Cảm nhận về nhân vật Chí Phèo trong truyện cùng tên của Nam Cao. Với mười lăm năm cầm bút, Nam Cao đã kịp để lại một khối lượng tác phẩm không nhỏ, đặc biệt trong hệ thống tác phẩm của ông, nổi bật một phong cách Nam Cao trữ tình, sâu lắng, trào lộng, xót xa, hóm hỉnh mà tế nhị, sang trọng mà bình dị, tinh vi mà khái quát.
Dàn ý Nhận định về nhân vật Chí Phèo
1. Mở bài:
– Tác giả:
+ Tên thật Trần Hữu Vũ (1917 – 1951), sinh tại làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phut Lí Nhân nay là huyện Lí Nhân, Hà Nam. Ông đã ghép hai chữ của tên tổng và huyện làm bút danh: Nam Cao
– Tác phẩm:
+ Chí Phèo là truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Nam Cao viết vào tháng 2 năm 1941. Đây là tác phẩm xuất sắc, thể hiện nghệ thuật viết truyện độc đáo của Nam Cao. Đồng thời thể hiện tấm bi kịch của một người nông dân nghèo bị tha hóa trong xã hội.
– Giới thiệu nhân vật Chí Phèo
2. Thân bài:
* Tóm tắt tác phẩm:
Chí Phèo là một đứa trẻ mồ côi, bị bỏ rơi ở cái lò gạch bỏ hoang, được người dân làng Vũ Đại nuôi nấng. Lớn lên anh làm canh điền cho nhà Bá Kiến. Vì ghen tuông, Bá Kiến đã đẩy Chí Phèo đi tù. Sau bảy tám năm ở tù trở về, từ một người hiền lành, lương thiện, Chí đã thay đổi cả ngoại hình và nhân tính, Chí trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại, trở thành tay sai đắc lực của bá Kiến, bị dân làng xa lánh. Sau đó, Chí Phèo gặp Thị Nở, Chí Phèo cảm nhận được ý nghĩa cuộc sống, khát khao làm người lương thiên. Nhưng bị Thị Nở từ chối, Chí đau khổ, uất ức, đến nhà bá Kiến đòi lương thiện. Chí giết Bá Kiến và tự sát. Kết thúc tác phẩm là hình ảnh Thị Nở nhìn nhanh xuống bụng, thoáng thấy lò gạch bỏ không.
* Nhân vật Chí Phèo
Bi kịch của Chí Phèo hiện lên thông qua tiếng chửi
Chí Phèo vừa đi chửi: “Chửi trời, chửi đời, chửi cả làng Vũ Đại, chửi đứa nào không chửi nhau với hắn, chửi đứa nào đã sinh ra hắn”
=> Tiếng kêu tuyệt vọng của 1 con người cô đơn cần được giao tiếp dẫu là cách giao tiếp hạ đẳng nhất
=> Chí Phèo đã bị gạt bỏ ra khỏi thế giới loài người
Bi kịch bị tha hóa, lưu manh hóa:
Nguyên nhân Chí bị cự tuyệt quyền làm người?
– Bi kịch một đứa con hoang bị bỏ rơi
– Bi kịch tha hóa, lưu manh
+ Nhân hình:
+ Nhân tính:
=> Trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại, hung tợn, một kẻ lưu manh hóa.
Gặp gỡ với Thị Nở và hành trình trở về làm người lương thiện
– Khi tỉnh rượu: Lần đầu tiên trong cuộc đời, Chí Phèo cảm nhận được âm thanh cuộc sống .
– Khi tỉnh ngộ: Nhận thức được cuộc đời mình cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai
– Sự xuất hiện của Thị Nở:
+ Khơi dậy bản năng của một gã đàn ông như Chí Phèo.
+ Đánh thức nhân tính trong con người Chí.
+ Lần đầu tiên trong cuộc đời, có bàn tay của một người phụ nữ chăm sóc hắn, nấu cháo cho hắn ăn.
=> Chí Phèo nghĩ Thị Nở sẽ mở đường cho hắn sẽ trở về với cuộc sống lương thiện trước đây.
Đỉnh điểm của bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người
* Sự khước từ của Thị Nở: Chí Phèo rất đau khổ và tuyệt vọng: sinh ra là người nhưng không được làm người.
* Cái chết của Chí Phèo:
– Khao khát cuộc sống lương thiện nhưng không thực hiện được, Chí nhận ra kẻ thù của chính mình là Bá Kiến => Chí Phèo giết Bá Kiến và tự sát.
3. Kết bài:
Bài viết Cảm nhận về nhân vật Chí Phèo – Cảm nhận về nhân vật Chí Phèo sau khi ra tù
Với mười lăm năm cầm bút, Nam Cao đã kịp để lại một khối lượng tác phẩm không nhỏ, đặc biệt trong hệ thống tác phẩm của ông, nổi bật một phong cách Nam Cao trữ tình, sâu lắng, trào lộng, xót xa, hóm hỉnh mà tế nhị, sang trọng mà bình dị, tinh vi mà khái quát. Ông tự thoát ly với thứ văn chương lãng mạn thi vị hóa cuộc sống, ông chọn cho mình con đường đến với đời sống lầm than của người dân lao động. Là người cầm bút, ông không được trốn tránh hiện thực mà phải miêu tả được hiện thực, phải diễn tả được tiếng lòng đau khổ của quần chúng. “ Chí Phèo” đã ra đời với mục đích ấy. Chí Phèo là truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Nam Cao viết vào tháng 2 năm 1941. Đây là tác phẩm xuất sắc, thể hiện nghệ thuật viết truyện độc đáo của Nam Cao. Đồng thời thể hiện tấm bi kịch của một người nông dân nghèo bị tha hóa trong xã hội.
Ngay từ đầu tác phẩm, Nam Cao đã để nhân vật của mình xuất hiện một cách độc đáo với tiếng chửi, hắn xuất hiện không phải bằng xương bằng thịt mà là bằng tiếng chửi “hắn vừa đi vừa chửi”. Đó là hình ảnh vừa quen vừa lạ. Quen vì đó là tiếng chửi của những người say rượu, không thể có nhận thức đúng đắn: “Chí chửi trời, chửi đời, chửi cả làng Vũ Đại, chửi đứa nào không chửi nhau với hắn, chửi đứa nào đã sinh ra hắn”. Tiếng chửi hướng tới các đối tượng mơ hồ, vu vơ đến cụ thể. Lạ vì Chí chửi nhưng không ai nghe chửi và cũng không có ai chửi lại Chí ngay cả khi hắn chửi trực diện cả làng Vũ Đại và chửi cụ thể có đối tượng cha đứa nào không chửi nhau với hắn. Càng lạ hơn nữa khi Chí Phèo không còn biết chửi ai, đã quay ra chửi những người đã đẻ ra thân hắn. Với Chí, nó là con đường giao tiếp duy nhất của hắn với cộng đồng nhưng cay đắng thay, khi đáp lại những uất ức, bất mãn của hắn lại là “ tiếng chó cắn lao xao”. Chí đã bị đánh bật ra khỏi cái xã hội loại người. Xã hội mà dù sống trong nó Chí cũng không còn được xem là con người nữa.
Tiếng chửi như hé lộ một cuộc đời đau thương của một con người nhận biết được bi kịch của mình và đang cố gắng vùng vẫy để thoát ra. Đó là bi kịch sống giữa cuộc đời mà bị tước quyền làm người. Bằng cách nào đó, Nam Cao đã tạo được ấn tượng trong bạn đọc về nhân vật chính với đầy sự băn khoăn, thắc mắc: vì sao trên đời lại có một kẻ tha hóa đến như vậy? Vì sao nó chửi mà không ai chửi lại?
Vậy nguyên nhân nào dẫn đến việc Chí Phèo bị cự tuyệt quyền làm người?
Cuộc đời Chí Phèo trải dài trên một tấm bi kịch, bi kịch là một đứa con hoang bị bỏ rơi, bi kịch tha hóa, lưu manh. Chí Phèo đã bị bỏ rơi ngay từ khi mới sinh ra, không cha không mẹ, không gia đình, nhà cửa. Lai lịch của Chí Phèo được mở ra trong câu chuyện trong câu chuyện là một đứa trẻ trần truồng và xám ngắt trong một váy đụp để bên cái lò gạch bỏ không, sau đó một người đi thả ống lươn đem về trong một buổi sáng tinh sinh. Hắn được cưu mang bởi những con người nghèo khổ, Chí Phèo đi ở hết nhà này đến nhà khác, từ bà góa mù cho đến bác phó cối. Tuổi thơ của hắn sống trong bất hạnh, tủi cực hết lang thang đi ở cho nhà người này lại đi ở cho nhà người khác. Năm hai mươi tuổi, Chí Phèo đi làm canh điền cho Bá Kiến. Chí giàu lòng tự trọng, biết ghét những gì mà người ta đáng khinh. Bị bà chủ bắt làm việc không chính đáng, Chí vừa làm vừa run, thấy nhục hơn là thích.
Bất cứ đứa trẻ nào được sinh ra cũng mong ước có một tuổi thơ êm đềm trong vòng tay cha mẹ, người thân, được vui đùa, nô nghịch và có những kỉ niệm thật đẹp. Thế nhưng dường như cuộc đời của Chí Phèo đã nghiệt ngã ngay từ khi mới sinh ra, không nguồn gốc, không chỗ nương thân. Ngay khi sinh ra, Chí Phèo đã bị bỏ rơi, để rồi bị đặt vào nhiều cám dỗ, sa ngã. Vì thế tương lai của hắn sẽ còn là một chuỗi ngày bi kịch. Tuy vậy, đây chính là khoảng thời gian tương đẹp nhất trong cuộc đời Chí, bởi đó là quãng đời hắn dám ước mơ, dám suy nghĩ về tương lai sẽ tương đẹp, như bao người, hắn có những ước mơ đầy giản dị, yên bình “hắn đã ao ước có một gia đình nho nhỏ, . Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải. Chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm”. Nhưng thật đau đớn khi cái xã hội bất nhân ấy đã bóp chết ước mơ đó của Chí khi vừa chớp nở. Một cơn ghen của lão Bá Kiến đã đẩy Chí Phèo đi vào nhà tù thực dân, Tại nơi đây đã biến một con người hiền lành, chất phát thành một tên lưu manh, tội đồ.
Nhà tù thực dân đã thay đổi cả nhân hình, phá hủy cả nhân tính đẹp đẽ của Chí năm nào. Bảy, tám năm ra tù, Chí không còn là anh canh điền như trước nữa. Trước mắt người đọc là một tên lưu manh với một nhân hình gớm ghiếc cái đầu hắn trọc lóc, cái răng thì cạo trắng hớn, cai mặt thì lại đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết, ngực và tay đầy những nét chạm trỗ. Nam Cao đã cho người đọc thấy một thực tế đau lòng về cuộc sống của nhân dân ta trước Cách mạng. Đó chính là cuộc sống bị bóp nghẹt ước mơ và khát vọng, người nông dân bần cùng hóa dẫn đến lưu manh hóa. Một cuộc sống tối tăm tối tăm không ánh sáng. Nam Cao xót thương cho nhận vật do chính mình tạo ra và cũng như đang xót thương cho những kiếp người lúc bấy giờ, bị chính cái xã hội mình đang sống tha hóa dần bản tính lương thiện vốn có.
Nhịp điệu thời gian trong Chí Phèo là sự gối đầu chồng chéo các sự kiện , tạo nên một nhịp điệu gấp khúc đầy đau đớn, xót xa. Chí đã bị đẩy vào tù, khi ra tù thì trở thành tay sai cho Bá Kiến , Và giờ may mắn thay, Chí gặp Thị Nở – kim chỉ nam đưa Chí trở về cuộc đời là con người của mình. Vậy, mối duyên nơi bụi chuối sau một đêm sau này có thật sự sẽ là hồi kết cho tấm bi kịch đời Chí?
Lần đầu tiên trong cuộc đời Chí tỉnh dậy. Chợt nhận ra bên ngoài căn lều ẩm thấp là ánh nắng rực rỡ biết bao, nghe được tiếng chim hót vui vẻ quá, tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá trên sông, tiếng lao xao của người đi chợ bán vải về…Những âm thanh ấy ngày nào chả có nhưng hôm nay Chí mới nghe thấy. Lòng Chí bâng khuâng, Chí tự nhận thức được tâm trạng của chính mình hắn thấy lòng mơ hồ buồn. Chính cuộc sống đã lay động tiềm thức xa xôi của Chí. Nó như cơn gió thổi tung đám tro tàn nguội lạnh, như từng giọt nước nhỏ vào tâm hồn sỏi đá, cằn khô làm tan đi giá băng tâm hồn. Chí không chỉ nghe thấy bằng thính giác mà còn cảm nhận cuộc sống bằng tâm hồn, cảm xúc vui vẻ quá và hình dung, phán đoán tiếng cười nói của những người đi chợ. Khi tỉnh táo, Chí Phèo đã ngộ – nhận thức nhìn lại cuộc đời của mình cả trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai. Một kẻ anh hùng của làng Vũ Đại đếch đứa nào bằng anh cũng có lúc phải buồn, phải yếu đuối và cô độc. Phải chăng Chí đang hối hận và ăn năn những việc mà mình đã làm? Chẳng biết có phải hay không mà Chí thấy lòng buồn man mác. Và nếu như Thị Nở không qua, chắc là hắn đã khóc mất.
Sau những ngày tháng sống gần như vô thức không biết đến thời gian, tuổi tác, Chí đã tỉnh táo và suy nghĩ về cuộc đời mình. Sự trở lại của khả năng nhận thức thế giới xung quanh và nhận thức được chính mình bằng lí trí cũng như bằng tình cảm, cảm xúc rất người, Chí đang thức tỉnh và bắt đầu hồi sinh để trở về với kiếp người.
Có nhà phê bình cho rằng Thị Nở là một sứ giả mà Nam Cao phái đến để thức tỉnh Chí Phèo. Đó là sứ giả của tình yêu thương và tấm lòng nhân đạo sâu sắc của nhà văn. Nhưng có lẽ cần phải nói thêm, Thị Nở không chỉ là vai trò sứ giả của lòng nhân đạo mà thị còn là một thiên sứ của tình yêu. Vị thiên sứ này không có đôi cánh thiên thần nhưng có đôi tay đầy ắp tình người. Thiên sứ ấy như một ngọn gió, một ngọn lửa thổi vào tâm hồn Chí. Nếu là gió, gió sẽ thổi bay lớp tro tàn đang vây quanh Chí. Nếu là lửa, lửa sẽ đốt cháy lớp vỏ quỷ dữ để trả về cho Chí một con người.
Nam Cao đã không trách giận nhân vật của mình, ngòi bút của ông dành cho nhân vật vẫn nồng nàn yêu thương. Ông phát hiện tronh chiều sâu của nhân vật bản tính tốt đẹp, chỉ cần chút tình thương chạm khẽ vào là có thể sống dậy mạnh mẽ, tha thiết. Chí hi vọng mãnh liệt vào Thị Nở, người sẽ mở đường cho hắn, người sẽ giúp dân làng nhận ra là hắn đã thức tỉnh, là hắn cũng có thể không làm hại được ai để họ sẽ lại nhận hắn vào một xã hội công bằng, thân thiện của những người lương thiện. Bản tính con người ngày nào bị khuất lấp sau những ngày rạch mặt ăn vạ, đập đầu, chém giết chửi bởi bây giờ bỗng sống lại “Hắn không kinh rượu nhưng cố uống cho thật ít. Để cho khỏi tốn tiền, nhưng nhất là để tần tảo yêu nhau”. Chí cũng biết tỏ tình một cách trân trọng, tình tứ nhất như bao gã đàn ông “Hay là mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui”, Chí chân thành bày tỏ với Thị “Giá cứ thế này mãi thì thích nhỉ?” lời bày tỏ hiền lành, ngờ nghệch, hồn nhiên của một người biết yêu nhưng cũng đầy tội nghiệp, hắn cảm nhận được sợi dây hạnh phúc rất mong manh, con người khốn khổ ấy trong phút làm người ít ỏi vẫn dự cảm được những điều bất hạnh phía trước.
Nhưng xã hội bất nhân và đầy định kiến đã không cho phép Chí được sống trong hạnh phúc nhỏ bé và bình dị của mình. Bi kịch và đau đớn thay, ngay Thị Nở cũng không thể gắn bó với Chí Phèo lời nói của bà cô Thị Nở như một gáo nước lạnh tạt vào mặt hắn làm tắt ngúm ngọn lửa lòng vừa được nhen lên trong Chí. Cánh cửa cuộc đời vừa hé mở thì cũng ngay lập tức đóng sầm lại trước mắt anh. Đã có đến hai lần Nam Cao miêu tả dáng vẻ ngơ ngác của Chí Phéo: hắn bỗng nhiên ngẩn mặt…rồi lại hắn ngồi ngẩn mặt, không nói gì. Rồi Chí lại tìm đến rượu, hắn cầm dao đi trả thù cho những nỗi uất hận trong lòng hắn, hắn dự định rẽ vào nhà Thị Nở nhưng thứ gì đó đã khiến hắn phải rẽ vào nhà lão Bá Kiến. Nam Cao đã từng bình luận “Những thằng điên và những thằng say rượu không bao giờ làm những cái mà lúc ra đi chúng định làm”. Đó có lẽ chính là nguyên nhân khiến Chí rẽ sang hướng nhà Bá Kiến, Chí chỉ thẳng vào mặt Bá Kiến, hắn đòi cho mình quyền làm người nhưng chính Chí cũng biết rằng đó rất vô vọng “Ai cho tao lương thiện…Tao không thể là người lương thiện nữa”. Đó là câu nói tỉnh táo nhất và cũng là cay đắng nhất của Chí Phèo khi hắn ý thức được sự chối từ của cộng đồng và tình cảnh tuyệt vọng của mình. Chí Phèo đã đâm chết Bá Kiến sau đó để trả thù cho tất cả bi kịch đời mình. Giết Bá Kiến, Chí không thể tiếp tục tồn tại trong một cộng đồng tuyệt đối không ai dám thừa nhận hắn. Chí đã tự kết liễu đời mình. Nếu trước đây, để tồn tại thì hắn đã phải bán bộ mặt và linh hồn cho quỷ dữ, thì giờ đây khi linh hồn trở về, Chí đã phải đổi lấy cả sự sống của mình.
Hành động của Chí Phèo là tất yếu, không phải là hành động mù quáng do hơi men mà là kết quả của việc Chí Phèo đã hồi sinh, nhận ra cảnh ngộ oái oăm, trớ truê của cuộc đời. Không thể tiếp tục làm quỷ dữ, chẳng thể làm được người. Cái chết của Chí là kết cục tất yếu trong bi kịch của người nông dân bị đẩy vào con đường lưu manh hóa, muốn hoàn lương mà bị khước từ.
Truyện ngắn Chí Phèo ghi nhận thành công của Nam Cao trước hết trong việc xây dựng nhân vật, tiêu biểu là Chí Phèo, có cá tính độc đáo và có tính khái quát, tiêu biểu, gây ấn tượng mạnh cho người đọc. Qua đó, nhà văn đồng cảm với những nỗi đau khổ bị đày đọa và lăng nhục của người nông dân.
Bài viết khác cùng mục: