[2022] Phân tích 9 câu đầu bài Đất Nước hay nhất của Nguyễn Khoa Điềm

Phân tích 9 câu đầu bài Đất Nước hay nhất của Nguyễn Khoa Điềm. Trong những năm cuối cùng của cuộc kháng chiến vì độc lập tự do, nhà thơ trẻ với hai mươi tám mùa xuân Nguyễn Khoa Điềm năm ấy đã tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho thế hệ thanh niên vào một ngày mai tươi sáng bằng những vần thơ thật đẹp, để rồi giữa những ngày lửa đạn, bom rơi nơi chiến khu Trị -Thiên năm 1971, “Đất Nước” đã ra đời, nhẹ nhàng và dịu êm len lỏi vào sâu trái tim từng người dân con Lạc cháu Hồng, khảm sâu vào trí óc, trường tồn với thời gian…
 
Phân tích 9 câu đầu bài Đất Nước hay nhất
Phân tích 9 câu đầu bài Đất Nước hay nhất
 

Bài văn phân tích 9 câu thơ đầu trong đoạn trích Đất Nước đầy cảm xúc.

Kho tàng thơ văn của dân tộc Việt Nam ta tựa như một bản hợp xướng du dương với những nốt trầm bổng làm đắm say lòng người… Ta nghe đâu đây lời thơ hùng tráng về một “Nam quốc sơn hà” vừa tự hào lại không kém phần kiêu hãnh; rồi một dấu luyến ngân lên của một thời đại mang đậm nét dân tộc; đột ngột lại giáng một âm dài thâm trầm, đau thương để rồi bản đàn ấy lại thăng lên những âm hào hùng, mang theo khí thế của một dân tộc nồng nàn yêu nước, kiên trung quật cường. Bản hùng ca ấy nên thanh, thành điệu chính là từ ngòi bút và xúc cảm chân thành của rất nhiều thi nhân, mà trong đó, mỗi nhà thơ mang một âm sắc khác nhau. Trong số đó, một trong những nốt hay nhất, dịu dàng và du dương nhất hòa thành hợp âm được viết nên bởi nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm mà điển hình là đoạn thơ mở đầu bài thơ Đất Nước – chín câu thơ lý giải cho hai tiếng “Đất Nước” tưởng như xa xăm mà gần gũi, lớn lao mà mộc mạc – mở đầu cho chương thứ năm của bản trường ca “ Mặt đường khát vọng”:
 
“ Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể.
Đất Nước bắt đầu với miềng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó…”
 
Trong những năm cuối cùng của cuộc kháng chiến vì độc lập tự do, nhà thơ trẻ với hai mươi tám mùa xuân Nguyễn Khoa Điềm năm ấy đã tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho thế hệ thanh niên vào một ngày mai tươi sáng bằng những vần thơ thật đẹp, để rồi giữa những ngày lửa đạn, bom rơi nơi chiến khu Trị -Thiên năm 1971, “Đất Nước” đã ra đời, nhẹ nhàng và dịu êm len lỏi vào sâu trái tim từng người dân con Lạc cháu Hồng, khảm sâu vào trí óc, trường tồn với thời gian…
Bằng giọng thơ thật dịu và thật êm của mình, nhà thơ thủ thỉ những dòng thơ đầu tiên như cất lên tiếng lòng bấy lâu nay dồn nén:
“ Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi”
Câu thơ chỉ là một lời trần thuật nhưng lại mang cho người đọc một cảm giác thật đặc biệt, dường như có chút gì đó xưa cũ gợi về trong kí ức còn mơ hồ. Trước mắt người đọc, hai tiếng “Đất Nước” được cẩn thận viết hoa khiến lòng người không khỏi xao xuyến một nỗi niềm khó tả. Ôi… “Đất Nước”… Xưa nay có ai từng viết hoa hai tiếng thiêng liêng ấy ngoài Nguyễn Khoa Điềm? Ta đã từng biết đến một đất nước qua giọng thơ êm nhẹ của nhà thơ Nguyễn Đình Thi:
“Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn
Cánh cò bay lả dập dờn
Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều”
 
Thế nhưng “đất nước” của Nguyễn Đình Thi không viết hoa! Còn Nguyễn Khoa Điềm, ông viết hoa hai tiếng “Đất Nước” như một niềm tôn kính, thương yêu bằng tất cả trái tim. Với nhà thơ, đất nước mình không chỉ là đất nước vô giác vô tri, đất nước từ lâu đã mang một linh hồn dân tộc thắm thiết, đậm đà mà từ đây, ông khẳng định rõ hơn về sinh thể thiêng liêng, ruột thịt này…Chỉ bao nhiêu đó thôi, nhà thơ đã khiến cho biết bao nhiêu tâm hồn lay động, để rổi kết lại bằng ba tiếng “đã có rồi” chậm và nhỏ, nhấn mạnh sức sống lâu đời của đất nước bằng chính sự dịu êm, ngọt ngào sâu sắc: “ Đất Nước đã có tự ngàn xưa, cùng ta lớn lên, cùng ta trưởng thành, ở bên, yêu thương và chở che cho ta. Ta có thể không rõ Đất Nước khởi nguổn ra sao, thế nhưng Đất Nước thì luôn quan sát và dõi theo bước chân ta đi đến cuối đất cùng trời…”. Cùng với đại từ phiếm chỉ “ta”, không chỉ rõ ràng, cụ thể một ai, nhà thơ đã tô đậm lên được ngàn năm văn hiến lâu đời của đất nước, khắc sâu bề dày lịch sử mà đất nước đã đi qua.
Và rồi hai chữ “mơ hồ” nhòa nhạt dần đi, nhường chỗ cho Đất Nước của nhà thơ hiện thân, rõ ràng và gần gũi, thân thương đến lạ:
 
“ Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa” mẹ thường hay kể…
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc”
 
“À… thì ra đất nước lại gần ta đến như thế…”, tôi thốt lên ngỡ ngàng. Giọng thơ êm ái như ru ta về một thời thơ ấu “ngày xửa ngày xưa”, ngày xưa yên bình với cổ tích, với mái nhà tranh bình dị, với bếp lửa ấm áp, bập bùng – nơi có mẹ, có cha, có ông, có bà, có tình thương gia đình không gì sánh nổi. Ở đó, ta lớn lên trong sự chở che của cha, trong lời ru à ơi dịu dàng của mẹ, trong những câu chuyện cổ xưa thật xưa chẳng rõ ai viết thành và viết năm nao mà chẳng hiểu sao lại in sâu vào trí óc thuở ngây ngô, khờ khạo.Chao ôi! …Dịu dàng và thân thuộc biết mấy bốn tiếng “ngày xửa ngày xưa”, để rồi khi tuổi thơ vụt trôi qua, người ta không khỏi bâng khuâng, bồi hồi xúc động:
 
“ Tôi yêu truyện cổ nước mình
Vừa nhân hậu lại tuyệt vời sâu xa
Thương người rồi mới thương ta
Yêu nhau dù mấy cách xa cũng gần”
(“Truyện cổ nước mình”, Lâm Thị Mỹ Dạ)
 
Dáng hình của đất nước chính là ẩn trong những điều bình dị và gần gũi ấy, len lỏi vào từng chút một cuộc sống của ta từ thuở nằm nôi, nghe tiếng chõng kẽo cà kẽo kẹt, nghe câu hát ru ngọt ngào ru ta vào giấc ngủ bình an… Đất nước tựa như một sinh thể, cùng ta lớn lên, cùng ta trưởng thành. Đất nước thì bước qua bao thăng trầm lịch sử, còn ta bước qua lửa đạn chiến tranh để trọn vẹn gìn giữ hai tiếng “đất nước” yêu kính ngàn năm…
Đối với câu hỏi hồn hậu: “ Đất nước có tự bao giờ?”, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm không hề né tránh. Ông không đứng trên quan điểm của một nhà sử học, cũng chẳng hề sử dụng ngôn từ của một nhà nghiên cứu xã hội, ông đơn giản chỉ dùng trái tim và tâm hồn mình để định nghĩa đất nước mà thôi. Thế nhưng cũng chính vì vậy mà đất nước qua thơ ông trở nên gần gũi và thân thuộc hơn bao giờ hết, bình dị và dịu êm như tình mẹ bao la. Từ hai tiếng “đất nước” tưởng như khó có thể nói thành lời, nhà thơ đã dùng ngòi bút tài hoa của mình vẽ nên những đường nét mộc mạc và cụ thể, cho ta thấy dáng hình đất nước mến yêu bằng một định nghĩa rất riêng – định nghĩa từ tiếng lòng của một người con hiếu thuận của quê cha đất tổ, của một hồn thơ không những tinh tế mà còn giàu tình cảm và uyên bác.
 
Bằng cách gắn liền sự ra đời của sinh linh Đất Nước với sự ra đời của miếng trầu bà vẫn thường ăn, nhà thơ đã cho thấy một tâm hồn thấm nhuần tính dân tộc cùng với sự tinh tế của bản thân. Ông không những trả lời và cụ thể hóa cho khởi nguồn của đất nước thân thương này, ông còn gợi nhắc về truyền thống nhuộm răng, ăn trầu của các bà, các mẹ ngày xưa. Hương trầu thơm tho như phả vào từng con chữ, đưa ta về một miền kí ức nhỏ đầy ắp yêu thương bên người bà kính yêu, nơi có bà miệng nhai trầu móm mém, thơm thật thơm một kí ức sống mãi trong lòng người. Và miếng trầu têm khéo ấy, dẫu thật nhỏ bé, lại chở cả một “Đất Nước” cùng đi…
Cứ thế, thời gian miệt mài chảy trôi, để rồi ta lớn khôn và “Đất Nước” cũng lớn lên cùng với lũy tre làng xanh thật xanh vẫn hiền hòa đong đưa theo làn gió. Tre chẳng biết từ thuở xa xăm nào đã gắn bó sâu sắc với làng quê Việt Nam, đi vào bao câu hát, bài thơ:
 
“ Tre xanh xanh tự bao giờ
Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh”
(Tre Việt Nam – Nguyễn Duy)
 
Cũng như đất nước mình vẫn dịu hiền lớn lên, lặng lẽ, âm thầm…
Hai tiếng “dân mình” khi được cất lên cùng “Đất Nước lớn lên khi dân mình biết biết trồng tre mà đánh giặc” nghe sao mà thân thương quá đỗi, bởi lẽ dân mình cùng chung một dòng máu Rồng Tiên, cùng một gốc gác, cội nguồn, mang trong mình tương liên huyết mạch, là máu thịt, là anh em… Nếu như vế đầu câu thơ dâng sóng lòng ta lên bởi những thanh âm trong trẻo tràn đầy tình cảm thì nửa sau câu thơ gợi cho ta nhớ về hình ảnh chàng Phù Đổng Thiên Vương nhổ tre mà đánh đuổi giặc n. Từ chính bờ tre Việt Nam hiền lành, mộc mạc ấy, sức mạnh của cả một dân tộc trội lên, vươn mình khôn lớn như Thánh Gióng khi xưa, trưởng thành từ chính những gian truân, thử thách:
 
“ Một tấc lòng cũng đẫy hồn Thánh Gióng”
(Bài thơ của một người yêu nước mình, Trần Vàng Sao)
 
Đất nước mình đã lớn lên như thế đó, cũng như một sinh thể sống thực sự, trải qua bao biến cố thăng trầm, bao phen nguy nan, “biết bao đời đã chịu nhiều thương đau” thế nhưng cho đến cuối cùng, đất nước mình vẫn vượt qua tất cả, vẫn sừng sững và tồn tại hiên ngang, bởi đất nước luôn có chúng ta – những người con yêu kính đất mẹ sẵn sàng đánh đổi tất cả, dẫu cho có phải hi sinh cả tính mạng vẫn không nề hà, chùn bước màchịu thua, bởi lẽ thẳm sâu trong tâm trí mỗi người, chỉ cần còn hơi thở cuối, ta đều nguyện dành trọn cho Tổ quốc thân yêu.
Viết về đề tài đất nước không phải là một chủ đề mới lạ mà trái lại, đây luôn là chủ đề khơi gợi lên nhiều xúc cảm, cũng là nguồn cảm hứng bất tận, chắp bút cho sự ra đời của bao bài thơ. Trong bài thơ “Mũi Cà Mau”, nhà thơ Xuân Diệu từng đặt bút:
 
“ Tổ quốc tôi như một con tàu
Mũi thuyền ta đó – mũi Cà Mau
Những dòng sông rộng hơn ngàn thước
Trùng điệp một màu xanh lá đước”
 
Hay năm xưa, Nguyễn Trãi từng lưu danh sử sách với tác phẩm bất hủ “Đại cáo bình Ngô”:
 
“ Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời gây nên độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau
Song hào kiệt đời nào cũng có”
 
Trong khi Xuân Diệu ví Tổ quốc ta như một con tàu, hùng dũng và hiên ngang trên biển khơi, Nguyễn Trãi lại đưa ta bước vào âm vang hào sảng của một đất nước văn hiến ngàn năm, vĩ đại, lớn lao và sừng sững. Hai nhà thơ biểu trưng cho hai thời đại, tuy xa cách nhau bằng khoảng thời gian muôn trùng thế nhưng lại gặp nhau trong giọng thơ đầy mạnh mẽ, tự hào khi nói về đất nước. Còn đối với nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm của chúng ta, ông không viết về đất nước bằng những chiến tích hiển hách, hào hùng, lại càng không dùng ngôn từ với thật nhiều tráng lệ, hiển hách. “Đất Nước” của ông chỉ đơn thuần và bình dị như thế, dịu êm như thế, “Đất Nước” ở ngay chính nơi này – trong trái tim ta! Viết về đất nước bằng lối đi riêng, Nguyễn Khoa Điềm không những không bị những tráng khí đi trước lu mờ, trái lại, ông đã khẳng định được tài năng và chỗ đứng riêng của bản thân trên thi đàn Việt Nam.
Viết tiếp những vần thơ vẽ về đất nước mình, nhà thơ vẫn dịu dàng thủ thỉ những lời dịu êm như ban nãy:
 
“ Tóc mẹ thì búi sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn”
 
Một lần nữa, hình ảnh mẹ lại hiện lên, gợi lên cảm giác thật ấm áp và yêu thương biết mấy, bởi mẹ chính là hiện thân của hơi ấm và tình thương dạt dào, bao la. Câu thơ cất lên như vẽ ra trước mắt người đọc đoạn phim trắng đen ngắn ngủi bên hiên nhà – nơi có mẹ đang ngồi, búi tóc gọn gàng, chỉn chu. Mái tóc mẹ đen huyền, óng ả một màu,mượt mà như dòng suối, từng vòng một được cuộn cẩn thận, búi lên đầu thành mái tóc của người mẹ Việt Nam. Những búi tóc ấy có thể không có trâm cài đính ngọc lấp lánh, nhưng có nhiều hơn thế – có tình yêu, có sự tảo tần, hiền dịu mà mẹ dành cho con. Cùng với cha, mẹ tạo nên tổ ấm thân thương gọi là nhà, là gia đình, là chốn về mỗi khi bước chân đã mỏi. Cha mẹ thương và sống với nhau không chỉ bằng tình yêu mà còn vì ân nghĩa sâu nặng, gắn kết bền chặt với thời gian. Cũng như gừng bao năm gừng vẫn nguyên vẹn vị cay, thậm chí càng già càng cay, càng đậm mùi vị đặc trưng không đổi; hay như vị muối mặn càng không suy suyển, bao năm vẫn mặn mà như xưa. n tình thắm thiết ấy đã đi sâu vào ca dao, như một lời răn dạy về đạo vợ chồng trăm năm như gừng, như muối, dạy con người ta sống có nghĩa có tình, dẫu hết tình thì vẫn còn chữ “nghĩa” một đời không đổi cũng chẳng thay:
 
“ Muối ba năm muối đang còn mặn
Gừng chín tháng gừng hãy còn cay
Đôi ta nghĩa nặng tình dày
Dẫu có xa nhau cũng ba vạn sáu ngàn ngày mới xa”
Vẫn với lời thơ thủ thỉ, tâm tình, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm còn gợi lên một truyền thống khi đặt tên cho con của dân tộc ta:
 
“ Cái kèo cái cột thành tên”
 
Từ những điều thân thuộc và đời thường, những cái tên âu yếm, yêu thương ấy đã ra đời bằng những “kèo” và những “cột”. Tên dẫu thật lạ nhưng mang đầy ý nghĩa và tình yêu khi ẩn sâu bên trong cái tên mộc mạc ấy chính là truyền thống về đặt tên cho con không đẹp – để bảo vệ con, mong cho con một đời bình an, hạnh phúc – từ lâu đã được truyền lại từ đời này sang đời khác, tiếp nối và lưu giữ trọn vẹn lời dạy cổ xưa.
 
Không những vậy, “cái kèo cái cột” còn là những từ chứng kiến sự phát triển giàu mạnh thêm của ngôn ngữ nước mình – tiếng nói mà cả dân tộc ta luôn tự hào là trong sáng và giàu đẹp, tiếng nói mà toàn thể dân tộc Việt Nam ta đã “quyết đem hết tinh thần và lực lượng, của cải và tính mạng” ra để bảo vệ và gìn giữ, phát triển cho đến ngày hôm nay. Cùng với đó, hình ảnh cái kèo, cái cột còn gợi lên cảm giác thật gần gũi và thân thuộc, dường như trong tâm trí chợt hiện lên một mái nhà tranh đơn sơ nhưng lại rất đầm ấm, tuy giản dị nhưng lại có thừa niềm vui và tiếng cười lan tỏa khắp không gian…
 
Trải khắp bảy câu thơ, nhà thơ đã khéo lồng ghép biết bao truyền thống lâu đời giàu ý nghĩa của dân tộc. Mỗi truyền thống lại gắn với một câu chuyện, mỗi tập tục lại mang đến một cảm xúc riêng. Nguyễn Khoa Điềm đã đi từ những tiếng “ngày xửa ngày xưa”, đến miếng trầu têm thật khéo thật thơm, vòng qua lũy tre làng xanh rì rào để về đến nhà nhìn thấy bóng dáng và mái tóc mẹ, lắng tai nghe những cái tên trìu mến, yêu thương và còn ý nhị nhắc về nghĩa tình sâu nặng tựa như gừng và muối của cha và mẹ… Thế nên không có lí do gì mà nhà thơ lại “bỏ quên” mất một truyền thống đã đi cùng cha ông ta từ những ngày đầu dựng nước và giữ nước, đã bồi đắp nên lớp nền vững chãi cho ta cắm lên ngọn cờ dân tộc phấp phới tung bay:
 
“ Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng”
 
Câu thơ như nét vẽ giản dị họa lên truyền thống trồng lúa nước cũng như đức tính cần lao, chịu khó, vốn “một nắng hai sương” biết bao đời tiếp nối và giữ gìn của toàn dân tộc. Nhắc đến Việt Nam là nhắc đến hình ảnh đồng lúa bát ngát, mênh mông, nơi cò thẳng cánh bay cao, nơi sáo diều vi vu yên bình chao lượn. Nhắc đến bông lúa trổ đòng đòng, thơm thật ngọt mùi hương lúa chín là nhắc đến những giọt mồ hôi mặn đã rơi xuống để đổi lấy tinh túy của đất trời. Những hạt ngọc trời ấy đã được làm ra từ đôi tay chai sạn vì nắng, vì gió, vì đồng áng, ruộng nương của những người nông dân Việt Nam chất phác, thật thà. Từ lúc cấy mạ đến ngày trổ bông, lúa gặt về còn phải “xay, giã, giần, sàng”, công phu lắm mới làm nên được một bát cơm thơm dẻo. Chính vì vậy, lúa gạo vốn quý lại càng quý hơn và ta càng thêm thương những người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn. Họ không những cho ta bữa ăn ngọt lành, học còn tiếp nối ngọn lửa truyền thống của ông cha để lại. Vậy nên:
 
“ Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”.
 
Câu thơ không chỉ dừng lại ở việc nêu lên truyền thống dân tộc mà còn là lời răn dạy dịu dàng, nhắc người ta nhớ đến công lao của người nông dân. Từ đó nhắn nhủ người ta biết yêu, biết quý hạt gạo, bởi mỗi hạt chứa đựng cả lịch sử và truyền thống hàng ngàn năm qua…
Vậy là,
 
“ Đất Nước có từ ngày đó…”
 
Đất Nước đã khởi nguồn từ “đó”, nghe như thanh âm từ những ngày xa xôi vọng về. Hai tiếng “ngày đó” gợi lên cảm nhận về khoảng thời gian lâu thật lâu và xưa thật xưa, cùng với dấu ba chấm “…”, câu thơ như được ngân dài hơn, tha thiết và sâu lắng hơn. Dường như mỗi khi “Đất Nước” được cất thành lời, đến câu “Đất Nước có từ ngày đó…”, người đọc đều nhỏ giọng hơn, nhẹ nhàng hơn, để cho thanh âm như nhỏ dần, nhạt dần, hòa dần vào trong không gian và dòng thời gian vẫn miệt mài chảy trôi.
 
Khép lại chín câu thơ đầu của chương V, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã hoàn thiện xong bức họa đất nước bằng cách vẽ của riêng mình. Đất nước trong ông đã hiện lên ngay trước mắt người đọc, bằng cả thị giác và cả xúc cảm bồi hồi, khó tả đang trào dâng.
 
Thơ ông vốn không vần, cũng chẳng đi theo một niêm luật nào cụ thể, tưởng như sẽ rất nhàm chán và khô khan. Thế nhưng không… “Đất Nước” không những không bị cuốn trôi theo dòng thời gian hay bị lu mờ bởi những tác phẩm cùng đề tài, “Đất Nước” của Nguyễn Khoa Điềm đã tỏa sáng từ chính những câu thơ không vần chẳng luật ấy. Chính bởi thơ không vần nên ý thơ mặc sức mà lan tỏa. Chính bởi ngôn từ bình dị, mộc mạc không phô trương, bề thế mà “Đất Nước” dịu êm như bản tình ca khắc ghi sâu vào lòng mỗi người – bản tình ca giữa “ta” và “Đất Nước – thắm thiết, đậm đà và nặng sâu. Cùng với kiến thức phong phú, uyên bác về truyền thống dân tộc mình, nhà thơ đã đưa cả bốn nghìn năm lịch sử vào từng câu, từng chữ, để mỗi khi đọc lên, dải đất uốn lượn hình chữ S cong cong ấy hiện lên trong tâm trí mỗi người dân đất Việt thật tròn vẹn, thật đẹp và thật sáng tươi. Đúng như trong “Học văn đọc văn”, Giáo sư Trần Đình Sử từng nhận định: “ Một Đất Nước như thế không thể có được bằng bút pháp miêu tả bên ngoài, cho nên tất yếu nhà thơ phải dùng hình thức suy ngẫm, liên tưởng, liệt kê, để dần dần đưa người đọc vào trí tưởng tượng của họ, vào kí ức của họ, nhìn Đất Nước trong chính tâm hồn họ”. Đọc “Đất Nước”, người ta không chỉ thấy được một đất nước gần gũi và dịu hiền trong tâm hồn mình, người ta còn thấy cả một tấm lòng yêu nước dịu dàng, tinh tế cùng với tài hoa cầm bút của người nghệ sĩ đã viết nên bài thơ.
 
Nhìn chung, văn học Việt Nam thời kì những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ chứng kiến sự ra đời của nhiều tuyệt tác, thực sự là một giai đoạn mà thơ văn nở rộ như một vườn hoa rực rỡ sắc màu, đặc biệt là đối với văn học miền Nam. “Đất Nước” đã góp phần hương sắc dìu dịu mà len lỏi in sâu vào trí óc thế hệ thanh niên trẻ miền Nam lúc bấy giờ, cũng như toàn thể người dân Việt Nam, thức tỉnh họ sớm bước đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, bảo vệ độc lập và tự do của một dân tộc anh hùng. Và dẫu ra đời trong hoàn cảnh bão lửa mưa bom, “Đất Nước” vẫn luôn nhẹ nhàng và dịu êm như người mẹ dịu hiền vỗ về lòng ta bởi từng lời thơ du dương ấy, để rồi bốn mươi tám năm qua, như đứng ngoài quy luật của thời gian, “Đất Nước” vẫn giữ được vẹn nguyên giá trị tinh thần mà nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã hướng đến.
 
Mặc cho bước chân thời gian vẫn chảy trôi không ngừng,thơ văn vẫn ở đó và vẫn tỏa sáng, bởi lẽ “Thơ ca làm cho những gì tốt đẹp nhất trở thành bất tử” ( Shelly), nên chúng cũng trường tồn mãi với tháng năm. Bài thơ “Đất Nước” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã ngân lên một khúc dạo du dương, dịu dàng, khắc sâu vào từng trái tim, từng tâm hồn, gợi lên một niềm yêu thương, tự hào khó tả về mảnh đất quê hương thân thương, nơi ta thuộc từng đường đi lối về, từng hàng cây ngọn cỏ. Dù đi đâu, đi đến tận cuối đất cùng trời, ta vẫn tự hào mang trong mình dòng máu Lạc Hồng hào hùng, hiên ngang. Dù ta là ai, chỉ cần ta sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, trái tim sẽ mãi luôn nhớ: “ Dù đi đâu… Đến phương trời nào, cũng chẳng đẹp hơn nước non Việt Nam”…

Phân tích 9 câu đầu bài Đất Nước – mẫu 2

Nguyễn Khoa Điềm là một trong những cây bút tiêu biểu của thế hệ nhà thơ trẻ trong những năm chống Mĩ cứu nước. Thơ ông giàu chất suy tư, cảm xúc lắng đọng, thể hiện tâm tư của người tri thức tham gia tích cực vào cuộc chiến đấu của nhân dân, mang màu sắc chính luận. Đoạn trích “Đất Nước” là một trong những bài thơ tiêu biểu của ông. Đoạn trích thể hiện cái nhìn mới mẻ về Đất Nước, và cái mới mẻ ấy thôi thúc chúng ta đi tìm cội nguồn của Đất Nước. Với 9 câu thơ đầu, Nguyễn Khoa Điềm thể hiện quan niệm của mình về cội nguồn của Đất Nước thật đặc sắc.
 
Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
 
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể
 
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
 
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
 
Tóc mẹ thì bới sau đầu
 
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
 
Cái kèo, cái cột thành tên
 
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
 
Đất Nước có từ ngày đó…
 
Đoạn trích Đất Nước thuộc phần đầu, chương V của bản trường ca “Mặt đường khát vọng”. hoàn thành ở chiến khu Trị – Thiên năm 1971, in lần đầu năm 1974, viết về sự thức tỉnh của tuổi trẻ ở các đô thị vùng tạm chiếm miền Nam về non sông đất nước, về sự mệnh thế hệ mình, xuống đường đấu tranh chống đế quốc Mĩ.
 
“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi”
 
Câu thơ mở đầu là lời khẳng định tự nhiên, giản dị: “Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi”. Đất Nước có từ “khi ta lớn lên”, từ khi ta chưa ra đời, xuyên suốt bốn ngàn năm văn hiến. Như vậy, Đất Nước tồn tại như một điều hiển nhiên, nó có chiều sâu cội nguồn cũng như sự hình thành và phát triển bao đời nay. Với Nguyễn Khoa Điềm, Đất Nước thật gần gũi, hiện diện trong những câu chuyện cổ tích thường mở đầu bằng “ngày xửa ngày xưa”. Câu thơ khiến ta nhớ đến hình ảnh của người bà thường hay kể chuyện cho con cháu nghe, là hình ảnh cô Tấm bị mẹ con Cám bắt nạt, là hình là nàng tiên bước ra từ quả thị…. Cụm từ “ngày xửa ngày xưa” thật quen thuộc và gần gũi với con người Việt Nam. Bởi, mỗi câu chuyện là mỗi bài học đạo lí dạy ta biết “ở hiền gặp lành”, biết thiện thắng ác, biết sống thủy chung, … Tác giả không dùng từ ngữ, hình ảnh hoa mĩ tráng lệ mang tính biểu tượng để thể hiện Đất Nước mà dùng cách nói giản dị, tự nhiên, dễ hiểu, dễ thấm vào lòng người. Tác giả giúp ta tìm hiểu Đất Nước có từ nền văn hóa dân gian cha ông ta để lại.
 
 
Tác giả cảm nhận Đất Nước gắn với phong tục tập quán, hình thành nên bản sắc văn hóa riêng của dân tộc:
 
“Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn”
 
“Miếng trầu bà ăn” là miếng trầu tình nghĩa trong “sự tích trầu cau” khiến ta rung rung nước mắt về tình cảm vợ chồng, về tình nghĩa anh em gắn bó. Từ đó, hình ảnh “trầu cau” trở thành “miếng trầu là đầu câu chuyện”, trở thành thứ không thể thiếu được trong lễ cưới, tượng trưng cho tình nghĩa đằm thắm, thủy chung.
 
“Tóc mẹ thì bới sau đầu”
 
Đó là hình ảnh đặc thù của người phụ nữ Việt Nam, thùy mị, duyên sáng và thật đáng yêu. Nét đẹp ấy làm ta gợi nhớ đến câu ca dao:
 
“Tóc ngang lưng vừa chừng em búi
 
Để chi dài bối rối lòng anh”
 
Không những chỉ là những cảm nhận ở trên về Đất Nước mà Nguyễn Khoa Điềm còn cảm nhận Đất Nước trong vẻ đẹp tình yêu của cha mẹ với lối sống nặng tình nặng nghĩa như “gừng cay muối mặn”
 
“Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn”
 
Dù gian nan, dù cay đắng nhưng cha mẹ vẫn đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi để tình cảm thêm mặn nồng, thắm thiết. Hình ảnh thơ gợi ta nhớ câu ca dao:
 
“Tay bưng đĩa muối, chén gừng
 
Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”
 
Hay
 
“Muối ba năm muối đang còn mặn
 
Gừng chín tháng vẫn hãy còn cay
 
Đôi ta tình nặng nghĩa đầy
 
 
Dù ba vạn sáu ngàn ngày cũng chẳng xa”
 
Từ cha mẹ thương nhau mới đi đến “Cái kèo cái cột thành tên”. Câu thơ gợi nhắc cho người đọc nhớ đến tục làm nhà cổ của người Việt. Đó là tục làm nhà sử dụng kèo cột giằng giữ vào nhau làm cho nhà vững chãi, bền chặt tránh được mưa gió, thú dữ. Đó cũng là ngôi nhà tổ ấm cho mọi gia đình đoàn tụ bên nhau; siêng năng tích góp mỡ màu dồn thành sự sống. Từ đó, tục đặt tên con cái Kèo, cái Cột cũng ra đời.
 
Đất Nước ta từ ngàn đời đã có truyền thống chống giặc ngoại xâm hào hùng của dân tộc:
 
“Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc”
 
Hình ảnh “cây tre” là biểu tượng của người Việt Nam, gắn với đời sống thường ngày và có lúc trở thành vũ khí xông pha ra chiến trường đánh giặc, Thánh Gióng từng nhổ tre đánh giặc Ann, nhà văn Thép Mới cũng từng nhận ra:
 
“Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín”
 
Tre thật thà chất phác, đôn hậu, yêu thủy chung yêu chuộng hòa bình nhưng cũng kiên cường bất khuất trong chiến tranh. Tre đứng thẳng hiên ngang bất khuất cùng chia lửa cho dân tộc:
 
“Một cây chông cũng tiến công giặc Mĩ”
 
Bởi
 
“Nòi tre đâu chịu mọc cong
 
Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường”
 
Đâu chỉ có những vẻ đẹp trên, dân tộc ta còn có truyền thống lao động cần cù, chịu thương chịu khó:
 
“Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sáng”
 
Thành ngữ “một nắng hai sương” và các động từ liên tiếp xay, giã, giần, sàng gợi lên sự vất vả và triền miên của người nông dân trên đồng rộng. Đất Nước gắn với nền văn minh lúa nước, lấy hạt gạo làm gia bảo, gắn liền với quá trình lao động vất vả để có được hạt gạo, để sinh tồn. Ý thơ thật sâu sắc. Câu thơ gợi nhắc đến ca dao:
 
 
“Cày đồng đang buổi ban trưa
 
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cà
 
Ai ơi bưng bát cơm đầy
 
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”
 
Từ Đất Nước viết hoa diễn tả tình cảm thiêng liêng đối với Đất Nước. Giọng thơ trữ tình, câu thơ dài ngắn đan xen thể hiện cảm xúc tự nhiên, phóng khoáng. Ngôn ngữ giản dị, sử dụng sáng tạo các chất liệu từ văn học dân gian tạo chiều sâu cho ý thơ.
 
Đất Nước đối với Nguyễn Khoa Điềm là những gì bình thường, gần gũi nhất. Nó có trong cổ tích, ca dao, gắn liền với nguồn mạch quê hương để làm nên một chân dung trọn vẹn về Đất Nước: Thân thương mà hào hùng, vất vả mà thủy chung.
 
Xem thêm Phân tích Tư tưởng đất nước của nhân dân trong “Đất Nước” 
 
Like share và ủng hộ chúng mình nhé: