Dàn ý + Bài viết phân tích giá trị nhân đạo của Vợ chồng A Phủ. Đây là một trong những giá trị cơ bản của một tác phẩm văn học. Thể hiện tinh thần nhân đạo, tấm lòng của người nghệ sĩ đối với hiện thực, con người và cuộc đời, từ đó hướng bạn đọc đến gần hơn với những giá trị, cảm xúc tốt đẹp, gần người, gần đời hơn.
Giá trị nhân đạo chính là một thuật ngữ mang giá trị cơ bản trong các tác phẩm văn học hiện nay. Giá trị này được tạo nên từ cảm giác của nhà văn thông qua sự miêu tả chi tiết nhân vật, sự việc, thể hiện nỗi xót thương của con người với con người, nỗi đau của những số phận bất hạnh hoặc khó khăn trong xã hội. Thông qua tác phẩm văn học của mình, các tác giả còn thể hiện giá trị nhân đạo ở sự tôn trọng, sự sẻ chia đối với những nét đẹp trong tâm hồn của những mảnh đời. Từ đó khởi dậy những niềm tin vươn lên trong cuộc sống, vượt qua khó khăn.
Dàn ý chi tiết giá trị nhân đạo của Vợ chồng A Phủ
I – Mở bài
– Dẫn dắt giới thiệu được tác giả, tác phẩm và vấn đề cần nghị luận: Giá trị nhân đạo trong “Vợ chồng A Phủ”.
Ví dụ: Tô Hoài là một trong số những nhà văn có cống hiến lớn với nền văn học dân tộc. Các tác phẩm của ông để lại luôn mang giá trị nội dung và nghệ thuật đặc sắc. Đến với đoạn trích “Vợ chồng A Phủ”, ta nhận ra được giá trị nhân đạo sâu sắc, mới mẻ thấm đẫm trong từng câu chữ, trang văn của tác phẩm.
II – Thân bài
1, Giá trị nhân đạo là gì
– Giá trị nhân đạo là gì? => Đây là một trong những giá trị cơ bản của một tác phẩm văn học. Thể hiện tinh thần nhân đạo, tấm lòng của người nghệ sĩ đối với hiện thực, con người và cuộc đời, từ đó hướng bạn đọc đến gần hơn với những giá trị, cảm xúc tốt đẹp, gần người, gần đời hơn.
– Giới thiệu khái quát tác giả tác phẩm: “Vợ chồng A Phủ” là tác phẩm Tô Hoài viết sau chuyến đi thực tế dài ngày ở vùng núi Tây Bắc với bộ đội. Tác phẩm kể về cuộc đời làm dâu gạt nợ đầy đau đớn của Mị, bị áp bức, bóc lột, để rồi cuối cùng vùng vẫy thoát ra, hướng đến tương lai tươi sáng hơn.
2, Phân tích, chứng minh
* Niềm cảm thương sâu sắc cho số phận những người dân bị áp bức
– Cuộc sống của Mị không khác nào con ở – một con ở không công, không lương. Bị bắt về làm dâu, không khác gì một món hàng, với giá trị bằng món nợ của cha mẹ Mị. Ngày ngày làm việc, đêm đêm chỉ được ở trong căn buồng với ô cửa sổ bé bằng bàn tay, ánh sáng chẳng thể chiếu qua được, lúc nào cũng mờ mờ, trắng trắng khiến Mị chẳng thể nào phân biệt được đâu là ngày hay đêm.
– Người đàn bà trong gia đình thống lí từng bị trói đứng đến chết, người chị dâu của Mị bị chúng bóc lột, đối xử tệ hại đến không còn dáng vẻ ban đầu nữa.
– Cả A Phủ, từ một chàng trai tự do, chỉ vì cách xử kiện, phạt vạ của chúng mà trở thành con ở. Ngày ngày làm những công việc với vô vàn nguy hiểm, có thể mất mạng bất cứ lúc nào.
* Tố cáo và lên án chế độ phong kiến miền núi tàn ác, những hủ tục lạc hậu
– Bóc lột sức lao động của người dân, đàn áp, coi đồng tiền, tài sản hơn mạng sống của người khác.
+ Chúng bắt Mị làm việc ngày đêm không ngơi nghỉ, để rồi qua năm tháng Mị phải nghĩ rằng “Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi”. Làm việc quanh năm suốt tháng, liên tục, thậm chí còn không được bằng con trâu con ngựa bởi chúng còn có lúc được nghỉ ngơi, được chăm sóc. Còn Mị, mang tiếng là con dâu, nhưng chẳng khác nào con ở không công cả đời cho nhà thống lí.
+ Khi A Phủ làm mất bò, bò bị hổ tha đi mất, chúng bắt A Phủ tự tay chôn cọc, lấy dây trói mình lại chờ đến khi nào tìm được bò thì thôi. Ai cũng rõ rằng bò đã mất rồi, sao có thể tìm được nữa? Chính điều đó đã thấy rõ rằng chúng cố tình đày đọa, cố tình áp bức, chèn ép người dân lao động.
– Sử dụng những hủ tục lạc hậu, thủ đoạn độc ác đày đọa con người (cúng trình ma, bắt vợ, xử kiện phạt vạ, cho vay nặng lãi…)
+ Chúng cho người dân vay nặng lãi, dùng cách cúng trình ma để hù dọa người dân, mỗi năm lãi càng thêm nhiều. Điển hình là gia đình Mị. Bố mẹ Mị chỉ vì muốn lấy được nhau mà phải vay nhà thống lí tiền. Món nợ ấy ngày qua ngày sinh lãi, lãi mẹ đẻ lãi con, đến khi mẹ Mị mất đi, bố Mị già rồi vẫn chưa hết. Mỗi năm nhà Mị đều phải trả tiền lãi là một nương ngô. Chính món nợ ấy cùng trò cúng trình ma khiến gia đình Mị không thể nào trốn được, khiến Mị mất đi tự do, bố Mị mất đi đứa con gái duy nhất. Hạnh phúc phải đánh đổi bằng cả cuộc đời, bằng tự do.
+ Vì đánh A Sử – đánh con quan, dẫu cho lí do có chính đáng, ấy nhưng người sai vẫn là A Phủ, phải chịu hình phạt nặng nề và xử kiện một cách oan uổng. Suốt đêm chỉ nghe thấy tiếng mắng chửi, hình ảnh hút thuốc phiện, cứ xong một đợt thuốc là lại đánh A Phủ. Không được thanh minh, không được lên tiếng giải thích, cứ thế bị quy chụp cho cái mũ tội lỗi, nộp 100 đồng bạc trắng phạt vạ. Nhưng A Phủ nào có tiền, lại phải vay nhà thống lí. Và đó là lần đầu tiên A Phủ thấy nhiều tiền tới vậy, có lẽ cũng là lần cuối cùng được chạm tới tự do.
* Ca ngợi, nâng niu và trân trọng vẻ đẹp, phẩm chất của những con người miền núi
– Vẻ đẹp con người Mị:
+ Xinh đẹp, giỏi giang, tài năng: Một cô gái có nhan sắc, có tài năng. Có tài thổi lá hay như thổi sáo. “Có biết bao nhiêu người mê, cứ ngày đêm thổi sáo đi theo Mị hết núi này sang núi khác.” Người con gái dân tộc Mèo ấy xinh đẹp và tài năng đến mức “trai đứng nhẵn cả chân vách đầu buồng”.
+ Một người con hiếu thảo: Khi bị bắt về làm con dâu gạt nợ, sự phản kháng, ham muốn tự do của cô gái trẻ khiến Mị không ít lần khóc và nghĩ đến cái chết, thậm chí Mị đã có ý định làm thật. Mị hái nắm lá ngón, trốn về nhà gặp bố mình, quỳ úp mặt xuống mà khóc. Ấy vậy nhưng cuối cùng Mị không chết, Mị ném nắm lá ngón đi, bởi Mị nhận ra, mình chết rồi, nợ vẫn còn đó. Mình chết, cha sẽ khổ, sẽ bị bọn tàn ác đó bóc lột, đàn áp, “khổ hơn bao nhiêu lần bây giờ”.
+ Người lao động chăm chỉ: Mỗi năm nhà Mị đều phải trả cho nhà thống lí một nương ngô. Con số ấy không phải là ít, vậy mà Mị từng có ý định kiên quyết xin cha muốn làm việc trả nợ cho gia đình.Công việc liên tục ập đến với Mị, khiến Mị làm không ngơi tay. Ấy vậy nhưng chưa một lần chậm trễ. Vòng thời gian cứ quay, Mị vẫn cứ liên tục làm việc, hết ngày ngày qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác.
– Sức sống mãnh liệt tiềm tàng, lòng yêu tự do trong Mị:
+ Khi biết mình sẽ trở thành con dâu gạt nợ, Mị khóc, đêm nào cũng khó, thậm chí còn từng nghĩ đến cái chết.
+ Đêm tình mùa xuân: Với những tác động ngoại cảnh, Mị dần hồi sinh trở lại, từ những giác quan, tiềm thức, kí ức, cho đến khát khao và rồi thôi thúc Mị hành động. Mị thấy rạo rực và bồi hổi, nhẩm thầm theo lời bài hát. Những kí ức ngày còn trẻ, khi còn là cô gái xinh đẹp bao người theo đuổi xuất hiện trước mắt Mị, đem Mị sống quay trở lại trong quá khứ. Rồi, tiếng sáo đưa Mị trở lại với hiện thực, khiến Mị nhận ra rằng mình còn trẻ và khát khao, mong muốn được đi chơi. Chính tiếng sáo đã thôi thúc, thúc giục Mị đứng lên, bỏ thêm mỡ vào đĩa đèn cho sáng và sửa soạn đi chơi. Ngay cả khi bị A Sử trói lại vào cột nhà, tâm hồn Mị vẫn phiêu du theo tiếng sáo ngoài kia, không hề hay biết rằng mình đã bị trói.
+ Đêm đông cởi trói cho A Phủ: Cái vô cảm, lạnh lùng của Mị bị dòng nước mắt của A Phủ đánh tan. Mị nhận ra hoàn cảnh của A Phủ và mình giống nhau, cả hai rồi sẽ chết. Mị đã liều lĩnh hành động, cắt dây cởi trói cho A Phủ. Ngay khi A Phủ chạy đi, Mị nhận ra rằng mình cần phải làm gì. Phía trước chờ đợi Mị là một cuộc đời tự do, hạnh phúc. Mị chạy vụt đi, rằng chỉ có chạy trốn, giải thoát chính mình mới là biện pháp tốt nhất. Sức sống đêm tình mùa xuân ấy đã bùng lên mạnh mẽ trong Mị, thôi thúc thành hành động, khiến Mị đuổi theo A Phủ cùng nhau xuống dưới núi.
– Phẩm chất của A Phủ:
+ Khỏe khoắn về thể chất
+ Ngay thẳng, trung thực: Khi thấy A Sử chơi xấu, A Phủ đã không ngần ngại đó là con quan mà né tránh, thẳng thắng tiến tới đòi lại công bằng, đánh A Sử chảy máu.
+ Niềm yêu sống, khao khát tự do: Ngày còn bé, bị bán đi, A Phủ tìm cách trốn thoát. Trong đêm đông, muốn trốn thoát nhưng không thể, bất lực, chàng trai ấy đã rơi nước mắt. Giọt nước mắt trên gò má xám đen ấy chính là khát khao được giải thoát, được trốn khỏi địa ngục nơi đây. Ngay khi Mị vừa cởi trói, A Phủ ngay lập tức chạy đi chẳng hề ngần ngại gì, dứt khoát và kiên quyết. 3, Đánh giá khái quát
– Giá trị nhân đạo đã làm sâu sắc hơn thông điệp, ý nghĩa mà nhà văn Tô Hoài muốn gửi gắm tới cuộc đời và bạn đọc.
– Điểm mới mẻ trong giá trị nhân đạo của ông: Tô Hoài đã mở ra con đường giải thoát, mở lối hướng những người dân ấy tới ánh sáng, tìm được đến tự do của mình, hạnh phúc trong cuộc đời.
III – Kết bài vợ chồng a phủ
Khẳng định giá trị nhân đạo của tác phẩm với vị trí của văn bản, tác giả và văn chương nói chung.
Ví dụ: Tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” mang đậm giá trị nhân đạo sâu sắc và mới mẻ. Dù đã khép lại nhưng những giá trị đó vẫn còn nguyên đến ngày nay, khiến tác phẩm vẫn luôn tỏa sáng, tồn tại mãi trong lòng độc giả và trong vườn hoa văn học, khẳng định thêm cái tài, cái tâm của nhà văn Tô Hoài.
Bài viết phân tích giá trị nhân đạo của Vợ chồng A Phủ
Vợ chồng A phủ nói lên nỗi bất hạnh của người dân trong xã hội lúc bấy giờ trước sự áp bức bóc lột của chế độ thực dân phong kiến. Tác giả đã khắc họa chi tiết cuộc sống cũng như tâm tư tình cảm, khát vọng được tự do của người dân vùng núi miền Tây Bắc, qua đó thể tấm lòng nhân đạo cao cả của nhà văn với người dân.
Tác giả đã khắc họa lên những nhân vật có cuộc đời vô cùng bất hạnh. Có những lúc người đọc tưởng do sự áp bức đè nén quá mức của bọn cường hào hống hách, con người đã trở nên cam chịu, chai lì, họ sẽ tiếp tục sống trong quãng đời tăm tối khổ cực của mình. Nhưng cuối cùng nhân vật đó đã vùng dậy, đấu tranh để tìm lại cuộc sống cho mình. Mị là nhân vật như vậy, Mị là một người xinh đẹp, chăm làm nhưng nghèo khổ, có thể nói “Khổ từ trong trứng”. Bố mẹ nghèo, cưới nhau không có tiền phải vay nợ nhà thống lí. Nợ chưa trả hết, người mẹ đã qua đời. Bố già yếu quá, món nợ truyền sang Mị, Thống lí Pá Tra muốn Mị làm con dâu “gạt nợ”. Mà quan trên đã muốn, kẻ dưới làm sao thoát được! Pá Tra xảo quyệt, lợi dụng tục lệ của người Mèo, cho cướp Mị về. Thế là không có cưới hỏi, không cần tình yêu mà vẫn hoàn toàn hợp lẽ.
Từ lúc bị bắt về làm vợ, cuộc đời Mị coi như chấm dứt. Có ai dám bênh vực Mị! Ngòi bút hiện thực tỉnh táo của Tô Hoài đã phanh trần bản chất bóc lột giai cấp ẩn sau những phong tục tập quán. Cô Mị, tiếng là con dâu nhưng thực sự là một nô lệ, thứ nô lệ người ta không phải là mùa mà lại được tha hồ bóc lột, hành hạ. Mị ở nhà chồng như ở giữa địa ngục. Không có tình thương, không sự chia sẻ vợ chồng; chỉ có những ông chủ độc ác, thô bạo và những nô lệ âm thầm, tăm tối. Dần dần rồi Mị cũng quên luôn mình là con người nữa. Suốt ngày “Mị lầm lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”, lúc nào cũng cúi mặt, thế giới của Mị thu hẹp trong một cái ô cửa sổ” mờ mờ trăng trắng, không biết là sương hay là nắng”. Kết quả của hoàn cảnh sống thật chua xót: “Ở lâu trong cái khổ Mị quen rồi”, cô nhẫn nhục, cam chịu đến thành tê liệt ý thức: “Là con trâu, con ngựa phải đổi từ cái tàu ngựa nhà này sang tàu ngựa nhà khác, con ngựa chỉ biết việc ăn cỏ, biết làm mà thôi”. Ai có thể ngờ cô gái trẻ trung, yêu đời ngày nào thổi sáo hồi hộp chờ đợi người yêu, đã từng hái lá ngón định ăn để khỏi chịu nhục, giờ đây lại chai lì, u mê đến thế. Quả thật hoàn cảnh quyết định tính cách. Nguyên tắc biện chứng của chủ nghĩa hiện thực đã được nhà văn tuân thủ nghiêm ngặt. Sự yếu đuối của kẻ nô lệ, sự vùi dập tàn bạo của bọn bóc lột tất sẽ dẫn đến cảnh ngộ bi đát ấy. Nỗi khổ nhục của cô gái Mèo này thật đã có thể so sánh với nỗi nhục của Chí Phèo khi “Đánh mất cả nhân tính lẫn nhân hình”. (Thật ra, Chí Phèo còn có lúc nghênh ngang, còn dọa nạt được người khác). Nếu xem xét giá trị hiện thực của một tác phẩm như là sự phản ánh chân thật cuộc sống, thì Vợ chồng A Phủ quả là bản cáo trạng hùng hồn về nỗi thống khổ của người phụ nữ miền núi, vừa chịu gánh nặng của chế độ phong kiến, vừa bị trói chặt trong xiềng xích của thần quyền. Tâm lý nơm nớp sợ “Con ma nhà Thống Lý” đã nhận mặt mình từ buổi bị bắt về “cúng trình ma” là một ám ảnh ghê gớm đè nặng suốt cuộc đời Mị (ngay cả đến khi cô đã trốn thoát khỏi Hồng Ngài). Xem thế đủ thấy bọn thống trị cao tay đến nhường nào trong nghệ thuật “ngu dân” để dễ trị.
Bằng ngòi bút miêu tả sắc sảo của mình, nhà văn đã tái hiện lại thực trạng cái xã hội vô nhân đạo, ở đó thân phận người dân nghèo mới mong manh bất ổn làm sao! Ta sững sờ trước cảnh cô Mị lặng lẽ ngồi lơ lửng trong những đêm đông buốt giá, thằng chồng thì đi chơi về khuya ngứa tay đánh Mị ngã dúi xuống đất. Lại còn có cái hình ảnh nhức nhối phũ phàng: người con gái bị trói đứng vào cột trong buồng tối, bị trói chỉ vì muốn đi chơi tết như bạn bè. Sự bất lực của Mị tràn theo dòng nước mắt chua chát trên má môi mà không có cách gì lau đi được.
Xuất hiện bên cạnh cuộc đời cơ cực của Mị là A Phủ. Cuộc đời nô lệ của A Phủ thật ra là sự lặp lại với ít nhiều biến thái chính cuộc đời Mị. Lý do mà Thống Lí Pá Tra buộc A phủ phải thành người ở công không, không phải vì cuộc ẩu đả thường tình của đám trai làng. Mà vấn đề là hắn muốn A Phủ làm nô lệ, làm công cụ kiếm tiền của lão. Không có một chút công lí nào trong xã hội lúc bấy giờ, quyền lực trong tay bọn cường hào ác bá, chúng thích cho đúng là được đúng, thích bắt sai là được sai. Vậy nên mới có cảnh xử kiện quái gở nhất trên đời mà chúng ta được chứng kiến tại nhà Thống Lí. Kết quả là người con trai khỏe mạnh phóng khoáng vì lẽ công bằng mà phải đem cuộc đời mình trả nợ nhà quan.
Giá trị thực nằm ở chỗ, nhà văn đã biết đào sâu vào hiện thực và đã phát hiện ra con đường tất yếu mà các nhân vật của ông đi tới. Đó là tấm lòng cao cả của nhà văn, mở ra cho nhân vật của mình một lối thoát. Sự đè nén quá nặng nề, những đau khổ chồng chất mà bọn thống trị gây ra tất sẽ dồn những kẻ khốn cùng ấy tới sự chống trả và nếu gặp được ánh sáng soi đường, họ sẽ đến được thắng lợi (Tô Hoài có cái may mắn là viết “Vợ chồng A Phủ” sau cách mạng tháng tám). Tất nhiên nhà văn phải có con đường riêng cho sự thể hiện chân thật chân lí đơn giản ấy. Lấy việc miêu tả tâm lí làm điểm tựa vững chắc, Tô Hoài đã tìm ra được sự phát triển logic của tính cách. Đây mới thật sự là một giá trị hiện thực độc đáo của tác phẩm, và là chỗ có sức thuyết phục mạnh mẽ nhất. Tô Hoài đã chỉ ra sự hợp lí của quá trình tha hóa nhân cách của cô Mị thời kì đầu. Mị làm việc nhiều quá, bị đày đọa khổ ải quá, mãi rồi Mị phải “quen”, phải cam chịu. Lúc trước Mị không được quyền tự tử vì sợ liên luỵ với bố; giờ bố chết, nhưng Mị không còn muốn tự tử nữa. Mị như một cái máy, không có ý thức, không cảm xúc ước ao. Liệu cô ta có thể thức tỉnh được nữa không? Nhà văn trả lời: có. Nếu đã có một hoàn cảnh làm tê liệt tâm hồn con người thì cũng sẽ có một hoàn cảnh đánh thức được nó. Hoàn cảnh nào đây? Phép màu nào đây? Kỳ diệu thay và cũng đơn giản thay. Là tiếng sáo Mị tình cờ nghe được giữa một ngày mùa xuân đầy hương sắc. Tất cả chợt sống dậy, Mị thấy lòng “thiết tha bồi hồi” và lập tức nhớ lại cả quãng đời thiếu niên tươi đẹp. Có gì lạ đâu nhỉ? Thanh niên Mèo ai chả yêu tiếng sáo, mà Mị lại là cô gái thổi sáo giỏi. Hơn nữa, tiếng sáo đang chập chờn kia lại nhắc đến tình yêu, “gọi bạn yêu” nó thức dậy trong sâu thẳm trong lòng cô khát vọng tình yêu thương và hạnh phúc. Như vậy tiếng sáo lại động chính cái sức mạnh bền vững, bất diệt nhất của tuổi trẻ, Mị nhớ lại rành rõ “mình vẫn còn trẻ lắm”, rằng “bao nhiêu người có chồng vẫn đi chơi xuân”. Và bên tai Mị cứ “lững lờ”. Tiếng sáo sự bừng tỉnh từ sâu xa trong tâm hồn ấy biểu hiện bên ngoài bằng hành động mới nhìn rất lạ: “Mị lén lấy hũ rượu cứ uống ừng ực từng bát. Rồi say, Mị lịm mặt ngồi đấy”. Có ngọn lửa nào đang cần phải khơi lên hay cần phải dập tắt đi bằng hơi men vậy? Chỉ biết rằng cô gái đã quyết thay váy áo đi chơi, điều mà bao năm rồi cô không nhớ đến. Có thể coi đây là một bước đột biến tâm lí nhưng là kết quả hợp lí toàn bộ quá trình tác động qua lại giữa hoàn cảnh với tính cách nhân vật. Sự “vượt rào” của Mị tuy bị đàn áp ngay (A Sử đã tắt đèn, trói đứng cô vào cột); nhưng ý thức về quyền sống, khát vọng về hạnh phúc đã trở lại. Mị lại biết khóc, lại muốn tự tử. Và những giọt nước mắt trong cái ngày tàn nhẫn này sẽ lưu giữ trong lòng Mị như một vết bỏng rát để đến khi bắt gặp những dòng nước mắt chảy “lấp lánh” trên gò má hốc hác của A Phủ, nó đã biến thành sự đồng cảm sâu sắc giữa những người cùng khổ. Toàn bộ ý thức phản kháng của Mị hiện hình qua một câu hỏi sáng rõ: “người kia việc gì phải chết?” Mị quyết định trong khoảnh khắc: cắt dây trói giải thoát cho A Phủ. Và tất nhiên, Mị cũng bỏ trốn, tự giải thoát chính mình. Hai kẻ trốn chạy chịu ơn nhau, cảm thông nhau, dựa vào nhau để tạo lập hạnh phúc. Thế nhưng cái đồn Tây lù lù xuất hiện và lại có cha con Thống Lí Pá Tra về ở trong đồn, thì họ thật sự bị dồn đến chân tường. Trước mặt họ, chỉ còn sự lựa chọn cuối cùng: trở lại kiếp nô lệ hay chống kẻ thù. Chắc chắn họ thà chết còn hơn lại sống như cũ. Nhưng muốn chống kẻ thù, họ trông cậy vào ai? Cách mạng đã đến với họ đúng giây phút ấy. Mị và A Phủ đi theo cách mạng, sẽ thuỷ chung với cách mạng như một lẽ tất yếu!
Qua việc khắc họa thành công hai nhân vật chính trong truyện, Tô Hoài đã tái hiện chân thật và sinh động cuộc hành trình từ đau khổ, tối tăm ra phía ánh sáng cách mạng của những người dân lao động với chế độ cũ. Tác phẩm đem lại cho bạn đọc nhận thức đúng đắn về con đường cách mạng dân tộc dân chủ ở nước ta. Ngoài ra giá trị hiện thực của truyện còn được gia tăng bằng màu sắc địa phương rất đậm nét với cảnh sắc, phong tục, sinh hoạt của người Mèo, bằng bản sắc tâm hồn độc đáo của các nhân vật. Cùng một số phận, một cảnh ngộ, những diễn biến tâm lí của Mị rất khác A Phủ. A Phủ mạnh mẽ, bộc trực, dứt khoát. Mị dường như chính chắn hơn nhưng lại yếu đuối hơn.
Với những cảnh đời éo le, với những nỗi khổ đau đến cùng cực, tưởng như mãi mãi phải chìm trong u tối, thì các nhân vật đã tỉnh ngộ, vùng dậy một cách bất ngờ và cương quyết, đó chính là thành công lớn nhất của tác phẩm và lá giá trị cao đẹp của tác phẩm. Tác giả đã có sự cảm thông sâu sắc trước nỗi đau của Mị và A Phủ, trân trọng ý thức nhân phẩm, khát vọng giải phóng và tin ở khả năng tự làm chủ trước cuộc đời của hai con người đau khổ này.
Bài viết khác cùng mục: