Tài liệu ôn tập môn nghiệp vụ chuyên ngành đối với người dự thi vào cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – Chuyên đề 1 : Quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của mặt trận tổ quốc việt nam và các tổ chức chính trị – xã hội trong thời kỳ mới
Quan điểm
1.1. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và tiếp tục mở rộng dân chủ, phát huy tiềm năng sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
1.2. Hướng mạnh về cơ sở, tập trung cho cơ sở; chăm lo nhu cầu, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân. Nâng cao tính tự giác và gắn bó của quần chúng với việc xây dựng tổ chức Mặt trận và các tổ chức chính trị – xã hội vững mạnh, tiến hành có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước.
1.3. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội là công việc thường xuyên, đòi hỏi sự chủ động, sáng tạo của mỗi tổ chức, mỗi cấp, phù hợp với trình độ dân trí và đặc điểm địa phương, cơ sở. Xây dựng mối quan hệ gắn bó, chặt chẽ trong phối hợp hành động giữa Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội, tạo thành phong trào quần chúng rộng lớn của các tầng lớp nhân dân, có nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, thiết thực, hiệu quả.
1.4. Kiện toàn tổ chức bộ máy và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội vững mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới, phát triển đất nước bền vững và hội nhập quốc tế.
Mục tiêu
2.1. Tạo sự chuyển biến thực sự, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong công tác tập hợp, vận động các tầng lớp nhân dân, thực hiện phong trào thi đua yêu nước; hướng mạnh về cơ sở, sát với dân, nắm được dân, hiểu được dân, phục vụ dân, được dân tin cậy; khắc phục bằng được tình trạng hành chính hoá, phô trương, hình thức, bệnh thành tích trong hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội.
2.2. Mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy vai trò đoàn kết, tập hợp quần chúng của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức, tăng cường sự đồng thuận xã hội và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thắt chặt mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; động viên các tầng lớp nhân dân thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Nhiệm vụ và giải pháp
3.1. Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân nhận thức đầy đủ, đúng đắn về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội
– Đổi mới mạnh mẽ hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục đoàn viên, hội viên về trách nhiệm xây dựng Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể vững mạnh; về ý thức, năng lực làm chủ, chủ nghĩa yêu nước, truyền thống cách mạng của dân tộc, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao nhận thức về quyền và nghĩa vụ công dân, sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
– Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, văn hoá, nghề nghiệp, chính sách, pháp luật xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc cho đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân. Giác ngộ, tập hợp quần chúng vào tổ chức và tự nguyện hoạt động vì tổ chức đoàn thể; động viên, cổ vũ những nhân tố tích cực, phê phán các nhận thức và việc làm tiêu cực có hại đến tổ chức và lợi ích của mỗi đoàn thể, đoàn viên, hội viên. Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy BCHTW Đảng (khóa XI) nhấn mạnh: “Coi trọng giáo dục chính trị tư tưởng, bồi dưỡng cho thanh niên, thiếu niên trở thành những người kế tục xứng đáng sự nghiệp cách mạng của Đảng’’.
– Kịp thời tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về tổ chức, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các giai tầng xã hội trong điều kiện thực hiện nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Củng cố liên minh giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, làm cơ sở xã hội cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
– Xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ và giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và vai trò làm chủ của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội trong cơ chế chính trị nước ta, thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, giữ vững ổn định chính trị, nâng cao đời sống nhân dân.
– Đảng và Nhà nước thực sự tạo cơ chế, điều kiện để Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình; uốn nắn kịp thời những biểu hiện lệch lạc, xa rời tôn chỉ, mục đích trong nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể.
3.2. Nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; chăm lo và bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân
– Phát huy tiềm năng sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, đoàn viên, hội viên, tập trung đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, làm cho đất nước phát triển bền vững.
– Xây dựng và nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, với hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với đặc điểm đối tượng vận động theo phương châm không bỏ sót đối tượng, ở đâu có quần chúng, ở đó có công tác vận động và quần chúng được tổ chức, lãnh đạo thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội. Cổ vũ, động viên kịp thời những cách làm hay, sáng tạo và có hình thức tôn vinh đối với các tập thể, cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp, doanh nhân có những cống hiến, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp phát triển của đất nước.
– Tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm để có kế hoạch phối hợp, lồng ghép các mục tiêu và nội dung hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, tránh chồng chéo và có phân công rõ trách nhiệm để Mặt trận Tổ quốc giữ vai trò chủ trì, các đoàn thể thành viên giữ vai trò phối hợp.
– Chủ động phát hiện, xây dựng các mô hình phù hợp để tập hợp các đối tượng quần chúng như: mô hình chuyển giao khoa học, kỹ thuật; xây dựng mô hình VAC, VACR, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tín chấp ngân hàng để vay vốn phát triển sản xuất. Thành lập các câu lạc bộ theo sở thích, nghề nghiệp, diễn đàn sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao,… đáp ứng nhu cầu chính đáng về nghề nghiệp và đời sống của đoàn viên, hội viên và nhân dân.
– Mặt trận Tổ quốc Việt nam và các tổ chức chính trị-xã hội chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin, tuyên truyền của Đảng và Nhà nước để tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội, phản ánh, nắm bắt tư tưởng và khuyến khích cách làm hay, sáng tạo của đoàn viên, hội viên và nhân dân trong các phong trào cách mạng của quần chúng.
– Chú trọng tổng kết các phong trào, các cuộc vận động, tìm ra những nhân tố mới để tham mưu, kiến nghị với Đảng, Nhà nước bổ sung, hoàn chỉnh chủ trương, chính sách về công tác vận động quần chúng; xây dựng lực lượng cốt cán, phát huy vai trò những người tiêu biểu, có uy tín trong cộng đồng, gia đình, dòng họ trong công tác vận động quần chúng.
3.3. Đa dạng hoá các hình thức tập hợp nhân dân và tập trung hướng mạnh các hoạt động về cơ sở, phù hợp với đặc điểm từng địa phương
– Thực hiện đa dạng hoá các hình thức tập hợp nhân dân. Phát triển các tổ chức quần chúng theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự trang trải, tạo môi trường và điều kiện để nhân dân phát huy sức lực, trí tuệ, sáng tạo theo nguyện vọng trên cơ sở pháp luật, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước.
– Tiếp tục thực hiện chủ trương hướng mạnh về cơ sở, tập trung cho cơ sở; nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đoàn thể, đoàn viên, hội viên; không chạy theo số lượng, tích cực xây dựng, củng cố tổ dân vận, ban công tác mặt trận, chi hội, chi đoàn thôn, ấp.. vững mạnh, thu hẹp diện yếu kém, nhất là ở các vùng nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo, các khu công nghiệp.
– Tăng cường tiếp xúc, trao đổi, toạ đàm với đoàn viên, hội viên và nhân dân, lắng nghe ý kiến, giải quyết hoặc phản ánh lên cấp trên và các cơ quan chức năng xử lý kịp thời những yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân. Giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, không để xảy ra khiếu kiện vượt cấp, đông người, không để phát sinh thành “điểm nóng”, giữ vững ổn định chính trị ở địa phương, cơ sở.
– Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội làm tham mưu và nòng cốt trong việc nắm bắt dư luận xã hội, phát huy dân chủ, năng lực, trí tuệ, ý thức trách nhiệm công dân trong thực hiện giám sát xây dựng chính quyền, xây dựng Đảng; xây dựng, củng cố và hoàn thiện các thiết chế dân chủ ở cơ sở như: Quy chế về hoạt động hoà giải, Quy chế giám sát đầu tư cộng đồng và Quy chế hoạt động thanh tra nhân dân; coi trọng và sử dụng rộng rãi hoạt động tư vấn trong công tác của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội.
3.4. Kiện toàn tổ chức bộ máy và cán bộ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội đáp ứng yêu cầu về trình độ lý luận, năng lực thực tiễn và kỹ năng công tác vận động nhân dân
– Sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể theo hướng tinh gọn ở cấp trung ương, cấp tỉnh; tổ chức hợp lý bộ máy cấp huyện; mở rộng thành phần cán bộ bán chuyên trách cho cấp xã, phường, thị trấn. Coi trọng việc kết hợp, phát huy có hiệu quả đội ngũ cán bộ: chuyên trách, bán chuyên trách và cộng tác viên. Quan tâm việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể có phẩm chất, năng lực và kỹ năng vận động quần chúng, được phát hiện từ trong phong trào quần chúng.
– Giải thể hoặc chuyển giao những tổ chức, cơ quan, đơn vị đang hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế không thuộc chức năng nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội theo quy định của pháp luật. Thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích hoạt động của từng đoàn thể trong công tác vận động quần chúng.
– Xây dựng tiêu chuẩn, chức danh, cơ chế, chính sách phù hợp đối với cán bộ dân vận, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; chú trọng bồi dưỡng, sử dụng cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ công tác ở những vùng đặc biệt khó khăn như vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc, đồng bào có đạo.
– Nâng cao trình độ kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ công tác vận động quần chúng cho cán bộ mặt trận Tổ quốc, đoàn thể ở cơ sở và thôn, ấp, làng, bản, khu phố,… nơi trực tiếp triển khai ra dân để thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ sở.
– Do đặc điểm cán bộ Đoàn thanh niên luân chuyển rất nhanh, cho nên cần quan tâm bố trí một số biên chế cán bộ nguồn (hưởng lương và chế độ từ cơ quan Trung ương Đoàn hoặc tỉnh Đoàn) để thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ chủ chốt của Đoàn thanh niên.
– Nghiên cứu, xây dựng nội dung, chương trình chuẩn, phù hợp về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của các trường, học viện đoàn thể ở Trung ương*. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy Ban lý luận và nghiệp vụ công tác dân vận của Viện Xây dựng Đảng, thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân vận, mặt trận và các đoàn thể trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế. Củng cố, tăng cường và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Khoa Dân vận đã có ở 63 trường chính trị của các tỉnh, thành phố hiện nay.
3.5. Tăng cường công tác dân vận của chính quyền các cấp
– Đổi mới nội dung, phương thức phối hợp hoạt động giữa cơ quan chính quyền nhà nước với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội. Thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở, các quy chế phối hợp, ký kết liên tịch, chương trình phối hợp công tác giữa Uỷ ban nhân dân với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội các cấp.
– Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức nhà nước về phong cách dân vận: “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”; “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, thực sự vì nhân dân, phục vụ lợi ích của nhân dân.
– Chính quyền nhà nước dựa vào Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể để phát huy quyền làm chủ và sức mạnh có tổ chức của nhân dân, tôn trọng và tạo mọi điều kiện để nhân dân thông qua đoàn thể của mình tham gia xây dựng, tuân thủ chức năng quản lý và bảo vệ chính quyền nhà nước. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể là chỗ dựa của chính quyền, từng bước phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội, giúp chính quyền nhà nước khắc phục những hạn chế, yếu kém trong quản lý nhà nước; đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí và các hiện tượng tiêu cực trong bộ máy nhà nước, đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân được thực thi trong đời sống xã hội.
– Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội, phù hợp với thực tiễn công tác vận động quần chúng. Cần nghiên cứu để hình thành cơ chế Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xây dựng “quỹ hoạt động” thông qua các chương trình, dự án, góp vốn và tiếp nhận sự ủng hộ của các tổ chức, doanh nghiệp phù hợp với chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật để chủ động trong hoạt động phong trào. Không thực hiện việc khoán kinh phí hoạt động với số lượng biên chế của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể như các cơ quan, đơn vị hành chính.
– Tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đồng bộ với các thiết chế văn hoá cơ sở phục vụ nhu cầu hoạt động học tập, vui chơi, giải trí cho thanh, thiếu nhi và sinh hoạt cộng đồng của nhân dân.
3.6. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội
– “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đổi với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, tôn trọng nguyên tắc hiệp thương dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Phát huy mạnh mẽ vai trò, hiệu lực của Nhà nước và các tổ chức chính trị-xã hội, xây dựng hệ thống chính trị hoạt động năng động, có hiệu lực và hiệu quả”[1].
– Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị về nhiệm vụ lãnh đạo, xây dựng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị-xã hội vững mạnh. Các cấp uỷ đảng tiến hành kiểm điểm sâu sắc việc tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đã ban hành về công tác Dân vận, công tác Mặt trận và các Đoàn thể.
– Nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, phát huy tính năng động, sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc và các Đoàn thể phù hợp với tôn chỉ, mục đích và tính chất chính trị-xã hội của mỗi tổ chức trong công tác tập hợp quần chúng.
– Chú trọng lãnh đạo phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các Đoàn thể trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh. Các cấp chính quyền cần thực hiện việc tiếp xúc và đối thoại trực tiếp với nhân dân, lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân; giải quyết kịp thời đơn thư, khiếu kiện, tố cáo của công dân theo quy định của pháp luật.
– Thực hiện có hiệu quả Quy chế công tác Dân vận của hệ thống chính trị. Các cấp uỷ Đảng cần thực hiện nghiêm túc việc giao ban định kỳ với Dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội.
– Nhà nước nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện luật pháp, các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý kinh tế, quản lý xã hội; thực hiện Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần quản lý đất nước có hiệu quả hơn.
– Coi trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, làm rõ vị trí và mối quan hệ giữa Đảng và Mặt trận Tổ quốc với tư cách Đảng vừa là thành viên của Mặt trận Tổ quốc, đồng thời lãnh đạo Mặt trận. Quy định cụ thể nhiệm vụ của người đại diện tổ chức đảng trong Mặt trận Tổ quốc các cấp; đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội trong việc tham mưu cho cấp uỷ cùng cấp về công tác dân vận.
3.7. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra và giám sát việc thực hiện công tác dân vận
– Các cấp uỷ đảng lãnh đạo chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân phối hợp chặt chẽ trong giải quyết các công việc liên quan đến nhân dân và vận động nhân dân thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ công dân.
– Các cơ quan đảng ở Trung ương thường xuyên phối hợp, kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện; đồng thời theo dõi, kiểm tra việc thể chế hoá các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác dân vận.
* Hiện nay có: Trường Đại học Công đoàn; Trường Đại học Tôn Đức Thắng; Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam; Học viện Phụ nữ Việt Nam; Trường Đào tạo Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Văn phòng TW. Tr. 214.
Xem thêm :
Tài liệu ôn tập môn Kiến thức chung kỳ thi công chức kì thi 2020- Chuyên đề 1 : Khái quát chung
Tài liệu ôn tập môn Kiến thức chung kỳ thi công chức kì thi 2020- 180 câu trắc nghiệm
Bài viết khác cùng mục: