Trình bày nét độc đáo trong phong cách sáng tác của Nguyễn Minh Châu
Tiểu sử của Nguyễn Minh Châu
Nguyễn Minh Châu (1930-1989) là một trong những nhà văn tiêu biểu của nền văn học Việt Nam hiện đại. Hai mươi chín năm cầm bút, sống và viết trong thời kì chiến tranh giải phóng đất nước, thời kì đổi mới, tác phẩm của ông luôn được độc giả hoan nghênh, đón nhận nhiệt thành. Thời kì sáng tác nào, Nguyễn Minh Châu cũng ghi dấu ấn khó phai mờ trong lòng người đọc với những: Cửa sông, Những vùng trời khác nhau, Dấu chân người lính, Bức tranh, Mảnh trăng cuối rừng, Phiên chợ Giát, Khách ở quê ra, Chiếc thuyền ngoài xa… Tác phẩm của Nguyễn Minh Châu có sức hấp dẫn riêng biệt, nhà văn khẳng định bản sắc cá nhân nghệ sĩ bằng nét phong cách kết hợp hài hòa chất triết lí cuộc đời với chất trữ tình lãng mạn, hình tượng nhân vật được soi thấu trong mối quan hệ đa chiều, phức tạp nhưng hòa hợp và thống nhất trong tư tưởng đề cao tôn vinh những giá trị cuộc sống của nhà văn. Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu là một trong những sáng tác tiêu biểu cho giai đoạn sáng tác thứ hai (sau năm 1980) của nhà văn và được chọn đưa vào chương trình Ngữ văn lớp 12 – THPT. Đây là một tác phẩm hay mang đậm tính nhân văn, thể hiện một lối tư duy mới mẻ của nhà văn về cái đẹp và số phận con người trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn kiếm tìm hạnh phúc và hoàn thiện nhân cách.
Quan niệm nghệ thuật về con người luôn được nhà văn chú ý đến để miêu tả, lí giải, đánh giá, cảm nhận, nâng đỡ, trân trọng. Đọc truyện của Nguyễn Minh Châu thường thấy nhân vật hành động, suy nghĩ mang tính cách của những người từng trải, hiểu đời. Đặc biệt là những nhân vật nữ. Mỗi nhân vật ẩn sâu trong thiên tính nữ, dịu dàng, nhẫn nhịn là tính cách mạnh mẽ của một ý chí, nghị lực, một thế giới lạ lùng đầy ngưỡng mộ, khó có thể hiểu được ngay khi mới tiếp xúc. Thiên truyện Chiếc thuyền ngoài xa kể về cuộc đời một người đàn bà vật lộn với cuộc sống nhọc nhằn, lo cơm áo và giữ gìn nhân phẩm, đạo đức. Cùng với nhiều truyện ngắn khác như: Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Những người đi từ trong rừng ra, Bên đường chiến tranh, Lửa từ những ngôi nhà, Mảnh đất tình yêu, Cỏ lau…, truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa cho thấy nét độc đáo của phong cách Nguyễn Minh Châu khi miêu tả người phụ nữ. Ở họ toát lên vẻ đẹp đậm tính nữ; họ sống giản dị và nhẫn nhịn bằng tất cả lòng yêu thương, vị tha, trân trọng con người. Sự nhẫn nhịn, chịu đựng một cách thái quá của người đàn bà trong truyện khiến nhiều người không thể chấp nhận. Chị sống cùng với người chồng thô bạo, độc ác, đánh vợ không tiếc tay, “bất cứ khi nào thấy khổ quá”, “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”… Hắn đánh chị như để trút lên chị tất cả những bực dọc, uất ức, hổ thẹn về cuộc sống đói rách, đối với hắn, chị và lũ con là mầm nguồn làm cuộc sống gia đình đói khổ. Ây vậy mà chị vẫn cam chịu, chấp nhận và dường như coi đó là định mệnh không đổi thay của đời mình. Tính triết lí của thiên truyện chính ở chỗ nghịch lí này. Trong cuộc mưu sinh và giữ gìn nhân phẩm, con người nhiều khi phải chấp nhận sống trong nghịch lí, bằng lòng với nghịch cảnh, dù cho đó là những nguyên nhân dẫn đến bi kịch cuộc đời. Người đàn bà trong truyện cũng như nhiều người đàn ở ngoài đời vẫn đang sống trong những nghịch lí mà nhiều khi khó có thể lí giải hoặc đổi thay được.
Tình huống truyện là một sự thử thách bản lĩnh, nhân cách con người. Người đàn bà có đủ lí do để giải thoát khỏi người chồng thô bạo bằng cách li hôn, li thân hoặc bỏ đi nơi khác… Nhưng yếu tố bất ngờ, kịch tính của truyện được đẩy đến đỉnh điểm, khi chị được mời đến tòa án huyện. Chị kiên quyết từ chối li hôn mặc dù viên chánh án đã khuyên nhủ chị hãy giải thoát khỏi con người thô bạo đó. Chị đã nói như một định mệnh đáng trân trọng: “Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn… đàn bà thuyền chúng tôi phải sống cho con…”. Đoạn văn viết về những suy nghĩ của người đàn bà ở tòa án nghe như những tiếng thở dài, cam chịu, bất lực, gây xúc động bất ngờ trong lòng người đọc. Vậy điều gì đã làm cho chị ta có thể sống được và trở nên trai dạn trước những trận đòn ác nghiệt của chồng? Chính thiên tính nữ và chức phận làm vợ, làm mẹ đã làm cho chị có thêm nghị lực, cam chịu trước đói rách, trước những trận đòn để chăm chút cho những đứa con, để tâm hồn ngây thơ, trong trắng của chúng không bị xúc phạm, vấy đục. Thật đau đớn và thương cảm khi chứng kiến người đàn bà tội nghiệp ấy phải xin chồng đừng đánh mình dưới thuyền mà hãy đánh ở trên bờ để tránh cho lũ trẻ phải chứng kiến cảnh tượng đau xót này. Cam chịu và nhẫn nhục như thế có lẽ là tột cùng của đức hy sinh, lòng vị tha của người đàn bà lam lũ, khốn khổ. Điều này cũng được nữ nhân vật Quỳ trong truyện ngắn Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành thấu hiểu, chia sẻ: “Đó là bản năng chăm lo bảo vệ lấy sự sống của con người do chính chúng tôi mang nặng đẻ đau sinh ra. Đó là tình thương bẩm sinh của nữ tính – sợi dây thần kinh đặc biệt của nữ giới chúng tôi”.
Viết về những người phụ nữ, những người đàn bà lam lũ khổ cực cả đời, Nguyễn Minh Châu không chỉ kiếm tìm, tôn vinh vẻ đẹp phẩm chất người phụ nữ mà nhà văn còn lí giải cội nguồn vẻ đẹp ấy chính là lòng nhân, đức hạnh, phẩm tiết bám sâu trong tâm hồn, tâm linh con người. Tuy vậy, để hiểu được con người thật khó, đối với phụ nữ càng khó hơn, đặc biệt đối với những người có hoàn cảnh phức tạp, không cho phép ta nhìn nhận hời hợt bên ngoài. Trong truyện, Đẩu là một người tốt bụng, một chánh án đầy tình thương và trách nhiệm. Trước tình cảnh của người đàn bà, anh khuyên chị ta hãy li hôn, nên giải thoát khỏi con người vũ phu đó. Song thiện chí và lòng tốt của anh lại đơn giản chỉ là thứ lí thuyết xa thực tế. Anh hiểu pháp luật, hiểu tình tiết sự việc nhưng anh không hiểu đương sự, anh trở nên nông nổi, ngây thơ. “Chú không phải là đàn bà, chưa bao giờ chú biết như thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên chiếc thuyền không có đàn ông… khi biển động sóng gió…”. Đơn giản chỉ như vậy, cam chịu và sẵn sàng chấp nhận! Người đàn bà lam lũ, thất học ấy đã làm Đẩu “ngộ” ra những nghịch lí đời sống buộc con người phải chấp nhận không được lựa chọn. Chân lí nhận thức thực tế mà Đẩu nhận ra là để thoát ra khỏi nghịch lí, cảnh đau khổ, tối tăm, man rợ thì cần phải có những giải pháp thiết thực, gắn liền với hoàn cảnh cụ thể của từng con người chứ không phải chỉ là những thiện chí hoặc là mớ lí thuyết viển vông, xa thực tế. Chất triết lí ở đây được nhà văn gửi đến độc giả thật nhẹ nhàng mà vô cùng sâu sắc trong dự cảm, liên tưởng tới cuộc đời thực. Trong cuộc sống nhiều khi con người phải đứng trước những lựa chọn để dấn thân mà biết trước rằng sẽ gánh chịu khổ đau, suy nghĩ và hành động, lí thuyết và thực tế không phải lúc nào cũng hòa nhập, gắn kết như trong những bài giáo thuyết. “Ông” phóng viên và “ông” thẩm phán trong truyện có phần nào sống xa rời thực tế, tự huyết hoặc mình và huyễn hoặc người khác, ý tưởng thì tốt đẹp, nhưng hành động giải quyết vấn đề lại là chuyện khác. Những bất bình đẳng, trải ngược như thế cứ tồn tại, hiện hữu trong kiếp người đa đoan.
Viết truyện ngắn này chắc hẳn nhà văn không chỉ bức xúc vì nạn bạo hành, bạo ngược trong gia đình mà tâm điểm của truyện hướng vào đề cao, tôn vinh người phụ nữ và khẳng định sức sống bất tử của cái đẹp thiên tính nữ. Truyện mang lại nhiều dư âm trong lòng độc giả, khắc khoải về số phận một người đàn bà như thế, thật mỏng manh, xa vời, chấp chới như “chiếc thuyền ngoài xa” không biết đâu là bến bờ hạnh phúc, đánh thức lương tri, lòng vị tha, nhân cách, đạo đức bạn đọc.
Phong cách sáng tác của Nguyễn Minh Châu
Nguyễn Minh Châu là một ngòi bút có ảnh hưởng lớn đối với nền văn học Việt Nam vào giai đoạn chiến tranh và thời kỳ đổi mới. Là một nhà văn nhạy bén với sự thay đổi của thời đại, đặc biệt là thời kỳ chiến tranh. Trong 29 năm cầm bút, tác phẩm của ông luôn được độc giả đón nhận rất nồng nhiệt. Mỗi thời kỳ sáng tác ông luôn để lại nhiều dấn ấn riêng trong lòng bạn đọc.
Là một nhà văn, trước khi cầm bút lên viết điều đầu tiên phải hướng đến nhân dân và ý thức được sứ mệnh và trách nhiệm của bản thân. Nhận thức rõ được điều đó mà mỗi tác phẩm của Nguyễn Minh Châu đều mang tính nhân văn rất cao.
Trước cuộc kháng chiến chống Mỹ bùng nổ, ông đã có hơn 10 tác phẩm truyện ngắn và bút ký trên báo tạp chí Văn nghệ Quân đội. Vào những năm kháng chiến chống Mỹ, nổi bật có cuốn tiểu thuyết “Cửa sông”, ở giai đoạn này ông tập trung khai thác về chủ đề chiến tranh thể hiện tinh thần yêu nước.
Trong sáng tác khám phá con người và nghệ thuật là điều mà Nguyễn Minh Châu làm rất tốt. Ông là người đi tiên phong trong phong trào mở đường cho công cuộc đổi mới văn học. Ông luôn đi tìm sự thật và viết lên những góc khuất trong đời sống mang đến nhiều dư âm cho bạn đọc.
Tiêu biểu trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Minh Châu có tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa, nó là bài học về cuộc sống và con người. Ông đã có cái nhìn đa chiều, cách khai thác tác phẩm vô cùng hấp dẫn. Ẩn đằng sau hình ảnh khiến ai cũng phải xuýt xoa vì quá đẹp ấy lại là một sự thật không ai có thể ngờ đến. Cách ông vẽ ra hình tượng nhân vật cũng như xây dựng cốt truyện vô cùng độc đáo và sáng tạo. Tác phẩm không chỉ viết về những người phụ nữ lam lũ cả cuộc đời mà còn là sự bức xúc của ông với nạn bạo lực gia đình đã và đang diễn ra rất nhiều. Thế nên Chiếc thuyền ngoài xa đã để lại trong lòng bạn đọc rất nhiều ấn tượng, đó là số phận mỏng manh của người phụ nữ.
Bài viết khác cùng mục: