Tài liệu ôn tập môn nghiệp vụ chuyên ngành kỳ thi công chức kì thi 2020- Chuyên đề 1 : Một số vấn đề cơ bản về đảng cộng sản việt nam
Quá trình cách mạng của Đảng
Từ ngày thành lập (3/2/1930) đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành được những thắng lợi vĩ đại: Thắng lợi của Cánh mạng Tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (nay là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam), Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, đưa dân tộc Việt Nam tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do; thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, năm 1954, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế; thắng lợi của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, đưa đất nước tiếp tục quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Những thắng lợi của cách mạng Việt Nam đã giành được trong hơn 87 năm qua đều gắn liền với quá trình xây dựng, trưởng thành và phát triển của Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tư do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa; đất nước đã thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; có quan hệ quốc tế ngày càng sâu rộng, có vị thế ngày càng cao trong khu vực và trên thế giới.
Bản chất, mục đích và nền tảng tư tưởng của Đảng
Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng đã xác định như sau:
– Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam.
– Mục đích của Đảng là xây dựng nước Việt Nam hoà bình, độc lập, dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản.
– Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại, nắm vững quy luật khách quan, xu thế thời đại và thực tiễn của đất nước để đề ra Cương lĩnh chính trị, đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân.
Nguyên tắc tổ chức và phương thức lãnh đạo của Đảng
– Đảng Cộng sản Việt Nam là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; đồng thời, thực hiện các nguyên tắc: tự phê bình và phê bình; đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng; Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình; Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Như vậy, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng gồm 5 nguyên tắc sau: (1) Tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; (2) Đoàn kết thống nhất trong Đảng trên cơ sở Cương lĩnh, Điều lệ Đảng; (3) Tự phê bình và phê bình trên tinh thần thương yêu đồng chí; (4) Quan hệ mật thiết với nhân dân; tôn trọng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân và chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân; (5) Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Trong 5 nguyên tắc đó, thì tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản.
– Để thực hiện sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và toàn xã hội, Đảng lãnh đạo thông qua 5 phương thức sau: (1) Bằng Cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; (2) Bằng công tác tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, vận động và sự gương mẫu của đảng viên; (3) Bằng công tác tổ chức, cán bộ và kiểm tra; (4) Bằng các tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên hoạt động trong các tổ chức của hệ thống chính trị; (5) Đảng giới thiệu những đảng viên có đủ phẩm chất, năng lực tham gia trong các cơ quan lãnh đạo của hệ thống chính trị.
Hệ thống tổ chức của Đảng và đảng viên hiện nay
Để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, các tổ chức đảng được thành lập ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội. Hệ thống tổ chức cơ bản của Đảng được thành lập tương ứng với hệ thống tổ chức hành chính 4 cấp của Nhà nước gồm: cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp cơ sở. Ngoài ra, tổ chức đảng còn được lập ra ở những nơi có đặc điểm riêng theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương.
Hiện nay, toàn Đảng có 68 đảng bộ trực thuộc Trung ương, gồm: 58 đảng bộ tỉnh, 05 đảng bộ thành phố, 05 đảng bộ trực thuộc Trung ương (Đảng bộ Quân đội, Đảng bộ Công an, 02 Đảng bộ Khối và Đảng bộ Ngoài nước). Sau Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII, chủ trương tổ chức lại Đảng bộ Ngoài nước vào Đảng bộ Bộ Ngoại giao, số lượng đảng bộ trực thuộc Trung ương sẽ còn 4 đảng bộ.
Tính đến ngày 30/06/2019, toàn Đảng có 54.347 tổ chức cơ sở đảng, với tổng số 5.097.747 đảng viên. Có 5 loại hình tổ chức cơ sở đảng cơ bản của Đảng gồm: Tổ chức cơ sở đảng ở xã, phường, thị trấn; tổ chức cơ sở đảng trong các doanh nghiệp; tổ chức cơ sở đảng trong các cơ quan hành chính; tổ chức cơ sở đảng trong các đơn vị sự nghiệp và tổ chức cơ sở đảng trong các đơn vị lực lượng vũ trang.
Bài học kinh nghiệm qua 30 năm đổi mới (1986 – 2016)
Trên cơ sở tổng kết 30 năm đổi mới (1986 – 2016), Đảng ta đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm lớn sau đây:
Một là, trong quá trình đổi mới phải chủ động, không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại. Đây là bài học về sự kiên định và sáng tạo.
Hai là, đổi mới phải vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân. Đây là bài học về phát huy sức mạnh của Nhân dân.
Ba là, đổi mới phải toàn diện, đồng bộ, có bước đi phù hợp, phải xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, tập trung giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề do thực tiễn đặt ra. Đây là bài học về đổi mới toàn diện, đồng bộ và xuất phát từ thực tiễn.
Bốn là, phải đặt lợi ích của quốc gia – dân tộc lên trên hết; kiên định độc lập, tự chủ, đồng thời chủ động, tích cực hội nhập quốc tế trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đây là bài học về lợi ích dân tộc và phát huy sức mạnh tổng hợp.
Năm là, phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội và của cả hệ thống chính trị; tăng cường mối quan hệ mật thiết với nhân dân. Đây là bài học về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Xem thêm :
Tài liệu ôn tập môn Kiến thức chung kỳ thi công chức kì thi 2020- Chuyên đề 1 : Khái quát chung
Tài liệu ôn tập môn Kiến thức chung kỳ thi công chức kì thi 2020- 180 câu trắc nghiệm
Bài viết khác cùng mục: