Câu hỏi-Đề cương mới nhất ôn tập quản lý thuế (phần 1)- ôn thi công chức thue

Câu hỏi-Đề cương mới ôn tập quản lý thuế (phần 1)- ôn thi công chức thuế. Trong phần 1 này là những câu ôn tập những quy định chung được tự biên soạn .

Phần 1:Những quy định chung

Câu 1:  Anh (chị) hãy cho biết nội dung quản lý thuế theo quy định của Luật quản lý thuế?  -Trg 1
           Trả Lời: Theo Điều 3 Luật Quản lý Thuế số 78/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006 quy định nội dung quản lý thuế gồm:
1. Đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, ấn định thuế.
2. Thủ tục hoàn thuế, miễn thuế, giảm thuế.
3. Xoá nợ tiền thuế, tiền phạt.
4. Quản lý thông tin về người nộp thuế.
5. Kiểm tra thuế, thanh tra thuế.
6. Cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế.
7. Xử lý vi phạm pháp luật về thuế.
8. Giải quyết khiếu nại, tố cáo về thuế.
Câu 2:  Anh (chị) hãy cho biết người nộp thuế gồm những đối tượng nào? —–Trg 1
    Trả Lời: Theo Khoản 1 Điều 2 Luật Quản lý Thuế số 78/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006 thì người nộp thuế gồm:
a, Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế;
b, Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nộp các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước (sau đây gọi chung là thuế) do cơ quan quản lý thuế quản lý thu theo quy định của pháp luật;
c, Tổ chức, cá nhân khấu trừ thuế; tổ chức, cá nhân làm thủ tục về thuế thay người nộp thuế.
Câu 3: Anh (chị) hãy cho biết cơ quan quản lý thuế gồm những cơ quan nào? —-Trg 1
Trả Lời: Theo Khoản 2 Điều 2 Luật Quản lý Thuế số 78/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006 thì cơ quan quản lý thuế gồm:
a, Cơ quan thuế gồm Tổng cục thuế, Cục thuế, Chi cục thuế.
b, Cơ quan hải quan gồm Tổng cục hải quan, Cục hải quan, Chi cục hải quan.
Câu 4: Anh (chị) hãy cho biết người nộp thuế có các quyền gì? —-Trg 1
  Trả lời: Theo Điều 6 Luật Quản lý Thuế số 78/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006 quy định quyền của người nộp thuế như sau:
1. Được hướng dẫn thực hiện việc nộp thuế; cung cấp thông tin, tài liệu để thực hiện nghĩa vụ, quyền lợi về thuế.
2. Yêu cầu cơ quan quản lý thuế giải thích về việc tính thuế, ấn định thuế; yêu cầu cơ quan, tổ chức giám định số lượng, chất lượng, chủng loại hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.
3. Được giữ bí mật thông tin theo quy định của pháp luật.
4. Hưởng các ưu đãi về thuế, hoàn thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
5. Ký hợp đồng với tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế.
6. Nhận văn bản kết luận kiểm tra thuế, thanh tra thuế của cơ quan quản lý thuế; yêu cầu giải thích nội dung kết luận kiểm tra thuế, thanh tra thuế; bảo lưu ý kiến trong biên bản kiểm tra thuế, thanh tra thuế.
7. Được bồi thường thiệt hại do cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế gây ra theo quy định của pháp luật.
8. Yêu cầu cơ quan quản lý thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của mình.
9. Khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
10. Tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật của công chức quản lý thuế và tổ chức, cá nhân khác.
Câu 5: Anh (chị) hãy cho biết NNT có quyền được giữ bí mật thông tin không?    Trg 1
Trả lời: Theo khoản 3 Điều 6 Luật Quản lý Thuế số 78/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006 thì: Người nộp thuế được giữ bí mật thông tin theo quy định của pháp luật.
Nhưng không được giữ bí mật theo Điều 35 Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 05 năm 2007 thì cơ quan quản lý thuế được công khai thông tin vi phạm pháp luật về thuế của người nộp thuế trong các trường hợp sau:
1. Trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế, mua bán hoá đơn bất hợp pháp, làm mất hoá đơn, vi phạm pháp luật về thuế rồi bỏ trốn khỏi trụ sở kinh doanh, tiếp tay cho hành vi trốn thuế, không nộp thuế đúng thời hạn sau khi cơ quan quản lý thuế đã áp dụng các biện pháp xử phạt, cưỡng chế thu nợ thuế.
2. Các hành vi vi phạm pháp luật về thuế của người nộp thuế làm ảnh hưởng đến quyền lợi và nghĩa vụ nộp thuế của tổ chức, cá nhân khác.
3. Không thực hiện các yêu cầu của cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật, như: từ chối không cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan quản lý thuế; không chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra và các yêu cầu khác của cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật.
4. Chống, ngăn cản công chức thuế, công chức hải quan thi hành công vụ.
5. Các thông tin khác được công khai theo quy định của pháp luật.
Câu 6: Anh (chị) hãy nêu nghĩa vụ của người nộp thuế?             – Trg 2
        Trả lời: Theo Điều 7 Luật Quản lý Thuế số 78/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006 quy định Nghĩa vụ của người nộp thuế như sau:
1. Đăng ký thuế, sử dụng mã số thuế theo quy định của pháp luật.
2. Khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng thời hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế.
3. Nộp tiền thuế đầy đủ, đúng thời hạn, đúng địa điểm.
4. Chấp hành chế độ kế toán, thống kê và quản lý, sử dụng hoá đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.
5. Ghi chép chính xác, trung thực, đầy đủ những hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế, khấu trừ thuế và giao dịch phải kê khai thông tin về thuế.
6. Lập và giao hoá đơn, chứng từ cho người mua theo đúng số lượng, chủng loại, giá trị thực thanh toán khi bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật.
7. Cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế, số hiệu và nội dung giao dịch của tài khoản mở tại ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác; giải thích việc tính thuế, khai thuế, nộp thuế theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế.
8. Chấp hành quyết định, thông báo, yêu cầu của cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế theo quy định của pháp luật.
9. Chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật trong trường hợp người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền thay mặt người nộp thuế thực hiện thủ tục về thuế sai quy định.
Câu 7: Anh (chị) hãy cho biết cơ quan quản lý thuế có các quyền hạn gì  trong việc thực hiện Luật quản lý thuế?     Trag 2
Trả lời: Theo Điều 9 Luật Quản lý Thuế số 78/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006 thì quyền hạn của cơ quan quản lý thuế như sau:
1. Yêu cầu người nộp thuế cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế, số hiệu, nội dung giao dịch của các tài khoản được mở tại ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác và giải thích việc tính thuế, khai thuế, nộp thuế.
2. Yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế và phối hợp với cơ quan quản lý thuế để thực hiện pháp luật về thuế.
3. Kiểm tra thuế, thanh tra thuế.
4. Ấn định thuế.
5. Cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về thuế.
6. Xử phạt vi phạm pháp luật về thuế theo thẩm quyền; công khai trên phương tiện thông tin đại chúng các trường hợp vi phạm pháp luật về thuế.
7. Áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử lý vi phạm pháp luật về thuế theo quy định của pháp luật.
8. Ủy nhiệm cho cơ quan, tổ chức, cá nhân thu một số loại thuế vào ngân sách nhà nước theo quy định của Chính phủ.
Câu 8: Anh (chị) hãy nêu trách nhiệm của Bộ Tài Chính trong quản lý thuế? –Trag 2
 Trả lời: Theo Điều 10 Luật Quản lý Thuế số 78/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006 quy định Trách nhiệm của Bộ Tài chính trong quản lý thuế
1. Thực hiện quản lý nhà nước về thuế theo quy định của pháp luật.
2. Chỉ đạo thực hiện quản lý thuế theo quy định của Luật này.
3. Chỉ đạo lập và thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước.
4. Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về thuế.
5. Xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc thực hiện pháp luật về thuế theo thẩm quyền.
Câu 9: Anh (chị) hãy cho biết cách tính thời hạn để thực hiện các thủ tục hành chính thuế?
Trả lời: Cách tính thời hạn để thực hiện các thủ tục hành chính thuế:
Theo Điều 32 Luật Quản lý Thuế số 78/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006 cách tính thời hạn để thực hiện các thủ tục hành chính thuế như sau:
1. Chậm nhất là ngày thứ hai mươi của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế đối với loại thuế khai và nộp theo tháng.
2. Đối với loại thuế có kỳ tính thuế theo năm:
a) Chậm nhất là ngày thứ ba mươi của tháng đầu tiên của năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ khai thuế năm;
b) Chậm nhất là ngày thứ ba mươi của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế đối với hồ sơ khai thuế tạm tính theo quý;
c) Chậm nhất là ngày thứ chín mươi, kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ quyết toán thuế năm.
3. Chậm nhất là ngày thứ mười, kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế đối với loại thuế khai và nộp theo từng lần phát sinh nghĩa vụ thuế.
4. Đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế là thời hạn nộp tờ khai hải quan:
a) Đối với hàng hoá nhập khẩu thì hồ sơ khai thuế được nộp trước ngày hàng hoá đến cửa khẩu hoặc trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày hàng hoá đến cửa khẩu. Tờ khai hải quan có giá trị làm thủ tục về thuế trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày đăng ký;
b) Đối với hàng hoá xuất khẩu thì hồ sơ khai thuế được nộp chậm nhất là tám giờ trước khi phương tiện vận tải xuất cảnh. Tờ khai hải quan có giá trị làm thủ tục về thuế trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày đăng ký;
c) Đối với hành lý mang theo của người nhập cảnh, xuất cảnh, thuộc diện chịu thuế xuất khẩu, nhập khẩu, tờ khai hải quan được nộp ngay khi phương tiện vận tải đến cửa khẩu nhập hoặc trước khi tổ chức vận tải chấm dứt việc làm thủ tục nhận hành khách lên phương tiện vận tải xuất cảnh. Hành lý gửi trước hoặc sau chuyến đi của người nhập cảnh được thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này.
5. Chậm nhất là ngày thứ bốn mươi lăm, kể từ ngày chấm dứt hoạt động, chấm dứt hợp đồng, chuyển đổi hình thức sở hữu doanh nghiệp hoặc tổ chức lại doanh nghiệp.
Cải cách thủ tục hành chính thuế nhằm làm giảm số ngày dương lịch hoặc số ngày làm việc để rút ngắn thời hạn làm các thủ tục hành chính thuế, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế góp phần làm cho sản xuất kinh doanh phát triển.
Câu 10: Anh (chị) hãy nêu trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc quản lý thuế?    Trag 3
 Trả lời: Theo Điều 11 Luật Quản lý Thuế số 78/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006 quy định:
1. Hội đồng nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quyết định nhiệm vụ thu ngân sách hằng năm và giám sát việc thực hiện pháp luật về thuế.
2. Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:
a) Chỉ đạo các cơ quan có liên quan tại địa phương phối hợp với cơ quan quản lý thuế lập dự toán thu ngân sách nhà nước và tổ chức thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước trên địa bàn;
b) Kiểm tra việc thực hiện pháp luật về thuế;
c) Xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc thực hiện pháp luật về thuế theo thẩm quyền.
Câu 11: Anh (chị) hãy cho biết ai được quyền ký quyết định thành lập hội đồng tư vấn thuế xã phường? Nêu nhiệm vụ và các thành phần của hội đồng tư vấn thuế xã, phưòng, thị trấn?   Trag 2
Trả lời: Theo Điều 12 Luật Quản lý Thuế số 78/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006 quy định:
 1. Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quyết định thành lập theo đề nghị của Chi cục trưởng Chi cục thuế quản lý thuế tại địa bàn xã, phường, thị trấn.
 2. Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn gồm có:
–  Đại diện Uỷ ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, Công an xã, phường, thị trấn;
–  Đại diện các hộ gia đình, cá nhân kinh doanh;
–  Đại diện Chi cục thuế quản lý địa bàn xã, phường, thị trấn.
Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn làm chủ tịch.
3. Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn có nhiệm vụ tư vấn cho cơ quan thuế về mức thuế của các hộ, gia đình, cá nhân kinh doanh trên địa bàn, bảo đảm đúng pháp luật, dân chủ, công khai, công bằng, hợp lý. Nội dung tư vấn phải được ghi nhận bằng biên bản cuộc họp của Hội đồng.
 4. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về hoạt động của Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn.
Nhiệm vụ vủa hội đồng tư vấn thuế được quy định cụ thể tại Điều 4 chương II Quyết định số 68/2007/QĐ-BTC ngày 01 tháng 08 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính như sau:
1. Phối hợp với cơ quan thuế để tuyên truyền, phổ biến các Luật, Pháp lệnh về thuế tới các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và các cơ quan, đoàn thể trên địa bàn phường xã;
2. Thống kê những hộ, gia đình, cá nhân mới phát sinh hoạt động kinh doanh hoặc những hộ, gia đình, cá nhân kinh doanh có thay đổi về quy mô, nội dung kinh doanh trên địa bàn để chuyển cho cơ quan thuế xác định và phân loại quản lý theo pháp lệnh thuế;
3. Đôn đốc, vận động các hộ, gia đình, cá nhân kinh doanh thực hiện kê khai, nộp thuế đầy đủ, kịp thời vào nhân sách nhà nước;
4. Tư vấn cho cơ quan thuế trong việc xét miễn giảm thuế cho các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán trên địa bàn;
5. Tham gia với cơ quan thuế vào việc xác định số thuế phải nộp của các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán trên địa bàn xã, phường cho phù hợp với thực tế kinh doanh và đảm bảo tính công bằng về thuế;
6. Phối hợp với cơ quan thuế trong việc thực hiện cưỡng chế đối với các hộ, cá nhân kinh doanh chây ỳ, không nộp thuế;
7. Phản ánh, thông báo với cơ quan thuế và các cơ quan chức năng khác các hành vi sai trái của công chức thuế.
Câu 12: Anh (chị) hãy nêu trách nhiệm của các cơ quan khác của Nhà nước trong việc quản lý thuế? Trách nhiệm của cơ quan điều tra, viện kiểm soát, toà án trong việc quản lý thuế? Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khác trong việc tham gia quản lý thuế? – –Trag 4
Trả lời: Theo Điều 13 Luật Quản lý Thuế số 78/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006 quy định:
1. Các cơ quan khác của Nhà nước có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thuế; phối hợp với cơ quan quản lý thuế trong việc quản lý thuế; tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế.
2. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh tội phạm vi phạm pháp luật về thuế theo quy định của pháp luật và thông báo tiến độ, kết quả xử lý vụ việc cho cơ quan quản lý thuế.
Theo Điều 16 Luật Quản lý Thuế số 78/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006 thì Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khác như sau:
1. Cung cấp thông tin liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế.
2. Phối hợp thực hiện các quyết định xử lý vi phạm pháp luật về thuế.
3. Tố giác các hành vi vi phạm pháp luật về thuế.
4. Yêu cầu người bán hàng, người cung cấp dịch vụ phải giao hoá đơn, chứng từ bán hàng hoá, dịch vụ đúng số lượng, chủng loại, giá trị thực thanh toán khi mua hàng hoá, dịch vụ.
Câu 13: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp có những trách nhiệm gì trong việc tham gia quản lý thuế? – Trang4
Trả lời: Theo Điều 14 Luật Quản lý Thuế số 78/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006 quy định:
1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận tổ chức động viên nhân dân, giáo dục hội viên nghiêm chỉnh thi hành pháp luật về thuế; phê phán các hành vi vi phạm pháp luật về thuế.
2. Tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp phối hợp với cơ quan quản lý thuế trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thuế đến các hội viên.
3. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp phối hợp với cơ quan quản lý thuế trong việc cung cấp thông tin liên quan đến việc quản lý thuế.
Câu 14: Anh (chị) hãy nêu trách nhiệm của cơ quan thông tin, báo chí trong việc quản lý thuế? – Trang 4
Trả lời: Theo Điều 15 Luật Quản lý Thuế số 78/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006 thì Trách nhiệm của cơ quan thông tin, báo chí như sau:
1. Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về thuế.
2. Nêu gương tổ chức, cá nhân thực hiện tốt pháp luật về thuế.
3. Phản ánh và phê phán các hành vi vi phạm pháp luật về thuế.
Câu 15: Anh (chị) hãy nêu trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế trong việc hợp tác quốc tế về thuế? – Trang 4
Trả lời: Theo Điều 17 Luật Quản lý Thuế số 78/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006  thì Trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế trong việc hợp tác quốc tế về thuế như sau:
1. Thực hiện quyền, nghĩa vụ và bảo đảm lợi ích của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo các điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
2. Đàm phán, ký kết và tổ chức thực hiện thoả thuận quốc tế song phương với cơ quan quản lý thuế các nước;
3. Tổ chức khai thác, trao đổi thông tin và hợp tác nghiệp vụ với cơ quan quản lý thuế các nước, các tổ chức quốc tế có liên quan.
Câu 16: Anh (chị) hãy nêu các tiêu chuẩn của công chức quản lý thuế?    Trang 5
 Trả lời: Theo Điều 18 Luật Quản lý Thuế số 78/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006  quy định:
Để  Xây dựng lực lượng quản lý thuế ngày càng trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực và Hiệu quả thì công chức quản lý thuế phải có các tiêu chuẩn sau:
1) Được tuyển dụng, đào tạo và sử dụng theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức;
2) Có phẩm chất chính trị tốt, thực hiện nhiệm vụ đúng quy định của pháp luật, trung thực, liêm khiết, có tính kỷ luật, thái độ văn minh, lịch sự, tinh thần phục vụ tận tụy, nghiêm chỉnh chấp hành quyết định điều động và phân công công tác;
3) Có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; kiến thức chuyên sâu, chuyên nghiệp bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý thuế.
 Nghiêm cấm công chức quản lý thuế gây phiền hà, khó khăn cho người nộp thuế; thông đồng, nhận hối lộ, bao che cho người nộp thuế để trốn thuế, gian lận thuế; sử dụng trái phép, chiếm dụng, chiếm đoạt tiền thuế.
Câu 17: Anh (chị) hãy nêu các nội dung và mục đích của việc hiện đại hoá công tác quản lý thuế?  Trang 5
 Trả lời: Theo Khoản 1 Điều 19 Luật Quản lý Thuế số 78/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006 quy định hiện đại hoá công tác quản lý thuế:
Công tác quản lý thuế được hiện đại hoá về phương pháp quản lý, thủ tục hành chính, bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ, áp dụng rộng rãi công nghệ tin học, kỹ thuật hiện đại trên cơ sở dữ liệu thông tin chính xác về người nộp thuế để kiểm soát được tất cả đối tượng chịu thuế, căn cứ tính thuế; bảo đảm dự báo nhanh, chính xác số thu của ngân sách nhà nước; phát hiện và xử lý kịp thời các vướng mắc, vi phạm pháp luật về thuế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế.
Câu 18: Anh (chị) hãy nêu chính sách của Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân trong việc hiện đại hoá quản lý thuế?   Trang 5
 Trả lời: Theo Khoản 2 Điều 19 Luật Quản lý Thuế số 78/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006  quy định:
Nhà nước bảo đảm đầu tư, khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia phát triển công nghệ và phương tiện kỹ thuật tiên tiến để áp dụng phương pháp quản lý thuế hiện đại; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng, thực hiện giao dịch điện tử và quản lý thuế điện tử; đẩy mạnh phát triển các dịch vụ thanh toán thông qua hệ thống ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác để từng bước hạn chế các giao dịch thanh toán bằng tiền mặt của người nộp thuế. Chính phủ ban hành chính sách về hiện đại hóa quản lý thuế.
Câu 19: Anh (chị) hãy nêu quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục thuế?   Trang 5
Trả lời: Theo Điều 20 Luật Quản lý Thuế số 78/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006  quy định:
1. Tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ có điều kiện được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp, thực hiện các thủ tục về thuế theo thoả thuận với người nộp thuế.
2.Quyền của tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế:
a) Được thực hiện các thủ tục về thuế theo hợp đồng với người nộp thuế;
b) Được thực hiện các quyền của người nộp thuế theo quy định của Luật này và theo hợp đồng với người nộp thuế.
 3.Nghĩa vụ của tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế:
a) Thông báo với cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế về hợp đồng dịch vụ làm thủ tục thuế;
b) Khai thuế, nộp thuế, quyết toán thuế, lập hồ sơ đề nghị số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm, số tiền thuế được hoàn theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
c) Cung cấp cho cơ quan quản lý thuế các tài liệu, chứng từ để chứng minh tính chính xác của việc khai thuế, nộp thuế, quyết toán thuế, đề nghị số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm, số tiền thuế được hoàn của người nộp thuế;
d) Chịu trách nhiệm trước pháp luật và chịu trách nhiệm với người nộp thuế theo nội dung thoả thuận trong hợp đồng dịch vụ làm thủ tục về thuế;
đ) Không được thông đồng, móc nối với công chức quản lý thuế, người nộp thuế để trốn thuế, gian lận thuế.
Câu 20: Anh (chị) hãy nêu các điều kiện hành nghề của tổ chức muốn kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế? Nêu điều kiện của người được cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế?  Trang 6
Trả lời: Theo Khoản 4 Điều 20 Luật Quản lý Thuế số 78/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006 quy định:
  Điều kiện hành nghề của tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế:
a. Có ngành, nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
b. Có ít nhất hai nhân viên được cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục thuế.
Điều kiện của người được cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế:
Người được cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế phải có bằng cao đẳng trở lên thuộc một trong các chuyên ngành kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán, luật và đã có thời gian làm việc từ hai năm trở lên trong các lĩnh vực này; có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có phẩm chất, đạo đức tốt, trung thực, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.
Bộ Tài chính quy định về việc cấp, thu hồi chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế và quản lý hoạt động của tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế.

Câu hỏi-Đề cương mới ôn tập quản lý thuế

Phần 1 xem ở đây
Phần 2 xem ở đây
phần 3 xem ở đây
 phần 4 +5  xem ở đây
Phần 6-11  xem ở đây (hết)
Like share và ủng hộ chúng mình nhé: