Phân tích Đoàn thuyền đánh cá – Huy Cận mới nhất 2022

Phân tích Đoàn thuyền đánh cá – Huy Cận mới nhất 2022. Huy Cận là một đại biểu xuất sắc của phong trào thơ mới và là một nhà thơ lớn của nền thơ ca Việt Nam hiện đại. Ông có nhiều tác phẩm như lửa thiêng, vũ trụ ca, hạt lại gieo… trong đó có bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá”. Bài thơ là sự kết hợp hài hòa giữa cảm xúc về thiên nhiên, vũ trụ với cảm xúc của người lao động.
Phân tích Đoàn thuyền đánh cá - Huy Cận mới nhất 2022
Phân tích Đoàn thuyền đánh cá – Huy Cận mới nhất 2022

Dàn ý Phân tích Đoàn thuyền đánh cá

1. Mở bài đoàn thuyền đánh cá-  Đoàn thuyền đánh cá tác giả

– Giới thiệu tác giả Huy Cận và tác phẩm Đoàn thuyền đánh cá
 
– Khẳng định tác phẩm là khúc tráng ca, ca ngợi con người lao động với tinh thần làm chủ, với niềm vui”

2. Thân bài – Bố cục đoàn thuyền đánh cá

 
* Khái quát chung về tác phẩm
 
– Nêu về hoàn cảnh sáng tác bài thơ
 
– Giải thích ý kiến:
 
+ Bài thơ trở thành khúc tráng ca khi nhịp điệu cộng với sự xuất hiện nhiều từ “hát” giống như khúc ca hào hùng về lao động
 
+ Nhận xét của Huy Cận chính là cảm hứng chủ đạo khiến tác giả viết nên bài thơ: ca ngợi con người lao động mới trên hai đặc điểm: tinh thần làm chủ và tràn đầy niềm vui ( đây là luồng gió mới trong phong cách sáng tác thời kỳ miền Bắc xây dựng xã hội chủ nghĩa)
 
* Phân tích bài thơ
 
– Ý nghĩa nhan đề bài thơ thể hiện cảm hứng chủ đạo của tác phẩm về những người lao động trong thời kì xây dựng xã hội chủ nghĩa
 
– Khúc tráng ca về con người lao động thể hiện theo chiều dài hành trình của chuyến ra khơi
 
– Cảnh con người lạc quan, vui vẻ, hăng say khi ra khơi
 
+ Đoàn thuyền ra khơi trong cảnh hoàng hôn huy hoàng, tráng lệ, giàu sức sống
 
+ Cảnh biển vào đêm đẹp, kì vĩ, tráng lệ như thần thoại đồng thời gợi được sự thân quen gần gũi như ngôi nhà đối với người dân chài lưới
 
+ Giữa lúc vũ trụ chuyển vào nghỉ ngơi thì con người bắt đầu ra khơi lao động : “Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi/ Câu hát căng buồm cùng gió khơi”
 
+ Ở đây tác giả tả khí thế của đoàn thuyền ra khơi kết hợp với động từ “lại” diễn tả công việc lao động hằng ngày đầy hứng khởi
 
→ Khí thế phơi phới, mạnh mẽ của người lao động trên biển làm chủ cuộc đời đang chinh phục biển khơi
 
– Sự giàu có và trù phú của biển cả
 
+ Sự giàu có, quý giá được thể hiện qua các từ ngữ “cá bạc”, ‘đoàn thoi”
 
+ Cách sử dụng những hình ảnh so sánh nhân hóa tinh tế (phân tích từ “dệt”, biện pháp so sánh trong câu “Cá thu biển Đông như đoàn thoi”
 
+ Từ “ta” diễn tả tâm thế tự hào không còn là cái “tôi” nhỏ bé trước biển cả bao la
 
→ Cảnh ra khơi huy hoàng đầy khí thế hứa hẹn.
 
– Niềm cảm hứng say sưa, bài ca lao động vui tươi, khỏe khoắn ngợi ca cảnh đánh cá trên biển
 
+ Hình ảnh con thuyền lướt đi trên mặt biển bao la với cái nhìn của nhà thơ đã trở nên kì vĩ, lớn lao, sánh ngang tầm vũ trụ
 
                   Thuyền ta lái gió với buồm trăng
                   Lướt giữa mây cao với biển bằng
 
+ Con thuyền đặc biệt, có sự hòa quyện với tự nhiên, biển trời
 
+ Con thuyền băng băng lướt sóng “giò bụng biển” – hình ảnh đẹp, kỳ ảo, diễn tả hoạt động đánh cá như một thế trận hào hùng → gợi ra sự khéo léo, tâm hồn phóng khoáng khi chinh phục biển cả
 
– Cảm nhận về vẻ đẹp và sự đa dạng của các loài cá quý
 
+ Tác giả liệt kê tên các loại cá ở biển như cá nhụ, cá chim, cá đé… những loại cá mang giá trị kinh tế
 
+ Biển không chỉ giàu mà còn đẹp thơ mộng: màu sắc lấp lánh của muôn loài cá (lấp lánh, đen hồng, vàng chóe) tất cả tạo nên tổng thể bức tranh sơn mài tuyệt đẹp của tạo hóa
 
+ Đêm ở biển được miêu tả sống động, mang hơi thở của cuộc sống (tiếng sóng nước hòa với nhịp gõ thuyền, hòa với sự khoáng đạt của trời cao biển rộng)
 
→ Như vậy tầm vóc của người và đoàn thuyền được nâng lên, hòa nhập vào kích thước của thiên nhiên, vũ trụ. Không còn cảm giác cô đơn, nhỏ bé của con người khi đối diện với trời rộng, sông dài trong thơ Huy Cận
 
– Khúc hát vui tươi trong lao động được cất lên
 
+ “Ta hát bài ca gọi cá vào”: gợi niềm vui, sự phấn chấn trong lao động
 
+ “Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao”: gợi cảm nhận chất thơ bay bổng, lãng mạn
 
→ Những hình ảnh lãng mạn, giàu chất thơ làm cho công việc vốn nặng nhọc, vất vả như nghề ra khơi trở nên rộn rã, thi vị hơn
 
– Khúc khải hoàn ca trong sau một ngày ra khơi vất vả
 
+ Cảnh đoàn thuyền trở về tráng lệ trong bình minh lộng lẫy, rực rỡ “đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời”
 
+ Câu hát theo suốt hành trình của người dân chài, từ khi ra khơi cho tới khi về nhằm nhấn mạnh niềm vui lao động làm giàu quê hương.
 
+ Hình ảnh mặt trời lặp lại báo hiệu một sự hồi sinh, niềm vui, hạnh phúc chào đón những người hùng của biển cả trở về
 
+ Đoàn thuyền là một hoán dụ chỉ người dân chài trong tư thế sánh ngang với tự nhiên, thậm chí trong cuộc chạy đua với thiên nhiên họ đã chiến thắng
 
+ Hình ảnh “mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi” là niềm vui khi được mùa cá, niềm tin hy vọng và chiến thắng vinh quang của người lao động

3. Kết bài – nghệ thuật đoàn thuyền đánh cá

 
– Bài thơ thể hiện niềm lạc quan, vui tươi của người lao động và hồn thơ phơi phới, tình yêu cuộc sống của tác giả trong những năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội
 
– Âm điệu bài thơ như khúc hát mê say, phóng khoáng ngợi ca cuộc sống, tinh thần lao động của những người con của biển.

Phân tích Đoàn thuyền đánh cá

Nổi tiếng từ phong trào Thơ mới, Huy Cận đến với nền thơ với lời thơ thấm thía bao nỗi buồn, tràn ngập cái sầu nhân thế. Thiên nhiên trong tập thơ thường bao la, hiu quạnh, đẹp nhưng thường buồn. Nỗi buồn đó dường như vô cớ, siêu hình. Nhưng xét đến cùng, chủ yếu là buồn thương về cuộc đời, kiếp người, về quê hương đất nước. Hồn thơ “ảo não”, bơ vơ đó vẫn cố tìm được sự hài hòa và mạch sống âm thầm trong tạo vật và cuộc đời.
 
Sau Cách mạng, thơ Huy Cận dạt dào niềm vui, là bài ca vui về cuộc đời, là bài thơ yêu thiên nhiên, con người và cuộc sống. Ông tìm được nguồn sống từ cuộc sống mới của dân tộc và say mê sáng tạo. Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá là một trong những tác phẩm nổi bậc của ông trong giai đoạn này.
 
Đoàn thuyền đánh cá được viết vào giữa năm 1958, khi cuộc kháng chiến chống Pháp đã kết thúc thắng lợi, miền Bắc được giải phóng và bắt tay vào công cuộc xây dựng cuộc sống mới. Niềm vui dạt dào tin yêu trước cuộc sống mới đang hình thành. Đất nước đang thay da đổi thịt đã trở thành nguồn cảm hứng lớn của thơ ca lúc bấy giờ.
 
Nhiều nhà thơ đã đi tới các miền đất xa xôi của Tổ quốc để sống và để viết. Tố Hữu, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Tuân, lên miền núi, đến với nhà máy, nông trường… Huy Cận có chuyến đi thực tế dài ngày ở vùng mỏ Quảng Ninh. Từ chuyến đi ấy, hồn thơ của ông mới thực sự nảy nở trở lại và dồi dào cảm hứng về thiên nhiên đất nước, về lao động và niềm vui trước cuộc sống mới.
 
Xuyên suốt bài thơ là bút pháp sáng tác lãng mạn, bay bổng, cảm xúc vũ trụ độc đáo tràn trào. Thi phẩm đã để lại cho người đọc nhiều bất ngờ thú vị, những ấn tượng sâu sắc. Mở đầu bài thơ là khung cảnh đoàn thuyền ra khơi đánh cá lúc hoàng hôn buông xuống:
 
“Mặt trời xuống biển như hòn lửa.
 
Sóng đã cài then, đêm sập cửa.
 
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,
 
Câu hát căng buồm cùng gió khơi”.
 
Bốn câu thơ có kết cấu gọn gàng, cân đối như một bài tứ tuyệt. Hai câu đầu tả cảnh, hai câu sau nói về con người. Buổi chiều không mang nét buồn; không gian, mặt biển bao la, hoàng tráng; thiên nhiên tràn đầy sức sống. Hình ảnh mặt trời rực rỡ từ từ xuống biển chói lòa ánh sáng. Phép nhân hóa và ẩn dụ “Sóng đã cài then đêm sập cửa” gợi cho người đọc cảm nhận thiên nhiên, vũ trụ,biển cả như đi vào trạng thái tĩnh lặng, nghỉ ngơi, thư giãn. Vũ trụ giờ đây như một ngôi nhà khổng lồ, sẵn sàng che chở cho tất cả.
 
Thế nhưng vũ trụ đi vào yên nghỉ nhưng không hề thấy nét lụi tàn mà ngược lại càng trở nên huy hoàng, mĩ lệ. Ánh sáng mặt trời bừng lên mãnh liệt ngỡ như có thể khiến cho cả đại dương sôi sục trong sức nóng bỏng khủng khiếp. Thủ pháp so sánh độc đáo, khiến người đọc bất ngờ, thú vị. Những con sóng lăn tăn trên mặt biển như khép lại cánh cửa của ngày. Màn đêm biển cả mở ra, sâu thẳm và huyền bí.
 
Trước khi vũ trụ đi vào lặng lẽ, đoàn thuyền đánh cá căng buồm ra khơi. Nhịp thơ vừa chùng xuống lập tức căng lên theo cách buồm ngược gió:
 
“Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,
 
Câu hát căng buồm cùng gió khơi”.
 
Từ “lại” cho ta thấy đây không phải là lần đầu tiên đoàn thuyền ra khơi mà đã rất nhiều lần và trở nên quen thuộc. Một tư thế chủ động mạnh mẽ, đầy tin tưởng trong bài ca lao động tươi vui. Cảnh và người tưởng như đối lập song lại hòa hợp. Cảnh làm nền để cho hình ảnh con người nổi bật lên như tâm điểm của một bức tranh lao động khỏe khoắn. Khung cảnh vui tươi tràn ngập âm thanh và rực rỡ sắc màu, hứa hẹn một chuyến ra khơi thắng lợi.
 
Trong câu hát, đoàn thuyền vượt sóng ra khơi, băng mình trên biển cả tìm kiếm những luồng cá. Tiếng hát vang vọng trong đại dương, tràn đầy khí thế:
 
“Hát rằng: cá bạc biển Đông lặng,
 
Cá thu biển Đông như đoàn thoi
 
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng.
 
Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi”.
 
Biện pháp so sánh đầy hình ảnh kết hợp với lối chơi chữ độc đáo. “Cá thu biển Đông như đoàn thoi” khiến cho câu thơ nhộn nhịp theo từng đoàn cá chạy. Phép nhân hóa: “đêm ngày dệt biển muôn luồn sáng” lập tức phá tan vẻ đơn điệu của biển đêm. Huy Cận đã hết sức chú ý đến việc xây dựng hình ảnh đặc sắc cho đoạn thơ nhằm tạo nên sự hài hòa giữa con người và biển cả. Đại dương không còn đáng sợ nữa. Đại dương giờ đây chính là ngôi nhà vĩ đại, là nguồn sống của con người.
 
Lời ca tiếng hát là những ước mơ đẹp, ước mơ về một chuyến đi với những thành quả lao động cao, góp phần tích cực vào việc xây dựng cuộc sống mới tươi đẹp. Hình ảnh của sự liên tưởng sáng tạo, giàu ý nghĩa; hình ảnh mang chất thơ, thi vị hóa công việc đánh bắt cá nặng nhọc. Câu hát yêu đời, thiết tha, trìu mến, ca ngợi sự giàu đẹp của biển Đông Việt Nam, thiên nhiên Việt Nam.
 
Cảm hứng lãng mạn giúp nhà thơ phát hiện vẻ đẹp của cảnh đoàn thuyền đánh cá trên biển trong đêm trăng với niềm vui phơi phới, khỏe khoắn khi con người làm chủ cuộc đời, làm chủ biển trời quê hương. Cảnh đoàn thuyền lướt sóng ra khơi, từng luồng cá bủa lưới vây giăng mang vẻ đẹp vừa hoành tráng, vừa thơ mộng.
 
“Thuyền ta lái gió với buồm trăng
 
Lướt giữa mây cao với biển bằng,
 
Ra đậu dặm xa dò bụng biển,
 
Dàn đan thế trận lưới vây giăng”.
 
Con thuyền lướt trên mặt biển chừng như không phải bằng sức người. Gió đã lái con thuyền đi. Gió là thủy thủ hỗ trợ cho thuyền. Còn có cả ánh trăng trên trời cao căng trên cánh buồm. Nếu nhìn từ xa, con thuyền như đang bay trong một bầu không vĩ đại với gió, với trăng chẳng khác nào con thuyền trong huyền thoại. Con thuyền mạnh mẽ cứ thế lao đi như không hề có một trở ngại nào.
 
Huy Cận đã thi vị con thuyền đánh cá, nâng con thuyền lên một tầm vóc lớn lao, vĩ đại, sánh ngang vũ trụ. Cảm xúc vũ trụ đã nâng cao hồn thơ Huy Cận, khiến câu thơ cất cánh. Tầm vóc người lao động cũng được nâng lên tột bậc trong tư thế chủ động. Họ sẵn sàng làm chủ thiên nhiên, làm chủ công việc, làm chủ sự sống. Họ hiên ngang “dò bụng biển”; họ nhanh chóng “dàn đan thế trận” đưa luồng cá vào vòng vây khép kín.
 
Ý thơ đã nâng tâm hồn chúng ta với niềm cảm xúc lâng lâng sảng khoái. Hình ảnh thơ tạo nên sự liên tưởng đọc đáo. Đoàn thuyền đánh cá là gạch nối để liên kết giữa trời và biển, cùng hòa chung giai điệu lao động của con người. Lãng mạn nhưng không xa rời thực tế. Câu thơ miêu tả rất chân thực hoạt động đánh bắt cá của ngư dân vừa điêu luyện vừa hết sức tài tình. Cách miêu tả của Huy Cận như tập trung vào công việc lao động đánh bắt cá vì nhiều vất vả, nhọc nhằn.
 
Đồng thời, Huy Cận cũng đã ví những ngư dân hôm nay như những người chiến sĩ, những nhà thám hiểm đại dương vĩ đại. Họ đang chiến đấu cùng biển cả, khám phá và chinh phục thiên nhiên dữ dội. Công việc lao động trên biển như là một cuộc chiến đấu chinh phục thiên nhiên. Người lao động làm việc với tất cả lòng dũng cảm, sự hăng say, trí tuệ nghề nghiệp, tâm hồn phơi phới.
 
Bức tranh lao động được điểm tô bằng vẻ đẹp của thiên nhiên. Cái nhìn của nhà thơ đối với biển và cá cũng có những sáng tạo bất ngờ, độc đáo:
 
“Cá nhụ cá chim cùng cá đé,
 
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng,
 
Cái đuôi em vẫy trăng vàng chóe,
 
Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long”.
 
Biển cả phong phú tài nguyên và vô cùng giàu có. Những loài cá là linh hồn của biển cả. Cách diễn đạt mang tính cách dân gian (chim, thu, nhụ, đè). Bút phát liệt kê trùng điệp ngợi ca sự giàu có của biển cả. Bức tranh thơ không chỉ thể hiện sự giàu có của biển mà còn lung linh những màu sắc. Những chú cá song lấp lánh dưới ánh trăng, màu đen hồng kết hợp màu vàng chóe tạo cảm giác ấm áp.
 
Nghệ thuật nhân hóa, cách dùng đại từ “em” thể hiện tình cảm trìu mến, thân thương của tác giả. Nhà thơ tỏ thái độ trân trọng, nân niu thành quả lao động. Từ “em” mềm mại lập tức làm cho câu thơ lấp lánh sắc màu. Có giai thoại cho rằng lúc ban đầu Huy Cận viết: “Cá đuôi én vẫy trăng vàng chóe”.
 
Rõ thực, cá đuôi én là tên một loài cá. Đến khi in thơ, nhà xuất bản cho rằng Huy Cận viết sai chính tả nên sửa thành: “Cái đuôi em vẫy trăng vàng chóe”. Sự cố này không những không phá hỏng ý thơ mà còn làm cho câu thơ trở nên hình tượng và sinh động vô cùng.
 
Giữa mặt biển đêm bao la, mênh mông, từng con sóng nhấp nhô chạy vào bờ, tâm hồn nhà thơ như hòa nhập với cái mênh mông, vô tận của thiên nhiên. Trong những giây phút lắng đọng của tâm hồn, Huy Cận nghe được cả tiếng thở của đêm: “Đêm thở sao lùa nước Hạ Long”. Bằng bút pháp lãng mạn, Huy Cận xây dựng trong thơ một sức tưởng tượng phong phú, độc đáo.
 
Những con sóng nhấp nhô, đều đặn như hơi thở từ trên lồng ngực khổng lồ của biển cả. Hòa trong hơi thở đó, có cả ánh trăng, cả bóng sao lung linh in hình trên mặt biển hiền hòa theo những con sóng hội tụ trên vịnh Hạ Long. Có thể nói, bằng tâm hồn hết sức tinh tế, tác giả đã cảm nhận được hơi thở của thiên nhiên, vũ trụ. Chính không khí say sưa xây dựng đất nước của những năm đầu khôi phục và phát triển kinh tế là cơ sở hiện thực của những hình ảnh lãng mạn trên.
 
Dấu hai chấm trong khổ thơ như sự giải thích độc đáo, làm ta có cảm giác không chỉ là gió tạo nên những con sóng nhấp nhô mà chính những vì tinh tú trên bầu trời in hình xuống mặt nước tạo nên những con sóng “sao lùa nước”. Câu thơ đậm chất gợi tả, tạo sự liên tưởng, lắng đọng sâu xa trong lòng người đọc. Biển trở nên xinh đẹp, lôi cuốn… Phải có đôi mắt tinh tế, ánh nhìn sâu đậm, Huy Cận mới có thể cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên, của biển trời Việt Nam.
 
Bút pháp lãng mạn, trí tưởng tượng phong phú của tác giả đã sáng tạo nên những hình ảnh đẹp khiến công việc lao động nặng nhọc của người đánh cá trở thành bài ca đầy niềm vui, nhịp nhàng cùng thiên nhiên:
 
“Ta hát bài ca gọi cá vào,
 
Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao.
 
Biển cho ta cá như lòng mẹ
 
Nuôi lớn đời ta tự buổi nào”.
 
Công việc đánh bắt cá nặng nhọc nhưng dưới mắt Huy Cận bỗng trở nên nhẹ nhàng, êm ái. Người dân chài không phải đang đánh cá mà là đang ca hát giữa biển trời. Lời hát mời gọi đầy sức thuyết phục đã quyến rũ những chú cá đên với những chiếc lưới đầy: “Ta hát bài ca gọi cá vào”. Từ tiếng hát của ngư dân trở thành giai điệu lao động đầy lạc quan, yêu đời của những con người mới trong buổi đầu xây dựng Chủ nghĩa xã hội, thiên nhiên như đồng điệu: “Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao”.
 
Ánh trăng in hình trên mặt nước. Ánh trăng lung linh, huyền ảo, lấp lánh, trên mặt biển rồi theo cơn sóng dập dờn vỗ vào mạn thuyền. Nghệ thuật nhân hóa “gõ thuyền” như phụ họa trong giai điệu câu hát, thiên nhiên cùng với con người gõ nhịp tình yêu cuộc sống – nhiệt tình lao động xây dựng cuộc sống. Phải có tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống dạt dào, Huy Cận mới viết nên những vần thơ đẹp như thế. Những vần thơ giàu sức biểu cảm:
 
“Biển cho ta cá như lòng mẹ
 
Nuôi lớn đời ta tự buổi nào”.
 
Biển như người mẹ hiền bao dung, quảng đại đang rộng mở cánh tay, tấm lòng để nuôi lớn đàn con thân yêu. Nghệ thuật nhân hóa kết hợp so sánh thể hiện nguồn tài nguyên vô tận của thiên nhiên Việt Nam – biển Đông Việt Nam. Huy Cận bằng những vần thơ của mình đã tạo sự liên tưởng đầy trìu mến. Biển – người mẹ vĩ đại, đã nuôi lớn những ngư dân bằng chất mặn mà của muối, của cá tôm… Biển rất ân tình.
 
Không mãi du hành, hát ca trên biển sóng, nhà thơ trở về với công việc người ngư dân. Cảnh kéo lưới, bắt cá được miêu tả vừa chân thực, vừa đầy chất thơ với không khí khẩn trương, gấp gáp:
 
“Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng.
 
Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng.
 
Vẩy bạc đuôi vàng lóe rạng đông,
 
Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng”.
 
Ánh sáng trên bầu trời đêm đã mở dần, một ngày mới chuẩn bị ló rạng. Đây cũng là lúc những ngư dân thu hoạch kết quả của một đêm đánh bắt cá:
 
“Sao mờ kéo lưới kịp trời sáng
 
Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng”.
 
Một kết quả mỹ mãn. Những ngư dân đang hăng hái, khẩn trương “kéo xoăn tay” những mẻ lưới đầy ắp cá tôm. Những mẻ cá được nhà thơ thi vị hóa như những chùm quả ngọt đầu mùa. “Xoăn”, từ dùng đắt, gợi hình, gợi cảm. Cánh tay nối cánh tay, bện lại như những sợi dây thừng chắc chắn và dẻo dai.
 
Động tác lao động mới thật là khỏe khoắn, bền bỉ. “Chùm cá nặng”, kết quả lao động xứng đáng, tốt đẹp. Quá trình lao động cật lực, miệt mài. Phần thưởng của tình cần cù, chịu khó, dũng cảm; của năng lực trí tuệ nghề nghiệp; của lòng yêu nghề, yêu biển, của tinh thần trách nhiệm của những con người biết làm chủ bản thân, làm chủ cuộc sống, làm chủ thiên nhiên.
 
Ánh nắng ngày mới vừa lóe lên ở phía chân trời xa. Những tia nắng lúc đầu còn mong manh, yếu ớt một màu hồng nhạt phản chiếu lên những chú cá, tạo một hình ảnh đầy gợi cảm:
 
“Vẩy bạc đuôi vàng lóe rạng đông
 
Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng”
 
Dưới ánh sáng của ngày mới, những chiếc vẩy bạc kết hợp với đuôi vàng tạo thành một màu vàng trắng lấp lánh. Toàn khổ thơ sáng rực rỡ. Ánh sáng ấy do cá, bởi cá. Biển đêm mà không tối, bao trùm lên cả bức tranh về biển là màu sắc của cá phong phú, lóng lánh… Hình ảnh thơ đầy sức sống và niềm tin – phấn khởi để chào đón một ngày mới.
 
Có thể nói, cảnh lao động đánh cá trên biển như bức tranh sơn mài rực rỡ. Người kéo lưới là trung tâm của cảnh được khắc họa rất độc đáo với thân hình gân guốc, chắc khỏe cùng thành quả thu về “vẩy bạc đuôi vàng lóe rạng đông”. Màu hồng của bình minh làm ấm sáng bức tranh lao động. Thiên nhiên và con người cùng nhịp nhàng trong sự vận hành của vũ trụ.
 
Sau những mẻ lưới nặng trĩu cá tôm, đoàn thuyền đánh cá thắng lợi trở về trong bình minh rực rỡ, tráng lệ. Câu đầu của khổ thơ lặp lại gần như nguyên vẹn câu cuối của khổ thứ nhất. Cấu trúc đầu – cuối tương ứng ấy trở thành điệp khúc ngân nga, nhấn mạnh niềm vui lao động làm giàu đẹp quê hương và khắc họa đậm nét vẻ đẹp khỏe khoắn cùng niềm vui phấn khởi của người ngư dân:
 
“Câu hát căng buồm với gió khơi,
 
Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời.
 
Mặt trời đội biển nhô màu mới,
 
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi”.
 
Đoàn thuyền bắt đầu trở về, phía sau là ánh mặt trời bắt đầu nhô lên từ lòng đại dương xanh thẳm. Từ “chạy đua” làm nên âm điệu thơ khẩn trương, nhanh chắc. Một cuộc chạy đua giữa con người và thiên nhiên, cuộc chạy đua để giành lấy, tranh thủ sự dựng xây, cống hiến cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
 
Đoàn thuyền vừa đến bến cũng là lúc mặt trời rời khỏi lòng đại dương, mở ra một ngày mới tươi đẹp:
 
“Mặt trời đội biển nhô màu mới
 
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi”.
 
Cảnh mặt trời đội biển rất lạ. Người đọc có cảm giác như mặt biển được nâng cao theo từng con sóng triều dâng tỏa rạng, xóa tan màn đêm. Một đêm lao động đã kết thúc, ngư dân xếp lưới và hạnh phúc với thành quả lao động vừa thu được.
 
Huy Cận đã cường điệu hình ảnh những chú cá: “Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi”.
 
Dưới ánh nắng mặt trời, những đôi mắt cá lấp lánh như hàng nghìn ánh mặt trời bé con. Thiên nhiên rực rỡ một mặt trời to lớn, xán lạn; con người có trong tay muôn nghìn mặt trời nhỏ lấp lánh, huy hoàng… Bút pháp lãng mạn đầy chất thơ, ca ngợi và thể hiện tình yêu lao động, tình yêu thiên nhiên, yêu con người, yêu cuộc sống mới. Một ngày mới tươi vui, một cuộc đời mới đang sinh sôi, nảy nở.
 
Thành công của bài thơ còn ở việc Huy Cận xây dựng hình ảnh bằng liên tưởng, tưởng tượng phong phú, độc đáo; có âm hưởng khỏe khoắn, hào hùng, lạc quan của người lao động. Thông qua việc miêu tả cảnh lao động đánh cá của người ngư dân vùng biển Hạ Long, bài thơ Đoàn thuyền đánh các ngợi ca vẻ đẹp thiên nhiên, đất nước, sự giàu có của biển khơi; ngợi ca khí thế lao động hăng say, yêu đời của người lao động mới đã được giải phóng, đang làm chủ bản thân, làm chủ cuộc đời và đất nước:
 
“Tập làm chủ, tập làm người xây dựng
 
Dám vươn mình cai quản lại thiên nhiên!”
 
(Tố Hữu)
Like share và ủng hộ chúng mình nhé: