Tài liệu ôn tập môn nghiệp vụ chuyên ngành đối với người dự thi vào cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – Chuyên đề 1 : Kết quả đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của mặt trận tổ quốc việt nam và các tổ chức chính trị-xã hội những năm qua
Những kết quả đạt được và nguyên nhân
a) Những kết quả đạt được
Thực hiện công cuộc Đổi mới hơn 30 năm qua, Đảng ta luôn đề cao vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội. Nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội từ Trung ương đến địa phương, cơ sở đã có những đổi mới và đạt được những kết quả quan trọng, cụ thể như sau:
– Công tác vận động, tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được tăng cường, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện; tình hình chính trị-xã hội ổn định; vị thế của nước ta không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế.
– Phát huy và thực hiện tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân. Tinh thần năng động, sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội đã góp phần hình thành phong trào rộng lớn và đa dạng của các tầng lớp nhân dân. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội đã đề xuất nhiều chủ trương, chính sách với Đảng, Nhà nước liên quan tới lợi ích chính đáng, hợp pháp của các tầng lớp nhân dân.
– Đảng tăng cường lãnh đạo, cùng với sự phối hợp kiểm tra, giám sát của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị, tập thể và cá nhân cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về trách nhiệm đối với công việc và thái độ phục vụ nhân dân. Nhà nước đã ban hành Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên, Luật Bình đẳng giới, Pháp lệnh Cựu chiến binh, tạo điều kiện để Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền và nghĩa vụ của đoàn viên, hội viên.
– Những đổi mới trong nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội đã đóng góp tích cực vào thành tựu chung của đất nước, góp phần làm sáng tỏ thêm về lý luận và sự đòi hỏi phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị ở nước ta.
b) Nguyên nhân
– Đảng có đường lối đúng đắn về đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ mới và ngày càng nhận thức rõ hơn vai trò, vị trí và sự cần thiết phải đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội trong việc vận động, tập hợp quần chúng thực hiện nhiệm vụ phát triển đất nước. Đảng ta vừa giữ vững vai trò lãnh đạo của mình, vừa tôn trọng tính độc lập, sáng tạo trong hoạt động thực tiễn của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, phát huy dân chủ để tìm tòi, đổi mới hình thức vận động, tập hợp quần chúng phù hợp với điều kiện, tình hình mới.
– Có sự phối hợp hoạt động chặt chẽ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức thành viên và giữa Mặt trận Tổ quốc với chính quyền được thực hiện thường xuyên, nền nếp và mở rộng trên nhiều lĩnh vực, đã tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc phát huy tốt hơn vai trò nòng cốt trong việc tập hợp các lực lượng trong khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị-xã hội, củng cố nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường sức mạnh của hệ thống chính trị nước ta.
– Phân công và giới thiệu cán bộ của Đảng để Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội bầu giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt trong các tổ chức của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; phát huy được vai trò chủ động tham mưu và hoạt động tích cực trong phong trào thi đua yêu nước của quần chúng nhân dân.
Những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân
a) Những hạn chế, yếu kém
– Một số nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chưa phù hợp với cơ chế mới, thiếu tính cụ thể, chưa đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của đoàn viên, hội viên. Công tác tuyên truyền, vận động chưa có sức hấp dẫn đối với nhiều đối tượng trong xã hội; chưa thật sự bám sát các chức năng chính yếu của mình, còn thiên về các hoạt động mang tính hình thức, dàn trải, hiệu quả thấp.
– Công tác xây dựng và phát triển tổ chức của các đoàn thể còn nhiều hạn chế, nhất là khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo; vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có đạo. Mặt trận và các đoàn thể chưa nắm chắc tâm tư, nguyện vọng và những bức xúc của quần chúng nhân dân; tình hình khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện đông người vẫn còn diễn ra phức tạp ở nhiều nơi. Tình trạng công nhân lao động đình công không đúng với quy định của pháp luật trong các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn còn xẩy ra; việc thành lập tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp ngoài quốc doanh còn rất hạn chế. Tình trạng hành chính hoá, bệnh thành tích trong hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi, chậm được khắc phục.
– Chế độ hiệp thương dân chủ trong hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chưa được nghiên cứu, cụ thể hoá để thực hiện thường xuyên, nền nếp; nguyên tắc đồng thuận xã hội chưa được thực hiện khéo léo, nhuần nhuyễn. Công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc với các đoàn thể và giữa các đoàn thể với nhau chưa thật chặt chẽ, thiếu đồng bộ; chưa tạo được sức mạnh tổng hợp. Vai trò là trung tâm, phối hợp hành động của Mặt trận Tổ quốc với các tổ chức chính trị – xã hội và các tổ chức thành viên chưa được thể hiện rõ, đồng bộ. Một số tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoạt động còn hạn chế, chưa phát huy được vai trò, vị trí của mình trong các hoạt động xã hội để tập hợp đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân.
– Thực hiện quyền giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội đối với các hoạt động của chính quyền nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức còn hạn chế. Công tác giám sát, tham gia xây dựng luật pháp, chính sách và giáo dục pháp luật, đạo đức lối sống cho đoàn viên, hội viên chưa đáp ứng yêu cầu, chưa theo kịp với sự chuyển biến của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế.
– Chế độ, chính sách và điều kiện, kinh phí hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội còn nhiều khó khăn, nhất là ở cấp cơ sở, vùng cao, vùng sâu, miền núi, biên giới, hải đảo. Tình trạng phổ biến và kéo dài việc khoán kinh phí gắn liền với biên chế không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đặc điểm hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội trong công tác vận động quần chúng chậm được sửa đổi.
b) Nguyên nhân
– Sự quan tâm lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, sự chủ động phối hợp và tạo điều kiện của chính quyền các cấp để Mặt trận Tổ quốc Việt nam và các tổ chức chính trị-xã hội hoạt động có hiệu quả còn hạn chế. Một số cấp ủy đảng chưa quan tâm lãnh đạo đầy đủ đến đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và quy chế phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận và các đoàn thể chính trị – xã hội trong các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, địa phương, cơ sở.
– Một số chính sách của Nhà nước ban hành chưa đồng bộ, hướng dẫn chưa kịp thời, tác động không thuận tới sản xuất, kinh doanh và đời sống, làm cho đoàn viên, hội viên và nhân dân bất bình, ảnh hưởng đến công tác vận động quần chúng.
– Việc đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị nói chung và nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội nói riêng, trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế là vấn đề mới mẻ, đòi hỏi phải tìm tòi, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, do đó nhận thức còn khác nhau, chưa có được những giải pháp phù hợp.
– Chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong hoạt động của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp ở một số phong trào, cuộc vận động lớn, cho nên có sự trùng lắp, chồng chéo, hiệu quả thấp. Còn nhiều cơ quan chính quyền nhà nước, cán bộ, công chức coi Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội như một tổ chức phụ thuộc và thiếu sự phối hợp trong tổ chức hoạt động phong trào quần chúng.
– Tổ chức bộ máy, cán bộ của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội còn nhiều bất cập. Chưa có cơ chế, chính sách phù hợp để phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng, trọng dụng người có đức, có tài, có phẩm chất và năng lực, có uy tín để làm công tác vận động quần chúng. Trình độ, năng lực, kỹ năng vận động, tập hợp quần chúng của đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị – xã hội còn nhiều hạn chế, nhất là ở cơ sở. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể ở các trường Trung ương còn nhiều hạn chế; nội dung, chương trình giảng dạy chưa gắn được giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học và thực tiễn phong trào cách mạng của quần chúng. Việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và chính sách đối với cán bộ của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội còn nhiều hạn chế.
Xem thêm :
Tài liệu ôn tập môn Kiến thức chung kỳ thi công chức kì thi 2020- Chuyên đề 1 : Khái quát chung
Tài liệu ôn tập môn Kiến thức chung kỳ thi công chức kì thi 2020- 180 câu trắc nghiệm
Bài viết khác cùng mục: