Tài liệu ôn tập môn nghiệp vụ chuyên ngành kỳ thi công chức kì thi 2020- Chuyên đề 2 :Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế
Điều 5. Văn phòng tỉnh uỷ
- Chức năng
1.1. Là cơ quan tham mưu, giúp việc tỉnh uỷ mà trực tiếp, thường xuyên là ban thường vụ và thường trực tỉnh uỷ trong tổ chức, điều hành công việc, lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp hoạt động của các cơ quan tham mưu, giúp việc; phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu, thẩm định đề xuất chủ trương, chính sách thuộc lĩnh vực kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, đối ngoại; nguyên tắc, chế độ quản lý tài chính, tài sản của đảng bộ; là trung tâm thông tin tổng hợp phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh uỷ; là đầu mối giúp thường trực tỉnh uỷ xử lý công việc hằng ngày.
1.2. Là đại diện chủ sở hữu tài sản của tỉnh uỷ; trực tiếp quản lý tài chính, tài sản của tỉnh uỷ và các cơ quan, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh uỷ; bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện và tổ chức phục vụ cho hoạt động của tỉnh uỷ và các cơ quan tham mưu, giúp việc tỉnh uỷ.
- Nhiệm vụ
2.1. Nghiên cứu, đề xuất và thực hiện
a) Nghiên cứu, đề xuất và giúp ban chấp hành, ban thường vụ, thường trực tỉnh uỷ tổ chức thực hiện chương trình công tác; xây dựng, tổ chức thực hiện quy chế làm việc; sắp xếp chương trình công tác của đồng chí bí thư, các phó bí thư và một số hoạt động của các đồng chí uỷ viên ban thường vụ tỉnh uỷ theo quy chế làm việc và chương trình công tác; thực hiện công tác đối ngoại của tỉnh uỷ; phối hợp và điều hoà hoạt động của các cơ quan tham mưu, giúp việc tỉnh uỷ. Chủ trì, phối hợp tham mưu và tổ chức thực hiện công tác cải cách hành chính trong Đảng.
b) Tổng hợp tình hình tổ chức thực hiện nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận của Trung ương, của tỉnh uỷ và hoạt động của các cấp uỷ, đảng đoàn, ban cán sự đảng, các cơ quan thuộc tỉnh uỷ. Thông báo ý kiến kết luận, chỉ đạo của ban thường vụ, thường trực tỉnh uỷ, bí thư, phó bí thư và theo dõi, đôn đốc việc thực hiện. Theo dõi, đôn đốc các tổ chức đảng trực thuộc tỉnh uỷ, các cơ quan liên quan thực hiện chế độ thông tin báo cáo theo quy định. Thực hiện công tác thông tin phục vụ sự lãnh đạo của tỉnh uỷ; chế độ cung cấp thông tin cho cấp uỷ viên và các tổ chức. Giúp tỉnh uỷ thực hiện chế độ thông tin, báo cáo định kỳ và đột xuất.
c) Tiếp nhận, phát hành và quản lý các tài liệu, văn bản đến và đi của tỉnh uỷ và các cơ quan tham mưu, giúp việc tỉnh uỷ; quản lý, khai thác mạng cơ yếu của tỉnh uỷ. Tổ chức quản lý, khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin, bảo vệ mạng thông tin diện rộng của đảng bộ.
d) Quản lý, tổ chức khai thác tài liệu Phông Lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam thuộc thẩm quyền thu thập của lưu trữ lịch sử đảng bộ tỉnh, bao gồm tài liệu lưu trữ của các cơ quan, tổ chức đảng, tổ chức chính trị – xã hội.
đ) Trực tiếp quản lý tài chính, tài sản, chi tiêu ngân sách đảng; hành chính, quản trị, tài vụ phục vụ hoạt động của cấp uỷ và các cơ quan tham mưu, giúp việc tỉnh uỷ. Thực hiện thẩm tra quyết toán tài chính ngân sách đảng của các tổ chức đảng và đảng bộ trực thuộc. Bảo đảm điều kiện vật chất, phương tiện, trang thiết bị cho hoạt động của tỉnh uỷ và các cơ quan tham mưu, giúp việc tỉnh uỷ; đồng thời, bảo đảm tài chính và cơ sở vật chất khác cho các cơ quan trực thuộc tỉnh uỷ theo phân công, phân cấp.
e) Tham gia tổ chức, phục vụ đại hội đảng bộ tỉnh; chủ trì phục vụ hội nghị tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ và các hội nghị do thường trực tỉnh uỷ triệu tập, các cuộc làm việc của bí thư, phó bí thư tỉnh uỷ.
g) Sơ kết, tổng kết công tác văn phòng cấp uỷ.
2.2. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát
a) Hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác văn phòng, công tác tài chính, quản lý tài sản của Đảng cho các tổ chức đảng trực thuộc tỉnh uỷ và văn phòng cấp uỷ cấp dưới; nghiệp vụ công tác văn thư, lưu trữ của các cơ quan, tổ chức đảng, đoàn thể chính trị – xã hội ở địa phương theo quy định của pháp luật về lưu trữ, các quy định của Ban Bí thư và hướng dẫn của Văn phòng Trung ương Đảng; công nghệ thông tin, nghiệp vụ công tác cơ yếu cho văn phòng cấp uỷ cấp dưới và các cơ quan đảng thuộc tỉnh uỷ.
b) Thực hiện kiểm tra, giám sát về nghiệp vụ văn phòng và công tác tài chính – kế toán ở các đảng bộ và tổ chức trực thuộc tỉnh uỷ.
c) Chủ trì, phối hợp với uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ, ban tổ chức tỉnh uỷ và các cơ quan liên quan giúp tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế làm việc của tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ.
2.3. Thẩm định, thẩm tra
a) Đề án, văn bản của các cơ quan, tổ chức trước khi trình tỉnh uỷ, ban thường vụ, thường trực tỉnh uỷ về: Yêu cầu, phạm vi, quy trình, thẩm quyền ban hành và thể thức văn bản.
b) Nội dung đề án, văn bản thuộc lĩnh vực kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, đối ngoại và các lĩnh vực khác theo sự phân công của thường trực tỉnh uỷ trước khi trình tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ, thường trực tỉnh uỷ.
2.4. Phối hợp
a) Với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất một số chủ trương của tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ về cơ chế, chính sách kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, đối ngoại; tham gia ý kiến với cơ quan nhà nước trong việc cụ thể hoá chủ trương, chính sách phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.
b) Với các cơ quan liên quan xây dựng một số đề án, văn bản, chương trình hành động do ban thường vụ tỉnh uỷ, thường trực tỉnh uỷ giao; biên tập hoặc thẩm định văn bản trước khi ban thường vụ tỉnh uỷ, thường trực tỉnh uỷ ban hành.
c) Với ban tổ chức tỉnh uỷ trong công tác cán bộ theo quy định của ban thường vụ tỉnh uỷ về phân cấp quản lý cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử; trong việc quản lý tổ chức bộ máy, biên chế và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của văn phòng tỉnh uỷ theo phân cấp.
d) Với các cơ quan tham mưu, giúp việc của tỉnh uỷ, đảng đoàn, ban cán sự đảng, đảng uỷ trực thuộc tỉnh uỷ để tham mưu giúp tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ, thường trực tỉnh uỷ chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, quyết định, kết luận của Trung ương và của tỉnh uỷ về công tác xây dựng đảng; về kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, đối ngoại; việc thực hiện chủ trương, chế độ, nguyên tắc quản lý tài chính, tài sản của tỉnh uỷ.
đ) Với cơ quan chức năng nhà nước trong việc quản lý quy hoạch, kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản và thực hiện dự án cho các cơ quan đảng theo quy định của pháp luật.
e) Với ban nội chính tỉnh uỷ giúp thường trực tỉnh uỷ tổ chức tiếp công dân.
2.5. Thực hiện một số nhiệm vụ khác do ban thường vụ tỉnh uỷ, thường trực tỉnh uỷ giao.
- Tổ chức, bộ máy
3.1. Lãnh đạo văn phòng tỉnh uỷ
Gồm chánh văn phòng và các phó chánh văn phòng. Số lượng phó chánh văn phòng do ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ xem xét, quyết định.
3.2. Các đơn vị trực thuộc
Ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ xem xét, quyết định có thể thành lập một số phòng chuyên môn của văn phòng tỉnh uỷ, như: Phòng tổng hợp; phòng quản trị; phòng tài chính đảng; phòng cơ yếu – công nghệ thông tin; phòng hành chính – lưu trữ. Ngoài ra, theo tình hình thực tế của địa phương có thể lập thêm phòng khác, nhưng tối đa không quá 6 phòng.
Các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp của Đảng (nếu có) thực hiện theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
- Biên chế
Biên chế của văn phòng tỉnh uỷ do ban thường vụ tỉnh uỷ quyết định trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, vị trí việc làm, cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với tổng số biên chế được giao và cân đối với các cơ quan tham mưu, giúp việc khác của tỉnh uỷ. Đồng thời, thực hiện nghiêm tinh giản biên chế theo nghị quyết, quy định, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị.
Điều 6. Ban tổ chức
- Chức năng
1.1. Là cơ quan tham mưu, giúp việc của tỉnh uỷ mà trực tiếp, thường xuyên là ban thường vụ tỉnh uỷ và thường trực tỉnh uỷ về công tác tổ chức xây dựng đảng.
1.2. Là cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ về công tác tổ chức cán bộ, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ, tổ chức bộ máy, biên chế của hệ thống chính trị trong tỉnh.
1.3. Là cơ quan thường trực về công tác thi đua, khen thưởng, tuyển dụng, nâng ngạch, xếp lương đối với cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh uỷ theo phân cấp.
- Nhiệm vụ
2.1. Nghiên cứu, đề xuất và thực hiện
- a) Nghiên cứu, tham mưu, đề xuất xây dựng nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận của tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ về công tác tổ chức xây dựng đảng; về công tác cán bộ thuộc diện tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ quản lý; giải quyết các vấn đề về đảng tịch; giải quyết khiếu nại, tố cáo các vấn đề về chính trị của cán bộ thuộc diện tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ quản lý; chế độ, chính sách, khen thưởng và kỷ luật theo quy định của pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên chức công tác tại các cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội; về chính sách bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ của tỉnh, thành phố theo phân cấp.
- b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng đề án về tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ đảng trình tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ, thường trực tỉnh uỷ.
- c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu ban thường vụ tỉnh uỷ quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của hệ thống chính trị ở địa phương. Thực hiện quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ở các cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội ở địa phương theo phân cấp, uỷ quyền.
- d) Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai, tổ chức thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ thuộc diện tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ quản lý; cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ở khối đảng, đoàn thể ở địa phương. Phối hợp với các cơ quan chức năng, các cơ sở y tế thực hiện việc bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ đối với cán bộ diện tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ quản lý.
đ) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thi nâng ngạch chuyên viên lên chuyên viên chính và tương đương đối với công chức và xét thăng hạng nghề nghiệp viên chức trong các cơ quan đảng, mặt trận tổ quốc và tổ chức chính trị – xã hội theo uỷ quyền.
- e) Quản lý hồ sơ cán bộ diện tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ quản lý và cán bộ, đảng viên có vấn đề về chính trị theo quy định của Bộ Chính trị.
- g) Thực hiện thống kê về tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, công chức, viên chức; công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên ở địa phương.
- h) Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tổ chức xây dựng đảng.
- i) Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất với ban thường vụ tỉnh uỷ, Ban Tổ chức Trung ương theo quy định.
- k) Sơ kết, tổng kết về công tác tổ chức xây dựng Đảng.
2.2. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát
- a) Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát công tác tổ chức, cán bộ, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ, thi hành Điều lệ Đảng; việc thực hiện phân công, phân cấp quản lý tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức và biên chế của hệ thống chính trị tại địa phương theo phân cấp và theo quy định của ban thường vụ tỉnh uỷ.
- b) Hướng dẫn nghiệp vụ và kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác xây dựng, phát triển tổ chức đảng, đảng viên, quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức, hồ sơ đảng viên, cơ sở dữ liệu đảng viên, giới thiệu sinh hoạt đảng, xét tặng huy hiệu Đảng, cấp phát thẻ đảng viên, xoá tên đảng viên, giải quyết khiếu nại và vấn đề đảng tịch cho đảng viên trong đảng bộ; công tác bảo vệ chính trị nội bộ; quản lý biên chế của các cơ quan, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh uỷ.
- c) Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách và công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ các huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; các sở, ban, ngành của tỉnh theo phân cấp quản lý.
2.3. Thẩm định, thẩm tra
- a) Thẩm định các đề án, văn bản về tổ chức xây dựng đảng, về cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ và về tổ chức bộ máy, biên chế của các tổ chức trong hệ thống chính trị trước khi trình tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ, thường trực tỉnh uỷ.
- b) Tham gia ý kiến đối với đề án, văn bản về tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức do Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, các sở, ban, ngành và các cơ quan trong tỉnh quyết định theo phân cấp.
- c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định nhân sự quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách cán bộ trước khi trình tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ, thường trực tỉnh uỷ.
- d) Chủ trì thẩm tra, xác minh đối với cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên có vấn đề về chính trị theo quy định.
2.4. Phối hợp
- a) Với uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ tham mưu, giúp tỉnh uỷ xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát hằng năm thuộc lĩnh vực tổ chức xây dựng đảng.
- b) Với các cơ quan tham mưu, giúp việc tỉnh uỷ, đảng đoàn, ban cán sự đảng, đảng uỷ trực thuộc tỉnh uỷ trong công tác xây dựng Đảng về tổ chức, cán bộ, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ.
- c) Với sở nội vụ và các sở, ban, ngành liên quan trong việc thể chế hoá các nghị quyết, quyết định của Đảng về lĩnh vực tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, bảo vệ chính trị nội bộ.
- d) Với các cơ quan tham mưu, giúp việc tỉnh uỷ, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội cấp tỉnh hướng dẫn xây dựng và kiểm tra thực hiện quy chế làm việc, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế của cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội cấp huyện và các đảng uỷ trực thuộc.
đ) Với văn phòng tỉnh uỷ giúp tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế làm việc của tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ.
2.5. Thực hiện một số nhiệm vụ khác do ban thường vụ, thường trực tỉnh uỷ giao.
- Tổ chức bộ máy
3.1. Lãnh đạo ban
Gồm trưởng ban và các phó trưởng ban. Số lượng phó trưởng ban (không bao gồm phó trưởng ban kiêm nhiệm) do ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ xem xét, quyết định.
3.2. Các đơn vị trực thuộc
Ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ xem xét, quyết định có thể thành lập một số phòng chuyên môn của ban tổ chức tỉnh uỷ, như: Phòng tổ chức – cán bộ; phòng tổ chức đảng – đảng viên; phòng bảo vệ chính trị nội bộ. Ngoài ra, theo tình hình thực tế của địa phương có thể lập thêm phòng khác, nhưng không vượt quá 4 phòng; Ban Tổ chức Thành uỷ Hà Nội, Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh không quá 5 phòng.
- Biên chế
Biên chế của ban tổ chức tỉnh uỷ do ban thường vụ tỉnh uỷ quyết định trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, vị trí việc làm, cơ cấu cán bộ, công chức phù hợp với tổng số biên chế được giao và cân đối với các cơ quan tham mưu, giúp việc khác của tỉnh uỷ. Đồng thời, thực hiện nghiêm tinh giản biên chế theo nghị quyết, quy định, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị.
Điều 7. Cơ quan uỷ ban kiểm tra
- Chức năng
1.1. Là cơ quan tham mưu, giúp việc uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của đảng trong đảng bộ tỉnh theo quy định của Điều lệ Đảng; thực hiện các nhiệm vụ do tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ giao.
1.2. Là cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong đảng của tỉnh uỷ, uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ.
- Nhiệm vụ
2.1. Nghiên cứu, đề xuất và thực hiện
- a) Tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ được quy định trong Điều lệ Đảng, quy chế làm việc của uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ; tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch hằng năm do uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ quyết định.
- b) Chủ trì, phối hợp tham mưu xây dựng và triển khai tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát của tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ, uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ trong nhiệm kỳ và hằng năm theo quy định của Điều lệ Đảng; chuẩn bị các vụ việc kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, các đề án về công tác kiểm tra, giám sát của đảng bộ trình tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ, uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ xem xét, quyết định theo thẩm quyền; các nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận của tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ về công tác kiểm tra, giám sát của tỉnh uỷ.
- c) Nghiên cứu, đề xuất uỷ ban kiểm tra thực hiện các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng và đảng viên theo quy định tại Điều 30 và Điều 32, Điều lệ Đảng; thực hiện trách nhiệm, thẩm quyền trong công tác phòng, chống tham nhũng theo quy định của Bộ Chính trị.
- d) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan tham mưu, giúp việc tỉnh uỷ đề xuất tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ, uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ thành lập đoàn kiểm tra giải quyết tố cáo, khiếu nại kỷ luật đảng; xem xét, xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm theo thẩm quyền; tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát của tỉnh uỷ, uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ.
đ) Đề xuất ý kiến đóng góp vào sự lãnh đạo, chỉ đạo chung của tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng trong đảng bộ.
- e) Thực hiện thông tin tuyên truyền về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng; giúp ban thường vụ tỉnh uỷ và uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ sơ kết, tổng kết về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng.
- g) Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng của uỷ ban kiểm tra và cơ quan uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ. Thực hiện việc thống kê, báo cáo định kỳ và đột xuất với ban thường vụ tỉnh uỷ, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương theo quy định.
2.2. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát
- a) Giúp uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp và đảng viên trong đảng bộ tỉnh thực hiện nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng; giúp uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng cho tổ chức đảng, uỷ ban kiểm tra cấp uỷ trực thuộc và các cơ quan tham mưu, giúp việc cùng cấp; tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác kiểm tra đảng.
- b) Kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng, uỷ ban kiểm tra cấp dưới. Tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của uỷ ban kiểm tra theo Điều lệ Đảng quy định; quy chế làm việc, chương trình công tác kiểm tra, giám sát hằng năm.
2.3. Thẩm định, thẩm tra
Thẩm định đề án, văn bản của các cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội trong tỉnh về những nội dung liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng khi có yêu cầu.
2.4. Phối hợp
- a) Với các cơ quan liên quan trong xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng.
- b) Với văn phòng tỉnh uỷ giúp tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế làm việc của tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ.
- c) Với ban tổ chức tỉnh uỷ trong công tác cán bộ theo quy định của ban thường vụ tỉnh uỷ về phân cấp quản lý cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử; trong việc quản lý tổ chức bộ máy, biên chế và việc thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ; tham gia ý kiến về các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức do cơ quan chức năng đề nghị khen thưởng theo phân cấp.
2.5. Thực hiện một số nhiệm vụ khác do tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ, thường trực tỉnh uỷ và uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ giao.
- Tổ chức bộ máy
3.1. Lãnh đạo cơ quan uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ
Chủ nhiệm và các phó chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ, thành uỷ thực hiện theo Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương quy định thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng.
Chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ là thủ trưởng cơ quan uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ; các phó chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ là phó thủ trưởng cơ quan uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ.
3.2. Các đơn vị trực thuộc
Ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ xem xét, quyết định có thể thành lập một số phòng chuyên môn của cơ quan uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ trên cơ sở yêu cầu nhiệm vụ, tình hình thực tế của địa phương nhưng tối đa không quá 4 phòng; Cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Thành uỷ Hà Nội, Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh không quá 5 phòng.
- Biên chế
Biên chế của cơ quan uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ do ban thường vụ tỉnh uỷ quyết định trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, vị trí việc làm, cơ cấu cán bộ, công chức phù hợp với tổng số biên chế được giao và cân đối với các cơ quan tham mưu, giúp việc khác của tỉnh uỷ. Đồng thời, thực hiện nghiêm tinh giản biên chế theo nghị quyết, quy định, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị.
Điều 8. Ban tuyên giáo
- Chức năng
1.1. Là cơ quan tham mưu của tỉnh uỷ mà trực tiếp, thường xuyên là ban thường vụ tỉnh uỷ và thường trực tỉnh uỷ về công tác xây dựng Đảng thuộc các lĩnh vực chính trị tư tưởng, tuyên truyền, lý luận chính trị, báo chí, xuất bản, văn hoá, văn nghệ, khoa giáo, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương.
1.2. Là cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ về công tác tuyên giáo của tỉnh uỷ.
- Nhiệm vụ
2.1. Nghiên cứu, đề xuất và thực hiện
- a) Nghiên cứu, theo dõi, tổng hợp tình hình tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, dư luận xã hội, những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực chính trị tư tưởng trên địa bàn tỉnh. Dự báo những diễn biến, xu hướng chính trị tư tưởng có thể xảy ra, kịp thời báo cáo, kiến nghị với tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ về phương hướng, nhiệm vụ, nội dung, biện pháp giải quyết.
- b) Đánh giá hoạt động, nghiên cứu, đề xuất các đề án, nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế, cơ chế, chính sách, giải pháp trong lĩnh vực tuyên giáo trình tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ ban hành và tổ chức thực hiện; sưu tầm, biên soạn lịch sử đảng bộ tỉnh.
- c) Chỉ đạo nội dung giáo dục lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong hệ thống giáo dục, đoàn thể chính trị – xã hội ở địa phương. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phát huy truyền thống cách mạng của địa phương, đất nước. Tổ chức nghiên cứu, tuyên truyền, quán triệt nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận của Đảng.
- d) Nghiên cứu, tham mưu tỉnh uỷ chỉ đạo, định hướng, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát về chính trị, tư tưởng trong hoạt động của các cơ quan báo chí, xuất bản, văn hoá, văn nghệ, cơ quan thông tin, tuyên truyền, các hội văn học – nghệ thuật, hội nhà báo ở địa phương đảm bảo hoạt động đúng đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Khi cần thiết, chủ trì hoặc phối hợp kiểm tra về mặt quan điểm chính trị, tư tưởng các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản… thuộc phạm vi phụ trách.
đ) Giúp tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ chỉ đạo công tác chính trị, tư tưởng trong đội ngũ trí thức, nhà khoa học và trong sinh viên, học sinh ở địa phương. Tổ chức và chỉ đạo hoạt động mạng lưới báo cáo viên, tuyên truyền viên theo phân cấp.
- e) Tham gia với chính quyền địa phương trong việc vận dụng, thể chế các quy định của cấp trên về các lĩnh vực có liên quan đến công tác tuyên giáo.
- g) Thực hiện việc báo cáo định kỳ và đột xuất với ban thường vụ tỉnh uỷ, Ban Tuyên giáo Trung ương theo quy định.
- h) Sơ kết, tổng kết về công tác tuyên giáo.
2.2. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát
- a) Hướng dẫn tổ chức nghiên cứu, tuyên truyền, quán triệt và kiểm tra, giám sát việc học tập, quán triệt nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận của Đảng. Kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng, các ban, sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội trong tỉnh về thực hiện các nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận của Trung ương, của tỉnh uỷ trong lĩnh vực tuyên giáo.
- b) Hướng dẫn tổ chức bồi dưỡng lý luận chính trị, thông tin thời sự, tuyên truyền chính sách theo các chương trình, kế hoạch triển khai của Trung ương và tỉnh uỷ; bồi dưỡng và hướng dẫn nghiệp vụ công tác tuyên giáo cho ban tuyên giáo cấp uỷ cấp dưới, các đảng bộ cơ sở, trường chính trị tỉnh, trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện.
- c) Hướng dẫn sưu tầm biên soạn lịch sử đảng bộ huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đảng bộ xã, phường, thị trấn.
2.3. Thẩm định, thẩm tra
Đề án, văn bản của các cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội có liên quan đến lĩnh vực tư tưởng – văn hoá, khoa giáo, lịch sử đảng bộ địa phương trước khi trình tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ, thường trực tỉnh uỷ.
2.4. Phối hợp
- a) Với các cơ quan liên quan đề xuất về cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, quản lý và đãi ngộ đối với đội ngũ trí thức, nhà khoa học và văn nghệ sĩ ở địa phương; quản lý báo chí, xuất bản và xử lý những sai phạm trong hoạt động báo chí, xuất bản.
- b) Với các cơ quan chức năng tham mưu ban thường vụ, thường trực tỉnh uỷ lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của các cơ quan trong khối tuyên giáo trực thuộc tỉnh uỷ.
- c) Với ban tổ chức tỉnh uỷ trong công tác cán bộ theo quy định của ban thường vụ tỉnh uỷ về phân cấp quản lý cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử; trong việc quản lý tổ chức bộ máy, biên chế và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ban tuyên giáo tỉnh uỷ; đề xuất chủ trương đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, quản lý, đãi ngộ nhân tài.
- d) Với uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ tham mưu, giúp tỉnh uỷ xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát hằng năm thuộc lĩnh vực tuyên giáo.
đ) Với văn phòng tỉnh uỷ giúp tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế làm việc của tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ.
2.5. Thực hiện một số nhiệm vụ khác do ban thường vụ tỉnh uỷ, thường trực tỉnh uỷ giao.
- Tổ chức bộ máy
3.1. Lãnh đạo ban
Gồm trưởng ban và các phó trưởng ban. Số lượng phó trưởng ban (không bao gồm phó trưởng ban kiêm nhiệm) do ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ xem xét, quyết định.
3.2. Các đơn vị trực thuộc
Ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ xem xét, quyết định có thể thành lập một số phòng chuyên môn của ban tuyên giáo tỉnh uỷ, như: Phòng lý luận chính trị và lịch sử Đảng; phòng tuyên truyền – báo chí – xuất bản; phòng khoa giáo. Ngoài ra, theo tình hình thực tế địa phương, có thể lập thêm các phòng khác nhưng không quá 5 phòng; Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội, Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh được lập không quá 6 phòng.
- Biên chế
Biên chế của ban tuyên giáo tỉnh uỷ do ban thường vụ tỉnh uỷ quyết định trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, vị trí việc làm, cơ cấu cán bộ, công chức phù hợp với tổng số biên chế được giao và cân đối với các cơ quan tham mưu, giúp việc khác của tỉnh uỷ. Đồng thời, thực hiện nghiêm tinh giản biên chế theo nghị quyết, quy định, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị.
Điều 9. Ban dân vận
- Chức năng
1.1. Là cơ quan tham mưu, giúp việc của tỉnh uỷ mà trực tiếp, thường xuyên là ban thường vụ tỉnh uỷ và thường trực tỉnh uỷ về công tác dân vận.
1.2. Là cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ về công tác dân vận của tỉnh uỷ (bao gồm cả công tác dân tộc, tôn giáo); là cơ quan thường trực của ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở của tỉnh, thành phố.
- Nhiệm vụ
2.1. Nghiên cứu, đề xuất và thực hiện
- a) Chủ trì, phối hợp tham mưu, đề xuất xây dựng các nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế, chương trình công tác dân vận và chủ trương, giải pháp về công tác dân vận của tỉnh uỷ và ban thường vụ tỉnh uỷ.
- b) Chủ trì, phối hợp nghiên cứu, đề xuất tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ cụ thể hoá các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo, phát huy quyền làm chủ của nhân dân và triển khai tổ chức thực hiện.
- c) Tham mưu giúp cấp uỷ nắm tình hình và chỉ đạo hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội, hội quần chúng ở địa phương; hoạt động công tác dân vận của các cơ quan nhà nước ở địa phương.
- d) Phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể theo dõi, tổng hợp tình hình nhân dân (bao gồm cả tình hình dân tộc, tôn giáo, các giai tầng xã hội, các vấn đề bức xúc trong nhân dân), báo cáo và tham mưu kịp thời với tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ để lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận và xử lý những vấn đề phát sinh.
đ) Tham gia ý kiến với các cơ quan chính quyền trong việc thể chế hoá nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận của Đảng về công tác dân vận, tôn giáo, dân tộc và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
- e) Thực hiện việc báo cáo định kỳ và đột xuất với ban thường vụ tỉnh uỷ, Ban Dân vận Trung ương theo quy định.
- g) Sơ kết, tổng kết về công tác dân vận.
2.2. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát
- a) Việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận của Đảng về công tác dân vận.
- b) Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về công tác dân vận cho cấp uỷ và cán bộ làm công tác dân vận của đảng trong tỉnh.
2.3. Thẩm định, thẩm tra
a) Các đề án, văn bản về công tác dân vận trước khi trình tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ, thường trực tỉnh uỷ.
b) Tham gia ý kiến đối với các đề án, dự án thuộc lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng – an ninh… có liên quan đến công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo; các đề án, dự án có liên quan đến quyền làm chủ của nhân dân và công tác dân vận của các cơ quan nhà nước.
2.4. Phối hợp
a) Với uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ tham mưu, giúp tỉnh uỷ xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát hằng năm về công tác dân vận.
b) Với các ban, ngành liên quan trong các hoạt động chung về công tác dân vận; công tác nghiên cứu, kiểm tra, đào tạo, bồi dưỡng, thông tin… về công tác dân vận ở địa phương.
c) Với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội, các cơ quan liên quan và các hội quần chúng trong công tác vận động nhân sĩ, trí thức, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số và chức sắc trong tôn giáo; trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
d) Với ban tổ chức tỉnh uỷ trong công tác cán bộ theo quy định của ban thường vụ tỉnh uỷ về phân cấp quản lý cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử; trong việc quản lý tổ chức bộ máy, biên chế và việc thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, người lao động của ban dân vận tỉnh uỷ.
đ) Với văn phòng tỉnh uỷ giúp tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế làm việc của tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ.
2.5. Thực hiện một số nhiệm vụ khác do ban thường vụ tỉnh uỷ, thường trực tỉnh uỷ giao.
- Tổ chức bộ máy
3.1. Lãnh đạo ban
Gồm trưởng ban và các phó trưởng ban. Số lượng phó trưởng ban do ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ xem xét, quyết định.
3.2. Các đơn vị trực thuộc
Ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ xem xét, quyết định có thể thành lập một số phòng chuyên môn của ban dân vận tỉnh uỷ, như: Phòng đoàn thể và các hội; phòng dân vận các cơ quan nhà nước, dân tộc và tôn giáo. Ngoài ra, theo tình hình thực tế của địa phương, có thể lập thêm phòng khác nhưng không quá 3 phòng; Ban Dân vận Thành uỷ Hà Nội, Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh không quá 4 phòng.
- Biên chế
Biên chế của ban dân vận tỉnh uỷ do ban thường vụ tỉnh uỷ quyết định trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, vị trí việc làm, cơ cấu cán bộ, công chức phù hợp với tổng số biên chế được giao và cân đối với các cơ quan tham mưu, giúp việc khác của tỉnh uỷ. Đồng thời, thực hiện nghiêm tinh giản biên chế theo nghị quyết, quy định, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị.
Điều 10. Ban nội chính
- Chức năng
1.1. Là cơ quan tham mưu, giúp việc của tỉnh uỷ mà trực tiếp, thường xuyên là ban thường vụ tỉnh uỷ, thường trực tỉnh uỷ về công tác nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng.
1.2. Là cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ về công tác nội chính đảng; cơ quan thường trực ban chỉ đạo cải cách tư pháp và ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của tỉnh uỷ.
- Nhiệm vụ
2.1. Nghiên cứu, đề xuất và thực hiện
a) Nghiên cứu, đề xuất xây dựng chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, quy chế, kết luận của tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ về công tác nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng. Cụ thể hoá chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng phù hợp với địa phương.
b) Nghiên cứu, đề xuất xây dựng các đề án, chương trình, kế hoạch về công tác nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng, báo cáo tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ xem xét, quyết định.
c) Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan có liên quan đề xuất với ban thường vụ tỉnh uỷ cho chủ trương về hoạt động và đánh giá công tác năm của các cơ quan nội chính ở địa phương, hội luật gia, đoàn luật sư… và một số cơ quan có liên quan trong lĩnh vực nội chính, tư pháp ở tỉnh.
d) Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất với ban thường vụ tỉnh uỷ, thường trực tỉnh uỷ cho chủ trương, định hướng xử lý một số vụ việc, vụ án theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước và các vấn đề đột xuất, nổi cộm, phức tạp liên quan đến an ninh, trật tự trên địa bàn.
đ) Tiếp nhận và xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo gửi đến tỉnh uỷ; kiến nghị với thường trực tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ xử lý những đơn, thư có nội dung quan trọng; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết một số đơn, thư được thường trực tỉnh uỷ giao. Phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tiếp công dân theo quy định. Chủ trì, phối hợp với văn phòng tỉnh uỷ giúp thường trực tỉnh uỷ tổ chức tiếp công dân.
e) Thực hiện việc báo cáo định kỳ và đột xuất với ban thường vụ tỉnh uỷ, Ban Nội chính Trung ương theo quy định.
g) Sơ kết, tổng kết về công tác nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng của tỉnh uỷ.
2.2. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát
a) Phối hợp với uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ tham mưu, giúp tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát hằng năm về lĩnh vực công tác nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng.
b) Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan giúp tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ kiểm tra, giám sát các cơ quan nội chính địa phương thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chính sách, pháp luật về công tác nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng.
c) Chủ trì hoặc phối hợp hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh uỷ thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chính sách, pháp luật về công tác nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng ở địa phương.
d) Chủ trì hoặc phối hợp các cơ quan liên quan theo dõi, kiểm tra, giám sát việc xử lý một số vụ việc, vụ án có sự chỉ đạo xử lý của ban thường vụ tỉnh uỷ và của các cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh uỷ.
đ) Hướng dẫn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về công tác nội chính đảng cho cấp uỷ, tổ chức đảng và cán bộ làm công tác nội chính đảng của các cấp trong đảng bộ tỉnh.
2.3. Thẩm định, thẩm tra
a) Các đề án, văn bản về công tác nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng trước khi trình tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ, thường trực tỉnh uỷ.
b) Tham gia ý kiến đối với các đề án, văn bản của các cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội trong tỉnh về những nội dung liên quan đến lĩnh vực nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng trước khi trình tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ, thường trực tỉnh uỷ.
2.4. Phối hợp
a) Với uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ tham mưu, giúp tỉnh uỷ xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát hằng năm thuộc lĩnh vực nội chính.
b) Với ban tổ chức tỉnh uỷ trong công tác cán bộ theo quy định của ban thường vụ tỉnh uỷ về phân cấp quản lý cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử; trong việc quản lý tổ chức bộ máy, biên chế và việc thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, người lao động của ban nội chính tỉnh uỷ.
c) Tham gia ý kiến với các cơ quan có thẩm quyền trong việc bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật đối với một số chức danh tư pháp theo quy định của pháp luật và theo phân cấp quản lý cán bộ.
d) Với các cơ quan tham mưu, giúp việc tỉnh uỷ, các cấp uỷ, cơ quan liên quan xây dựng quy chế phối hợp thực hiện công tác nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng trình ban thường vụ tỉnh uỷ ban hành.
đ) Với văn phòng tỉnh uỷ giúp tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế làm việc của tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ.
2.5. Thực hiện một số nhiệm vụ khác do ban thường vụ tỉnh uỷ, thường trực tỉnh uỷ giao.
- Tổ chức bộ máy, biên chế
3.1. Số lượng lãnh đạo ban
Gồm trưởng ban và các phó trưởng ban. Số lượng phó trưởng ban do ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ xem xét, quyết định.
3.2. Các đơn vị trực thuộc
Ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ xem xét, quyết định có thể thành lập một số phòng chuyên môn của ban nội chính tỉnh uỷ, như: Phòng theo dõi công tác các cơ quan nội chính và cải cách tư pháp, tiếp nhận và xử lý đơn, thư; phòng theo dõi công tác phòng, chống tham nhũng. Ngoài ra, theo tình hình thực tế của địa phương, có thể lập thêm phòng khác nhưng không quá 3 phòng; Ban Nội chính Thành uỷ Hà Nội, Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh có không quá 4 phòng.
3.3. Biên chế
Biên chế của ban nội chính tỉnh uỷ do ban thường vụ tỉnh uỷ quyết định trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, vị trí việc làm, cơ cấu cán bộ, công chức phù hợp với tổng số biên chế được giao và cân đối với các cơ quan tham mưu, giúp việc khác của tỉnh uỷ. Đồng thời, thực hiện nghiêm tinh giản biên chế theo nghị quyết, quy định, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị.
Xem thêm :
Tài liệu ôn tập môn Kiến thức chung kỳ thi công chức kì thi 2020- Chuyên đề 1 : Khái quát chung
Tài liệu ôn tập môn Kiến thức chung kỳ thi công chức kì thi 2020- 180 câu trắc nghiệm
Bài viết khác cùng mục: