Dàn ý – Sơ đồ tư duy – Bài viết phân tích nhân vật Việt – Những đứa con trong gia đình

Dàn ý – Sơ đồ tư duy – Bài viết phân tích nhân vật Việt – Những đứa con trong gia đình.

Dàn ý phân tích nhân vật Việt

1. Mở bài

Giới thiệu tác phẩmNhững đứa con trong gia đình và nhân vật Việt.

2. Thân bài

a. Tình huống xuất hiện:
– Trong lần ra trận đầu tiên, anh đã lập được chiến công lớn, hạ được một chiếc xe bọc thép và 6 tên Mỹ lẻ,bản thân Việt cũng bị thương rất nặng, hai mắt không nhìn thấy gì, lạc mất đồng đội, một mình nằm lại giữa rừng cao su rộng lớn, không ăn không uống suốt mấy ngày, cơ thể kiệt sức đến nỗi không thể cử động được.
– Việt ngất đi rồi tỉnh lại nhiều lần, trong suốt quá trình đó những ký ức về gia đình, về mẹ, về chị, về ngày nhập ngũ cử trở đi trở lại trong trí óc Việt.

b. Lai lịch, xuất thân:
– Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo Nam Bộ có truyền thống đánh giặc lâu đời, phải gánh chịu nhiều đau thương mất mát nhưng cũng rất hào hùng vẻ vang với nhiều chiến công.

c. Tấm lòng sâu nặng, tha thiết dành cho gia đình:

* Đối với mẹ:
– Khi bị thương nặng nằm giữa chiến trường, cận kề cái chết, Việt luôn nhớ về má của mình (những kỷ niệm về ngoại hình, tính cách, sự kiên cường tháo vát đảm đang của má).
– Trong lúc đau đớn và kiệt quệ ấy, Việt chỉ mong sao được gặp má, được quay trở về những ngày còn ở nhà, lúc “má đang bơi xuồng, má sẽ ghé lại xoa đầu Việt, đánh thức Việt dậy, rồi lấy xong cơm đi làm đồng để dưới xuồng lên cho Việt ăn,…”

– Trong đêm trước ngày lên đường nhập ngũ Việt nhìn đom đóm lập lòe nhớ má và nghĩ rằng “hình như má cũng về đâu đây. Má biến theo ánh đom đóm trên nóc nhà, hay đang ngồi dựa vào mấy thúng lúa mà ngồi quạt nón? Đêm nay, dễ gì mà má vắng mặt…”.
– Rồi trong lúc ngẩn ngơ nghe chị Chiến thu xếp công việc nhà, Việt chẳng mấy để tâm nghe câu được câu mất, thế nhưng cứ thỉnh thoảng lại hỏi rằng có phải hồi đó má dặn vậy không. Hoặc nghe nhìn thấy dáng điệu, cách nói năng của chị Việt luôn suy tưởng về má, lòng cứ xuýt xoa sao mà giống má thế, giống y hệt,…

* Với chị Chiến:
– Khi còn ở nhà, trước ngày lên đường nhập ngũ, trong lúc khiêng bàn thờ má sang nhà chú Năm gửi, khi nghe thấy tiếng bước chân chị “bịch bịch” đằng sau, “Việt thấy thương chị lạ. Lần đầu tiên Việt thấy lòng mình rõ thế”.
– Khi ra chiến trường, sống và chiến đấu cùng anh em đồng đội, Việt chưa từng kể về chị Chiến, anh giấu chị như giấu của, sợ chị bị những lời tán tỉnh, đùa tếu của anh em cướp đi mất.

d. Lòng căm thù giặc sâu sắc, lý tưởng sống và chiến đấu để trả nợ nước thù nhà.
– Sau khi má chết, Việt càng quyết tâm đi bộ đội để trả thù cho má, tranh giành với chị Chiến suất đi bộ đội trước, khi không cãi lý được với chị thì lại đâm ra cãi cùn. => Bộc lộ khao khát được ra chiến trường, trực tiếp cầm súng diệt giặc để trả mối nợ nước thù nhà.
– Đặc biệt ý chí trả thù, ra đi chiến đấu còn thể hiện rất cảm động trong tâm tưởng của Việt khi anh cùng chị khiêng bàn thờ má sang nhà chú Năm “chúng con đi đánh giặc trả thù cho ba má, đến chừng nước nhà độc lập con lại đưa má về”, rồi “mối thù thằng Mỹ thì có thể rờ thấy được, vì nó đang đè nặng trên vai”.
– Anh dũng, gan dạ lập được chiến công rất vẻ vang khi tự mình hạ được một xe bọc thép và tiêu diệt 6 tên Mỹ lẻ.
– Bị thương rất nặng, lạc mất đồng đội, trong lúc nằm lại giữa chiến trường, mắt không thể nhìn thấy gì, cả người kiệt sức không thể động đậy thế nhưng Việt vẫn rất kiên cường chiến đấu đấu dù chỉ còn một chút hơi sức cuối cùng.
– Quyết tâm sống còn mạnh mẽ dù trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất.

e. Nét đẹp riêng của một thanh niên trẻ tuổi: Sự trẻ trung, hồn nhiên, vô tư, tinh nghịch.
– Khi còn ở nhà thì Việt luôn tranh giành với chị mọi thứ, kể cả việc đi bộ đội anh cũng tranh giành cho kì được, khi không cãi lý được với chị thì Việt giở trò cãi cùn, cốt chỉ được đi trước chị.
– Khi vào bộ đội giắt theo cả chiếc ná thun.
– Sống cùng đồng đội, dẫu có thân thiết Việt cũng chẳng bao giờ kể về chị gái, luôn giấu chị như giấu của vì ngây thơ, sợ rằng chị sẽ bị đồng đội cướp mất bằng những lời tán tỉnh, đùa tếu.
– Khi anh bị thương nặng nằm lại chiến trường, Việt không sợ chết, nhưng lại sợ ma đến mắt mình.

3. Kết bài

Nêu cảm nhận.

Bài viết phân tích nhân vật Việt – Những đứa con trong gia đình

Trong nền văn học hiện đại Việt Nam, nếu giai đoạn trước các mạng các tác giả chủ yếu tập trung vào đề tài phản ánh, tố cáo hiện thực xã hội, và thương cảm với phận của người nông dân cùng khổ và trí thức nghèo, thì sau khi cách mạng tháng 8 thành công, đất nước bước sang trang sử mới, tiến vào thời kỳ vừa chiến đấu bảo vệ vừa xây dựng kiến thiết đất nước. Đề tài của các tác đã có sự thay đổi lớn, tập trung vào làm rõ vẻ đẹp của con người trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ và chống Pháp, theo khuynh hướng sử thi, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, với sự nổi lên của một số tác giả nổi tiếng trong đề tài “chiến tranh cách mạng – lực lượng vũ trang” như Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Trung Thành, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khải,… Và tác giả Nguyễn Thi cũng là một trong số đó, ông và Nguyễn Trung Thành là hai người bạn thân, cùng tham gia chiến đấu, sau khi tập kết ra Bắc thì cả hai cùng tình nguyện vào Nam để chiến đấu, rồi chia tay nhau tại khu rừng xà nu phía Tây Thừa Thiên giáp Lào. Nguyễn Trung Thành ở lại gắn bó với chiến trường Tây Nguyên và viết nên tác phẩm Rừng xà nu kể về cuộc chiến đấu của những con người Tây Nguyên để làm sáng tỏ chân lý: “Chúng nó đã cầm súng thì mình phải cầm giáo”, còn Nguyễn Thi đi tiếp vào phía Nam gắn bó với miền đất Nam Bộ và viết nên tác phẩm nổi tiếng Những đứa con trong gia đình, lý giải sức mạnh làm nên chiến thắng chính là sức mạnh đến từ truyền thống. Câu chuyện bắt nguồn từ nhân vật Việt, một chàng trai trẻ tuổi với những nét tính cách, phẩm chất đẹp đẽ, hội tụ đầy đủ các vẻ đẹp của cộng đồng là hình mẫu lý tưởng của một người anh hùng cách mạng mang khuynh hướng sử thi, lãng mạn cách mạng.
 
Nguyễn Thi có cách mở đầu truyện và giới thiệu nhân vật một cách độc đáo và ấn tượng, từ đó khiến cho nhân vật trung tâm của tác phẩm đi vào lòng người đọc trước hết là ở vẻ đẹp kiên cường, mạnh mẽ trong đấu tranh. Nhân vật Việt, xuất hiện trong bối cảnh khá đặc biệt, đó là trong lần ra trận đầu tiên, anh đã lập được chiến công lớn, hạ được một chiếc xe bọc thép và 6 tên Mỹ lẻ, tuy nhiên bản thân Việt cũng bị thương rất nặng, hai mắt không nhìn thấy gì, lạc mất đồng đội, một mình nằm lại giữa rừng cao su rộng lớn, không ăn không uống suốt mấy ngày. Cơ thể kiệt sức đến nỗi không thể cử động được, chỉ duy nhất có một ngón tay còn hơi nhúc nhích được, Việt ngất đi rồi tỉnh lại nhiều lần, trong suốt quá trình đó những ký ức về gia đình, về mẹ, về chị, về ngày nhập ngũ cử trở đi trở lại trong trí óc Việt. Từ đó tính cách và những vẻ đẹp của nhân vật được bộc lộ một cách tự nhiên và khách quan không chỉ dưới góc nhìn của tác giả mà còn ở góc nhìn của chính nhân vật Việt. 
 
Việt, cũng như gia đình Việt chính là tiêu biểu cho những con người Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Anh sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo Nam Bộ có truyền thống đánh giặc lâu đời, phải gánh chịu nhiều đau thương mất mát nhưng cũng rất hào hùng vẻ vang với nhiều chiến công. Từ nhỏ Việt đã chịu cảnh mồ côi cha, phải đối diện với nỗi đau cha bị giặc Mĩ chặt đầu một cách dã man, mẹ anh một người đàn bà kiên cường, đã phải nén giọt nước mắt đau thương dẫn theo đàn con thơ đi đòi đầu chồng về để lo ma chay, an táng. Đến khi Việt lớn thì lại phải chịu nỗi đau mất mẹ, khi mẹ Việt cũng theo gót chồng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ và chết vì bom đạn của kẻ thù. Không chỉ vậy, trong suốt quá trình trưởng thành Việt cũng lần lượt chứng kiến những cái chết thương tâm của những người thân khác trong gia đình như ông nội, thím Năm bởi sự tàn bạo của kẻ thù. Tuy nhiều đau thương, thế nhưng gia đình Việt lại cũng có nhiều chiến công rạng rỡ với truyền thống đánh giặc cứu nước lâu đời mà tất cả những chiến công ấy đều được chú Năm ghi lại trong cuốn sổ của gia đình bằng nét chữ nguệch ngoạc, “còng còng” nhưng rất đỗi tự hào, trân trọng. Chính từ những mất mát đau thương to lớn và truyền thống vẻ vang bao đời của gia đình  đã trở thành cơ sở  để hình thành trong tâm hồn Việt lòng căm thù giặc sâu sắc, ý niệm trả nợ nước, thù nhà mãnh liệt, lòng giác ngộ cách mạng sớm, càng củng cố thêm lý tưởng sống và chiến đấu cho Tổ quốc cao đẹp của nhân vật.
 
Việt chính là đại diện cho hàng triệu thanh niên Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ở anh hội tụ tất cả nhiều vẻ đẹp của một người anh hùng  theo khuynh hướng sử thi, lãng mạn cách mạng. Đầu tiên là vẻ đẹp của tấm lòng sâu nặng, tha thiết dành cho gia đình, đặc biệt là cho mẹ và chị gái. Có lẽ vì mất cha từ khi còn nhỏ tuổi, thế nên trong ký ức của Việt luôn tràn ngập hình bóng của mẹ, người phụ nữ kiên cường cùng lúc nắm giữ hai vai trò, vừa là cha vừa là mẹ để nuôi lớn cả đàn con thơ, đồng thời cũng là một chiến sĩ cách mạng dũng cảm. Trong khi bị thương nặng nằm giữa chiến trường, sự sống và cái chết chỉ cách nhau một ranh giới vô cùng mỏng manh, Việt kiệt sức, ngất đi và hồi tỉnh nhiều lần, giữa những lần ấy Việt luôn nhớ về má của mình, với nhiều mảnh ký ức sống động dội về. Việt nhớ má với cái ngoại hình rắn chắc,  khỏe mạnh đặc trưng của một người phụ nữ Nam Bộ “đôi bắp chân tròn vo, sạm đỏ, lúc nào cũng lấm bùn”, nhớ đến cái màu áo bà ba đã bạc phếch vì trải nhiều mưa nắng, nhớ đến tiếng bước chân “bịch bịch” trong những đêm mẹ thức bưng từng thúng lúa từ xuồng vào nhà. Việt cũng nhớ mãi ánh mắt kiên cường của một người đàn bà đã từng vượt sông vượt suối khi đứng đối đáp với bọn giặc Pháp, nén đau thương để đòi được đầu chồng về an táng. Việt cũng nhớ mãi đôi bàn tay thô ráp, to bản nhưng đầy ấm áp, yêu thương khi má lùa chị em Việt ra sau lưng để che đạn giặc. Má trong tâm trí Việt không chỉ kiên cường, mạnh mẽ mà còn là người đàn bà tháo vát, đảm đang, một tay nuôi cả đàn con khôn lớn, “miệng thì cười nói nhưng tay đã bơi xuồng ra giữa dòng”… Không chỉ vậy tình cảm sâu nặng của Việt đối với má còn thể hiện sâu sắc qua những mong ước, khao khát của Việt khi bị thương nặng, nằm lại giữa chiến trường. Trong lúc đau đớn và kiệt quệ ấy, Việt chỉ mong sao được gặp má, được quay trở về những ngày còn ở nhà, lúc “má đang bơi xuồng, má sẽ ghé lại xoa đầu Việt, đánh thức Việt dậy, rồi lấy xong cơm đi làm đồng để dưới xuồng lên cho Việt ăn,…”. Hoặc trong đêm trước ngày lên đường nhập ngũ tình cảm dành cho má cũng thể hiện ở việc Việt nhìn đom đóm lập lòe nhớ má và nghĩ rằng “hình như má cũng về đâu đây. Má biến theo ánh đom đóm trên nóc nhà, hay đang ngồi dựa vào mấy thúng lúa mà ngồi quạt nón? Đêm nay, dễ gì mà má vắng mặt…”. Rồi trong lúc ngẩn ngơ nghe chị Chiến thu xếp công việc nhà, Việt chẳng mấy để tâm nghe câu được câu mất, thế nhưng cứ thỉnh thoảng lại hỏi rằng có phải hồi đó má dặn vậy không. Hoặc nghe nhìn thấy dáng điệu, cách nói năng của chị Việt luôn suy tưởng về má, lòng cứ xuýt xoa sao mà giống má thế, giống y hệt,… Tất cả những điều đó đều chứng minh rằng Việt đã dành cho má của mình một tình cảm rất sâu nặng, rất gắn bó, mà như lời Việt nói, chị em Việt đi đâu thì ba má đi theo đấy, Việt đã mang theo má trong trái tim, ra chiến trường, không giây phút nào Việt thôi nghĩ về má, về gia đình.
 
Đối với chị Chiến, Việt không bộc lộ nhiều tình cảm trực tiếp, thế nhưng chị Chiến cũng là người mà Việt dành những tình cảm yêu thương sâu sắc. Điều đó được anh thể hiện thông qua một số chi tiết khá đặc sắc. Khi còn ở nhà, trước ngày lên đường nhập ngũ, trong lúc khiêng bàn thờ má sang nhà chú Năm gửi, khi nghe thấy tiếng bước chân chị “bịch bịch” đằng sau, “Việt thấy thương chị lạ. Lần đầu tiên Việt thấy lòng mình rõ thế”. Đây được xem là sự chuyển biến mới, một bước tiến trưởng thành trong tâm hồn của Việt, trước lúc chia xa Việt đã nhận thức được tình thương của mình dành cho chị gái, đồng thời cũng thấu hiểu được những vất vả lo toan của chị sau khi má mất, chị phải là người gánh vác gia đình, mang trên vai mối thù của cả gia đình. Đặc biệt chị Chiến có lẽ sẽ trở thành một người phụ nữ thứ hai như má, kiên cường, mạnh mẽ, tháo vát đảm đang, điều đó càng làm Việt thấy yêu thương chị nhiều hơn. Khi ra chiến trường, sống và chiến đấu cùng anh em đồng đội, Việt chưa từng kể về chị Chiến, anh giấu chị như giấu của, sợ chị bị những lời tán tỉnh, đùa tếu của anh em cướp đi mất. Đó là một hành vi có phần ấu trĩ và trẻ con nhưng đó lại là biểu hiện chân thực, hồn nhiên nhất cho tấm lòng thương yêu sâu sắc đối với chị gái của Việt. 
 
Trên cơ sở những mất mát đau thương, truyền thống chống giặc ngoại xâm và những tình cảm sâu sắc dành cho gia đình đã hình thành nên trong tâm hồn Việt vẻ đẹp thứ hai đó chính là lòng căm thù giặc sâu sắc, lý tưởng sống và chiến đấu để trả nợ nước thù nhà. Sau khi má chết, Việt càng quyết tâm đi bộ đội để trả thù cho má, tranh giành với chị Chiến suất đi bộ đội trước, khi không cãi lý được với chị thì lại đâm ra cãi cùn. Điều đó bộc lộ khao khát được ra chiến trường, trực tiếp cầm súng diệt giặc để trả mối nợ nước thù nhà đang bốc cháy ngùn ngụt trong lòng chàng trai trẻ. Đặc biệt ý chí trả thù, ra đi chiến đấu còn thể hiện rất cảm động trong tâm tưởng của Việt khi anh cùng chị khiêng bàn thờ má sang nhà chú Năm “chúng con đi đánh giặc trả thù cho ba má, đến chừng nước nhà độc lập con lại đưa má về”, rồi “mối thù thằng Mỹ thì có thể rờ thấy được, vì nó đang đè nặng trên vai”. Mối thù sâu nặng, truyền thống đánh giặc bất khuất của gia đình đã trở thành tiền đề, cơ sở và động lực cho tinh thần dũng cảm và kiên cường của Việt ở trên chiến trường. Tuy còn nhỏ tuổi thế nhưng Việt đã có những bước tiến lớn vượt xa trên dòng sông truyền thống của gia đình, trong lần ra trận đầu tiên Việt đã anh dũng, gan dạ lập được chiến công rất vẻ vang khi tự mình hạ được một xe bọc thép và tiêu diệt 6 tên Mỹ lẻ. Nhưng sau đó Việt cũng bị thương rất nặng, lạc mất đồng đội, trong lúc nằm lại giữa chiến trường, mắt không thể nhìn thấy gì, cả người kiệt sức không thể động đậy thế nhưng Việt vẫn rất kiên cường chiến đấu đấu dù chỉ còn một chút hơi sức cuối cùng, anh dùng một ngón tay còn có thể cử động đặt vào cò súng, đạn đã lên nòng chỉ cần nghe động là sẵn sàng bắn với ý nghĩ “trên trời có mày dưới đất có mày ở giữa cánh rừng này chỉ có mình tao, mày mà bắn được tao thì tao cũng bắn được mày. Mày chỉ giỏi giết gia đình tao, còn với tao thì mày chỉ là thằng chạy”. Không chỉ vậy ở Việt còn là quyết tâm sống còn mạnh mẽ dù trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất, anh không chỉ ham chiến đấu mà còn muốn tiếp tục sống và chiến đấu để trả thù, thế nên khi bị lạc giữa chiến trường, mắt không nhìn thấy Việt đã dùng đôi tai nghe tiếng súng để xác định phương hướng rồi cố bò lết về phía ấy để tìm sự giúp đỡ của đồng đội. Bản lĩnh, sự kiên cường đến tận phút cuối, trân trọng từng phút của sinh mạng ấy đã làm nên vẻ đẹp của một người anh hùng cách mạng, là vẻ đẹp lý tưởng của cộng đồng, đại diện cho tầng lớp thanh niên chống Mỹ cứu nước lúc bấy giờ. 
 
Bên cạnh những vẻ đẹp chung, tiêu biểu đại diện cho vẻ đẹp của người anh hùng thời đại, thì ở Việt còn có những nét đẹp riêng của một thanh niên trẻ tuổi. Tuy đã cầm súng chiến đấu, mang trong mình mối thù sâu nặng nhưng ở Việt vẫn có những nét hồn nhiên tinh nghịch của các chàng trai cùng lứa tuổi đó là sự trẻ trung, hồn nhiên, vô tư, tinh nghịch. Khi còn ở nhà thì Việt luôn tranh giành với chị mọi thứ, kể cả việc đi bộ đội anh cũng tranh giành cho kì được, khi không cãi lý được với chị thì Việt giở trò cãi cùn, cốt chỉ được đi trước chị. Khi vào bộ đội thì Việt vẫn không quên được trò bắn chim yêu thích lúc còn ở nhà thế nên hành trang cậu cũng giắt theo cả chiếc ná thun. Sống cùng đồng đội, dẫu có thân thiết Việt cũng chẳng bao giờ kể về chị gái, luôn giấu chị như giấu của vì ngây thơ, sợ rằng chị sẽ bị đồng đội cướp mất bằng những lời tán tỉnh, đùa tếu. Thậm chí, tính trẻ con, ngây thơ của Việt còn bộc lộ ngay cả khi anh bị thương nặng nằm lại chiến trường, Việt không sợ chết, nhưng tự bản thân anh lại tưởng tượng ra đủ thứ ma quái đang rình rập, sợ ma đến mắt mình. 
 
Việt trong Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi có nhiều nét tương đồng với Tnú trong Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành, cả hai đều được sinh ra trong thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ trở nên ác liệt nhất, đều sinh ra và lớn lên trong môi trường với truyền thống đánh giặc bất khuất, chịu nhiều mất mát đau thương, có những tình cảm sâu sắc với gia đình, quê hương. Điều đó đã trở thành tiền đề, cơ sở củng cố thêm cho lý tưởng sống và chiến đấu trả nợ, nước thù nhà, bảo vệ quê hương đất nước của nhân vật. Khiến họ trở thành những tấm gương sáng, hình mẫu anh hùng lý tưởng của thời đại, hội tụ đầy đủ các vẻ đẹp của cộng đồng, mang đậm khuynh hướng sử thi, chất lãng mạn cách mạng, là tượng đài trong nền văn học cách mạng Việt Nam giai đoạn 1945-1975.

Like share và ủng hộ chúng mình nhé: