Tài liệu ôn tập môn nghiệp vụ chuyên ngành kỳ thi công chức kì thi 2020- Chuyên đề 1. Một số vấn đề về đảng cầm quyền.
Một số vấn đề về lý luận
– “Đảng cầm quyền” là khái niệm dùng trong khoa học chính trị, chỉ một đảng chính trị đại diện cho một giai cấp đang nắm giữ và lãnh đạo chính quyền để điều hành, quản lý đất nước nhằm trước hết phục vụ lợi ích của giai cấp mình.
– Khái niệm “Đảng cầm quyền” lần đầu tiên được V.I.Lênin nêu ra. Sau này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng thuật ngữ này để nói về vai trò cầm quyền của Đảng như: Đảng giành được chính quyền, Đảng nắm chính quyền, Đảng lãnh đạo chính quyền, Đảng cầm quyền. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đảng ta là một đảng cầm quyền”. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam được Đại hội toàn quốc lần thứ X, XI thông qua cũng ghi: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền”.
– Nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng khi chưa giành được chính quyền và khi đã giành được chính quyền rất khác nhau:
+ Khi chưa có chính quyền, phương thức lãnh đạo của Đảng chủ yếu là các tổ chức đảng và đảng viên trực tiếp tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng đến các hội, đoàn thể, quần chúng “cốt cán”, thậm chí đến từng người dân; từ đó tổ chức nhân dân thực hiện. Lúc này, quan hệ của Đảng với Nhân dân là quan hệ máu thịt; mọi sự xa rời Nhân dân đều dẫn đến tổn thất cho cách mạng, cho sinh mệnh của tổ chức đảng và đảng viên. Trong điều kiện chưa có chính quyền, trong Đảng không có điều kiện để phát sinh tệ quan liêu, ức hiếp quần chúng.
+ Khi Đảng đã có chính quyền thì chính quyền là công cụ mạnh mẽ, sắc bén nhất để đưa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng vào cuộc sống, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với toàn xã hội. Lúc này, ngoài việc tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục nhân dân, Đảng lãnh đạo chính quyền (Nhà nước) thể chế hoá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng thành Hiến pháp, pháp luật, kế hoạch và tổ chức thực hiện. Lúc này, Đảng cầm quyền là Đảng lãnh đạo chính quyền và thông qua chính quyền để nhân dân làm chủ đất nước, làm chủ xã hội.
Thuận lợi và nguy cơ đối với một Đảng duy nhất cầm quyền
Là Đảng duy nhất cầm quyền, Đảng có nhiều thuận lợi cơ bản, nhưng cũng tiềm ẩn những nguy cơ bên trong rất nguy hiểm. Cụ thể là:
a) Những thuận lợi
– Đảng không có các đảng phái chính trị đối lập, do đó Đảng không có sự cạnh tranh về vai trò lãnh đạo đối với đất nước và xã hội;
– Đảng hoạt động một cách công khai, hợp pháp, hợp hiến; vai trò lãnh đạo của Đảng được quy định tại Điều 4, Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
– Đảng có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nhà nước của dân, do dân và vì dân; có Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội hoạt động dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng.
– Bằng hoạt động thực tiễn hơn 86 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam được nhân dân thừa nhận là người tổ chức, lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam; được nhân dân tin tưởng, bảo vệ Đảng.
– Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng mở rộng quan hệ với các đảng cầm quyền khác trên thế giới; có sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân yêu chuộng hoà bình, tiến bộ trên thế giới.
b) Các nguy cơ
Sau khi giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm cảnh báo hai nguy cơ đối với Đảng là: Nguy cơ sai lầm về đường lối và nguy cơ suy thoái, biến chất của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ Đại hội VII của Đảng (1/1994), Đảng đã bổ sung và xác định 4 nguy cơ là:
(1) Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, do điểm xuất phát thấp;
(2) Nguy cơ sai lầm đường lối, đi chệch định hướng xã hội chủ nghĩa;
(3) Nguy cơ tham nhũng và tệ quan liêu, lãng phí;
(4) Nguy cơ “Diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch, phản động.
Trong 4 nguy cơ nêu trên thì có hai nguy cơ bên trong rất nguy hiểm, có thể làm mất vai trò lãnh đạo của Đảng bất cứ lúc nào, đó là:
(1). Nguy cơ sai lầm về đường lối, đi chệch định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là nguy cơ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhất là khi có những biến động lớn ở trong nước hoặc trên thế giới và trước những bước ngoặt của cách mạng. Tuy nhiên, việc sai lầm về đường lối chỉ có thể diễn ra ở cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng, bởi đây là cấp hoạch định ra chủ trương, đường lối. Vì vậy, việc xây dựng một tập thể lãnh đạo cấp cao của Đảng đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng trong mỗi thời kỳ là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Quán triệt quan điểm này, Hội nghị Trung ương 6 (khoá XI) đã thông qua Đề án: “Quy hoạch Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016 – 2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo”.
(2). Nguy cơ về sự suy thoái, biến chất của đội ngũ cán bộ, đảng viên và tệ nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Khi Đảng đã trở thành Đảng cầm quyền, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trở thành những cán bộ có chức, có quyền trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Đây là điều kiện dễ làm cho cán bộ, đảng viên thoái hoá, biến chất, chạy theo chức, quyền, danh, lợi, dẫn đến phai nhạt lý tưởng, xa rời nhân dân, tham nhũng, lãng phí. Trong điều kiện mới hiện nay, nguy cơ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ngày càng tinh vi, phức tạp; nếu không kịp thời đấu tranh, khắc phục sẽ dẫn đến sự suy vong của Đảng.
Như vậy, 4 nguy cơ mà Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ khoá VII của Đảng đã chỉ ra, đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự, nó không chỉ còn là nguy cơ, mà đã trở thành thách thức trong thực tế và ngày càng trở nên bức thiết đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.
Xem thêm :
Tài liệu ôn tập môn Kiến thức chung kỳ thi công chức kì thi 2020- Chuyên đề 1 : Khái quát chung
Tài liệu ôn tập môn Kiến thức chung kỳ thi công chức kì thi 2020- 180 câu trắc nghiệm
Bài viết khác cùng mục: