Dàn ý + Bài viết phân tích giá trị hiện thực của Vợ chồng A Phủ.
Dàn ý phân tích giá trị hiện thực của Vợ chồng A Phủ
Mở bài
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm và nội dung yêu cầu của đề bài: Giá trị hiện thực của tác phẩm.
Ví dụ
Nam Cao đã từng viết: “Nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối. Nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than.” Quả thực, văn chương luôn bắt đầu từ điểm xuất phát là cuộc đời. Tác phẩm nghệ thuật sẽ chẳng thể nào tồn tại mãi nếu nó xa rời thực tế. Hiện thực cuộc sống được người nghệ sĩ lựa chọn đưa vào trong tác phẩm qua cái nhìn, quan điểm và ngòi bút của mình, đem đến với bạn đọc, để từ đó mở ra bức tranh đời rộng lớn. Đến với “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài, ta sẽ bắt gặp ở đó giá trị hiện thực sâu sắc, bức tranh đời đớn đau của những người dân miền núi.
Thân bài
1, Giải thích
– Giá trị hiện thực là gì? => Đó là bức tranh đời sống hiện thực được nhà văn phản ánh trong tác phẩm của mình. Đó là bức tranh đời chân thực nhất được người nghệ sĩ cải biến đưa vào trang văn của mình, từ đó phản ánh lên những sự thực ở đời đến người đọc. Mỗi tác phẩm văn học đều có giá trị hiện thực, bởi văn chương không thể xa rời thực tế, cũng như “Nhà văn phải là người thư ký trung thành của thời đại” (Balzac).
– Giới thiệu khái quát về tác phẩm: “Vợ chồng A Phủ” là tác phẩm được Tô Hoài viết sau khi 8 tháng ở miền núi Tây Bắc với bộ đội và những người dân tộc nơi đây. Chính vùng đất thiêng liêng ấy đã để lại nhớ thương trong lòng ông, khiến ông phải cầm bút lên viết ngay tác phẩm này như một lời chào trở lại với miền đất thân yêu ấy. Tác phẩm kể về nhân vật Mị, vì món nợ của gia đình mà bị bắt về làm con dâu gạt nợ. Từ đó, cuộc đời khổ đau, bị bóc lột liên tục của Mị bắt đầu. Bên cạnh đó còn vô số những mảnh đời khác như A Phủ, người chị dâu của Mị, bố mẹ Mị… cũng bị như thế.
2, Phân tích chứng minh
a, Chế độ phong kiến miền núi tàn bạo độc ác
– Tất cả đều được thể hiện qua đám cha con thống lí Pá Tra, A Sử và đám tay sai của chúng: bọn chức việc, lí dịch, thống quán… ở Hồng Ngài. Những cảnh ăn vạ và “xử kiện”, cảnh hút thuốc phiện, cảnh hành hạ A Phủ, trói Mị… đều thể hiện rõ điều này.
– Chúng cho người dân vay nặng lãi, dùng cách cúng trình ma để hù dọa người dân, mỗi năm lãi càng thêm nhiều. Điển hình là gia đình Mị. Bố mẹ Mị chỉ vì muốn lấy được nhau mà phải vay nhà thống lí tiền để làm cơm mời cả làng, nếu không sẽ không được đồng ý. Món nợ ấy ngày qua ngày sinh lãi, lãi mẹ đẻ lãi con, đến khi mẹ Mị mất đi, bố Mị già rồi vẫn chưa hết. Mỗi năm nhà Mị đều phải trả tiền lãi là một nương ngô. Chính món nợ ấy cùng trò cúng trình ma khiến gia đình Mị không thể nào trốn được, khiến Mị mất đi tự do, bố Mị mất đi đứa con gái duy nhất. Hạnh phúc phải đánh đổi bằng cả cuộc đời, bằng tự do.
– Vì đánh A Sử – đánh con quan, dẫu cho lí do có chính đáng, ấy nhưng người sai vẫn là A Phủ, phải chịu hình phạt nặng nề và xử kiện một cách oan uổng. A Phủ bị nhà thống lí khiêng mang về, trói và ném giữa nhà không khác gì đối xử với một con vật. Phiên tòa ấy được tiến hành một cách man rợ và khó hiểu. Suốt đêm chỉ nghe thấy tiếng mắng chửi, hình ảnh hút thuốc phiện, cứ xong một đợt thuốc là lại đánh A Phủ. Không được thanh minh, không được lên tiếng giải thích, cứ thế bị quy chụp cho cái mũ tội lỗi, nộp 100 đồng bạc trắng phạt vạ. Nhưng A Phủ nào có tiền, lại phải vay nhà thống lí. Và đó là lần đầu tiên A Phủ thấy nhiều tiền tới vậy, có lẽ cũng là lần cuối cùng được chạm tới tự do.
b, Cuộc sống thống khổ bị bóc lột của người dân miền núi bởi cường quyền và thần quyền
* Nhân vật Mị
– Mị vốn là một cô gái người Mèo có đủ khả năng và điều kiện hưởng một cuộc sống hạnh phúc, có một tương lai tươi sáng. Ấy vậy nhưng không, món nợ truyền đời truyền kiếp của cha mẹ Mị, với những yêu cầu quá quắt của phong tục miền núi khiến Mị mất đi tự do, trở thành con dâu gạt nợ nhà thống lí Pá Tra.
– Gọi là con dâu, nhưng lại là kiếp con dâu gạt nợ, chẳng khác gì một con ở không công đến suốt đời suốt kiếp cho nhà thống lí, không được ngơi nghỉ. Lúc nào cũng là “những việc giống nhau, mỗi năm một mùa, mỗi tháng lại làm đi làm lại: Tết xong lên núi hái thuốc phiện; giữa năm thì giặt đay; đến mùa đi nương bẻ bắp. Và dù đi hái củi, bung ngô, lúc nào cũng gài một bó đay trong cánh tay để tước sợi. Bao giờ cũng thế, suốt năm, suốt đời thế. Con ngựa, con trâu làm có lúc, đêm còn được đứng gãi chân, nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này vùi vào việc cả đêm cả ngày.” Một cô gái ấy nhưng làm việc không ngơi nghỉ, ngày đêm làm việc, bị vắt kiệt sức lao động. Thậm chí Mị còn nghĩ mình không bằng cả con trâu, con ngựa bởi chúng nó còn có lúc được nghỉ ngơi, chăm sóc cẩn thận.
+ Căn phòng Mị ở chỉ là một căn buồng nhỏ kín mít, duy nhất có một “chiếc cửa sổ một lỗ vuông mờ mờ trăng trắng” chẳng rõ được là đêm hay là ngày.
+ Mị thậm chí còn bị đày đọa về tinh thần. Bản thân Mị và A Sử vốn không có lòng với nhau, vậy mà phải ở với nhau. A Sử đối với Mị chẳng khác gì chủ nhà với con ở: Trong đêm tình mùa xuân, Mị muốn đi chơi nhưng A Sử không cho. phũ phàng trói Mị lại ở góc cột, quấn tóc Mị vào cột để Mị không nghiêng đầu được. Và, ở nhà này đã từng có người bị trói đứng mà chết rồi. Ngay cả khi A Sử đi chơi về bị thương, Mị ra rừng lấy thuốc bôi cho A Sử, trong lúc mệt quá mà thiếp đi, Mị bị A Sử bị đạp xuống giường. Trong những đêm đông, thấy Mị ngồi thổi lửa hơ tay, A Sử đá Mị ngã…
+ Khổ, bị áp bức, bị bóc lột nhưng Mị không dám bỏ trốn, bởi Mị đã bị chúng nó đem đi cúng trình ma rồi. Mị đi đâu, con ma nhà thống lí sẽ theo tới đó bắt Mị trở lại. Cách duy nhất chỉ có một con đường chính là chết thôi, nhưng Mị không thể chết được. Sự mê tín vào thần quyền đã ràng buộc Mị lại cuộc sống không khác gì địa ngục này, vùng vẫy thế nào cũng không thể thoát ra được.
=> Từ một cô gái trẻ trung, Mị mất dần sức sống, trở thành loài thảo mộc chẳng còn biết rung rinh trước gió, bị ràng buộc. Mị đã bị tha hóa, thay đổi, trở thành nô lệ. Đau khổ quá người ta còn nghĩ đến cái chết, nhưng bản thân Mị đã tê liệt cảm xúc, như một cái xác không hồn không hề còn cảm giác gì nữa.
* Nhân vật A Phủ
– Sau khi thành con ở, A Phủ bị đọa đày về thân xác, làm hết việc này đến việc khác, đều là những việc vô cùng nguy hiểm. Đỉnh điểm hành động độc ác của chúng chính là khi A Phủ làm mất bò, con bò bị hổ tha đi mất, chúng mắng A Phủ là quân ăn cướp, bắt A Phủ tự tay lấy dây trói mình lại, đào hố chôn cọc, chờ khi nào tìm được con bò thì tính tiếp. Bò đã bị ăn mất rồi, làm sao tìm lại được nữa? Sự vô lí của giai cấp thống trị không khỏi khiến ta phẫn nộ vô cùng.
* Nhân vật khác
– Người đàn bà trong gia đình nhà thống lí từng bị trói đứng ở cột rồi chết rũ, người chị dâu của Mị… tất cả những con người ấy dù không được kể ra rõ ràng nhưng ta cũng hiểu được họ đã phải trải qua những đau khổ đến thế nào.
3, Đánh giá
– Qua những mảnh đời đầy bất hạnh ấy, Tô Hoài đã lên án xã hội phong kiến cường quyền thần quyền độc ác đã đàn áp, bóc lột người dân lao động đến cùng cực, không còn đường lui. Tố cáo chế độ bất công, độc ác và ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân, tài sản của mình mà không màng đến tính mạng của người khác.
– Giá trị hiện thực khiến tác phẩm càng thêm sâu sắc, khắc họa rõ nét hơn cuộc đời khổ đau của vô số những mảnh đời nơi vùng núi Tây Bắc kia với bạn đọc.
Kết bài
– Khẳng định giá trị vai trò của giá trị hiện thực với tác phẩm và tác giả.
Bài viết phân tích giá trị hiện thực của Vợ chồng A Phủ
Phần thân bài Phân tích giá trị hiện thực của truyện ngắn Vợ chồng A Phủ
Giá trị hiện thực là những điều diễn ra trong cuộc sống, được tác giả nhìn thấy và đưa vào tác phẩm một cách tinh tế tạo nên ý nghĩa phản ánh hiện thực của một thời kì, một chế độ trên nhiều góc độ khác nhau. Đây là yếu tố cốt lõi của một tác phẩm văn học, nhất là văn học hiện thực, là bức tranh phác họa cuộc sống một cách kĩ lưỡng nhằm nêu bật lên được những đặc điểm điển hình của một thời kì, giai cấp nào đó. Giá trị hiện thực của các tác phẩm văn học phần lớn đều mang tiếng nói chung của đại đa số quần chúng đương thời, là bản cáo trạng đối với những thói hư tật xấu và là tiếng lòng thổn thức của những người thấp cổ bé họng, không có tiếng nói trong xã hội bấy giờ.
Đối với truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài đã tự mình thâm nhập vào cuộc sống của người dân Tây Bắc để thấm nhuần được suy nghĩ, cảm nhận xuất phát từ tấm lòng lương thiện của người dân nơi đây. Từ đó, ông thấu hiểu được nỗi đớn đau, tủi nhục ngày đêm day dứt. Thông qua ngòi bút và vốn hiểu biết của mình, tác giả Tô Hoài đã xây dựng cốt truyện với các nhân vật như một bức tranh sự thật, nói lên cuộc sống bi kịch của người dân lao động cần cù nơi đây cũng như vạch trần bộ mặt tàn ác của bọn cầm quyền. Truyện ngắn kể về số phận của nhân vật Mị, một cô gái xinh đẹp, hiền lành, chăm chỉ, hiếu thảo với bố mẹ nhưng bị bắt làm “con dâu gạt nợ” cho nhà thống lý Pá Tra vì món nợ bố mẹ để lại. Ở đó, cô làm việc quần quật cả ngày lẫn đêm, bị bòn rút hết sức sống và sự phản kháng, tưởng chừng như không có một lối nào thoát ra, và rồi cô gặp được A Phủ, là nạn nhân của nhà thống lý. Chứng kiến một số phận đau khổ giống mình, Mị như được tiếp thêm sức mạnh, dám đứng lên bỏ trốn cùng A Phủ đến sống ở một nơi khác, nơi mà họ được sống như là một con người thực thụ.
Giá trị hiện thực của truyện ngắn được gột tả qua cuộc sống bi kịch của người dân lao động miền núi, điển hình là hình tượng nhân vật Mị và A Phủ. Khi nói đến nhân vật Mị, Tô Hoài chỉ giới thiệu tên, còn tuổi tác không hề nói đến, chỉ vỏn vẹn “Ai ở xa về, có việc vào nhà thống lý Pá Tra thường trông thấy có một cô gái ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tầu ngựa. Lúc nào cũng vậy, dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên, cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi. Người ta nói: nhà Pá Tra làm thống lý, ăn của dân nhiều, đồn Tây lại cho muối về bán, giầu lắm, nhà có nhiều nương, nhiều bạc, nhiều thuốc phiện nhất làng. Thế thì con gái nó còn bao giờ phải xem cái khổ mà biết khổ, mà buồn. Nhưng rồi hỏi ra mới rõ cô ấy không phải con gái thống lý: cô ấy là vợ A Sử, con trai thống lý.” Nét mặt buồn rười rượi của Mị như là lời tố cáo chân thực nhất về tội ác của cha con nhà thống lý đã đè nặng lên một kiếp người. Điều đó không chỉ gợi cho tác giả niềm đau xót đối với nhân vật mà còn là sự phẩn nộ, căm ghét đối với những kẻ ác chỉ biết lấy sức lao động của người khác để kiếm tiền.
Cuộc sống của Mị ở nhà thống lý là điển hình, khái quát toàn bộ khó khăn, khổ đau mà nhân dân lao động miền Bắc phải chịu trước Cách mạng tháng Tám. Tác giả đã mượn nhân vật Mị để làm nổi bật lên hiện thực cay đắng, tủi nhục của những người dân hiền lành, chất phác phải chịu đựng. Khi bị bắt về làm con dâu gạt nợ, Mị từ một cô gái xinh đẹp trở thành “con rùa nuôi trong xó cửa”, lúc nào cũng cúi mặt, “mặt buồn rười rượi” lầm lũi, không nói năng gì. Chúng coi cô là công cụ lao động để làm giàu, “mỗi năm một mùa, mỗi tháng lại làm đi làm lại: Tết xong lên núi hái thuốc phiện; giữa năm thì giặt đay; đến mùa đi nương bẻ bắp. Và dù đi hái củi, bung ngô, lúc nào cũng gài một bó đay trong cánh tay để tước sợi. Bao giờ cũng thế, suốt năm, suốt đời thế. Con ngựa, con trâu làm có lúc, đêm còn được đứng gãi chân, nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này vùi vào việc cả đêm cả ngày”. Một trong những chi tiết làm nổi bật lên chất hiện thực của tác phẩm chính là cảnh Mị bị trói ở cột nhà khi bị A Sử bắt được lúc Mị chuẩn bị đi chơi. Thực tế ta có thể thấy được rằng Mị là một cô gái còn trẻ trung xinh đẹp, dồi dào sức sống thì việc đi chơi trong đêm tình mùa xuân là điều hiển nhiên. Nhưng tia hi vọng đó cũng đã bị dập tắt khi cô bị người chồng của mình trói đứng vào cột nhà bằng sợi mây một cách tàn bạo. “Mị không nói. A Sử cũng không hỏi thêm. A Sử bước lại, nắm Mị, lấy thắt lưng trói hai tay Mị. Nó xách cả một thúng sợi đay ra trói đứng Mị vào cột nhà. Tóc Mị xõa xuống. A Sử quấn luôn tóc lên cột, Mị không cúi, không nghiêng được đầu nữa. Trói xong, A Sử thắt cái thắt lưng xanh ra ngoài áo rồi phẩy tay tắt đèn, đi ra khép cửa buồng lại.”, “Cả đêm Mị phải trói đứng như thế. Lúc thì khắp người bị dây trói thít lại, đau nhức”, “Cổ tay, đầu, bắp chân bị dây trói xiết lại, đau đứt từng mảnh thịt.”. Tô Hoài không trực tiếp lên án xã hội cổ hủ lạc hậu, bất nhân, coi người như cỏ rác, nhưng thông qua hình ảnh của Mị, mọi đường nét thực tại đều được khắc họa một cách chân thực, rõ ràng. Hiện thực về cuộc sống lao động khổ đau, hiện thực về thân phận mòn mỏi, hiện thực về cái ác đang ngày ngày hiện hữu, tất cả đều được tác giả khai thác và phơi bày trước ánh sáng.
Khi xây dựng hình tượng nhân vật A Phủ, Tô Hoài muốn phản ánh hiện thực về cuộc sống những người lao động tuy xuất thân thấp kém, không có địa vị nhưng rất chịu thương chịu khó. A Phủ từ nhỏ đã mồ côi cha mẹ, phải đi làm thuê cho nhà này sang nhà khác, mùa này sang mùa khác. Đến làm thuê cho nhà thống lý Pá Tra, khi anh làm mất một con bò, Pá Tra trói đứng anh vào cột, chờ khi có người mang hổ về mới tha cho. Bị trói đứng mấy ngày trời, không ăn, không uống, chịu rét, A Phủ kiệt sức, tưởng chừng như đã chết đến nơi. Từ một chàng trai khỏe mạnh, lạc quan, yêu đời, A Phủ trở thành con trâu cày không công cho nhà thống lý. Phải sống trong xã hội thối nát ấy, con người không còn có quyền sống như một con người nữa, tất cả đều bị phụ thuộc vào kẻ có quyền, có tiền. Số phận của những người dân lao động khu vực Tây Bắc trước Cách mạng tháng Tám là chuỗi ngày tháng đau thương, nơi con người bị vắt kiệt sức lao động.
Nhân vật Mị và A Phủ chính là hiện thân của kiếp đời nô lệ dưới chế độ phong kiến được nhà văn Tô Hoài xây dựng từ những chất liệu hiện thực gần gũi nhất, thẳng thắn nhất. Qua hai nhân vật, tác giả gián tiếp khắc họa cuộc sống và số phận của người dân lao động trước Cách mạng, là tiếng nói mang tính tố cáo, lên án những kẻ lợi dụng chức quyền đã vùi dập con người, đứng trên lập trường của nhân dân, bảo vệ người dân lao động, tố cáo tội ác của quân thù và bọn bất lương. Qua tác phẩm, Tô Hoài cũng gửi gắm sự nâng niu, trân trọng đến nhân vật của mình hay chính là những người dân vùng núi phía Bắc, tìm kiếm sự lay động trong lòng độc giả khi chứng kiến những khó khăn, gian khổ mà nhân vật phải trải qua.
Bài viết khác cùng mục: