Mở rộng liên hệ, nội dung, giá trị nhân đạo “Vợ chồng A Phủ”

Mở rộng liên hệ, nội dung, giá trị nhân đạo “Vợ chồng A Phủ” : Khái quát nội dung, giá trị nghệ thuật, giá trị nhân đạo của bài “Vợ chồng A Phủ” – Tô Hoài. Cùng với đó icongchuc cũng chia sẻ một vài liên hệ mở rộng cho các bạn tham khảo.

Mở rộng liên hệ, nội dung, giá trị nhân đạo "Vợ chồng A Phủ"
Mở rộng liên hệ, nội dung, giá trị nhân đạo “Vợ chồng A Phủ”

1. Nội dung tác phẩm Vợ chồng A Phủ.

Truyện kể về cuộc đời của vợ chồng A Phủ. Mị là cô gái trẻ đẹp, nhà nghèo, sống ở Hồng Ngài. Cô bị bắt cóc về làm vợ A Sử, làm con dâu gạt nợ nhà thống Lí Pá Tra. Cô phải lao động quần quật, sống không khác gì con trâu, con ngựa. Khi mùa xuân đến, cô cũng muốn đi chơi liền bị A Sử trói đứng trong buồng. Chỉ đến khi A Sử bị đánh, cô mới được cởi trói để đi lấy lá thuốc, xoa dầu cho chồng. A Phủ là một chàng trai nghèo, mô côi, khỏe mạnh, gan góc, giỏi lao động. Vì đánh A Sử đến phá rối cuộc chơi nên bị bắt, bị đánh đập, bị phạt vạ, phải vay vốn thống lí để nộp phạt, rồi trở thành người ở đợ trừ nợ trong nhà thống lí. Một lần để hổ ăn mất một con bò, A Phủ bị trói đứng, bị bỏ đói suốt mấy ngày đêm. Một đêm, khi trở dậy thổi lửa để sưởi, Mị bắt gặp dòng nước mắt chảy trên gò má đen sạm của A Phủ. Mị nghĩ về thân phận mình, đồng cảm về cảnh ngộ của A Phủ. Cô đã cắt dây trói giải thoát cho A Phủ và bỏ trốn khỏi nhà thống lí Pá Tra. Hai người đến Phiềng Sa, thành vợ thành chồng, tạo dựng một cuộc sống mới. A Phủ được sự giác ngộ của cán bộ cách mạng A Châu trở thành tiểu đội trưởng du kích. Họ cùng mọi người cầm súng để gìn giữ bản làng.

=> Chế độ thực dân phong kiến với những hủ tục, thần tục lạc hậu và cường quyền có sức mạnh tuyệt đối chi phối cuộc đời, số phận của con người nơi này. Số phận khổ đau, bất hạnh của những người lao động nghèo khổ như Mị, như A Phủ được xây dựng, khắc họa rõ nét.

 

2. Giá trị nhân đạo tác phẩm Vợ chồng A Phủ

– Tố cáo xã hội thực dân phong kiến đã đẩy người dân vào bước đường cùng, khiến họ trở thành một cỗ máy, thành nô lệ

– Niềm cảm thông, đau xót của Tô Hoài khi chứng kiến khát vọng, nhân quyền của con người bị chà đạp. Mị và A Phủ phải sống cuộc đời của những kẻ nô lệ, cuộc sống không bằng con trâu, con ngựa, bị đối xử một cách tàn bạo, bị bóc lột một cách dã man

– Ca ngợi sức sống tiềm tàng, mãnh liệt của con người ngay cả trong hoàn cánh khắc nghiệt nhất. Mị dù “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa” nhưng vẫn muốn được đi chơi trong đêm tình mùa xuân, vẫn khao khát có hạnh phúc gia đình, khao khát được giải phóng khỏi ngục thất cuộc đời mình. Còn A Phủ, dù bị bắt làm nô lệ cho nhà Thống lí nhưng vẫn không hề đánh mất đi sự tự do vốn có của mình. A Phủ vẫn sống một cách phóng khoáng, yêu đời và khao khát sống một cách mãnh liệt.

– Con đường giải thoát cho nhân vật mà Tô Hoài đưa ra trong tác phẩm chính là đi theo cách mạng mà trong đoạn kết của câu chuyện, A Phủ và Mị đã trốn tới Phiềng Sa và đi theo ánh sáng của cách mạng để giải thoát cho cuộc đời tăm tối của họ => con đường đấu tranh cách mạng.

 

3. Giá trị nghệ thuật Vợ chồng A Phủ

Nghệ thuật xây dựng nhân vật : Khắc họa nhân vật sinh động, có cá tính rõ nét. Hai nhân vật Mị và A Phủ có số phận giống nhau nhưng tính cách khác nhau đã được tác giả thể hiện bằng bút pháp thích hợp.
Ngòi bút tả cảnh đặc sắc mang đậm màu sắc, dấu ấn của vùng núi Tây Bắc: Cảnh sắc thiên nhiên, cảnh sinh hoạt, cảnh xử kiện,…
Nghệ thuật trần thuật rất thành công với giọng kể trầm lắng dầy cảm thông, yêu mến; nhịp kể chậm xúc động có khi hòa vào dòng tâm tư của nhân vật, vừa bộc lộ nội tâm của nhân vật vừa tạo được sự đồng cảm
Ngôn ngữ sinh động được chọn lọc, sáng tạo giàu tính tạo hình vừa giàu chất thơ.

Liên hệ mở rộng bài “Vợ chồng A Phủ”

1. “Tô Hoài là một nhà văn lớn của Văn học Việt Nam hiện đại, người có 95 năm tuổi đời nhưng đã dành hơn 70 năm đóng góp cho văn học. Ông là nhà văn chuyên nghiệp, bền bỉ sáng tác và có khối lượng tác phẩm đồ sộ.” (Phạm Xuân Nguyên – Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội)

2. “Ông là cây đại thụ cuối cùng của lớp tác giả văn xuôi thời kì Cách Mạng.” (Hà Minh Đức)

3. “Bản chất của văn chương Tô Hoài là phong cách, bút pháp đậm đà bản sắc dân tộc. Phẩm chất ấy là sự tích tụ của cả một đời gắn bó với đất nước và nhiều miền quê hương, trân trọng và yêu thương những con người lao động mang tâm hồn và tính cách của người Việt Nam” (Hà Minh Đức)

4. “…Nhưng điều kì diệu là dẫu trong cùng cực đến thế mọi thế lực của tội ác cũng không giết được sức sống con người. Lay lắt, đói khổ, nhục nhã, Mị vẫn sống, âm thầm, tiềm tàng mãnh liệt”

5. Nói về Mị, nhà văn Tô Hoài tâm huyết rằng: “Số phận của cô là sự hồi sinh mãnh liệt của con người cô. Sự hồi sinh của một con người là vô cùng quý giá.”

6. “Thật khó để tìm được một nhà văn thứ hai vừa có thể miêu tả chân thật, tinh tế những cung bậc cảm xúc của cô Mị yêu sống nhưng bị giam cầm trong cảnh tù túng của “Vợ chồng A Phủ” (Phan Anh Dũng)

7. “Đất nước và người miền Tây đã để thương để nhớ cho tôi nhiều, không thể bao giờ quên… Hình ảnh Tây Bắc đau thương và dũng cảm lúc nào cũng thành nét, thành người, thành việc trong tâm trí tôi.” (Tô Hoài)

Văn mẫu Phân tích giá trị nhân đạo của truyện ngắn Vợ chồng A Phủ

Phân tích giá trị nhân đạo của truyện ngắn Vợ chồng A Phủ mẫu 1

Tô Hoài là nhà văn nổi tiếng với cảm quan hiện thực đầy tinh tế về cuộc sống đời thường cùng sự nhạy bén trong việc sử dụng ngôn từ. Không chỉ vậy, ông còn là một nhà văn với tinh thần nhân đạo sâu sắc, mới mẻ. Điều này đã được thể hiện thông qua số phận của nhân vật Mị và A Phủ trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”, in trong tập “Truyện Tây Bắc”.

Giá trị nhân đạo là sự quan tâm đến con người mà biểu hiện của giá trị nhân đạo là lòng thương người, sự cảm thông, bênh vực con người. Mỗi một tác phẩm thì giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo biểu hiện ở khía cạnh khác nhau. Giá trị nhân đạo trong “Vợ chồng A Phủ” trước hết được thể hiện ở phương diện tố cáo những thế lực độc ác. Đó là thế lực phong kiến miền núi lợi dụng chính sách cho vay nặng lão nhằm đọa đày người lương thiện. Trước tiên là ở Mị, nàng bị buộc vào vòng lẩn quẩn của cái nợ từ thời ba mẹ nàng. Còn ở A Phủ là khoản nợ 100 đồng bạc trắng. Chúng trói buộc cả hai con người đáng thương vào cuộc đời đau khổ. Đến một ngày thì Mị không còn ý thức phản kháng nữa, bởi ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi. “Bây giờ thì Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa… ngựa chỉ biết việc ăn cỏ, biết đi làm mà thôi… Bao giờ cũng thế, suốt năm suốt đời như thế.” Rồi đến một ngày Mị bừng tỉnh, muốn đi chơi. Mị quấn lại tóc, Mị với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách. A Sử nhìn thấy, nắm Mị, lấy thắt lưng trói hai tay Mị. Nó xách cả một thúng sợi đay ra trói đứng Mị vào cột nhà. Mị đau đớn, nồng nàn tha thiết nhớ những ngày đã qua. Còn A Phủ, anh bị đẩy vào bước đường ở nợ, “đốt rừng, cày nương cuốc nương, săn bò tót, bẫy hổ, chăn bò, chăn ngựa, quanh năm một thân một mình bôn ba rong ruổi ngoài gò ngoài rừng. Để rồi khi anh để hổ bắt mất một con bò, Thống lí Pá Tra bắt trói anh vào một cây cột trong góc nhà bằng dây mây quấn từ chân đến vai. Những việc làm tàn bạo ấy không chỉ hành hạ về mặt thể xác, nó còn bào mòn tinh thần con người, mỗi ngày, mỗi ngày.

Tô Hoài còn thể hiện giá trị nhân đạo ở chỗ, ông thương cảm những số phận bất hạnh như Mị và A Phủ. Nỗi niềm thương xót của ông không được nói ra thành lời, mà được thể hiện thông qua những tiếng nức nở của các nhân vật. Mị được miêu tả lúc nào “cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi.”, cả cuộc đời cô dường như chỉ quanh quẩn lên núi hái thuốc phiện, giặt đay, xe đay, đi nương bẻ bắp và dù lúc đi hái củi, lúc bung ngô, lúc nào cũng gài một bó đay trong cánh tay để tước thành sợi. Khi Mị bị A Sử trói vào cột, dòng ý thức của Mị trôi qua như những dòng nước mắt. “Đời người đàn bà lấy chồng nhà giàu Hồng Ngài thì một đời con người chỉ biết đi theo đuôi con ngựa của chồng.” Mị sợ, Mị cựa quậy, xem mình còn sống còn sống hay chết. Sợ chết là vẫn còn muốn sống, ý thức khát khao ấy như ánh sáng nhỏ nhoi khiến độc giả phải xúc động cho một số phận đau khổ. Ở A Phủ, đó là nỗi thương cảm dành cho chàng trai đã khổ từ lúc nhỏ. Ngày nhỏ, “có người làng đói bụng bắt A Phủ đem xuống bán đổi lấy thóc của người Thái dưới cánh đồng”. Khi lưu lạc đến Hồng Ngài, A Phủ cũng thông thể lấy nổi vợ, chỉ vì anh không có bố mẹ, không có ruộng, không có bạc. Vận đen vẫn đi theo A Phủ, để rồi anh bị bắt nộp vạ một trăm bạc trắng, phải đi ở trừ nợ cho nhà quan thống lí Pá Tra. Tấm lòng nhân đạo của nhà văn sẽ ôm lấy Mị và A Phủ, đưa những con người lương thiện thoát ra khỏi phận đời đau khổ.

Cuối cùng, tác giả thể hiện niềm trân trọng và đồng tình với khát vọng được tự do, được hạnh phúc của Mị và A Phủ. Niềm trân trọng ấy được thể hiện trước tiên ở ý thức phản kháng và sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị. sức sống ấy của Mị trỗi dậy vào đêm tình mùa xuân. “Hồng Ngài năm ấy ăn tết giữa lúc cỏ gianh vàng ửng, gió và rét rất dữ dội… Trong các làng Mèo đỏ, những chiếc váy hoa đã đem ra phơi trên mỏm đá xòe như con bướm, sặc sỡ… tiếng trẻ con nô đùa…” Mùa xuân ấy rộn rã âm thanh và màu sắc, là dấu hiệu cho sự bừng tỉnh của Mị trong đêm tình mùa xuân. Đầu tiên, sức sống ấy được hồi sinh khi Mị nghe thấy tiếng sáo: “Ngoài đầu núi lấp ló đã có tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi…” Tiếng sáo ấy chạm vào tâm hồn của Mị, khiến Mị nhớ lại những ngày xuân thật đẹp của quá khứ. “Mị nghe tiếng sáo vọng lại thiết tha bổi hổi”. Tiếng sáo ấy khiến Mị lén lấy hũ rượu. “Cứ uống ực từng bát. Rồi say. Mị lịm mặt ngồi đấy nhìn những người nhảy đồng, người hát, nhưng lòng Mị thì đang sống về ngày trước.” Niềm vui ấy khiến Mị ý thức được rằng “Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi.” Sức sống mãnh liệt còn thể hiện mạnh mẽ hơn khi Mị đi đến quyết định: Bỏ nhà đi theo cuộc chơi. Mị làm đẹp cho bản thân mà không để ý đến thái độ của A Sử, Mị hành động thản nhiên, nhưng đau đớn thay, sự độc ác tàn nhẫn của giai cấp thống trị đã dập tắt đi cái khát vọng sự trỗi dậy đó của Mị. Sức sống tiềm tàng của Mị lại bùng lên lần nữa trong đêm cởi trói cho A Phủ. Khi Mị nhìn thấy “hai mắt A Phủ cũng vừa mở, một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại”. Mị bỗng nhớ lại đêm năm trước A Sử trói Mị, Mị cũng phải trói đứng thế kia. Mị đau đớn cho đời mình, và Mị cắt dây trói cho A Phủ. Rồi Mị bừng tỉnh, vụt chạy ra. Rồi hai người lẳng lặng đỡ nhau lao chạy xuống dốc núi. Bước chân của A Phủ và Mị là bước chân phản kháng, là bước chân tìm đến hạnh phúc, vùng thoát khỏi bóng tối, đi đến một cuộc đời khác. Và bước chân ấy in đậm giá trị nhân đạo của Tô Hoài trong tác phẩm. Đó là bước chân đồng tình cho khát vọng được kiếm tìm hạnh phúc.

Bên cạnh giá trị nhân đạo sâu sắc, tác phẩm còn mang đậm giá trị nghệ thuật. Tác phẩm khắc họa chân thực những nét riêng biệt về phong tục, tập quán, tính cách và tâm hồn con người dân tộc bằng một giọng văn nhẹ nhàng, tinh tế, đượm màu sắc và phong vị dân tộc, vừa giàu tính tạo hình vừa giàu chất thơ.

Có thể nói, tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” là một tác phẩm mang giá trị nhân đạo sâu sắc. Tác phẩm đã lên tiếng tố cáo những thế lực xấu xa, đồng thời thể hiện tiếng nói thông cảm, trân trọng và đồng tình dành cho khát vọng tự do, sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị và A Phủ.

Download Giá trị nhân đạo của tác phẩm Vợ chồng A Phủ

nguồn vndoc

==> Xem thêm tại Liên hệ mở rộng Vợ chồng A Phủ với tác phẩm khác

Like share và ủng hộ chúng mình nhé: