Phân tích tình huống truyện trong Vợ nhặt của Kim Lân

Tình huống truyện là gì? Phân tích tình huống truyện “Vợ Nhặt” của Kim Lân

Tình huống truyện là gì
Tình huống truyện là gì

Khái niệm tình huống truyện

Tình huống truyện là gì?

Tình huống truyện là sự kiện, là hoàn cảnh, tình thế đặc biệt của câu chuyện. Đó là tình huống chứa đựng những mâu thuẫn, những điều “bất thường” éo le, nghịch lý trong cuộc sống thường ngày của nhân vật. Từ đó tạo nên một hoàn cảnh, tình thế cho nhân vật, bắt buộc nhân vật phải có sự lựa chọn, thể hiện rõ tư tưởng, tâm lý, hành động của nhân vật.

Tác phẩm có nhiều sự kiện nhưng không phải sự kiện nào cũng là tình huống truyện.

Phân loại tình huống truyện

  • Tình huống tâm lí: Đây là tình huống khi diễn ra giúp làm sáng tỏ đặc điểm tâm lí của nhân vật. Ví dụ tác phẩm “Làng” nhà văn Kim Lân đã xây dựng cảm xúc của ông Hai khi nghe tin làng mình theo giặc, từ đau khổ tột cùng cho đến vui sướng khi thông tin được làm sáng tỏ.
  • Tinh huống hành động: Tình huống hành động giúp bộc lộ diễn biến hành động qua đó làm rõ nét tính cách nhân vật. Ví dụ trong “Những ngôi sao xa xôi” trong tình huống Phương Định phải phá bom là tình huống thử thách giúp ta thấy phẩm chất cao đẹp, tình đồng chí của cô gái này.
  • Tình huống nhận thức: Đây là tình huống không nhằm miêu tả hành động hay tâm lí mà thông qua đây nhà văn giúp nhân vật hiểu ra quy luật cuộc sống.

Tác dụng của tình huống truyện

  • Với cốt truyện: Thúc đẩy cốt truyện phát triển, tạo kịch tính
  • Với nhân vật: Thể hiện tính cách, tâm lí nhân vật
  • Với chủ đề, tư tưởng tác phẩm: Làm sáng rõ tư tưởng

Phân tích tình huống truyện trong “Vợ nhặt” của Kim Lân.

*Dàn ý chi tiết

+ Giới thuyết về tình huống:
– Là gì: “lát cắt trăm năm của đời thảo mộc” (Nguyễn Minh Châu) > qua đó bộc lộ rõ nhất tính cách nhân vật.
– Vai trò:
Phần nào khẳng định tài năng nghệ sĩ.
Là dấu hiệu của những tác phẩm có giá trị.
Lấy ví dụ: Nguyễn Tuân với “Chữ người tử tù”, Thạch Lam với “Hai đứa trẻ”, Nguyễn Minh Châu với “Mảnh trăng cuối rừng”, …
+ Phân tích:
– Khái quát tình huống.
– Mô tả diễn biến.
– Ý nghĩa.

Phân tích tình huống truyện trong Vợ nhặt của Kim Lân
Phân tích tình huống truyện trong Vợ nhặt của Kim Lân

BÀI LÀM

I. MỞ BÀI
Vợ nhặt của Kim Lân là truyện ngắn viết về nạn đói khủng khiếp năm 1945 và cũng là một trong những thành tựu xuất sắc của văn xuôi Việt Nam sau Cách mạng. Đây là một truyện ngắn thành công về nhiều phương diện, trong đó không thể không nói đến tình huống truyện rất đặc sắc mà Kim Lân đã sáng tạo được bằng bút pháp nghệ thuật khá cao tay.
II. THÂN BÀI
Tình huống trong Vợ nhặt có thể tóm lược một cách ngắn gọn: trong những ngày nạn đói đang hoành hành, khắp nơi người chết như ngả rạ, vậy mà Tràng – một thanh niên nghèo, xấu xí ở xóm ngụ cư lại nhặt một người đàn bà lay lắt bên bờ vực cái chết về làm vợ. Kim Lân cho biết: tình huống lạ lùng có một không hai đó là kết quả sự tưởng tượng, hư cấu của nhà văn trên cơ sở vốn sống phong phú, sự hiểu biết cặn kẽ về nạn đói mà ông từng chứng kiến.
– Nét độc đáo của truyện thể hiện trước hết ở nhan đề tác phẩm. Hai tiếng “vợ nhặt” gợi ta nghĩ đến một điều thật trớ trêu. Xưa nay, chuyện dựng vợ gả chồng là việc hệ trọng. Nó thể hiện ở tình cảm sâu nặng, nghi lễ thiêng liêng và quá trình xây đắp gắn bó. Thế mà tác phẩm lại kể về chuyện một người “nhặt” được vợ, chẳng khác nào tiện tay nhặt một vật gì đó. Vợ – bạn trăm năm của một người đàn ông – mà lại rẻ rúng đến thế ư? Sự thật ở đây là như thế. Chỉ một câu hò ghẹo vu vơ, một chầu bánh đúc, một câu mời như đùa cợt, có thế thôi mà nên vợ nên chồng. Nếu vào một hoàn cảnh khác, những kẻ dưới đáy xã hội như anh cu Tràng và người đàn bà kia đến với nhau thì cũng là chuyện “đôi lứa xứng đôi”, không có gì khó hiểu. Nhưng đây lại là lúc cuộc sống đang bị dồn đuổi, truy bức bởi nạn đói dữ dội, mạng sống từng con người trở nên hết sức mong manh. Bối cảnh thì ngột ngạt và sặc mùi tử khí với cái chết đang rình rập từng ngày từng giờ, vậy mà hai kẻ khốn cùng lại gắn kết với nhau. Ấy mới là sự lạ.
Để làm nổi bật tính độc đáo của tình huống truyện, Kim Lân đã soi chiếu nó từ rất nhiều góc nhìn khác nhau. Việc Tràng dẫn về một người đàn bà xa lạ đã thành một biến cố gây xôn xao cái xóm ngụ cư vốn đang chìm trong lặng lẽ vì đói khát. Đám trẻ con bỗng trở nên hiếu động hơn. Trong phút chốc chúng tạm quên đi sự hành hạ của cơn đói để bám theo vợ chồng Tràng mà reo toáng lên. Người lớn, kẻ thì ngạc nhiên dò hỏi, kẻ thì nháy mắt tinh nghịch, kẻ lại thở dài ái ngại… nhưng hết thảy đều cảm thấy như có cái gì “tươi mát thổi vào cuộc sống đói khát, tăm tối”, làm cho những khuôn mặt u tối, hốc hác “bỗng dưng rạng rỡ hẳn lên”. Bà cụ Tứ – mẹ Tràng dĩ nhiên là vô cùng kinh ngạc. Hơn ai hết, bà hiểu con trai bà vốn trăm đường thua thiệt. Bất luận trong trường hợp nào, việc Tràng có vợ cũng là điều mà bà không dám nghĩ tới. Cho nên khi có người đàn bà ngồi đầu giưòng con trai mình mà lại gọi mình bằng u thì dường như bà không dám tin đó là điều có thật. Cuối cùng, không chỉ có người ngoài cuộc mà ngay cả những nhân vật chính tạo ra biến cố này cũng không khỏi ngỡ ngàng. Trong sự bần thần nghĩ ngợi của người đàn bà kia hẳn có rất nhiều bỡ ngỡ vì không hiểu chuyện gì đang xảy ra với mình. Cũng như Tràng, trên con đường về nhà, hắn cảm nhận ở mình có một cái gì mới mẻ, lạ lắm, chưa từng biết đến bao giờ. Thậm chí khi người đàn bà kia đã ở trong nhà mình mà hắn vẫn còn “ngờ ngợ như không phải thế”.
– Nếu nói rằng truyện ngắn là một nhát cắt của dòng đời để qua đó làm lộ hiện bản chất cuộc sống, số phận con người thì phải nói rằng tình huống truyện trong Vợ nhặt là nhát cắt rất đúng chỗ. Bởi thế nó toát lên nhiều ý nghĩa. Nó ngầm ẩn một triết lí sâu xa về khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc bền bỉ, bất diệt ở con người. Đồng thời, nó cũng là thứ “thuốc thử” quan trọng buộc nhân vật phải bộc lộ đầy đủ thế giới nội tâm sâu kín và tính cách vốn có của mình. Quan sát sự thay đổi của các nhân vật dưới tác động của tình huống truyện ta sẽ nhận ra điều đó.
Nhân vật Tràng
+ Trước khi diễn ra sự kiện “nhặt vợ”, ta chỉ biết Tràng là một người đàn ông nghèo khổ, xấu xí, thô kệch, sống với một người mẹ già nua. Trong cảnh đói khát, chết chóc, cuộc sống của mẹ con Tràng rất ảm đạm, buồn thảm. Càng đáng buồn hơn khi ta thấy Tràng có vẻ không được như người bình thường: vừa đi vừa nói lảm nhảm những điều vớ vẩn, thích chí thì ngửa mặt cười hềnh hệch… Đích thị là một chàng ngốc, có lớn mà chẳng có khôn theo quan niệm của dân gian. Một nhân vật như thế không khỏi gây cho người đọc sự thất vọng.
+ Vậy mà từ khi chấp nhận người đàn bà đi theo mình, tâm tính Tràng lại như đổi khác. Biết bao lần Tràng cất tiếng cười (tủm tỉm cười, bật cười, cười khanh khách, tươi cười, cười khì khì…). Đó không phải những tiếng cười vô hồn vô cảm như trước, mà là cái cười của một kẻ đang bắt đầu được nếm mùi hạnh phúc. Ở Tràng cũng đã xuất hiện một thứ tình cảm khác lạ trước đây chưa hề có, ấy là “tình nghĩa giữa hắn với người đàn bà đi bên” – một biểu hiện tình yêu theo kiểu riêng của Tràng. Có lẽ vì thế mà con người vốn thô kệch ấy giờ đây biết bối rối, băn khoăn trước nỗi buồn của người khác giới. Những cử chỉ lúng túng, vụng về cũng như những lời độc thoại của Tràng khi một mình đối diện với người đàn bà trong căn lều tồi tàn tự nó đã nói lên rất nhiều điều. Đặc biệt, Kim Lân tỏ ra rất tinh tế khi diễn tả những cảm giác lạ lùng lần đầu tiên Tràng mới biết đến: “một cái gì mới mẻ, lạ lắm chưa từng thấy ở người đàn ông nghèo khổ ấy, nó ôm ấp, mơn man khắp da thịt Tràng, tựa hồ như có bàn tay vuốt nhẹ trên sống lưng”. Sau đêm tân hôn, Tràng có cảm giác “êm ái, lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra”. Chính điều đó làm cho Tràng có những đổi thay thật kì lạ. Một con người quen sống tuềnh toàng, gặp chăng hay chớ như Tràng, giờ đây nhìn cảnh ấm áp của cửa nhà đã biết vâng dạ ngoan ngoãn trước lời mẹ dặn, biết “thấm thìa cảm động”, biết “vui sướng, phấn chấn”, thấy mình “nên người” và nhận ra bổn phận trụ cột gia đình, phải lo lắng cho vợ con sau này. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả đặt vào tâm trí Tràng hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng, biểu tượng của cách mạng, viễn cảnh của một cuộc đổi thay vĩ đại. Những điều tốt đẹp ấy những tưởng không thể có được ở Tràng, vậy mà giờ đây nó lại hiện ra một cách đầy đủ và rõ ràng đến thế. Vậy là, bằng tình huống đặc biệt, Kim Lân đã đánh thức ở Tràng cái chất người chân chính, những điều hoàn toàn bị khuất lấp bởi lam lũ, nhọc nhằn, bởi đói khát, khổ cực trong một cuộc sống chênh vênh bên bờ vực thẳm.
Nhân vật “vợ nhặt”
+ So với Tràng, tình cảnh người đàn bà này còn thê thảm hơn nhiều. Trong những ngày cao điểm của nạn đói, chị ta cùng với bao nhiêu người đồng cảnh ngộ chỉ biết ngồi vêu trước kho thóc chờ nhặt hạt rơi hạt vãi hay chờ ai có việc gì gọi đến để làm. Điều đáng nói là tính tình của người đàn bà này không gây thiện cảm cho người đọc. Ăn nói thì chao chát, chỏng lỏn, thái độ thì sừng sộ, chẳng kể gì đến thể diện, phẩm giá. Gặp Tràng, chị ta sấn vào, gạ ăn một cách trơ trẽn. Được người ta mời ăn lại ăn uống rất tham, rất thô. Trước lời mời bông lơn của một người đàn ông chưa hề quen biết, chị ta lập tức bám theo, liều lĩnh đến mức đáng sợ. Những tưởng bao nhiêu sự xấu xa của con người đều dồn cả vào người đàn bà khốn khổ này.
+ Thế nhưng từ khi cất bước theo Tràng, chị ta như trở thành một con người khác. Đi với Tràng mà bước chân chị ta có vẻ rón rén, ngượng nghịu, chân nọ ríu cả vào chân kia. Cái vẻ chanh chua biến đâu mất, thay vào đó là sự e thẹn, ít lời, ngại ngùng trước ánh mắt tò mò của những người xa lạ. Đặc biệt, khi ngồi đầu giường của Tràng, chị ta không giấu nổi vẻ bối rối, mắt nhìn xa, dáng bần thần nghĩ ngợi. Điều này cho thấy chị không hề vô tâm trước những gì đang diễn ra.
+ Bằng cái nhìn tinh tế, Kim Lân phát hiện cái thiên chức làm vợ – điều trước đây ta ngỡ không thể có ở người đàn bà bị cái đói tước đi cả nữ tính này. Từ cái thế cùng đường, liều lĩnh cất bước đi theo một người đàn ông xa lạ, hình như trong chị ta đã vấn vương những tình cảm dịu ngọt, những thức nhận mới mẻ về bổn phận của mình. Nó thể hiện ở những câu nói, những cử chỉ thô mộc nhưng rất tình tứ theo kiểu các cặp vợ chồng nhà quê mới cưới (thấy Tràng mua hai hào dầu, thị mắng Tràng: “Hoang nó vừa vừa chứ.”; Tràng vươn cổ thổi tắt đèn đi ngủ, thị củng vào trán Tràng: “Chỉ được thế là nhanh. Dơ!”). Những biểu hiện ấy cho thấy giờ đây chị ta đã ý thức được mình là ai trong cái gia đình này. Và cũng vì thế, người đọc sẽ không bỡ ngỡ khi thấy chị ta cùng bà cụ Tứ – mẹ chồng – quét tước dọn dẹp cửa nhà sạch sẽ, gọn gàng. Có lẽ trước một tình huống mới, niềm hi vọng sống, nỗi khao khát hạnh phúc đã trỗi dậy mạnh mẽ. Nó làm cho con người trở nên thay đổi. Chính Tràng cũng rất ngạc nhiên vì trước mắt hắn giờ đây rõ ràng là một người đàn bà “hiền hậu đúng mực không còn vẻ gì chao chát chóng lỏn như mấy lần Tràng gặp ở ngoài tỉnh”. Sự thay đổi này nhìn bề ngoài có vẻ lạ lùng, nhưng không hề khó hiểu, bởi bên trong con người ngỡ rất xấu xa kia vẫn mang đầy đủ những nét đẹp vốn có của người phụ nữ Việt Nam.
III. KẾT BÀI
Qua nhân vật Tràng và nhân vật “vợ nhặt”, Kim Lân đã thể hiện một niềm tin sâu sắc, mạnh mẽ đối với con người. Trong ý thức của ông, những người nghèo khổ có thể bị biến dạng về nhân hình, nhàn tính vì đói khát, nhưng không gì tước đoạt được của họ cái chất người quý giá. Nhà văn cũng bộc lộ cái nhìn yêu thương, nhân hậu qua những dòng văn miêu tả vẻ đẹp của tình người và khát vọng hạnh phúc bền bỉ của những kẻ đang đối mặt với tử thần.

Phân tích tình huống truyện trong Vợ nhặt của Kim Lân
Phân tích tình huống truyện trong Vợ nhặt của Kim Lân

Dàn ý chi tiết tình huống truyện Vợ nhặt của Kim Lân

Trước khi tìm hiểu và phân tích cụ thể về tình huống truyện Vợ nhặt, chúng ta cần lên được dàn ý chi tiết:

Việc Tràng nhặt được vợ tạo nên sự lạ lùng ngạc nhiên với mọi người

  • Tìm hiểu tình huống truyện Vợ nhặt, ta thấy, khi Tràng dẫn người vợ của mình về xóm ngụ cư thi ai nấy cũng đều lạ lùng và ngạc nhiên. Người lớn thì ngớ ra “không tin được dù đó là sự thật. Lũ trẻ thì mất đi một người bạn chơi khi nhận ra mối quan hệ của hai người là “chồng vợ hài”.
  • Bà Tú cũng ngạc nhiên quá đỗi đến nỗi không tin nổi vào mắt mình và tai mình.
  • Bản thân Tràng cũng rất ngạc nhiên vì tự nhiên được vợ, đến nỗi cứ đứng “ngây ra”.

Tình huống truyện Vợ nhặt thể hiện sự oái ăm kì lạ

  • Tràng vốn là tên kéo xe bò nghèo khổ và xấu xí, lại thuộc dân ngụ cư, vốn đang ế vợ mà nay bỗng dưng nhặt được vợ, một cô vợ theo không.
  • Anh chàng lấy vợ vào lúc mà không ai dám lấy vợ – Trong cái hoàn cảnh ngặt nghèo khi mà cái đói đang đe dọa mạng sống của mỗi người.
  • Một đám cưới thiếu tất cả những lễ nghi thủ tục nhưng lại đủ đầy về tinh thần, đó là sự gắn bó yêu thương.

Tâm trạng của các nhân vật trước tình huống này là mâu thuẫn ngổn ngang

  • Phân tích tình huống truyện Vợ nhặt, ta thấy tâm trạng của Tràng khi bỗng nhiên có vợ theo về chính là sự biến đổi liên tục. Ban đầu, anh chàng còn ngao ngán vì cảnh nghèo, rồi trở nên sung sướng hạnh phúc, ngượng nghịu.
  • Bà cụ Tứ cảm thấy vui vì cuối cùng con mình cũng có vợ, nhưng lại cảm thấy tủi vì trong hoàn cảnh đói nghèo lúc bấy giờ.
  • Người vợ nhặt: Từ việc trơ trẽn và liều lĩnh đến khi trở thành vợ thì trở nên đảm đang, hiền hậu lễ phép, biết suy nghĩ và vun vén cho gia đình.
Phân tích tình huống truyện trong Vợ nhặt của Kim Lân
Phân tích tình huống truyện trong Vợ nhặt của Kim Lân

Phân tích sự độc đáo trong tình huống truyện Vợ nhặt của Kim Lân

Để hiểu hơn về nội dung nghệ thuật cũng như tình huống truyện Vợ nhặt, chúng ta cùng tìm hiểu về khái niệm tình huống truyện.

Khái niệm tình huống truyện là gì?
Tình huống truyện được định nghĩa là sự kiện đặc biệt, là hoàn cảnh đặc biệt mà ở đó tư tưởng quan điểm của nhà văn được bộc lộ, tính cách số phận suy nghĩ của nhân vật cũng được thể hiện rõ nét.

Người nghệ sĩ quan niệm tình huống truyện chính là hạt nhân, là điểm nhấn đối với thể loại truyện ngắn. Đó là một lát cắt của cuộc sống, nhưng chỉ cần nhìn vào đó, chúng ta có thể hình dung ra phần nào cuộc sống, xã hội và con người.

Từ tình huống truyện Vợ nhặt, các biến cố, diễn biến, sự kiện được phát triển để từ đó bộc lộ tính cách của các nhân vật. Khi các nhân vật giải quyết những xung đột và mâu thuẫn từ tình huống truyện giúp bộc lộ rõ nét tư tưởng và chủ đề của tác phẩm cũng như dụng ý nghệ thuật của tác giả. Tình huống truyện Vợ nhặt đã giúp Kim Lân thể hiện thành công nội dung và tư tưởng của tác phẩm.

Tình huống truyện Vợ nhặt thể hiện ngay từ nhan đề tác phẩm
Ngay từ tên nhan đề, nhà văn Kim Lân đã khéo léo đưa ra tình huống truyện trong tác phẩm. Đây được xem là một nhan đề đặc sắc và hấp dẫn, có sự lôi cuốn và đồng thời kích thích sự chú ý và tò mò của người đọc. Việc lấy vợ là một việc trọng đại của người đàn ông, được thực hiện theo các nghi lễ và phong tục truyền thống như thưa chuyện, dạm hỏi, cưới xin… Còn từ ‘nhặt” lại gợi lên sự giản đơn đến rẻ rúng tầm thường.

Nhà văn Kim Lân lại sử dụng từ “nhặt” để tạo nên nhan đề của tác phẩm. Trong chính nhan đề này, ta đã thấy tình huống truyện Vợ nhặt được thể hiện rõ nét. Đây cũng là một nét độc đáo trong nghệ thuật của tác phẩm giúp thể hiện giá trị hiện thực và tinh thần nhân đạo sâu sắc.

Hoàn cảnh nhặt được vợ của Tràng đã thể hiện tình huống truyện Vợ nhặt
Thời điểm khó khăn trong hoàn cảnh, khi mà “Cái đói tràn đến xóm này từ lúc nào”, rồi hai lần so sánh người với ma… Trong cái hoàn cảnh khắc nghiệt ấy, khi mà tính mạng “ngàn cân treo sợi tóc” thì cứu đói là việc đầu tiên được nghĩ đến, hạnh phúc trở nên xa vời xa xỉ. Ấy vậy mà Tràng lại đi lấy vợ lúc này, chẳng khác gì “đèo bồng”. Chính hoàn cảnh này đã làm nổi bật lên tình huống truyện cho tác phẩm.

Với tình huống ấy, sợ trớ trêu còn xuất hiện ở hành động của nhân vật. Tràng xuất thân là tên kéo xe bò, nghèo khổ, xấu xí, không ai thèm lấy. Bức chân dung về Tràng như đang được phác họa lên bởi tác giả. Tràng có gia cảnh khốn khó, là dân ngụ cư, nghèo tận cùng với ngôi nhà rúm ró và chiếc áo nâu tàng. Đặc biệt hơn, Tràng lại có tính dở hơi… Sự khác biệt như thế nên Tràng mới khó lấy được vợ. Ấy thế mà lại nhặt được vợ dẫn về thì quả thực lạ lùng biết bao.

Tình huống truyện Vợ nhặt còn thể hiện ở tâm lý thái độ của các nhân vật
Đầu tiên là tâm lý của những đứa trẻ nhỏ, thái độ của người dân xóm ngụ cư. “Người trong xóm lạ lắm, họ đứng cả trong cửa nhìn ra bàn tán…” Có người thấy lạ, có người thấy ngạc nhiên, lại có người tỏ ra lo dùm anh ta “Biết có nuôi nổi nhau sống qua cái thời này không”

Bà cụ Tứ cũng không tránh khỏi những ngạc nhiên khi con trai dẫn vợ về nhà. Bà cụ hiểu rõ con trai mình hơn ai hết nên càng khó tin là Tràng có vợ. Để rồi bộc lộ ra trong hành động và lời nói của bà cụ Tứ “Quái sao lại có người đàn bà nào ở trong đấy nhỉ?” Bà cụ Tứ không hiểu cũng phải. Bởi người như con trai bà, đâu dễ có vợ, mà ở đây lại có người tự theo về. Xấu xí, nghèo hèn như Tràng thì sao lấy được vợ. Và trong hoàn cảnh đói khát ấy, nuôi thân chẳng nổi thì lấy gì nuôi vợ con.

Để rồi với tình huống truyện trong tác phẩm Vợ nhặt ấy, chính bản thân nhân vật cũng không khỏi lạ lùng. Anh ta lấy làm lạ cho mình, anh ta ngờ ngợ khi nhìn vợ ngồi trong nhà như một sự thật mà lại không phải thế. “Ra hắn đã có vợ rồi ư?” Câu tự hỏi bâng quơ của Tràng cho thấy sự ngạc nhiên bàng hoàng của nhân vật.

Có thể thấy, chính tâm lý, thái độ, hành động của các nhân vật đã góp phần làm nổi bậy lên tình huống truyện Vợ nhặt hết sức éo le, trớ trêu, đùa mà lại như thật.

Bà cụ Tứ thì ngổn ngang bao suy nghĩ, vừa mừng vừa lo, tải vừa vui vừa tủi. Có thể thấy, những diễn biến trong tâm lý bà cụ Tứ trở nên phức tạp hơn hơn cả vì sự từng trải của bà cụ. “ừ thôi các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng”. Như vậy, tình huống truyện đã giúp bộc lộ sâu sắc tính cách của bà cụ Tứ.

Tràng thì lo ít vui nhiều với những nét suy nghĩ còn thô sơ giản đơn. Mới đầu thì hắn “chợn” nhưng rồi cũng chậc lưỡi kệ. Trên quãng đường đưa vợ về nhà, khi bao người tò mò lạ lẫm nhìn theo “hắn lấy vậy làm thích, cái mặt cứ vênh lên tự đắc”. Hạnh phúc ấy đến với Tràng thật quá đột ngột, để mãi đến tận hôm sau, anh ta vẫn còn thấy trong mình êm ái lửng lơ. Từ tình huống truyện Vợ nhặt ấy, nhà văn cũng cho thấy sự thay đổi trong tâm lý của Tràng: hắn cảm thấy gắn bó và yêu thương với mọi người hơn, với cái nhà, cái sân, khoảnh vườn của mình.

Đặc biệt hơn, khi phân tích tình huống truyện Vợ nhặt, ta thấy người vợ có những suy nghĩ phức tạp, đó là sự buồn tủi trong những cái nghèo cái khó của cuộc đời. Lấy chồng xưa nay vốn là truyện trọng đại, ấy vậy mà chị ta nào biết Tràng tốt xấu ra sao cũng theo về làm vợ. Câu hò bâng quơ với bát bánh giò cũng đủ kiếm vợ. Đến đây, tình huống truyện được đẩy lên cao trào. Khi mà cái đói đã khiến người đàn bà mất hết ý thức, không cảm thấy xấu hổ để bất kì ai cũng có thể dễ dàng nhặt về làm vợ.

Bên cạnh đó, tình huống truyện trong tác phẩm Vợ nhặt không chỉ dừng lại ở đây mà còn tiếp tục được đặt lên những cao trào. Khi bị cái đói khống chế, khi không khí chết chóc cứ ngày càng len lỏi vào cuộc sống thường ngày. Thế nhưng thông qua những suy nghĩ, hành động của các nhân vật khi được đặt trong tình huống truyện vợ nhặt. người đọc nhận thấy sự tin tưởng của những người dân lao động vào tương lai tươi sáng, vào sự sống, về tổ ấm gia đình hạnh phúc – đó chính là những khát khao chính đáng và giản dị. Vì thế, tình huống truyện trong tác phẩm cũng thể hiện bản chất lạc quan của nhân dân lao động hay chủ nghĩa lạc quan trong thời điểm lúc bấy giờ.

Phân tích tình huống truyện trong Vợ nhặt của Kim Lân
Phân tích tình huống truyện trong Vợ nhặt của Kim Lân

Đánh giá về tình huống truyện Vợ nhặt của Kim Lân

  • Có thể nhận thấy, tình huống truyện trong Vợ nhặt đùa mà hóa ra thành thật, thật hóa đùa.
  • Đám cưới đi cùng đám ma, sự sống tồn tại trên nền cái chết, ranh giới mong manh khó rạch ròi. Trong cái phông nền của đám cưới, trong cái không khí tưởng chừng như hạnh phúc ấy lại nhuốm màu xám xịt của cái chết, đó đây thấp thoáng tiếng quạ kêu.
  • Tình huống truyện Vợ nhặt thể hiện sự giao tranh giữa bóng tối và ánh sáng, và cuối cùng sẽ là sự chiến thắng của ánh sáng, của niềm tin và hi vọng.
Phân tích tình huống truyện trong Vợ nhặt của Kim Lân
Phân tích tình huống truyện trong Vợ nhặt của Kim Lân

Ý nghĩa tình huống truyện Vợ nhặt của Kim Lân

  • Tạo nên sự độc đáo, hấp dẫn và lỗi cuốn cho thiên truyện, tạo nên những cao trào để các nhân vật tự bộc lộ tính cách và suy nghĩ của mình.
  • Tình huống truyện trong Vợ nhặt cũng bộc lộ hiện thực mâu thuẫn mang bản chất của cuộc sống lúc bấy giờ.
  • Tình huống truyện cũng làm nổi bật lên vẻ đẹp của những người nông dân. Họ là những con người lạc quan và tin tưởng vào tương lai tươi sáng của Cách mạng. Để khi lá cờ đỏ sao vàng của Việt Minh phấp phới, cách mạng sẽ luôn dẫn đường và làm sáng lên những con người giản dị nhưng có phẩm chất nhân đạo như cụ Tứ, như Tràng và cô “vợ nhặt” tội nghiệp….Họ sẽ viết tiếp truyện thống về phẩm giá con người Việt Nam trong tương lai.

Có thể thấy, tình huống truyện của Vợ nhặt hết sức độc đáo và ý nghĩa, tác giả Kim Lân đã gợi lên biết bao nhiêu điều trong tâm tưởng bạn đọc. Mỗi chi tiết trong tình huống lại cho thấy tấm lòng nhân đạo cũng như giá trị nhân văn cao đẹp của tác phẩm. Hy vọng bài viết phân tích tình huống truyện Vợ nhặt đã giúp bạn có được những kiến thức hữu ích. Chúc bạn luôn học tốt!

==> Xem thêm tại Icongchuc.com

Like share và ủng hộ chúng mình nhé: