Những hồn thơ Hàn Mặc Tử độc đáo trong Thơ mới. Bên cạnh những vần thơ điên, thơ say, thơ siêu thực, thơ Hàn Mặc Tử là một giọng thơ trữ tình, đằm thắm, thể hiện tình yêu cuộc sống tha thiết, khao khát tình người đến cháy bỏng. Sinh thời, nhà thơ Chế Lan Viên từng nhận định: ”Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mặc Tử như một ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi chói lòa rực rỡ của mình.”
“TRĂNG”, “HỒN”, “MÁU” – Thơ Hàn Mặc Tử về tình yêu
Thật vậy, trong làng Thơ mới, Hàn Mặc Tử là thi sĩ có diện mạo thơ vô cùng phong phú, sáng tạo và đầy bí ẩn. Bên cạnh những vần thơ điên, thơ say, thơ siêu thực là một giọng thơ trữ tình, đằm thắm, thể hiện tình yêu cuộc sống tha thiết, khao khát tình người đến cháy bỏng.
Nhắc đến thơ Hàn Mặc Tử, người đọc sẽ nghĩ ngay đến các biểu tượng, các nhãn tự hết sức độc đáo nhưng có sức ám ảnh lớn đó chính là “Trăng”, “Hồn” và “Máu”. Có thể nói, những vần thơ của Hàn Mặc Tử quằn quại đớn đau mà chói sáng với biểu tượng rực rỡ nhất là: Trăng, Hồn và Máu. Thơ của Hàn Mặc Tử đã và sẽ còn mãi mãi là nỗi ám ảnh sâu sắc đến người đọc nhiều thế hệ, bởi ma lực của “nghệ thuật ẩn dụ”. Trăng, Hồn và Máu thường xuyên xuất hiện trong các tập thơ của ông, nhất là Trăng mà ta luôn bắt gặp sự phóng chiếu của nó ở nhiều góc độ. Ông đã độc chiếm nàng Trăng của thế giới thi ca làm chất liệu không gì thay thế cho những cảm xúc sáng tạo nghệ thuật ở cấp độ cao nhất. Bên cạnh đó, Hồn và Máu trong thơ ông đã thăng hoa thành hương thơm nghi ngút linh thiêng kết tụ ở tập thơ “Đau thương” được xem là tập thơ xuất sắc nhất trong sự nghiệp của ông.
Tình nhạc trong thơ Hàn Mặc Tử
Phong trào “Trường thơ Loạn” & chủ nghĩa tượng trưng, siêu thực – Hàn Mặc Tử là chủ soái cùng các tác viên Chế Lan Viên, Bích Khê…
Là hiện tượng nổi bật trên thi đàn Việt Nam, phong trào Thơ Mới khẳng định vị trí vững chắc trong nền văn học dân tộc. Nếu nói Thơ Mới mở ra một cuộc cách mạng trong thi ca, thì có thể xem “Trường thơ Loạn” là hiện tượng độc đáo của phong trào Thơ Mới. Có người ủng hộ tuy vậy cũng có những ý kiến dị nghị, cho rằng “Trường thơ Loạn” chỉ là những sáng tác ngẫu hứng vô nghĩa.
“Trường Thơ Loạn” do Hàn Mặc Tử chủ xướng thành lập tại Bình Định. Đây là một tập hợp của một số thi sĩ trong phong trào Thơ mới, có chung một xu hướng sáng tác mà trường thơ đã đề ra. Trong tựa “Điêu tàn”, như đại diện cho cả trường thơ, Chế Lan Viên đã trực tiếp khởi sự một tư tưởng mĩ học mới về thi ca: “Hàn Mặc Tử viết: làm thơ tức là điên. Tôi thêm: làm thơ là làm sự phi thường”. Quả thật, Trường thơ Loạn xem thơ là cái siêu phàm, làm theo những cách thức khác thường mà người thường không hiểu nổi. Mặt khác, các nhà thơ muốn khẳng định yếu tố “phi thường” như mục đích duy nhất của sáng tạo, thơ phải đạt đến đỉnh cao để người ta ngỡ ngàng, khâm phục. Vận dụng quan niệm mỹ học tượng trưng, thế giới thơ Loạn hướng tới là thế giới bí ẩn của cảm giác và tâm linh, hướng vào vô thức của con người mà với thi nhân là lĩnh vực vô hạn của sự khám phá và sáng tạo nghệ thuật. Bởi thế, Trường thơ Loạn là sáng tạo độc đáo có đầu tư của các tác giả chứ không phải sự bộc phát tạm thời hay vô nghĩa.
Trữ tình gợi cảm trong đau thương – Phong cách thơ Hàn Mặc Tử
Trong cuốn: “Hàn Mặc Tử: một hiện tượng thơ độc đáo trong tư duy thơ Việt Nam,” nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy cho rằng: ”Nếu Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính là dòng lãng mạn thuần khiết, nếu Xuân Diệu và nhất là Huy Cận, là dòng lãng mạn được cườm vào những yếu tố tượng trưng… thì Hàn Mặc Tử là hài hòa của lãng mạn, tưởng tượng, thậm chí siêu thực nữa.”
Có lẽ chính từ cuộc sống mỏi mòn trong bệnh tật, cô đơn, trong bóng đêm hoang hoải đầy ác mộng, ẩn ức, ám ảnh giữa thực và mộng của ông đã thăng hoa từ vô thức mà bừng lên những hình ảnh siêu thực trên cái nền lãng mạn: ”Không gian dày đặc toàn trăng cả/ Tôi cũng trăng mà nàng cũng trăng,” ”Nước hóa thành trăng trăng ra nước/ Lụa là ướt đẫm cả trăng thơm”…
Đọc thơ của Hàn Mặc Tử, có khi người ta cảm thấy bứt rứt kinh khủng bởi lối nói đậm vẻ phương Đông vừa lộ liễu vừa kín đáo. Thơ ông không áp đặt người đọc phải cảm nhận những gì ông cảm nhận, những con chữ chỉ đóng vai trò đòn bẩy, là phương tiện mở ra những liên tưởng độc đáo, làm bật lên cảm xúc riêng biệt trong mỗi người, từ đó mà ta đón nhận những mỹ cảm một cách tròn đầy hơn, đã đời hơn mà reo lên thích thú:
”Trăng nằm sõng soài trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi
Hoa lá ngây tình không muốn động
Lòng em hồi hộp chị Hằng ơi”
(Bẽn lẽn)
Đôi bàn tay của một con người mắc bệnh phong đang co quắp vì đau đớn, nhưng càng đau đớn, đôi bàn tay ấy càng khát khao, thèm muốn níu giữ lấy cuộc đời níu giữ lấy tình đời. Dường như nhà thơ cố dồn hết sức lực của mình vào đôi bàn tay để “riết,” để “níu,” để “ràng rịt” với cuộc đời. Và cũng có những lúc đôi bàn tay ấy xòe ra thật rộng, nhà thơ như cởi hết lòng để yêu, để viết và để hòa mình với thiên nhiên với cuộc đời thơ mộng:
”Cởi thơ, cởi mộng, cởi niềm yêu thương”…
(Ngủ với trăng)
Nhà thơ đã mở rộng “túi thơ” của mình để đón nhận và để dâng hiến. Nói chuyện tâm hồn mà vẫn giản dị như đời thường. Ngay cả trong những câu thơ hay nhất, mang chiều kích rộng lớn, bao la của vũ trụ ông vẫn dùng cách nói như thế:
”Áo ta rách rưới trời không vá,
Mà bốn mùa trăng mặc vải trăng.”
(Lang thang)
Giáo sư Lê Đình Kỵ đã nhận xét: “Không ai ngoài Hàn Mặc Tử có thể viết như thế… Câu thơ mang chiều kích của vũ trụ mà vẫn tự nhiên như không, siêu thoát mà vẫn trần tục với chuyện Rách rưới, Vá víu, Vải vóc.”
Một trong những tiêu chuẩn để đánh giá tài năng nghệ sỹ là cái lạ, cái độc đáo. Thơ ca Hàn Mặc Tử lạ trong cách suy nghĩ, lập ý, so sánh, trong cách dùng từ ngữ, hình ảnh. Và cái lạ nhất là một con người phải trải qua những nỗi đau thể xác và tinh thần ghê gớm như vậy nhưng giọng thơ nói chung không bi quan mà luôn mơ ước, hướng tới thế giới vĩnh hằng ”tứ thời xuân non nước.”
Bên những vần thơ điên loạn với ngập tràn ý tưởng của hồn, trăng, và máu, người ta còn biết đến những bài thơ trong sáng như ca dao, ngọt lành như trái chín với cái nhìn trẻ trung, lãng mạn mà bí ẩn của thi nhân. Đó là nhân vật trữ tình của một thời: ”Hai mươi mốt tuổi, tuổi như hoa.”
Tình quê hương trong cách cảm, cách nghĩ của thi sỹ không chỉ là tình người, tình đời như thơ Nguyễn Bính hay là bức tranh quê như trong thơ Bàng Bá Lân, Anh Thơ mà là tiếng vọng của tâm linh, với những hình ảnh gợi cảm, giàu nhạc điệu: Mây chiều còn phiêu bạt/ Lang thang trên đồi quê/ Gió chiều quên ngừng lại/ Dòng nước luôn trôi đi/ Ngàn lau không tiếng nói/ Lòng anh dường đê mê…/ Tiếng buồn trong sương đục/ Tiếng hờn trong luỹ tre/ Dưới trời thu man mác/ Bàng bạc khắp sơn khê (Tình quê).
”Mùa xuân chín” và ”Đây thôn Vĩ Dạ” là những bài thơ nổi tiếng của Hàn Mặc Tử. Với ”Mùa xuân chín,” thiên nhiên trong thơ như không có đường viền. Trong cái không gian khoáng đạt, phóng túng ấy ẩn náu một cái tôi trữ tình tài hoa, đầy dự cảm của thi nhân: “Trong làn nắng ửng khói mơ tan/ Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng/ Sột soạt gió trêu tà áo biếc/ Trên giàn thiên lý bóng xuân sang/ Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời/ Bao cô thôn nữ hát trên đồi/ – Ngày mai trong đám xuân xanh ấy/ Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi.”
Bài viết khác cùng mục: