Tuyển tập các đề nghị luận văn học về bài thơ Sóng (Xuân Quỳnh). Tổng hợp các đề nghị luận văn học về bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh, những đề văn hay về bài thơ Sóng thường xuất hiện trong các đề thi học kỳ, thi THPTQG.
Đề 1: Nói về sóng và em, trong bài thơ Sóng ở khổ đầu, Xuân Quỳnh cho thấy những sự phức tạp:
“Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể”
Nhưng đến khổ 5, nhà thơ lại đề cập đến sự đồng nhất trong một nỗi niềm:
“Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ tới anh
Cả trong mơ còn thức”
Hãy phân tích những sự phức tạp và đồng nhất trong các khổ thơ trên, từ đó nhận xét về vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu
Hướng dẫn làm bài
Vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu qua bài thơ Sóng
a. Mở bài:
– Giới thiệu tác giả, bài thơ Sóng:
– Trích dẫn vấn đề và các khổ thơ.
b. Thân bài
1. Khái quát về bài thơ:
– Sóng là bài thơ thuộc loại tiêu biểu nhất của Xuân Quỳnh viết về đề tài tình yêu
– Xuyên suốt bài thơ là hai hình tượng: sóng và em vừa song hành vừa đan cài vào nhau. Qua hai hình tượng đó, nhà thơ vừa bộc lộ khát vọng cháy bỏng về tình yêu, hạnh phúc, vừa thể hiện những vẻ đẹp tâm hồn của mình
– Hai hình tượng sóng và em trong các khổ thơ đều được cảm nhận với những trạng thái khác nhau và đầy thú vị.
2. Phân tích trạng thái của sóng và em trong các khổ thơ mà đề yêu cầu:
Trong khổ thơ đầu tác giả cho thấy những trạng thái phức tạp của sóng và tâm hồn người phụ nữ đang yêu
*Hai câu đầu
– Là những trạng thái biểu hiện đối lập nhau của sóng: dữ dội>< dịu êm; ồn ào >< lặng lẽ. Những trạng thái đó lại cùng tồn tại, chuyển hóa nhau trong một thể thống nhất là sóng (kết cấu hai tính từ đối lập nhau trong một câu thơ ở hai câu đầu cho thấy rõ điều này)
– Cũng là những trạng thái phức tạp của tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu. Cô gái đang yêu cũng mang nhiều trạng thái cảm xúc phong phú, nhiều khi trái ngược nhưng lại thống nhất bởi tất cả đều là những biểu hiện khác nhau của một tình yêu chân thành.
*Hai câu sau:
– Không chỉ tồn tại với nhiều trạng thái phức tạp, sóng còn mang tính cách mạnh mẽ, với những khát vọng lớn lao, vĩnh cửu. Không tự bằng lòng với khuôn khổ chật hẹp, nó “tìm ra tận bể” để đựoc hiểu đúng với tầm vóc và bản chất, để được biểu hiện mình với tất cả những trạng thái phức tạp và mãnh liệt nhất. Phép nhân hóa giúp tác giả vừa diễn tả chính xác đặc điểm tự nhiên của sóng, vừa như thổi hồn vào hình tượng khiến sóng hiện ra thật sinh động. (Hs phân tích cụ thể từ các câu thơ)
– Khát vọng lớn lao của sóng cũng là khát vọng của tâm hồn con người trong tình yêu: không chấp nhận sự tầm thường nhỏ hẹp, luôn khát khao, hướng tới cái cao cả, lớn lao, vượt qua mọi rào cản để đếnvới những tâm hồn đồng điệu, tình yêu đích thực vững bền
b. Khổ thơ thứ năm của bài thơ chỉ tập trung diễn tả trạng thái đặc trưng nhất của tình yêu: nỗi nhớ.
* Nhớ là đặc trưng của tình yêu, là thước đo mức độ của tình yêu. Trong sự cảm nhận của Xuân Quỳnh, cả sóng và em đều đang sống trong tình yêu nên cả hai đều ngập tràn nỗi nhớ trong tâm hồn.
* Bốn câu đầu khổ thơ diễn tả nỗi nhớ bờ của sóng. Nỗi nhớ vô cùng mãnh liệt, ôm trùm mọi giới hạn về thời gian, không gian. Sự liên tưởng của tác giả thật thú vị: từ hình ảnh những con sóng vận động không ngừng nghỉ ngoài biển khơi, tác giả liên tưởng đến biểu hiện nỗi nhớ vĩnh cửu của sóng. Sự vận động không ngừng nghỉ trong thực tế của sóng là biểu hiện của nỗi nhớ, nỗi thao thức vì tình yêu trong mọi không gian, thời gian. Phép điệp ngữ, phép đối, phép nhân hóa giúp tác giả diễn tả thật ấn tượng, sinh động nỗi nhớ trong tình yêu của sóng. (Hs phân tích cụ thể từ các câu thơ)
* Mượn nỗi nhớ của sóng, so sánh với nỗi nhớ của sóng, tác giả diễn tả nỗi nhớ “anh” của“em”
– Nỗi nhớ anh của em cũng mãnh liệt như sóng
– Nhưng có phần sâu sắc, mãnh liệt hơn: tràn từ cõi thực sang cõi mơ
Câu thơ “cả trong…thức” có vẻ phi lí, mà lại có lí, rất tài hoa. Bởi tình yêu có những quy luật mà lí lẽ không thể lí giải nổi: khi thức em nhớ, khi mơ cũng nhớ. Nỗi nhớ không chỉ tồn tại lúc không ngủ mà nhắc nhở em cả khi mơ…
Đánh giá, nhận xét
*So sánh hai khổ thơ:
– Điểm riêng; mỗi khổ là những biểu hiện khác nhau của tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu.
– Điểm chung: đều thể hiện những đặc trưng của tâm hồn tình yêu; đều cho thấy những vẻ đẹp của người phụ nữ Xuân Quỳnh; đều có sự song hành của hai hình tượng sóng và em, nhịp thơ đều mạnh mẽ, đều sử dụng thành công các phép tu từ nhân hóa, ẩn dụ..
– Đây là hai khổ thơ tiêu biểu nhất của bài thơ, đặc biệt khổ thứ năm có thể coi là khổ hay nhất. Qua hai khổ thơ nói riêng, tác giả bộc lộ chân thực và sâu sắc vẻ đẹp tâm hồn: phong phú, phức tạp; chân thành mà sâu sắc; khát vọng mãnh liệt về tình yêu, hạnh phúc đời thường
– Liên hệ tới bài thơ khác của Xuân Quỳnh (Thuyền và biển…), của nhà thơ khác (Biển -XD)
c. Kết bài
– Bài thơ Sóng, trong đó có hai khổ thơ vừa bàn luận, không chỉ là bài thơ thuộc loại hay nhất của Xuân Quỳnh mà còn là thi phẩm xuất sắc của thơ Việt Nam hiện đại.
– Từ bài thơ và hai khổ thơ, người đọc không chỉ hiểu về con người tác giả mà còn có cho mình được những bài học sâu sắc về tình yêu chân chính…
Đề 2: Trong hai khổ thơ đầu của bài thơ Sóng, nhân vật trữ tình soi vào sóng để tự nhận thức về tình yêu:
Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể
Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ
Đến hai khổ thơ cuối, tình yêu tan vào sóng để dâng hiến và bất tử:
Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ
Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp tình yêu trong các khổ thơ trên. Từ đó, rút ra nhận xét về sự vận động của hình tượng sóng và em.
Hướng dẫn làm bài
1 Mở bài:
– Giới thiệu tác giả Xuân Quỳnh và tác phẩm “Sóng”, nêu vấn đề chính: Cảm nhận về vẻ đẹp tình yêu qua khổ 1- 2 và 8- 9.
– Nêu ý phụ: rút ra nhận xét về sự vận động giữa hình tượng sóng em.
2 Thân bài:
a) Khái quát sơ lược về tác phẩm cần cảm nhận.
b) Cảm nhận vẻ đẹp của tình yêu.
– Khổ 1- 2, nhân vật trữ tình soi mình vào sóng để nhận thức về tình yêu.
– Những dạng thức tồn tại của sóng cũng là những trạng thái tâm hồn đầy mâu thuẫn, phức tạp trong tình yêu của em: dữ dội – dịu êm; ồn ào – lặng lẽ…
– Con sóng luôn muốn tìm đến đại dương bao la để thỏa sức vẫy vùng vì không chịu được sự nhỏ bé, hạn hẹp của những dòng sông. Em cũng thế, cũng luôn muốn tìm thấy một tình yêu bao dung, rộng lớn để có thể “hiểu nổi mình”.
– Sóng luôn tồn tại như một quy luật bất biến trên cõi đời, khi nào trái đất còn quay thì đại dương vẫn còn bao la, xanh thẳm, dù xưa hay nay “vẫn thế”. Tình yêu cũng trở thành quy luật bất biến trong đời sống nhân loại, nhất là tình yêu luôn gắn với tuổi trẻ hồn nhiên, sôi nổi, nhiệt thành như tình yêu của em.
– Khổ 8- 9: tình yêu tan vào sóngđể dâng hiến và bất tử.
– Khi đứng trước đại dương, em – cái tôi trữ tình của người con gái đang yêu – nhận ra rằng biển cả dù lớn thì cũng đều có giới hạn: bến bờ. Từ đó, trong lòng em gợn lên những suy tư, trăn trở, lo âu khi nhận ra sự ngắn ngủi, hữu hạn của đời người (Khổ 8, “cuộc đời tuy dài thế…).
– Biển cả dẫu có giới hạn như cuộc đời mỗi người nhưng những con sóng không bao giờ ngơi nghỉ cũng như tình yêu đã trở nên bất diệt, song hành mãi mãi cùng nhân loại. Từ những chiêm nghiệm ấy, em đã ao ước, khát khao hướng đến một tình yêu trường tồn, vĩnh hằng; cái tôi yêu đương đã sẵn sàng dâng hiến để trở nên bất tử. (Khổ 9, “Làm sao được tan ra…”).
* Những đặc sắc nghệ thuật: Thể thơ năm chữ nhịp ngắn, giàu nhạc điệu; hình ảnh ẩn dụ đồng hiện giữa “sóng” và “em”; từ ngữ, hình ảnh khơi gợi nhiều cảm xúc.
c) Bàn luận mở rộng: Nhận xét về sự vận động của hình tượng sóng và em.
* Sự vận động của hình tượng sóng.
– Ở hai khổ đầu, sóng chỉ đơn thuần là một chi tiết nghệ thuật được nhân vật trữ tình chiêm ngưỡng với những suy ngẫm sâu xa để từ đó phát hiện giữa sóng và em có những tương đồng đến kì lạ: đầy phức tạp, bí ân nhưng đã khái quát hóa thành quy luật trường tồn.
– Đến hai khổ cuối, sóng không còn đóng vai một đối tượng khơi gợi cảm xúc nữa mà thật sự đã trở thành một hình tượng song hành, đồng hiện cùng với hình tượng “em”. Khát vọng của em đã tan ra thành “trăm con sóng”; giai điệu của sóng cũng là lời bài hát ca ngợi một tình yêu trường tồn để âm giai của cả em và sóng cùng hòa nhịp đến vĩnh hằng “ngàn năm còn vỗ”.
* Sự vận động của hình tượng “em”.
– Em ở hai khổ thơ đầu là một cái tôi đang nung nấu một tình yêu cháy bỏng, đầy cung bậc cảm xúc. Cái tôi ấy dễ dàng rung động trước hình ảnh giầu tính biểu cảm với tình yêu như sóng và cái tôi ấy cũng ẩn chứa bao giai điệu đẹp của khát vọng, của những nỗi bồi hồi trong trái tim của một cô gái trẻ.
– Đến hai khổ cuối, qua một hành trình đồng hành cùng sóng với những bí ẩn không lời đáp, với nỗi nhớ, với khát khao vượt qua tất cả để hướng về nhau, cái tôi tình yêu trong em dường như đã có sự trưởng thành. Không còn là một cái tôi đầy xúc cảm phức tạp nữa mà suy tư của em đã tập trung cho những lo âu, trăn trở về một cuộc đời ngắn ngủi, hữu hạn có thể biến tình yêu thành điểm chết tuyệt vọng. Đó vẫn là một cái tôi đầy mãnh liệt, khao khát nhưng không phải từ một ái tình liều lĩnh, bất chấp mà là cái tôi muốn hòa vào sự bất tử của thiên nhiên để hát mãi khúc tình ca.
– Em và sóng từ hai hình tượng tách bạch, đơn lẻ đã có sự hòa quyện, đồng điệu trong ngòi bút đầy tinh tế. Sự vận động của hai hình tượng cũng là sự chuyển biến trong mạch cảm xúc của Xuân Quỳnh, nhà thơ vốn dĩ đã đầy khao khát yêu thương.
3.3 Kết bài:
– Khẳng định lại ý nghĩa, giá trị của tác phẩm.
– Nêu bài học liên hệ: hướng tới tình yêu trong sáng; sự trưởng thành trong tình yêu.
Đề 3 : Quan niệm rất mới mẻ, hiện đại và quan niệm về tình yêu mang tính truyền thống
Về bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh, có ý kiến cho rằng: “Bài thơ thể hiện quan niệm rất mới mẻ và hiện đại của Xuân Quỳnh về tình yêu”. Nhưng lại có ý kiến khác lại khẳng định: “Bài thơ thể hiện quan niệm về tình yêu mang tính truyền thống”. Từ cảm nhận về bài thơ “Sóng” hãy bình luận những ý kiến trên.
Hướng dẫn làm bài
1. Giải thích ý kiến:
– Ý kiến thứ nhất: “Bài thơ thể hiện quan niệm rất mới mẻ và hiện đại của Xuân Quỳnh về tình yêu”. Sự hiện đại trong tình yêu chính là việc vượt khỏi những quy định ngặt nghèo, ràng buộc của lễ giáo phong kiến để tự do khẳng định tình cảm, bộc lộ cái tôi khát vọng trong tình yêu một cách chủ động và luôn luôn thể hiện niềm tin vào sức mạnh của tình yêu.
– Ý kiến thứ hai: “Bài thơ thể hiện quan niệm về tình yêu mang tính truyền thống”. Sự truyền thống trong tình yêu thể hiện qua sự chung thủy, son sắt gắn liền với nỗi nhớ nhung da diết, một lòng hướng đến người mình yêu.
Hai ý kiến trên đã được Xuân Quỳnh thể hiện rất rõ trong tác phẩm “Sóng”. Đó là tình yêu của một người phụ nữ vừa truyền thống nhưng cũng rất hiện đại.
2. Cảm nhận về bài thơ và bình luận về 2 ý kiến được nêu ở đề bài:
– Bài thơ được Xuân Quỳnh xây dựng bởi hai hình tượng chủ yếu là “sóng” và “em”. Hai hình tượng này thực chất là sự phân thân, hóa thân của tác giả. Xuân Quỳnh mượn hình tượng sóng biển để soi vào nhịp lòng mình, nhịp đập của con tim đang rung lên đồng điệu với nhịp điệu của sóng vỗ, đang bùng dậy những khao khát mãnh liệt trong tình yêu đôi lứa.
– Trước hết, bài thơ “Sóng” là tiếng nói của một “Cái tôi” tình yêu mới mẻ, hiện đại. (Khổ 1, 2 và khổ cuối)
+ Đó là thứ tình yêu mang trong mình những trạng thái đối cực mâu thuẫn:
“Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ”
Cách ngắt nhịp 2/3 cùng với thanh điệu bằng trắc được gieo luân phiên đều đặn, gợi ra nhịp điệu của sóng. Tác giả đã sử dụng cùng lúc bốn tính từ diễn tả các trạng thái của sóng. Tình yêu cũng như sóng biển vậy, lúc biển động phong ba sóng “dữ dội – ồn ào”, khi trời yên biển lặng thì sóng “dịu êm – lặng lẽ”. Tâm trạng của người con gái khi yêu cũng thế, luôn mang trong mình những trạng thái tình cảm khác thường: lúc giận dữ hờn ghen, khi dịu dàng sâu lắng. Nhưng tất cả những mâu thuẫn ấy đều là những biểu hiện khác nhau của một trái tim đang yêu chân thành, mãnh liệt. Cho nên có thể nói: “Tình yêu có những quy luật mà lý trí không thể lý giải được”, chúng ta chỉ có thể lý giải nó bằng tình cảm, bằng con tim đang yêu. Trước Xuân Quỳnh, Xuân Diệu cũng đã từng băn khoăn để rồi bất lực: “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu”. Nỗi băn khoăn của Xuân Diệu thật dữ dội và lí trí, thể hiện qua từ ngữ nghi vấn “Làm sao”. Còn Xuân Quỳnh lại bộc bạch nỗi niềm một cách hồn nhiên, dễ thương “Em cũng không biết nữa”. Đây là cách cắt nghĩa rất Xuân Quỳnh, rất nữ tính và trực cảm.
+ Tình yêu hiện đại của Xuân Quỳnh được bộc bạch một cách táo bạo nhưng hết sức tự nhiên, sẵn sàng vượt qua mọi những cản trở mà “vượt rào” đi đến với những tâm hồn đồng điệu:
“Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể”
Cũng như sóng biển vậy, con sóng mang trong mình một khát vọng lớn lao, sóng dứt khoát, sẵn ràng vượt qua mọi không gian chật hẹp mà vươn tới biển rộng bao la, khoáng đạt, thì người con gái đang yêu cũng dám bất chấp tất cả để hướng tới một tình yêu đồng cảm, để vươn tới một tình yêu đích thực, vững bền. Ta thấy một quan niệm hoàn toàn mới mẻ về tình yêu của Xuân Quỳnh, người con gái khao khát yêu thương nhưng không còn nhẫn nhục, cam chịu:
“Thân em như hạt mưa sa
Hạt vào đài cát, hạt ra ruộng cày”
Hay
“Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”
Trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, Thúy Kiều có dám chủ động gặp Kim Trọng bằng hành động “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” nhưng quan niệm phong kiến quá chặt chẽ, Thúy Kiều vẫn chưa dám khẳng định được như Xuân Quỳnh:
“Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn”
Người phụ nữ trong thơ Xuân Quỳnh dám dứt khoát từ bỏ nơi tù túng, chật hẹp để đến với cái to lớn cao rộng hơn, phù hợp với khát vọng tình yêu mình mong muốn.
Người con gái ấy thật chủ động, tự tin sống cháy bỏng hết mình cho một tình yêu đẹp, dâng hiến hòa nhập tình yêu cá nhân của mình vào tình yêu cuộc đời. Ấy là khi nhà thơ chiêm nghiệm về cuộc đời, tình yêu và khát vọng tình yêu:
“Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ”.
Đó là một niềm tin bất diệt vào tình yêu. Nữ thi sĩ đã lấy chiều dài của thời gian, chiều rộng của không gian để đo đếm tình yêu hạnh phúc. Niềm nguyện ước khát vọng của em về một tình yêu bền vững muôn thuở. Ấy là em muốn được tan ra hóa thân thành trăm con sóng trên biển lớn tình yêu nhân loại để rì rào vỗ, xôn xao reo mãi mãi sống trong một tình yêu cuộc đời.
– Bên cạnh một tình yêu hiện đại, bài thơ còn bộc lộ một tình yêu truyền thống. Đó là tình yêu gắn liền với nỗi nhớ (Khổ 5)
“Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức”
Cũng giống như người phụ nữ xưa, Xuân Quỳnh bộc lộ tình yêu gắn liền với nỗi nhớ nhung da diết, khắc khoải yêu thương. Viết về nỗi nhớ, người phụ nữ xưa đã từng bộc bạch qua những câu ca dao đậm đà tình cảm:
“Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ
Nhớ ai, ai nhớ, bây giờ nhớ ai”
Hay
“Nhớ chàng như mảnh trăng đầy
Đêm đêm vầng sáng hao gầy đêm đêm”
Đúng vậy, tình yêu luôn gắn liền với sự mong mỏi, nhung nhớ da diết, cồn cào. Làm sao để yêu mà lại không nhớ không mong. Nhưng ca dao đã vậy, còn ý thơ viết về nỗi nhớ của Xuân Quỳnh mới thực sự diễn tả được hết những cung bậc của nỗi niềm nhớ mong. Khổ thơ với nhiều điệp từ, điệp cú pháp và nhân hóa, đặc biệt dung lượng khổ thơ lên đến 6 câu, âm điệu gấp gáp, nỗi nhớ dồn lên tầng tầng lớp lớp như những đợt sóng không dứt, thôi thúc, giục giã, mượn sóng để thể hiện nỗi nhớ vẫn chưa đủ, chưa thỏa nỗi lòng, bị nỗi nhớ thiêu đốt người con gái, không thể kiềm chế tình cảm của mình nên cô gái đã trực tiếp thốt ra thành lời.
Sóng không đủ sức nói hộ tình yêu nữa rồi, thức mà nhớ là chuyện bình thường nhưng trong cơn mơ vẫn nhớ thì thật độc đáo. Xuân Quỳnh đã tìm được cách nói đạt nhất để thể hiện nỗi nhớ trong tình yêu, nỗi nhớ không chỉ tồn tại trong ý thức mà còn len lỏi vào trong tiềm thức, xâm nhập vào cả giấc mơ. Đây chính là sự sáng tạo độc đáo, tạo điểm nhấn của nữ thi sĩ, xuất phát từ trái tim yêu thương nồng nàn, đắm say, mãnh liệt, chân thành. Đến đây, ta lại bồi hồi nhớ đến những câu thơ ngọt ngào, tình tứ của ông hoàng thơ tình Xuân Diệu:
“Anh nhớ tiếng, anh nhớ hình, anh nhớ ảnh
Anh nhớ em, anh nhớ lắm em ơi!”
Có thể nói, trái tim người con gái đang yêu là cả một đại dương được dệt nên bởi vô vàn con sóng nhớ. Bởi vậy, trong thơ tình khi viết về tâm trạng này cũng đã thổn thức:
“Uống xong lại khát là tình
Gặp rồi lại nhó là mình với ta”
Xuân Quỳnh đã sáng tạo ra một tứ thơ độc đáo diễn tả nỗi nhớ ngút ngàn, triền miên, vô tận. Hình tượng “sóng” tái hồi 3 lần trong đoạn thơ như một điệp khúc thiết tha, sâu thẳm. Nhân vật trữ tình soi chiếu mình vào sóng để rồi tự tách ra để cảm nhận thật trọn vẹn, thật đắm say nỗi nhớ nhung trong tình yêu.
Một đặc điểm nữa trong nét truyền thống mà Xuân Quỳnh mang tới đó là sự thủy chung son sắt đã được gìn giữ bao đời nay của người phụ nữ Việt Nam.
“Dẫn xuôi về phương Bắc
Dẫu ngược về phương Nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh một phương”
Sự thủy chung một lòng hướng về người mình yêu đã được nữ sĩ diễn tả bằng cách nói ngược “xuôi về phương bắc” “ngược về phương nam”. Người ta vẫn hay nói: xuôi về phương nam, ngược về phương bắc. Qua đó nhà thơ muốn khẳng định tình yêu của mình không chỉ từ hướng bắc hay nam mà là bao trùm cả bốn phương, tám hướng, bất cứ đâu em cũng nguyện bên anh “một phương”. Dù hoàn cảnh có đổi thay, có bao điều trắc trở, em vẫn chỉ hướng về anh. Câu thơ của Xuân Quỳnh gợi nhớ đến câu thơ của Chế Lan Viên trong bài thơ “Chùm nhỏ thơ yêu”:
“Anh cách xa em như đất liền xa cách bể
Nửa đêm sâu còn lắng long phương em”.
“phương anh” của Xuân Quỳnh đâu chỉ còn là vấn đề chữ nghĩa nữa, chính lòng chung thủy, sự thương nhớ của những đôi lứa yêu nhau đã tự tìm đến những cách diễn đạt thích hợp.
Tình yêu truyền thống là thứ tình yêu luôn đòi hỏi một chỗ dựa vững chắc trong một mái ấm gia đình. Vì thế, cũng không nằm ngoại lệ, người phụ nữ trong thơ Xuân Quỳnh cũng khát khao hướng đến tổ ấm gia đình bằng một niềm tin hi vọng vào tương lai tươi sáng. Nếu như sóng phải trải qua bão tố mới đến được bờ thì em cũng nguyện được như sóng, sẵn sàng bất chấp sự vất vả, đạp đổ mọi chông gai thử thách để đến bên anh, đến với tâm hồn đồng điệu. Bởi anh mãi mãi là điểm về, là cái đích hạnh phúc của cuộc đời em. Đó là quan niệm mang tính nhân văn sâu sắc, tình yêu luôn luôn gắn liền với một mái ấm hạnh phúc nhỏ bé của cuộc đời mỗi con người.
III. Kết thúc vấn đề:
Như vậy, qua hình tượng sóng biển, Xuân Quỳnh đã diễn tả hết sự độc đáo quan niệm về tình yêu của phái nữ. Đó là tình cảm của một tâm hồn vừa mang trong mình một quan niệm hiện đại, mới mẻ, dám chủ động khẳng định tình cảm của bản thân, lại vừa thể hiện một tâm hồn của một tình yêu truyền thống: gắn bó, thủy chung và son sắt. Vì thế bài thơ “Sóng” là tiếng nói chung, nói hộ tiếng lòng của người con gái khi yêu.
Hai ý kiến tưởng như trái chiều nhưng đã góp phần bổ sung cho nhau để làm nổi bật nét độc đáo của hồn thơ Xuân Quỳnh qua bài thơ “Sóng”. Mang trong mình vẻ đẹp truyền thống và hiện đại của tình yêu khiến “Sóng” trở nên bất tử trong lòng độc giả của biết bao thế hệ, trở thành lời tự hát của biết bao trái tim tha thiết yêu đương.
Đề 4: Phân tích hình tượng sóng trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh.
Anh (chị) cảm nhận được gì về vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu qua hình tượng này.
Hướng dẫn làm bài
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm:
+ Xuân Quỳnh (1942 – 1988 ) là một nhà thơ nữ xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại. Trong thơ Xuân Quỳnh thể hiện một trái tim phụ nữ hồn hậu, chân thành, khao khát tình yêu, biết nâng niu hạnh phúc đời thường bình dị.
+ Sóng in trong tập Hoa dọc chiến hào được sáng tác năm 1967, tiêu biểu về nhiều mặt cho hồn thơ Xuân Quỳnh.
– Phân tích hình tượng sóng:
+ Sóng là hình tượng trung tâm của bài thơ và là một hình tượng ẩn dụ. Cùng với hình tượng em (hai hình tượng này song hành suốt tác phẩm), sóng thể hiện những trạng thái, quy luật riêng của tình yêu cùng vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ rất truyền thống mà rất hiện đại.
+ Sóng có nhiều đối cực như tình yêu có nhiều cung bậc, trạng thái và như tâm hồn người phụ nữ có những mặt mâu thuẫn mà thống nhất (phân tích hai câu đầu với kết cấu đối lập – song hành và với việc đặt các từ dịu êm, lặng lẽ ở cuối câu tạo điểm nhấn).
+ Hành trình của sóng tìm tới biển khơi như hành trình của tình yêu hướng về cái vô biên, tuyệt đính, như tâm hồn người phụ nữ không chịu chấp nhận sự chật hẹp, tù túng (phân tích hai câu sau của khổ 1 với kiểu nói nhấn mạnh như không hiểu nổi, tìm ra tận,… ).
+ Điểm khởi đầu bí ẩn của sóng giống điểm khởi đầu và sự mầu nhiệm, khó nắm bắt của tình yêu (phân tích các khổ 3, 4 của bài thơ với điệp từ nghĩ và sự xuất hiện của nhiều câu hỏi,… ).
+ Sóng luôn vận động như tình yêu gắn liền với những khát khao, trăn trở không yên, như người phụ nữ khi yêu luôn da diết nhớ nhung, cồn cào ước vọng về một tình yêu vững bền, chung thủy (phân tích các khổ 5, 6, 7, 8 của bài thơ với lối sử dụng điệp từ, điệp ngữ, điệp cú pháp; với hiệu quả của hình thức đối lập trên – dưới, thức – ngủ, bắc – nam, xuôi – ngược,…; với kiểu giãi bày tình cảm bộc trực như Lòng em nhớ đến anh – Cả trong mơ còn thức ).
+ Sóng là hiện tượng thiên nhiên vĩnh cửu như tình yêu là khát vọng muôn đời của con người, trước hết là người phụ nữ (nhân vật trữ tình ) muốn dâng hiến cả cuộc đời cho một tình yêu đích thực (phân tích khổ cuối của bài thơ với ý nghĩa và cách nói rất táo bạo của một người con gái hiện đại: Làm sao được tan ra…
– Nêu cảm nhận về vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu qua hình tượng sóng:
+ Trước hết, hình tượng sóng cho ta thấy được những nét đẹp truyền thống của người phụ nữ trong tình yêu: thật đằm thắm, dịu dàng, thật đôn hậu dễ thương, thật thủy chung.
+ Hình tượng sóng cũng thể hiện được nét đẹp hiện đại của người phụ nữ trong tình yêu: táo bạo, mãnh liệt, dám vượt qua mọi trở ngại để giữ gìn hạnh phúc, dù có phấp phỏng trước cái vô tận của thời gian nhưng vững tin vào sức mạnh của tình yêu.
– Kết luận:
+ Sóng là bài thơ tình thuộc loại hay nhất của Xuân Quỳnh nói riêng và thơ Việt Nam hiện đại nói chung.
+ Riêng việc sử dụng hình tượng sóng làm ẩn dụ thì không mới nhưng những tâm sự về tình yêu cùng cách khai thác sức chứa của ẩn dụ này lại có những nét thực sự mới mẻ. Xuân Quỳnh quả đã tìm được một hình tượng thơ đẹp để giãi bày tình yêu dịu dàng mà mãnh liệt, gần gũi, riêng tư mà rộng mở, phóng khoáng của người phụ nữ.
Đề 5: làm rõ vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ khi yêu – Đề nghị luận văn học về bài thơ Sóng
Trong bài thơ “Sóng”, nữ sĩ Xuân Quỳnh đã khắc họa hình ảnh em với nhiều sắc thái cung bậc khác nhau, có khi em thật hồn nhiên, đáng yêu:
Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?
Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau
Cũng có khi em lại thiết tha, da diết:
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh – một phương
Trình bày cảm nhận của anh/ chị về hai đoạn thơ trên, từ đó làm rõ vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ khi yêu.
Hướng dẫn làm bài
* Khái quát vấn đề:
– Xuân Quỳnh là gương mặt trẻ tiêu biểu của thơ ca kháng chiến chống Mỹ.
– Với phong cách thơ tình yêu nồng nàn Xuân Quỳnh đã để lại cho đời nhiều bông hoa đẹp, trong đó “Sóng” là một bông hoa đẹp được Xuân Quỳnh sáng tác trong chuyến đi thực tế đến biển Diêm Điền – Thái Bình.
– Bất kì ai trong chúng ta khi đọc qua bài thơ “Sóng” đều vô cùng ấn tượng với cách thể hiện đầy màu sắc của những cung bậc trong tình yêu ẩn sâu trong tâm hồn người phụ nữ đang yêu. Những cung bậc ấy khi hồn nhiên, sôi nổi, yêu đời đậm chất hiện đại nhưng cũng có khi mượt mà, sâu sắc chứa chan cảm xúc truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.
* Luận điểm 1: Trước hết, đọc qua bài thơ “Sóng” ta chợt khám phá ra nét hồn nhiên, đáng yêu của nhân vật trữ tình:
“Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về em, anh
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?
Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau”
– “Em nghĩ”: Sự chủ động/sự suy tư, trăn trở về cuộc đời mình
– Tách “em” và “anh” ra: Sự độc lập, không lệ thuộc => Cá tính, mạnh mẽ
– Câu hỏi tu từ:
+ Khao khát tìm hiểu, khao khát khám phá => Thuộc tính muôn đời của tình yêu
+ Nét tinh nghịch hồn nhiên như trẻ con
– Điểm xuất phát: Những suy luận mang tính logic, khoa học có thể giải mã được
– Điểm kết thúc: Thắt nút lại vấn đề “khi nào ta yêu nhau” => Tạo ra một bí ẩn khó có thể giải mã
– “Em cũng không biết nữa”: Sự nũng nịu, đáng yêu, nét duyên dáng rất tình của cô gái
=> Bằng những ý thơ ngắn gọn kết hợp một mê cung câu hỏi cần được giải mã Xuân Quỳnh đã khắc họa nên một diện mạo hoàn toàn mới cho tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam trong tình yêu. Đó là sự chủ độc, tự tin và hoàn toàn độc lập. Đó phải chăng là nét đẹp đậm chất hiện đại của người phụ nữ Việt Nam?
* Luận điểm 2: Không chỉ vậy, Xuân Quỳnh còn tinh tế, nhẹ nhàng đưa người đọc đến với một cung bậc khác trong tâm hồn người phụ nữ Việt Nam, không “ồn ào” không “dữ dội” mà rất dịu dàng, thiết tha, da diết:
“ Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh một phương”
– Phép nhân hóa cho sóng:
+ Sóng nhớ bờ, sóng không ngủ, ngày đêm sóng vẫn thao thức rì rầm
+ Nữ sĩ đã biến sóng thành một chủ thể có linh hồn, cũng yêu, cũng nhớ như em
– Tình yêu muôn đời gắn liền với nỗi nhớ:
+ Em nhớ đến anh là điều đương nhiên, chuyện lẽ thường trong tình yêu
+ Nhưng nỗi nhớ của em rất khác “cả trong mơ còn thức”
=> Nỗi nhớ thường trực, nỗi nhớ da diết như con sóng kia không lúc nào yên, luôn cồn cào dù trong giấc ngủ.
– Phương bắc – phương nam: Không gian cách xa vời vợi
– Dù muôn trùng cách trở nhưng vẫn không thể làm thay đổi được tình yêu em dành cho anh, vì em vẫn “hướng về anh một phương”
– “Một”: Từ chỉ sự duy nhất, không đổi thay
=> Nét đẹp tuyệt vời của người phụ nữ trong tình yêu: Sự thủy chung, son sắt
=> Người phụ nữ trong thơ Xuân Quỳnh vẫn đậm dáng vóc của người phụ nữ xưa bởi những nét đẹp truyền thống không dễ phai mờ: Đức thủy chung trước sau như một, một lòng một dạ không thay đổi dù thời gian xa xôi, không gian cách trở.
* Đánh giá tổng hợp:
– Thể thơ ngũ ngôn với nhịp thơ linh hoạt, giọng điệu chân thành, da diết.
– Có những khổ thơ như một sự phá cách để thể hiện một trái tim tha thiết, mãnh liệt, nồng nàn – khổ 5
– Ngôn ngữ bình dị với thủ pháp nhân hóa, ẩn dụ, các cặp đối lặp, tương phản đã tạo nên một cặp đôi vô cùng hoàn hảo: Sóng và em. Hai hình tượng ấy vừa sánh đôi, vừa bổ sung, hòa quyện vào nhau cùng diễn tả vẻ đẹp tâm hồn của cái tôi nữ sĩ.
– Hai cung bậc cảm xúc, hai sắc thái trong tình yêu tưởng chứng đối lập nhau nhưng thật ra lại hài hòa, quyện chặt. Điều đó đã tạo nên nét đẹp tuyệt vời cho tâm hồn người phụ nữ khi yêu. Ta càng hiểu vì sao bài thơ tình yêu này lại sống, tồn tại và được chấp nhận ngay trong thời mưa bom bão đạn.
Bài viết khác cùng mục: