Tài liệu ôn tập môn Kiến thức chung kỳ thi công chức kì thi 2020- Chuyên đề 3: Những tồn tại, hạn chế và định hướng hoàn thiện trong thời gian tới
Những tồn tại, hạn chế
1.1. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm tạo điều kiện cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật mới về công vụ, công chức, tuy nhiên cho đến nay hệ thống thể chế công vụ vẫn chưa đầy đủ, chưa tạo cơ sở pháp lý hoàn chỉnh cho hoạt động thực thi công vụ của công chức. Luật Cán bộ, công chức quy định về nghĩa vụ nhưng chưa quy định về quyền hạn, trách nhiệm của công chức là người đứng đầu; về “chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ” hiện nay có nhiều điểm không còn phù hợp nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung. Đối với các công chức không hoàn thành nhiệm vụ hoặc hoàn thành hạn chế về kết quả theo quy định tại Khoản 3 Điều 29 Luật Cán bộ, công chức cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục áp dụng miễn nhiệm, cho thôi việc, bố trí công tác khác. Văn hóa giao tiếp của công chức theo Luật Cán bộ, công chức chưa được triển khai đầy đủ và có hiệu quả trong hoạt động công vụ. Trách nhiệm giải trình của công chức chưa thực sự trở thành chế độ pháp lý để quản lý hiệu quả công vụ.
1.2. Chất lượng công tác tuyển dụng đối với công chức và thi nâng ngạch công chức còn hạn chế, chưa chú trọng đến năng lực thực thi công vụ. Từ đó, vẫn còn tồn tại tình trạng “thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu” – thừa những người không làm được việc, thiếu những người làm được việc.
1.3. Chế độ báo cáo thống kê về công tác quản lý công chức chưa được đưa vào nề nếp. Cơ sở dữ liệu quốc gia về quản lý đội ngũ cán bộ, công chức chưa được xây dựng và duy trì. Do đó, công tác dự báo về công vụ, công chức còn bị động và nhiều lúng túng.
1.4. Việc ứng dụng công nghệ tin học vào quản lý công chức còn nhiều hạn chế (thi tuyển, thi nâng ngạch, báo cáo thống kê, duy trì cơ sở dữ liệu…).
1.5. Việc xây dựng, tuyển chọn đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý cấp phòng, cấp vụ còn chậm được đổi mới. Chính sách thu hút, phát hiện, tiến cử, trọng dụng và đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ chưa được quy định, hướng dẫn cụ thể.
1.6. Chưa có các biện pháp, giải pháp đảm bảo một cách chắc chắn và bền vững, ổn định nhằm đáp ứng được yêu cầu về tính hệ thống, tính thống nhất trong thi hành công vụ giữa các cấp, cơ quan, tổ chức và các công chức thuộc hệ thống hành chính, còn biểu hiện phân tán, cục bộ, thiếu thông suốt.
1.7. Việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng chưa được tiến hành thường xuyên, do đó, tình trạng thiếu tinh thần trách nhiệm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ để trục lợi của một bộ phận cán bộ, công chức vẫn chưa được khắc phục. Tính công khai, minh bạch của hoạt động công vụ chưa thực hiện một cách đầy đủ, còn biểu hiện hình thức ở một số cơ quan trong bộ máy nhà nước.
1.8. Các biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ, quyền của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ còn rất hạn chế, một số quy định còn chồng chéo, dẫn đến khó khăn, lúng túng trong việc xác định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức với trách nhiệm của công chức trong thi hành công vụ. Các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền hạn, trách nhiệm còn hạn chế, chưa nâng cao được tính hiệu quả của hoạt động công vụ.
1.9. Quy định về số lượng, chức danh, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã (kể cả cán bộ không chuyên trách) còn nhiều bất cập, nhiều nội dung phân cấp quản lý công chức cho địa phương nhưng thiếu sự quản lý thống nhất của Trung ương cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tế hiện nay.
1.10. Điều kiện thực thi công vụ tuy đã được cải thiện nhưng chưa đáp ứng được với yêu cầu đặt ra: trụ sở, nhà công vụ, trang thiết bị làm việc vẫn còn thiếu thốn, nhất là đối với cấp huyện, cấp xã và các địa phương thuộc miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Tóm lại, đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức thực chất là một nội dung của cải cách hành chính nhà nước. Đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cần tập trung triển khai quyết liệt. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, lãnh đạo các cấp, các ngành, địa phương còn chưa quan tâm đúng mức đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ này. Việc hướng dẫn thực hiện Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức còn chưa đồng bộ, ví dụ như: Chính phủ đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Cán bộ, công chức đối với công chức, nhưng đối với cán bộ, đến nay chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Cán bộ, công chức đối với đối tượng này, đặc biệt là quy định liên quan đến trình tự, thủ tục kỷ luật đối với cán bộ… Một số nội dung đổi mới của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức do lần đầu tiên được thực hiện ở nước ta, trong quá trình triển khai còn có nhiều ý kiến khác nhau nên chậm được tổ chức thực hiện, như việc xác định vị trí việc làm, thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, thực hiện ký hợp đồng làm việc đối với viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập…
Nhiều Bộ, ngành, địa phương còn chưa chủ động, tích cực trong việc tổ chức triển khai một số nội dung, chủ trương đổi mới để đẩy mạnh chế độ công vụ, công chức tại Bộ, ngành, địa phương mình, như việc tổ chức thi tuyển bằng phần mềm trên máy tính; triển khai xác định vị trí việc làm và cơ cấu công chức, viên chức; xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn chức danh ngạch công chức; tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của viên chức …
Hiện nay, việc tuyển dụng công chức, viên chức được phân cấp cho các Bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, có địa phương còn thực hiện chưa nghiêm quy định của pháp luật về công tác tuyển dụng, như phân biệt văn bằng, chứng chỉ và loại hình đào tạo trong tuyển dụng, chất lượng tuyển dụng chưa được bảo đảm. Bộ Nội vụ đã có văn bản nhắc nhở các Bộ, ngành, địa phương, yêu cầu thực hiện đúng quy định để tránh gây nên nhiều bức xúc trong dư luận xã hội.
Định hướng hoàn thiện trong thời gian tới
2.1. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý cán bộ, công chức, viên chức
Để tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý cán bộ, công chức, viên chức, trong thời gian tới, Bộ Nội vụ và các các cơ quan có liên quan cần xây dựng, trình Chính phủ ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn những nội dung quan trọng trong hệ thống thể chế quản lý công chức, viên chức, đó là: Nghị định về chính sách phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ công chức có tài năng trong hoạt động công vụ; Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, trong đó tập trung vào việc đổi mới nội dung, hình thức thi tuyển, thi nâng ngạch công chức để bảo đảm nguyên tắc khách quan, công bằng, chất lượng, thực tài; Bộ Nội vụ xây dựng, ban hành Thông tư hướng dẫn về trình tự, thủ tục đánh giá công chức theo hướng làm rõ thẩm quyền trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác đánh giá và việc đánh giá công chức phải gắn với vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh công chức và kết quả thực hiện nhiệm vụ; phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng văn bản quy định chi tiết việc quản lý cán bộ theo quy định của Luật Cán bộ, công chức để trình Chính phủ xem xét, ban hành. Nghiên cứu, thí điểm thực hiện chế độ công chức hợp đồng, bảo đảm linh hoạt trong hoạt động công vụ khi thực hiện các công việc đột xuất, mang tính thời vụ; Đổi mới phương thức tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp phòng theo hướng bảo đảm tuyển chọn được người có đức, có tài trong hoạt động công vụ, bảo đảm nguyên tắc Đảng lãnh đạo công tác cán bộ.
2.2. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nội dung quản lý nhà nước về xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức
Trên cơ sở các quyết định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt danh mục vị trí việc làm và cơ cấu công chức của tất cả các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và sắp tới là các quyết định phê duyệt danh mục vị trí việc làm và cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương theo tinh thần Nghị quyết số 89/NQ-CP ngày 10/10/2016 về phiên họp thường kỳ tháng 9/2016 của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương tiến hành xây dựng các bản mô tả công việc và khung năng lực cho từng vị trí việc làm đã được phê duyệt. Đó sẽ là cơ sở quan trọng cho việc thực hiện tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ công chức, viên chức ở tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở trong những năm tới.
2.3. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, chức danh ngạch công chức, hệ thống tiêu chuẩn, chức danh nghề nghiệp viên chức
Các cơ quan có thẩm quyền cần khẩn trương triển khai việc rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các quy định về tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức, cụ thể là các bộ quản lý ngạch công chức chuyên ngành (Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Chính phủ) chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát, đánh giá hệ thống tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức thuộc ngành, lĩnh vực quản lý và nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Các bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành (Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng) đã ban hành nhiều văn bản quy định tiêu chuẩn chức danh công chức, viên chức và đang tiếp tục khẩn trương ban hành các tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức còn lại thuộc ngành, lĩnh vực quản lý và quyết định ban hành theo thẩm quyền sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Nội vụ.
2.4. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng công chức
Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện phần mềm thi tuyển công chức trên máy vi tính, nâng cao chất lượng tuyển dụng công chức, bảo đảm thực hiện nguyên tắc khách quan, công bằng trong tuyển dụng công chức, nhằm lựa chọn được người có đủ năng lực, phẩm chất để tuyển dụng vào đội ngũ công chức. Thông qua kinh nghiệm thực hiện tại Bộ Nội vụ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để rút kinh nghiệm và tiếp tục nhân rộng việc áp dụng hình thức thi tuyển qua phần mềm trên máy vi tính tại các bộ, ngành, địa phương. Các bộ, ngành, địa phương chủ động phối hợp với Bộ Nội vụ trong việc thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác thi tuyển công chức. Bảo đảm mục tiêu đến năm 2015, 100% các cơ quan ở Trung ương và 70% các cơ quan ở địa phương thực hiện ứng dụng công nghệ tin học vào thi tuyển công chức. Theo quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, cần tập trung hướng dẫn và theo dõi, giám sát việc ứng dụng công nghệ tin học vào tổ chức thi tuyển, thi nâng ngạch công chức.
Hoàn thiện pháp luật về tuyển dụng công chức theo hướng: sửa đổi các điều kiện đăng ký dự tuyển công chức, bổ sung quy định về việc cơ quan quản lý công chức không phân biệt loại hình đào tạo và văn bằng, chứng chỉ (chính quy, tại chức, liên thông, chuyên tu, đào tạo từ xa, theo niên hạn hoặc theo tín chỉ), không phân biệt trường công lập và trường ngoài công lập khi quy định và thông báo các điều kiện đăng ký dự tuyển công chức.
Về phiếu đăng ký dự tuyển công chức, cần sửa quy định người đăng ký dự tuyển công chức không phải nộp hồ sơ đăng ký như hiện nay mà thay bằng Phiếu đăng ký dự tuyển và có thể nộp trực tiếp tại trụ sở cơ quan tuyển dụng, qua mạng Internet hoặc gửi theo đường bưu chính. Người đăng ký dự tuyển phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin khai trong Phiếu đăng ký dự tuyển. Nếu trúng tuyển, người trúng tuyển mới phải đến cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức để xuất trình bản sao các văn bằng, chứng chỉ, kết quả học tập, đối tượng ưu tiên theo yêu cầu của vị trí tuyển dụng để hoàn thiện hồ sơ dự tuyển theo quy định. Trường hợp người tham gia dự tuyển có hành vi gian lận trong việc kê khai phiếu đăng ký dự tuyển, cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng hủy bỏ kết quả tuyển dụng, đồng thời thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị (nếu có) và không tiếp nhận phiếu đăng ký dự tuyển trong kỳ tuyển dụng tiếp theo.
Về ưu tiên trong tuyển dụng công chức: cần sửa theo hướng không quy định việc cộng điểm ưu tiên trong thi tuyển hoặc xét tuyển công chức (thực hiện tương tự như quy định tại Nghị định số 29/2012/NĐ-CP về thi tuyển, xét tuyển viên chức). Theo đó, Nghị định chỉ quy định thứ tự ưu tiên khi có từ 02 người trở lên có điểm bằng nhau ở chỉ tiêu cần tuyển dụng.
Về nội dung và hình thức thi tuyển công chức, cần đổi mới phương thức tổ chức thi tuyển công chức được thực hiện theo 2 vòng như sau: vòng 1 – thi trắc nghiệm (để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức thi trên máy tính hoặc tổ chức chấm trên máy); vòng 2 – thi môn nghiệp vụ chuyên ngành (thi phỏng vấn hoặc thi viết). Đổi mới phương thức tổ chức thi tuyển như trên thì việc xác định người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức là người có điểm thi vòng 2 (môn nghiệp vụ chuyên ngành) đạt từ 50 điểm trở lên, lấy theo thứ tự từ cao xuống thấp trong phạm vi chỉ tiêu tuyển dụng của từng vị trí việc làm. Trường hợp có từ 2 người trở lên có điểm thi tại vòng 2 bằng nhau thì xét theo thứ tự ưu tiên theo quy định. Nếu vẫn không xác định được người trúng tuyển thì người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định người trúng tuyển.
Về nội dung và hình thức xét tuyển công chức: tương tự như việc đổi mới thi tuyển công chức, đổi mới việc xét tuyển công chức theo 2 vòng: vòng 1 -Kiểm tra điều kiện, tiêu chuẩn của người dự tuyển tại phiếu đăng ký dự tuyển, nếu phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng thì người dự tuyển được dự thi vòng 2; vòng 2 – Phỏng vấn về trình độ chuyên môn của người dự tuyển. Điểm phỏng vấn được tính theo thang điểm 100. Người trúng tuyển trong kỳ thi xét công chức phải có điểm phỏng vấn tại vòng 2 đạt từ 50 điểm trở lên, lấy theo thứ tự từ cao xuống thấp trong phạm vi chỉ tiêu tuyển dụng của từng vị trí việc làm. Trường hợp có từ 2 người trở lên có điểm thi tại vòng 2 bằng nhau thì xét theo thứ tự ưu tiên theo quy định. Nếu vẫn không xác định được người trúng tuyển thì người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định người trúng tuyển.
2.5. Đẩy mạnh việc đưa chế độ báo cáo thống kê vào nề nếp và xây dựng, duy trì cơ sở dữ liệu đội ngũ công chức
Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm chế độ báo cáo thống kê về công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Chính phủ chỉ đạo thống nhất việc xây dựng và đưa vào sử dụng thống nhất phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý cán bộ, công chức, viên chức và các ứng dụng, các tài liệu thiết kế, mô tả kỹ thuật, quy trình quản lý kỹ thuật, tài liệu hướng dẫn sử dụng trong các cơ quan quản lý cán bộ, công chức. Lưu giữ đầy đủ và thường xuyên cập nhật các thông tin hồ sơ đội ngũ cán bộ, công chức; hình thành hệ thống thông tin quản lý cán bộ, công chức trên phạm vi toàn quốc.
2.6. Tiếp tục thực hiện chính sách tinh giản biên chế
Các bộ, ngành, địa phương rà soát, thực hiện nghiêm túc quy định của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế; kiên quyết thực hiện chính sách tinh giản biên chế gắn với công tác đánh giá để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; thực hiện nguyên tắc số công chức được tuyển dụng mới vào công vụ không quá 50% số công chức đã ra khỏi biên chế; 50% số biên chế còn lại để bổ sung cho những lĩnh vực cần tăng hoặc tổ chức được giao nhiệm vụ mới.
Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ về Chính sách tinh giản biên chế. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng thể hiện rõ tại Điều 1 và Điều 2. “Tinh giản biên chế” trong Nghị định, này được hiểu là việc đánh giá, phân loại, đưa ra khỏi biên chế những người dôi dư, không đáp ứng yêu cầu công việc, không thể tiếp tục bố trí sắp xếp công tác khác và giải quyết chế độ, chính sách đối với những người thuộc diện tinh giản biên chế[1].
2.7. Nâng cao chế độ kỷ luật, trật tự kỷ cương hành chính và phát huy tinh thần trách nhiệm trong hoạt động công vụ
Các bộ, ngành, địa phương cần nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực trong công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức và thi đua khen thưởng. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần ban hành văn bản yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý nâng cao chế độ kỷ luật trong hoạt động công vụ, duy trì trật tự kỷ cương và phát huy tinh thần trách nhiệm của công chức trong hoạt động công vụ; đề cao trách nhiệm và thẩm quyền của người đứng đầu trong hoạt động công vụ; quy định chế độ trách nhiệm gắn với chế độ khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức trong hoạt động công vụ; xây dựng đội ngũ công chức thanh tra nội vụ đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính./.
[1] Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ về Chính sách tinh giản biên chế.Xem thêm :
Tài liệu ôn tập môn Kiến thức chung kỳ thi công chức kì thi 2020- Chuyên đề 1 : Khái quát chung
Tài liệu ôn tập môn Kiến thức chung kỳ thi công chức kì thi 2020- 180 câu trắc nghiệm
Bài viết khác cùng mục: