Yêu thương được xem là một phẩm chất đẹp, cao quý và là giá trị sống cốt lõi của con người. Lòng yêu thương được biểu hiện qua nhiều hình thức, thái độ đa dạng. Người ta có thể biểu lộ tình thương của mình bằng cách: Chia sẻ, quan tâm, giúp đỡ, yêu mến, trân trọng…
Có nhiều người ví tình yêu thương như một viên đá nhiều màu sắc, biến hóa muôn hình vạn trạng xuất phát từ tận trong con tim của mỗi người. Được sinh ra trong một gia đình với đầy sự yêu thương, được lớn lên trong một xã hội dịu dàng đầy ắp sự chia sẻ, cảm thông luôn là niềm hạnh phúc của mỗi người.
“Nơi có mùa đông lạnh nhất thế giới không phải là Bắc Cực, cũng không phải là nước Nga xa xôi mà đó chính là nơi không có tình yêu thương”.
“Có gì đẹp trên đời hơn thế
Người với người sống để yêu nhau”
“Đủ nắng hoa sẽ nở, đủ yêu thương hạnh phúc sẽ đong đầy”.
Hoạt động 1: Sức Mạnh của lời nói
Một câu nói có thể giết chết một sự nỗ lực, một động cơ tốt, một con người. Vì vậy cần nói những lời khích lệ, động viên nhau. Đó là một trong những biểu hiện của sự yêu thương.
Câu chuyện minh họa: “Hai chú ếch”
Một ngày nọ, có một đàn ếch đi tránh nạn. Trong lúc đi, có hai chú ếch bị rơi xuống hố sâu. Con ếch bự nhất đàn nói: “ Kệ hai đứa chúng nó, chúng ta cần phải đi nhanh cho kịp thời gian”. Nhưng một ếch già nhất đàn thì yêu cầu đàn ếch ở lại giúp đỡ hai chú ếch tội nghiệp. Đàn ếch lập tức chia thành 2 phe: một phe theo ếch bự, một phe theo ếch già. Chúng xúm lại cãi nhau om sòm trên miệng hố. Phe theo ếch bự la ó bảo hai chú ếch đừng cố nữa, hãy từ bỏ. Ếch xanh thấy bạn bè sắp bỏ mình thì buồn lắm, sau vài lần nhảy lên không được chú đã có ý định bỏ cuộc. Nhưng ếch nâu thì vẫn tiếp tục nhảy lên, cuối cùng chú cũng thành công trong sự ngỡ ngàng của đàn ếch. Lúc đó ếch già nói: “ Thực ra ếch nâu này bị điếc, nó không nghe thấy những gì các người la ó, nó nghĩ các người đang cổ vũ nó nhảy lên đấy”. Cả đàn ếch bỗng sực tỉnh, chúng xúm lại miệng hố liên tục cổ vũ, động viên chú ếch xanh. Cuối cùng hai chú ếch cũng lên được miệng hố. Cả đàn ếch lại đoàn kết hơn bao giờ hết.
Câu hỏi tư duy cho trẻ:
- Hai chú ếch gặp chuyện gì?
- Vì sao ếch xanh không nhảy lên được miệng hố?
- Vì sao ếch nâu nhảy lên được?
- Lời nói có sức mạnh như thế nào?
- Con rút ra bài học gì từ câu chuyện trên.
Hoạt động 2: Yêu thương xuất phát từ trái tim
Cho trẻ xem clip : Người cha câm
Yêu thương đôi khi không cần nói thành lời. Yêu thương xuất phát từ trái tim, và bằng những hành động cụ thể. Khi trái tim ta dành những tình cảm yêu thương cho người khác thì từ tâm ta sẽ cảm thấy hạnh phúc.
Hoạt động 3: Dạy cho con biết yêu thương bản thân mình.
Vì sao cần phải dạy trẻ cách yêu thương bản thân? Vì có yêu thương bản thân, các con mới có thể biết yêu thương người khác thật tình, trọn vẹn. Có yêu thương bản thân, các con mới có thể biết quí trọng bản thân, biết tự tin và dũng cảm để thử, để trải nghiệm những điều mới mẻ trong cuộc sống, cũng như biết tránh xa những thứ nguy hại cho con sau này.
Mục tiêu: Trẻ biết yêu thương chính bản thân mình. Từ đó nhận ra giá trị của bản thân.
Hoạt động: Phát tờ phiếu
Bạn thuộc nhóm nào sau đây?
- Tôi ghét bản thân mình. Tôi ước tôi trở thành một người khác.
- Có những lúc tôi chẳng yêu thương mình chút nào.
- Tôi cảm thấy mình cũng tạm được.
- Tôi thực sự không quan tâm về bản thân mình.
- Tôi yêu bản thân mình. Tôi rất tự hào về chính tôi.
Hoạt động 2: Ý kiến cá nhân
Nêu những biểu hiện của người không biết quý trọng bản thân.
Những biểu hiện của người biết yêu thuơng quý trọng bản thân mình.
Dạy con thế nào?
Đưa ra những nhận xét lạc quan về con: Khi con 2-3 tuổi, là lúc con bắt đầu có hình dung về bản thân mình thông qua những gì người khác nghĩ về mình, chúng ta cần tạo ra một môi trường mà ở đó, con nhận được những nhận xét lạc quan về bản thân con.
Đừng bao giờ nói với con những lời lẽ gay gắt, mỉa mai khi bạn cáu giận, hãy cố gắng kiềm chế những câu kiểu như “Biết thế này, tao không đẻ ra mày”…
Thường xuyên ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của con: không chỉ vì Thành tích con đạt được, mà bằng chính những Nỗ lực, Cố gắng Của Con. Ví dụ: “Ui, xem Tôm đã cố gắng viết chữ A giống mẹ này.”
Ví dụ: “Ui, Tôm viết chữ A này giỏi quá, chưa giống chữ A của mẹ lắm, nhưng dần dần con luyện tập nhiều thì sẽ viết chữ A giống của mẹ. Mẹ cũng phải tập viết nhiều lắm mới viết được chữ A như thế đấy”. Bằng cách này, chúng ta còn luyện cho trẻ cách để luôn cố gắng, không bỏ cuộc.
Không bao giờ so sánh con với anh chị em của con. Đây là một lỗi thường thấy đối với rất nhiều phụ huynh trong môt gia đình có nhiều hơn 1 con. Dù ít hay nhiều, việc này sẽ tạo nên tâm lý tự ti cho con, con sẽ nghĩ rằng “dù mình có làm gì thì cũng chẳng bằng anh/chị/em mình”.
Dạy cho con biết chấp nhận những sự khác biệt của chính mình. Bố mẹ cũng phải chấp nhận sự khác biệt của con, vì con là duy nhất.
Đối với trẻ lớn hơn, có thể hỏi con các câu hỏi:
Nêu những biểu hiện của người không biết quý trọng bản thân.
Những biểu hiện của người biết yêu thương quý trọng bản thân mình.
Hoạt động 4: Yêu thương những người xung quanh mình
Hoạt động:
Cho trẻ một khoảng thời gian cùng với tờ giấy nhỏ. Đi gặp bố, mẹ, anh, chị, em, ông, bà, 4 người bạn để hỏi và ghi vào tờ giấy sở thích của người đó.
Giúp trẻ tập hợp lại những sở thích của mọi người mà trẻ thu thập được. Hỏi trẻ cảm nhận của người thân khi được hỏi thế nào? Họ có vui không? Có cười với con không?
Kết luận cho trẻ. Việc chúng ta quan tâm, hỏi han đến những sở thích cá nhân, lắng nghe những người xung quanh để họ cảm nhận được họ được ta yêu thương, trân trọng.
Hoạt động 5: Thể hiện sự yêu thương với những người xung quanh
Dùng những mẩu giấy nhỏ màu sắc. Yêu cầu mỗi người trong gia đình (bố, mẹ, ông, bà…) viết vào đó một vài lời yêu thương gửi đến trẻ. Sau đó đưa cho trẻ đọc hoặc đọc cho trẻ nghe những lời đó. Hỏi xem trẻ cảm thấy như thế nào. Tiếp sau yêu cầu trẻ cũng viết hoặc nói những lời yêu thương gửi lại.
Kết luận: Việc dành tình cảm, những hành động, những lời nói yêu thương giúp cho chúng ta gần nhau hơn. Dạy cho trẻ đừng ngần ngại thể hiện tình yêu thương của mình với những người xung quanh.
Bài viết khác cùng mục: