lịch tư pháp số 1 (nhớ số 1 nhé các bạn, còn số 1, số 2 là gì thì google nha – thời gian cấp phiếu lý lịch nhanh thì cũng vài tuần, ca phức tạp thì lâu hơn nên theo mình thì tranh thủ đi làm đi); bản sao chứng thực các văn bằng chứng chỉ bạn đã đăng ký lúc dự thi (mang theo bản gốc văn bằng chứng chỉ để đối chiếu), nếu có văn bằng mới thì cứ nộp thêm vào cũng không sao, đối với văn bằng chuyên môn do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp thì bạn phải nộp kèm văn bản công nhận của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (văn bằng chuyên môn: bằng trung cấp, cao đẳng, đại học, Th.S, T.S); bộ phận tổ chức cán bộ sẽ tiến hành xác minh các văn bằng chứng chỉ bạn đã nộp nếu phát hiện giả mạo thì bạn sẽ bị thu hồi quyết định tuyển dụng. 

2. Để làm hồ sơ xếp lại lương đối với công chức tuyển dụng đã có thời gian đóng BHXH bắt buộc, bạn cần nộp: sổ BHXH, tất cả các quyết định lương, hợp đồng lao động, bản mô tả công việc trước đây nên các bạn cũng chuẩn bị dần đi là vừa nhé. Nói tóm lại là tất tần tật những giấy tờ có thể chứng minh công việc bạn đã làm trước đây có tính chất giống với ngạch (vị trí việc làm) bạn được tuyển dụng. Kinh nghiệm khi làm hồ sơ này là nhiều trường hợp trong hợp đồng hoặc sổ BHXH không ghi rõ vị trí công việc bạn làm ở công ty cũ, ví dụ chỉ ghi chung chung kiểu “nhân viên văn phòng….” thì khuyến khích bạn trước khi nghỉ việc nên xin luôn công ty các bản mô tả công việc cụ thể mà bạn làm ở công ty đó (có đóng dấu xác nhận), tránh trường hợp bạn được tuyển vào Cục Thuế ở tình này mà công ty cũ của bạn ở tỉnh khác sẽ gặp khó khăn trong việc liên hệ xin giấy. 

3. Nói về sổ BHXH, khi dứt áo với chỗ làm cũ, nhận sổ thì bạn nhớ kiểm tra lại các thông tin trong sổ xem đúng chưa nhé. Những bạn đi làm lâu năm thì biết tầm quan trọng của cuốn sổ BHXH rồi, các bạn mới đi làm thì đừng vì ngại liên hệ công ty cũ lấy số mà báo với bộ phận tổ chức là “em chưa có sổ” nhé. Sổ BHXH cũng như số CMND hay số thẻ căn cước vậy, về nguyên tắc mỗi người chỉ có 1 số sổ duy nhất trên đời, đừng dại có mà nói không, lỡ không may lại thêm 1 sổ nữa thì làm hồ sơ gộp sổ này kia phiền lắm. 

4. Chuẩn bị thêm một ít hình thẻ, thẻ đoàn viên, sổ đoàn, làm đầy đủ hồ sơ chuyển sinh hoạt đảng (đối với đảng viên).

5. Công chức không thuộc đối tượng đóng Bảo hiểm thất nghiệp nên nếu bạn công tác trong Ngành đến cuối đời hưởng chế độ hưu trí thì trợ cấp thất nghiệp của bạn sẽ tự động biến mất nhé.

@Chắc cũng ổn ổn rồi, chúc các bạn có những trải nghiệm thú vị với công việc mới!

Like share và ủng hộ chúng mình nhé: