Tài liệu ôn tập môn Kiến thức chung kỳ thi công chức kì thi 2020- Chuyên đề 2 – Phần 4

Tài liệu ôn tập môn Kiến thức chung kỳ thi công chức kì thi 2020- Chuyên đề 2 : Một số nội dung về đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn  giai đoạn 2016-2020 theo tinh thần nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 27-4-2016

Tài liệu ôn tập môn Kiến thức chung kỳ thi công chức kì thi 2020- Chuyên đề 2 – Phần 4
Tài liệu ôn tập môn Kiến thức chung kỳ thi công chức kì thi 2020- Chuyên đề 2 – Phần 4

Quan điểm chỉ đạo

Cải cách hành chính là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước; do vậy, cần được chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt trong toàn bộ hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; không ngừng nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng suất, chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ, tính minh bạch và thái độ phục vụ nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản và rút ngắn thời gian về thủ tục cho các tổ chức, cá nhân đến giao dịch với các cơ quan trong hệ thống chính trị, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.

Cải cách hành chính phải được thực hiện đồng bộ, thống nhất, phù hợp với điều kiện, đặc điểm của mỗi cấp, mỗi thành viên trong hệ thống chính trị và mỗi loại hình tổ chức; sắp xếp lại bộ máy tổ chức theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, tránh chồng chéo theo tinh thần Kết luận Hội nghị Trung ương 7 khoá XI “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở”, bảo đảm thông suốt, hiệu quả; gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Kết luận số 82-KL/TW, ngày 16-8-2010 của Bộ Chính trị về cải cách các thủ tục hành chính trong Đảng.

Thực hiện cải cách hành chính gắn liền với việc thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở xã, phường, thị trấn và dân chủ trong các cơ quan, doanh nghiệp.

Cải cách hành chính phải được tiến hành từng bước vững chắc, có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn khâu đột phá của từng giai đoạn cụ thể. Năm 2016, cải cách thủ tục hành chính được xác định là khâu đột phá trong công tác cải cách hành chính của tỉnh.

Mục tiêu

2.1- Mục tiêu chung

Đổi mới tư duy từ “nền hành chính quản lý” sang “nền hành chính phục vụ”; trong đó, tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, trách nhiệm, phục vụ nhân dân; quyết tâm nâng cao chỉ số hài lòng của tổ chức, người dân và doanh nghiệp đối với bộ máy hành chính; xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả với đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực và tính chuyên nghiệp cao.

Trong giai đoạn từ 2016 – 2020, phấn đấu đưa Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh vào tốp 10, Chỉ số cải cách hành chính ở vị thứ 15 – 20 trên bảng xếp hạng hằng năm của cả nước.

2.2- Mục tiêu cụ thể

Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị. Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan đảng; thành lập, củng cố tổ chức đảng ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa bàn dân cư, đầu mối trọng yếu.

Đến năm 2020, thể chế hành chính được đảm bảo tính thống nhất với quy định của Trung ương và phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh. 100% văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đảm bảo cơ sở pháp lý, đúng thẩm quyền, nội dung, trình tự, thủ tục, thể thức và kỹ thuật trình bày.

100% các thủ tục hành chính được đưa vào tiếp nhận, giải quyết tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp. Giảm ít nhất 30% tổng thời gian giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở đơn giản hóa, chuẩn hóa và thống nhất hóa về hồ sơ và quy trình giải quyết thủ tục hành chính, hoàn thiện cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính ngay trong năm 2016.

Mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính, dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công cung cấp đạt trên 80% vào năm 2020.

Đến hết năm 2016, hoàn thành việc rà soát lại toàn bộ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, sắp xếp, tinh giản bộ máy, biên chế trong toàn tỉnh; đảm bảo hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước từ tỉnh đến cơ sở thông suốt, trong sạch, tinh gọn, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả.

Đến năm 2020, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có số lượng, cơ cấu hợp lý, đủ trình độ và năng lực thi hành công vụ, phục vụ nhân dân và phục vụ sự nghiệp phát triển của đất nước; 100% cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp triển khai cơ cấu công chức, viên chức theo đúng đề án được phê duyệt; 100% cán bộ, công chức cấp xã đạt tiêu chuẩn theo chức danh.

Đến năm 2020, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ, sâu rộng, an toàn, bảo mật trong các cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội và trong các cơ quan hành chính nhà nước phục vụ sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, thúc đẩy cải cách hành chính; cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến mức độ cao trong nhiều lĩnh vực phục vụ nhân dân.

NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

3.1- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh

Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Tỉnh ủy, gắn với việc đổi mới hệ thống chính trị, cải cách tư pháp trong triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính nhà nước;

Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh về thực hiện cải cách hành chính nhà nước của các cấp, các ngành;

Hằng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính nhà nước của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh.

3.2- Hoàn thiện hệ thống thể chế hành chính nhà nước

Xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực và tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia cung ứng các dịch vụ trong môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh.

Rà soát, hoàn thiện và thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp đẩy mạnh xã hội hóa một số lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công, đổi mới cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh.

Minh bạch hóa toàn bộ quy định, chính sách, cơ chế, bảo đảm việc tiếp cận bình đẳng của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

3.3- Triển khai thực hiện có hiệu quả, tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, một cửa liên thông hiện đại, cải thiện mạnh môi trường kinh doanh, giải phóng mọi nguồn lực của xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Chỉ đạo thực hiện có trọng tâm, trọng điểm và tạo đột phá trong từng giai đoạn và thời điểm. Mỗi năm lựa chọn ít nhất một nội dung chuyên đề lĩnh vực để tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả. Năm 2016, tập trung rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý, giải quyết của tỉnh, ở một số lĩnh vực như: đầu tư, thành lập doanh nghiệp; đất đai, môi trường; tài chính; cấp phép xây dựng, quy hoạch; hải quan, thuế; y tế, lao động, thương binh và xã hội; bảo hiểm xã hội. Thực hiện chuẩn hóa và tích hợp bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Tổ chức điều tra xã hội học để đánh giá, nhận xét về trách nhiệm phục vụ của cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, trước hết là ở một số lĩnh vực trọng điểm, như: quản lý đất đai, đầu tư, xây dựng, lao động, thương binh và xã hội, thuế, hải quan… Nghiên cứu, bố trí máy quay phim giám sát hoạt động giao dịch tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp. Hằng năm, đánh giá kết quả thực hiện, có giải pháp cụ thể, mô hình mới, có tính đột phá, tạo ra hiệu ứng, sức lan tỏa và hiệu quả trên thực tế, tạo được những chuyển biến rõ nét và có sức thuyết phục.

Tiếp tục triển khai hệ thống phần mềm một cửa điện tử tại các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã trong năm 2016. Triển khai thí điểm người dân đánh giá công chức làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (qua tương tác với màn hình cảm ứng) tại các cơ quan: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng; UBND thành phố Tam Kỳ, Hội An và UBND thị xã Điện Bàn trong năm 2016.

Xúc tiến thành lập Trung tâm hành chính công hoặc Trung tâm dịch vụ công cấp tỉnh, cấp huyện trên cơ sở học tập kinh nghiệm của các tỉnh, thành phố đã làm và vận dụng phù hợp với điều kiện, tình hình của tỉnh; thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo nguyên tắc “Công khai – minh bạch – chất lượng – đúng hẹn”, “tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt tại chỗ”. Từng bước nâng dần tỷ lệ các thủ tục hành chính được tiếp nhận và giải quyết trong ngày, trong một buổi hoặc giải quyết ngay. Thực hiện nghiêm túc việc hẹn và trả kết quả một lần, đúng cam kết, không yêu cầu bổ sung hồ sơ nhiều lần.

3.4- Tiếp tục cải cách chế độ công vụ, công chức

Tập trung giáo dục, xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp có phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm và tận tụy phục vụ nhân dân; nâng cao hơn nữa đạo đức công vụ. Thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp chịu trách nhiệm kiểm tra, thanh tra việc thực hiện công vụ và chịu trách nhiệm về những vi phạm trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức thuộc phạm vi mình quản lý. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; lấy kết quả việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính nhà nước làm cơ sở để đánh giá trách nhiệm chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và đánh giá thi đua, xếp loại hằng năm của cán bộ, công chức, viên chức.

Xây dựng Đề án quy định chế độ sát hạch bắt buộc 02 năm một lần đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý và công chức, viên chức chuyên môn, nghiệp vụ. Trong năm 2016, triển khai thí điểm đánh giá công chức theo mô hình đánh giá kết quả làm việc tại các cơ quan hành chính thuộc tỉnh trên phần mềm máy tính tại một số đơn vị, địa phương và nhân rộng mô hình trong năm 2017.

Thực hiện nghiêm túc việc tuyển dụng, bố trí nhân sự theo danh mục vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, viên chức trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp; xây dựng tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp để làm căn cứ tuyển dụng và bổ nhiệm, sử dụng cán bộ, công chức; tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị và Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, ngày 20-11-2014 của Chính phủ.

Nghiên cứu, xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Đổi mới nội dung chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo hướng tích cực, hiện đại; chú trọng bồi dưỡng kỹ năng theo chức danh, vị trí việc làm. Gắn kết chính sách đào tạo, bồi dưỡng với công tác quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ… Không xem xét, đề xuất việc quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý nếu bị cơ quan có thẩm quyền quyết định kỷ luật do không thực hiện nghiêm nhiệm vụ cải cách hành chính nhà nước đối với nhiệm vụ, công việc được giao.

Xây dựng quy tắc ứng xử trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và giữa cán bộ, công chức, viên chức với nhân dân, quy định chế tài xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức, viên chức sa sút về phẩm chất đạo đức, thiếu trách nhiệm, sách nhiễu, phiền hà doanh nghiệp và nhân dân.

   3.5- Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước

   Tiếp tục rà soát, kiện toàn tổ chức các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, phân định cụ thể chức năng, phạm vi quản lý của các ngành và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý; quy chế hóa các mối quan hệ phối hợp công tác, quản lý liên ngành, lĩnh vực. Đẩy mạnh việc phân cấp, ủy quyền gắn liền với chế độ trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, công vụ được phân cấp, ủy quyền.

   Thực hiện sắp xếp, chuyển đổi mô hình tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập để giảm đầu mối và phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh, đặc biệt là các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các lĩnh vực: y tế, giáo dục – đào tạo, văn hóa – thể thao và du lịch, nông nghiệp và phát triển nông thôn, khoa học và công nghệ, sự nghiệp kinh tế.

   3.6– Cải cách tài chính công

   Phát huy vai trò của Hội đồng nhân dân các cấp trong việc quyết định và giám sát việc thu – chi ngân sách. Nâng cao tính minh bạch, dân chủ và công khai trong quản lý ngân sách.

   Tích cực, chủ động vận dụng sáng tạo mô hình “Lãnh đạo công – quản trị tư”, “Đầu tư công – quản lý tư” và “Đầu tư tư – sử dụng công” trong đầu tư và quản lý, khai thác sử dụng một số công trình, dự án trên một số lĩnh vực.

   Đổi mới cơ chế hoạt động, nhất là cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp công, các cơ sở giáo dục và đào tạo, y tế công lập theo hướng tự chủ, minh bạch.

3.7- Hiện đại hóa nền hành chính

Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết để đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa nền hành chính, đặc biệt cho thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, một cửa liên thông hiện đại và ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý hành chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành tập trung thống nhất của cơ quan hành chính các cấp.

   Triển khai xây dựng chính quyền điện tử theo Nghị quyết số 30a/NQ-CP ngày 14-10-2015 của Chính phủ và Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26-10-2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2020.

   Xây dựng mô hình điểm về cải cách hành chính của tỉnh và áp dụng mô hình “cơ quan điện tử” tại thành phố Tam Kỳ, thành phố Hội An và thị xã Điện Bàn.

   3.8- Đẩy mạnh cải cách hành chính trong các cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội theo tinh thần Kết luận Hội nghị Trung ương 7 khoá XI “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở” và Kết luận số 82-KL/TW, ngày 16-8-2010 của Bộ Chính trị về cải cách thủ tục hành chính trong Đảng

   Tiến hành đổi mới, nâng cao chất lượng việc ban hành các văn bản chỉ đạo của các cấp ủy đảng (nghị quyết, chỉ thị…); triển khai rà soát quy trình ban hành văn bản thuộc thẩm quyền; thường xuyên hệ thống hoá, rà soát văn bản để kịp thời phát hiện và kiến nghị cấp có thẩm quyền bãi bỏ, sửa đổi hoặc bổ sung ban hành mới thay thế những văn bản không phù hợp với thực tiễn và quy định của các cơ quan cấp trên.

   Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội, đảm bảo nguyên tắc Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức, biên chế các phòng, ban, đơn vị các cơ quan trực thuộc Tỉnh ủy, các huyện, thị, thành ủy theo hướng tăng cường năng lực cho các cơ quan tham mưu, tăng tính tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp. Rà soát, kiện toàn, củng cố đầu mối các tổ chức đảng trong hệ thống chính trị.

   Tiếp tục thực hiện việc luân chuyển cán bộ hợp lý giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị, bảo đảm cân đối cơ cấu cán bộ và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực của tỉnh. Nghiên cứu, khảo sát tổ chức, bộ máy các cơ quan trong hệ thống chính trị, đề xuất với các bộ, ngành Trung ương củng cố, kiện toàn các cơ quan trong hệ thống chính trị, tăng cường phân cấp công tác tổ chức, cán bộ cho cơ sở.

   Thực hiện tốt việc ứng dụng phần mềm Lotus Notes 8.5 tại cơ quan đảng, các tổ chức đảng trực thuộc. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị – xã hội các cấp theo tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 01-7-2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội tiếp tục tăng cường tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, khắc phục tình trạng hành chính hóa, phát huy vai trò nòng cốt tập hợp, đoàn kết nhân dân xây dựng cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; thực hiện dân chủ, giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Đổi mới khâu ban hành, học tập, quán triệt, triển khai, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, tổ chức cấp trên, cấp mình và các tổ chức trực thuộc.

Hình thành hệ thống tổ chức triển khai, theo dõi công tác cải cách hành chính trong các cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội.

3.9- Tăng cường công tác tuyên truyền cải cách hành chính; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể, xã hội và nhân dân tham gia giám sát, kiểm tra và thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính

Các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Nhà nước về cải cách hành chính; kịp thời phát hiện, phổ biến, nhân rộng các điển hình tiên tiến, biểu dương những tập thể, cá nhân làm tốt và phê phán, chỉ rõ những nơi có tiêu cực, thái độ, tác phong làm việc quan liêu, hách dịch, nhũng nhiễu… để tất cả cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và nhân dân nhận thức đúng về cải cách hành chính và thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các quy định về mở rộng dân chủ, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội, tổ chức, doanh nghiệp và công dân tham gia vào thực hiện cải cách hành chính.

Xem thêm : 

Tài liệu ôn tập môn Kiến thức chung kỳ thi công chức kì thi 2020- Chuyên đề 1 : Khái quát chung

Tài liệu ôn tập môn Kiến thức chung kỳ thi công chức kì thi 2020- Chuyên đề 1 : Cơ cấu tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị nước ta hiện nay

Tài liệu ôn tập môn Kiến thức chung kỳ thi công chức kì thi 2020- Chuyên đề 1 : Thành tựu, hạn chế trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thời gian qua 

Tài liệu ôn tập môn Kiến thức chung kỳ thi công chức kì thi 2020- Chuyên đề 1 : Quan điểm, mục tiêu và giải pháp tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả

Tài liệu ôn tập môn Kiến thức chung kỳ thi công chức kì thi 2020- Chuyên đề 2 : Nhận thức chung về nền hành chính

Tài liệu ôn tập môn Kiến thức chung kỳ thi công chức kì thi 2020- Chuyên đề 2 : Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của nền hành chính nhà nước

Tài liệu ôn tập môn Kiến thức chung kỳ thi công chức kì thi 2020- Chuyên đề 2 : Cải cách nền hành chính nhà nước

Like share và ủng hộ chúng mình nhé: