Dàn ý phân tích chi tiết bài Vợ nhặt của Kim Lân

Những hướng dẫn phân tích tác phẩm Vợ nhặt dưới đây sẽ giúp bạn khái quát chuẩn những kiến thức chính trong tác phẩm và hiểu bài đúng nhất. Với một kiệt tác văn học Việt Nam như Vợ nhặt của Kim Lân, chúng ta cần cái nhìn có chiều sâu để cảm và nhận ra những giá trị ẩn chứa trong dụng ý của tác giả.

Dàn ý phân tích chi tiết bài Vợ nhặt của Kim Lân
Dàn ý phân tích chi tiết bài Vợ nhặt của Kim Lân

I. Tìm hiểu chung để phân tích tác phẩm Vợ nhặt.

1. Tác giả

– Kim Lân (1920 – 2007) sinh ra tại Bắc Ninh và sinh thời ông ở tại Hà Nội để học tập và làm việc.

– Gia đình ông khá khó khăn nên phải đi làm từ nhỏ khi còn tiểu học.

– Các tác phẩm của ông mang đậm chất chân thực nông thôn Việt Nam tiêu điều, ảm đạm và cuộc sống cùng cực của người nông dân trong giai đoạn khó khăn vô cùng của dân tộc.

– Những tác phẩm nổi tiếng của ông: Vợ nhặt, Đứa con người vợ lẻ, Đứa con người cô đầu,…

2. Tác phẩm

– Vợ nhặt là một trong rất nhiều tác phẩm đặc sắc của Kim Lân phản ánh rõ nhất cuộc sống của người nông dân Việt Nam trong nạn đói năm 1945 và những giá trị tốt đẹp mà tác giả gửi gắm.

– Tác phẩm Vợ nhặt được in trong tập Con chó xấu xí (1962).

II. Phân tích tác phẩm Vợ nhặt chi tiết

1. Ý nghĩa nhan đề và phân tích tình huống truyện Vợ nhặt

– Ý nghĩa nhan đề:

+ Vợ: biểu tượng cho mái ấm hạnh phúc gia đình, có ý nghĩa lớn lao, mang vai trò thiêng liêng, trách nhiệm cao cả.

+ Nhặt: hành động quá đỗi rẻ rúng đến tầm thường như việc nhặt một món đồ người ta đã vứt bỏ, một thứ gì đó rơi rớt, vô giá trị.

-> Nhan đề “Vợ nhặt” nghĩa là nhặt được vợ, cho thấy giá trị hiện thực đau lòng: sự rẻ rúng và bèo bọt của thân phận con người, con người đang rơi vào cảnh khốn cùng trong nạn đói 1945.

– Phân tích tình huống truyện Vợ nhặt: Trong thời điểm thảm khốc của nạn đói 1945, Tràng – một chàng trai có vẻ ngoài xấu xí, gia cảnh thì nghèo khổ, sống trong xóm ngụ cư, bản tính ngốc nghếch và rồi cũng vì cái nghèo mà không lấy được vợ nhưng duyên nợ đã cho chàng cái cơ may “nhặt” được vợ (vợ theo về không).

=> Tình huống vừa éo le nhưng cũng vừa độc đáo, bất ngờ và có chút gì đó buồn cười nhưng cũng hết sức hợp lý theo kết cấu truyện của tác giả, thể hiện được giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc vô cùng.

2. Vẻ đẹp của nhân vật Tràng

– Xuất thân: sinh ra trong một gia đình nghèo, nhà chỉ có hai mẹ con thui thủi, ở trong xóm ngụ cư, làm nghề kéo xe thuê.

– Ngoại hình: “dáng người thô kệch, cái cười khềnh khệch”, “lưng Tràng như con gấu”, “quai hàm bạnh ra” -> Vẻ ngoài xấu xí, không ưa nhìn.

– Diễn biến tâm lí:

a, Cuộc gặp gỡ định mệnh và quyết định nhặt vợ

– Lần đầu: Tràng hò bông đùa vô tư mà không có bất cứ tình ý gì với cô gái phụ đẩy xe cùng mình.

– Lần thứ 2:

+ Dù là bị cô gái mắng nhưng Tràng lại chỉ cười toét miệng và mời cô ăn mặc dù bản thân anh không dư dả gì -> hành động tốt bụng, chân chất của người nông dân hiền lành.

+ Khi người đàn bà nhanh chóng quyết định theo chàng về: Ban đầu, Tràng lo sợ “chợn nghĩ” nhưng khát vọng hạnh phúc và tình yêu thương mãnh liệt lại lớn hơn tất cả, rồi Tràng tặc lưỡi: “chậc kệ”.

+ Tràng dẫn người đàn bà khốn khổ ấy lên chợ tỉnh mua đồ -> hành động của Tràng rất đàn ông, nghiêm túc và chu đáo với vợ và có trách nhiệm với quyết định của mình.

b, Trên đường về nhà

– “Vẻ mặt có cái gì đó phớn phở”, “hắn vừa đi vừa tủm tỉm cười nụ một mình”, “mắt sáng lên lấp lánh”, “cái mặt vênh lên tự đắc với mình” -> Hắn hạnh phúc, vui sướng ra mặt, sự xuất hiện của tình yêu làm thổn thức trái tim nghèo nàn của anh chàng tội nghiệp.

– Tràng mua dầu về thắp để căn nhà vốn tăm tối bao năm trở nên sáng sủa.

=> Chính tình yêu đã khiến Tràng trở nên hào phóng đến lạ và chợt quên đi hết những nhọc nhằn, mệt mỏi của phận đời.

c, Khi về đến nhà

– Anh chàng xông xáo xắn tay vào dọn dẹp và ngại ngùng thanh minh cho sự bừa bộn bởi thiếu hơi đàn bà, thiếu bàn tay săn sóc, sửa sang của người phụ nữ.

-> Hành động có chút ngượng nghịu, ngại ngùng nhưng thể hiện tấm lòng chân thật, mộc mạc của anh chàng.

– Khi ngồi chờ mẹ về, Tràng trong cảm giác “sờ sợ” đầy thấp thỏm, lo âu vì sợ rằng người vợ mà anh vừa mới nhặt được sẽ bỏ đi vì nhà anh nghèo, hoàn cảnh mẹ chiếc con côi khó khăn, cùng cực, sợ niềm hạnh phúc nhỏ bé anh mới có được sẽ tuột khỏi tay.

– Tràng sốt ruột mong chờ bà cụ Tứ về để thưa chuyện. -> Cho thấy Tràng rất biết lễ nghĩa, trên dưới, trước sau dù gia đình nghèo đói, khố rách áo ôm.

– Khi mẹ về, Tràng thưa chuyện với bà cụ Tứ một cách vô cùng trịnh trọng, thuyết phục mẹ lý do có vợ là “phải duyên”, và hồi hộp, căng thẳng mong mẹ tác hợp.

– Khi mẹ tỏ thái độ đồng ý vun đắp cho đôi trẻ thì Tràng thở phào, ngực nhẹ hẳn đi.

d, Sáng hôm sau

– Tràng thấy mọi thứ xung quanh mình khác hẳn và chính chàng cũng có sự khác biệt: “êm ái lửng lơ như người trong cõi mơ đi ra”

– “Cảm động, thấy yêu thương, gắn bó và thấy mình phải có trách nhiệm với cái gia đình này”.

-> Tràng vốn thuần chất là một người mang tâm hồn thuần hậu, chất phác, hiền lành, có tâm hồn lạc quan, yêu đời và tấm lòng nhân hậu, luôn khát khao có được một cuộc sống thật hạnh phúc, một mái ấm gia đình trọn vẹn như bao người dù cuộc đời còn lắm nỗi ngặt nghèo, khó khăn.

=> Cuộc sống của Tràng hoàn toàn thay đổi tích cực hơn kể từ khi gặp Thị. Tác giả ngợi ca hình ảnh đẹp qua cách hành xử và tâm hồn của những con người trong nghịch cảnh nghèo đói.

3. Vẻ đẹp của nhân vật Thị

– Hoàn cảnh lý lịch: Thị chẳng có gì trong tay – không tên tuổi, không quê quán và cũng chẳng họ hàng thân thích -> Thị chính là điển hình của nạn nhân trong nạn đói thảm khốc, phải xa xứ lưu lạc vô định, xa gia đình, sống trong cảnh bần cùng, rẻ rúng đến tội nghiệp.

– Ngoại hình, tính cách:

+ “khuôn mặt lưỡi cày xám xịt”, “áo quần rách như tổ đỉa”, “cái nón cà tàng che nửa khuôn mặt”, “cái ngực gầy tẹp lép nhô lên”

+ “chao chát”, “chỏng lỏn”, cong cớn, sưng sỉa, vô duyên

+ “ăn thật nhá…”, “sà xuống ăn một chặp bốn bát bánh đúc”, “ăn xong cầm dọc đũa quệt ngang miệng “Hà! Ngon!”

-> Cái đói cái khổ không chỉ làm biến dạng ngoại hình của một con người mà còn biến chất cả tính cách và tâm hồn của họ.

– Diễn biến tâm lí:

a, Gặp gỡ Tràng

– Khi nghe Tràng cất lên câu hò vui tai, thị cũng vui vẻ lao vào giúp đỡ -> sự vô tư, hồn nhiên của người lao động nghèo.

+ Khi được mời ăn tức thì ngồi sà xuống, mắt sáng lên, “ăn một chặp bốn bát bánh đúc”

+ Khi thị nghe Tràng nói câu bông đùa “đằng ấy có về với tớ… cùng về”, thị đã nghĩ là thật và đồng ý theo về ngay mà chẳng bận tâm suy nghĩ, thị cũng chẳng có thông tin gì về Tràng và gật đầu đồng ý về làm vợ cũng chẳng cần sính lễ.

-> Cơ hội để thị có thể cứu lấy bản thân, bấu víu lấy sự sống giữa những đói khổ vây quanh.

b, Trên đường về

– Rón rén, e thẹn đi sau Tràng

– Đầu hơi cúi xuống

-> Thị có chút ngượng ngùng với thân phận vợ nhặt.

c, Về đến nhà

– Tràng đon đả mời ngồi, còn thị ngồi mớm ở mép giường, hai tay thì ôm khư khư cái thúng.-> Cho thấy sự ý tứ, lịch sự khi mình chưa được công nhận một vị trí thực sự trong gia đình.

– Khi thấy bà cụ Tứ về, chào hỏi xong thị chỉ biết lặng lẽ cúi đầu, “hai tay vân vê tà áo đã rách bợt” -> sự bối rối, ngượng nghịu.

d, Sáng hôm sau

– Thị dậy sớm quét tước nhà cửa. -> siêng năng, chăm chỉ, chịu thương, chịu khó.

– Hiền hậu, đúng mực chứ không còn cái vẻ “chao chát, chỏng lỏn” nữa.

– Khi phải ăn cháo cám, mới nhìn “mắt thị tối lại” nhưng rồi thị vẫn điềm nhiên và vào miệng ăn ngon lành -> thị không muốn làm mẹ buồn, thái độ nể nang, ý tứ trước mẹ chồng.

– Kể chuyện phá kho thóc trên Thái Nguyên, Bắc Giang -> Tạo niềm tin và hi vọng cho Tràng và tương lai rạng sáng hơn của cả gia đình.

-> Sau khi lên thiên chức làm vợ chính thức, thị đã có sự thay đổi rất lớn về tính cách: khép nép lại, hiền hậu hơn, biết ngoan ngoãn, chăm lo cho gia đình, quan tâm tới mọi người xung quanh, có niềm tin vào tương lai sáng lạng.

=> Sự nghèo đói có thể làm con người ta đánh rơi nhân phẩm trong một vài khoảnh khắc nào đó nhưng sẽ không thể mãi mãi đánh mất đi tâm hồn thiện lương bên trong con người.

4. Vẻ đẹp của nhân vật bà cụ Tứ

– Hoàn cảnh: Người mẹ già nua, héo úa trong cảnh nghèo khổ, chịu nhiều thiệt thòi, sống cùng con trai.

– Ngoại hình: “dáng người lọng khọng”, chậm chạp, run rẩy; “vừa đi vừa húng hắng ho vừa lẩm bẩm tính toán”.-> gợi nét đầy cơ cực, lam lũ, long đong, lận đận.

– Diễn biến tâm lí:

a, Khi vừa về đến nhà

– Bà thực sự ngạc nhiên chưa hình dung ra câu chuyện trước sự đon đả của đứa con trai ngờ nghệch.

– Bà còn ngạc nhiên hơn trước sự xuất hiện của người đàn bà lạ ở trong nhà.

-> Bà băn khoăn, tỏ ý không hiểu.

– Khi hiểu ra cơ sự thì “mắt bà nhoèn đi”, vừa đau đớn, tủi cực, vừa xót xa xen lẫn vui mừng.

-> Xót xa vì bà thương cho cậu con trai của mình phải lấy “vợ nhặt” trong hoàn cảnh đói khát, bà không khỏi lo lắng rằng liệu các con có lo nổi cho nhau không khi mà gia cảnh đứa nào cũng nghèo khó, và bà cũng đồng cảm, thương thay cho kiếp người đàn bà xa lạ kia, chắc phải cùng cực lắm thì người ta mới lấy con mình.

-> Nhưng bà vẫn vui mừng rạng rỡ vì giờ con bà cũng đã có vợ, có được một mái ấm gia đình riêng.

b, Sáng hôm sau

– Bà dậy sớm cùng nàng dâu mới chăm bẵm vườn tược, chăm lo cho ngôi nhà của mình

– “gương mặt bủm beo, u ám ngày thường rạng rỡ hẳn lên”

– Trong bữa cơm, bà nói về tương lai với sự hứng khởi, niềm lạc quan, đầy hy vọng và bảo ban các con cùng nhau làm ăn,…

-> Bà luôn nhen nhóm những niềm tin tích cực cho các con vào một tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn.

=> Bà cụ Tứ là hiện thân của người mẹ hiền từ, nhân hậu, chất phác, tình mẫu tử thiêng liêng, cao đẹp, đáng quý.

III. Tổng kết phần phân tích tác phẩm Vợ nhặt

1. Giá trị nội dung

– Tác phẩm Vợ nhặt chất chứa những giá trị nhân đạo sâu sắc, phản ánh một cách chân thực tình cảnh khốn khó của người nông dân trong nạn đói thê thảm. Bên cạnh đó, hình ảnh những người nông dân hiện lên với bản chất tốt đẹp và sức sống mãnh liệt.

2. Giá trị nghệ thuật

– Tình huống truyện tự nhiên, sáng tạo, độc đáo.

– Sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố hiện thực và nhân đạo.

– Nghệ thuật độc thoại, đối thoại nội tâm.

– Cách kể chuyện gần gũi, tự nhiên.

==> Xem thêm tại icongchuc.com

Like share và ủng hộ chúng mình nhé: