Trước khi đi vào chi tiết từng môn của chứng chỉ CPA, mình nói luôn mục tiêu của việc học là tiếp thu được càng nhiều kiến thức càng tốt, do đó nếu có thời gian chúng ta nên học tất cả mọi ngóc ngách các nội dung mà chứng chỉ yêu cầu. Nhưng khi ôn thi thì là một vấn đề khác. Để việc ôn thi đạt hiệu quả trong điều kiện nguồn lực thiếu thốn, chúng ta cần có chiến lược. Sau khi đã thu thập xong tài liệu ôn thi, mình luôn thực hiện 2 bước sau trước khi ôn thi mọi chứng chỉ:
Bước 1. Xác định kiến thức trọng tâm của môn thi CPA
Bản thân mình khi thi ACCA, CPA… đều là vừa đi làm vừa học nên không có thời gian đi các lớp hay trung tâm ôn luyện, và hầu như chỉ bắt đầu tập trung ôn thi khi còn 2 tuần – 1 tháng. Do đó, việc học toàn bộ kiến thức là không thể, mà theo mình cũng là không cần thiết.
Vì sao?
Chắc nhiều bạn đã nghe đến nguyên tắc 30/70 hoặc 20/80 (các bạn có thể google nếu chưa biết).
Áp dụng nguyên tắc này vào trong quá trình ôn thi CPA: có thể hiểu là trong một quyển giáo trình (đề cương ôn tập) sẽ chỉ có 30% kiến thức lõi, và sẽ chiếm đến 70% nội dung của bài thi. Như vậy, để đạt mục tiêu “pass” với thời gian ôn thi có hạn, chúng ta nên tập trung 70% thời gian để nắm thật chắc 30% kiến thức này. 30% thời gian để dành cho 70% kiến thức còn lại.
Làm thế nào để xác định được 30% kiến thức lõi này?
Có nhiều cách nhưng mình làm theo cách sau:
– Lấy mục lục của sách/đề cương ôn tập (tiêu đề của các chương/phần).
– Thu thập đề thi các năm trước (5 năm nếu có thể)
– Đối chiếu các câu hỏi trong đề thi các năm trước tới Mục lục, xác định với mỗi đề thi thì nội dung các chương nào được kiểm tra đến.
– Tập hợp kết quả đối chiếu: xác định các chương/phần có tần suất nhiều nhất qua đề thi các năm -> Đó chính là các chương/phần cốt lõi bạn cần tập trung.
Ví dụ: với Môn Tài chính, sau khi đối chiếu đề thi từ 2011 – 2016 thì mình thấy có 3 chương: Chương 3, Chương 6, Chương 8 là phần bài tập hầu như năm nào cũng ra. Do đó, mình dành 70% thời gian mình có để ôn tập thật kỹ 3 chương này, 30% thời gian còn lại mình dành để đọc qua các khái niệm trong các chương khác. (Với từng môn của CPA, mình sẽ có một bài chia sẻ riêng về kiến thức lõi này)
Bước 2. Tìm hiểu thông tin về kỹ năng trình bày, làm bài thi CPA
Những thông tin này trên mạng rất nhiều, mình không nói nữa. Mình chỉ nhấn mạnh 3 điểm:
Phân bổ và quản lý thời gian làm bài cho từng câu: Đề thi Tài chính – Chứng chỉ kiểm toán viên CPA có 180 phút cho 5 câu, các câu ngang điểm nhau => dành mỗi câu không quá 35 phút. Nếu có câu nào hết thời gian rồi mà không làm hết thì cứ bỏ trống giấy ra một đoạn, sau khi làm xong câu khác còn thời gian thì quay lại làm tiếp nhé.
Cố gắng làm tất cả các câu: đặc biệt đối với phần lý thuyết có thể không nắm được nhiều nhưng cũng nên trình bày tất cả những gì mình hiểu, mình nghĩ là liên quan, vừa gây thiện cảm với người chấm lại vừa có khả năng đạt điểm mà không ngờ tới.
Luôn xuống dòng mới cho từng ý khác nhau: thông thường các đề thi CPA hay ACCA đều được chấm theo ý. Cho nên không nên trình bày gộp các ý, người ta đọc không kỹ lại tưởng mình chỉ đang trình bày được có 1 ý thì bị mất điểm oan.
Cái này áp dụng cho cả phần bài tập nhé, làm phép tính không nên làm tính gộp, lúc sai bị mất điểm gộp luôn á. Cứ mỗi bước tính xuống một dòng cho rõ ràng, người ta dễ chấm có khi lại được cộng điểm.
Các kỹ năng về trình bày, quản lý thời gian này bạn nên áp dụng ngay khi ôn luyện để tạo thành thói quen làm bài thi.
Chỉ cần làm tốt 2 bước này thì bạn hoàn toàn có thể tự học, tự ôn thi hiệu quả mà không cần phải đến bất cứ trung tâm hay lớp học ôn thi nào cả.
Nguồn: đang cập nhập
Bài viết khác cùng mục: